Bệnh U Nang Buồng Trứng
Bệnh u nang buồng trứng là u lành xuất hiện ở 1 hoặc 2 bên buồng trứng, bên trong chứa dịch lỏng, chất nhầy hoặc tổ chức bã đậu, tóc… Bệnh lý này có thể gặp ở nữ giới mọi độ tuổi nhưng phổ biến hơn ở người từ 20 - 50 tuổi. U nang có thể tự biến mất nhưng cũng có nhiều trường hợp phải điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Tổng quan
Bệnh u nang buồng trứng (Ovarian Cysts) là dạng u lành tính xuất hiện, phát triển ở một hoặc hai bên buồng trứng. Đặc điểm của u nang là các khối u có vỏ bọc bên ngoài và bên trong chứa dịch. Dạng u này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ cho đến phụ nữ trưởng thành và sau mãn kinh.
U nang buồng trứng phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản với tỷ lệ 12.8/100.000 phụ nữ. Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều lành tính nhưng nguy cơ ác tính gia tăng theo độ tuổi nên cần phải điều trị sớm. May mắn thay, đa phần các khối u đều có thể tự thuyên giảm hoặc thậm chí là biến mất chỉ sau vài tháng mà không cần can thiệp.
Dù vậy, u nang buồng trứng cũng có thể gây ra biến chứng xoắn, vỡ nang dẫn đến viêm phúc mạc. Đặc biệt, thai phụ bị u nang cần được theo dõi chặt chẽ để tránh các biến chứng thai kỳ.
Phân loại bệnh
Bệnh u nang buồng trứng được chia thành khá nhiều loại dựa vào đặc điểm mô bệnh học và căn nguyên.
U nang cơ năng
U nang cơ năng là các dạng u lành tính xuất hiện do buồng trứng rối loạn nội tiết. Dạng u này thường không đáng lo ngại vì mô bệnh học gần như không thay đổi. U ít khi phát triển ác tính và nguy cơ gặp phải biến chứng cũng khá thấp.
U nang cơ năng có 2 loại là nang bọc noãn và nang hoàng thể:
- Nang bọc noãn: Khi noãn phát triển đến mức cao nhất sẽ tạo thành nang De Graff. Sau đó, nang sẽ vỡ để giải phóng noãn. Tuy nhiên do rối loạn nội tiết, nang De Graff có thể không vỡ vào ngày quy định, sau đó phát triển lớn dần tạo thành nang bọc noãn. Nang bọc noãn thường tự biến mất sau 60 ngày mà không cần điều trị.
- Nang hoàng thể: Nang hoàng thể là loại u nang cơ năng khá phổ biến, gồm có 2 loại là nang tế bào vỏ và nang tế bào hạt. Nang tế bào vỏ thường có màu vàng rơm, xuất hiện cùng lúc ở 2 bên buồng trứng. Kích thước nang nhỏ, thường xuất hiện do hiện tượng quá mẫn trong kích thích phóng noãn và hội chứng buồng trứng đa nang. Nang tế bào hạt thường gặp hơn, xuất hiện sau khi phóng noãn.
Đặc điểm của u nang cơ năng là liên quan đến rối loạn nội tiết ở buồng trứng. Đa phần đều tự biến mất và ít trường hợp phải can thiệp điều trị.
U buồng trứng thực thể
Có 60 - 80% trường hợp u nang buồng trứng là u buồng trứng thực thể. U thực thể là các dạng u có thay đổi về giải phẫu nên nguy cơ ác tính hóa cao hơn dạng u cơ năng. U buồng trứng thực thể được chia thành các loại như sau:
- U nang nước: U nang nước là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 40% ca bệnh bị u nang buồng trứng. Đặc điểm của dạng u này là kích thước lớn, bên trong chứa dịch trong, có cuống dài, vỏ mỏng. Nếu là u ác tính thường chứa dịch màu vàng, vỏ nhẵn, mạch máu tăng sinh hình lược.
- U nang nhầy: U nang nhầy chiếm 10 - 20% trường hợp bị u nang thực thể. Khoảng 85% trường hợp là u lành tính, gặp chủ yếu ở phụ nữ từ 30 - 50 tuổi. Đặc điểm của dạng u này là bên trong có nhiều vách ngăn chia cách các thùy, trong nang chứa nhiều nhầy màu vàng. U nang nhầy là loại u nang buồng trứng có kích thước lớn nhất.
- U nang bì: Tỷ lệ bị u nang bì chiếm 25% trong tổng số trường hợp bị u nang buồng trứng. Bên trong khối u có thể chứa dịch bã đậu, tóc, răng được phát triển từ tế bào mầm. U nang bì thường gặp ở phụ nữ trẻ tuổi từ 20 - 30 tuổi, đa phần là lành tính.
- Lạc nội mạc tử cung tại buồng trứng: Lạc nội mạc tử cung tại buồng trứng sẽ gây ra u nang có màu nâu đậm, vỏ ngoài mỏng và dễ vỡ. U do lạc nội mạc tử cung sẽ làm phá hủy tổ chức buồng trứng lành, từ đó gây rối loạn phóng noãn và tăng nguy cơ vô sinh - hiếm muộn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
U nang buồng trứng là bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Dù tần suất mắc bệnh rất phổ biến nhưng nguyên nhân chưa được biết rõ. Kết quả từ những nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy một vài yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Rối loạn nội tiết: Nội tiết ở buồng trứng bị rối loạn là nguyên nhân trực tiếp gây u nang. Rối loạn có thể do căng thẳng, suy nhược hoặc do sử dụng các loại thuốc kích thích nang trứng phát triển như Clomiphene, Letrozole…
- Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung là tình trạng tế bào nội mạc tử cung phát triển ở những vị trí bên ngoài lòng tử cung. Trường hợp xuất hiện và phát triển ở buồng trứng sẽ gây ra các u nang. Do đó, nếu bị lạc nội mạc tử cung, nguy cơ bị u nang buồng trứng sẽ gia tăng đáng kể.
- Nhiễm trùng vùng chậu: Nhiễm trùng ở vùng chậu không được kiểm soát có thể tấn công vào buồng trứng gây hình thành u nang. Đây cũng là lý do cần điều trị dứt điểm nhiễm trùng vùng chậu để tránh biến chứng.
- Tiền sử u nang buồng trứng: Tương tự như u xơ tử cung, u nang buồng trứng có thể tái phát sau một thời gian. Vì vậy, nguy cơ sẽ tăng lên nếu có tiền sử bị u nang.
- Di truyền: U nang buồng trứng có liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu bà, mẹ, chị em ruột mắc căn bệnh này, nguy cơ sẽ tăng lên đáng kể. Trường hợp gia đình có tiền sử mắc bệnh, nên tầm soát định kỳ để phát hiện sớm.
Không chỉ riêng u nang buồng trứng mà các dạng u lành tính khác ở như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung cũng chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng. May mắn thay, phần lớn đều là u tính, ít tiến triển thành u ác tính. Dù vậy, chủ động thăm khám và điều trị khi có dấu hiệu bất thường là điều cần thiết.
Triệu chứng và chẩn đoán
Hầu hết các trường hợp bị u nang buồng trứng đều không có triệu chứng. Một số u nang cơ năng có thể tự mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu u phát triển lớn có thể gây chèn ép vùng chậu, u nang có cuống dễ bị xoắn gây ra biến chứng vỡ.
U nang buồng trứng gây ra các triệu chứng không điển hình. Các triệu chứng có thể gặp phải bao gồm:
- Đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng chậu.
- Có cảm giác nặng ở bụng dưới.
- Đầy hơi.
- Khó tiểu, táo bón.
- Rối loạn kinh nguyệt (thường là vòng kinh thưa/ mau, rong kinh,...).
- Trường hợp u nang bị xoắn gây vỡ nang sẽ có dấu hiệu cảnh báo như đau dữ dội, đột ngột, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa.
Biểu hiện của u nang buồng trứng cũng có sự khác biệt ở từng loại u nang:
- Nang bọc noãn: Thường không có triệu chứng, đôi khi gây ra tình trạng chu kỳ kinh ngắn hoặc dài hơn bình thường. Ra máu bất thường, nang phát triển lớn có gây đau khi giao hợp.
- Nang hoàng thể: Nang hoàng thể thường gây trễ kinh, vô kinh, đau vùng chậu.
- U nang nước: U nang nước có biểu hiện không rõ ràng như đau vùng chậu, rối loạn kinh nguyệt.
- U nang nhầy: U nang nhầy cũng không gây ra triệu chứng điển hình. Nhiều trường hợp không có biểu hiện hoặc chỉ bị đau âm ỉ ở vùng chậu, đau khi quan hệ. Khi u phát triển lớn sẽ gây chèn ép bàng quang, ruột dẫn đến tiểu khó, táo bón.
- U nang bì: Gần như không có triệu chứng, chỉ phát sinh cơn đau dữ dội, mệt mỏi, buồn nôn… do u bị xoắn hoặc vỡ.
- Nang buồng trứng do lạc nội mạc tử cung: Đau bụng dữ dội khi hành kinh, đau hạ vị và đau khi giao hợp.
Chẩn đoán
U nang buồng trứng không có biểu hiện điển hình nên đa phần đều được phát hiện khi đã xuất biến chứng xoắn, vỡ nang. Những trường hợp còn lại vô tình phát hiện khi khám phụ khoa định kỳ.
Các bước chẩn đoán bệnh u nang buồng trứng bao gồm:
- Khám lâm sàng (khai thác triệu chứng, khám tổng quát, khám phụ khoa bằng mỏ vịt, sau đó khám âm đạo, trực tràng…)
- Cận lâm sàng (thử nghiệm thai, siêu âm, X-quang, chụp buồng tử cung - vòi trứng có chất cản quang…)
Nếu xuất hiện triệu chứng đau vùng chậu đột ngột, dữ dội, ớn lạnh, buồn nôn… cần thăm khám sớm để được xử trí. Biến chứng xoắn, vỡ nang không được can thiệp kịp thời có thể gây vô sinh và thậm chí là tử vong.
Biến chứng và tiên lượng
Nhiều trường hợp u nang buồng trứng có thể tự biến mất mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, nếu là u nang thực thể bắt buộc phải theo dõi và điều trị trong trường hợp cần thiết. U nang không được can thiệp sẽ phát triển lớn dần gây chèn ép ổ bụng, tăng nguy cơ ác tính hóa và gây xoắn, vỡ.
Các biến chứng thường gặp của bệnh u nang buồng trứng:
- Xoắn u nang: Xoắn u nang thường xảy ra với các khối u có cuống dài, nhất là u bì. Đây là biến chứng thường gặp với dấu hiệu cảnh báo là đau vùng chậu dữ dội, đột ngột, buồn nôn, nôn mửa. Xoắn u nang có thể gây hoại tử buồng trứng do mạch máu bị xoắn làm cản trở lưu lượng máu đến buồng trứng.
- Nhiễm khuẩn nang: U nang có thể bị nhiễm khuẩn dẫn đến viêm và dính vào các tạng xung quanh. Nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở tất cả các loại u nang nhưng thường gặp ở u nang bì và nang hoàng thể. Biến chứng này khiến kích thước nang gia tăng chèn ép lên bàng quang, trực tràng.
- Xuất huyết nang: Xoắn nang không được xử trí kịp thời sẽ gây xuất huyết. Biến chứng này gây ra các dấu hiệu vô cùng rõ rệt như đau dữ dội, mệt mỏi, ngất xỉu, hạ huyết áp…
- Vỡ u nang: Vỡ u nang thường xảy ra sau khi u nang bị xoắn. Dịch bên trong nang tràn ra các tạng gây viêm phúc mạc với những biểu hiện như nôn ói, đau dữ dội, cơn đau lan ra khắp bụng dưới.
- Thoái hóa ác tính: Một số ít trường hợp u nang buồng trứng ác tính hóa. Biến chứng này có tiên lượng rất xấu. Nếu phát hiện sớm có thể cắt bỏ buồng trứng để tránh di căn.
- Biến chứng sản khoa: U nang buồng trứng ở phụ nữ mang thai thường tự biến mất vào tháng thứ 4 thai kỳ. Một số ít trường hợp phát triển lớn dần gây sinh non, sảy thai, vô sinh, nhau tiền đạo. Phụ nữ bị u nang buồng trứng thường sinh khó do u làm cản trở quá trình chuyển ngôi của thai nhi.
- Các biến chứng khác: Ngoài những biến chứng kể trên, bệnh u nang buồng trứng còn gây ra các biến chứng khác như u nang bán xoắn, nứt u nang, chèn ép bàng quang, trực tràng, niệu quản…
Bệnh u nang buồng trứng đa phần là u lành, nhiều trường hợp có thể tự thuyên giảm mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, không được chủ quan vì u có thể phát triển lớn gây xoắn, vỡ, nhiễm trùng, ác tính hóa…
Nếu được điều trị sớm, tiên lượng thường tốt. Do đó, trường hợp nghi ngờ bị u nang buồng trứng hoặc gia đình có tiền sử mắc căn bệnh này nên thăm khám định kỳ.
Điều trị
Có khá nhiều lựa chọn khi điều trị bệnh u nang buồng trứng, phụ thuộc vào loại u, kích thước u, tình trạng sinh sản và mong muốn của người bệnh. Nếu không có triệu chứng và kích thước u nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi thay vì can thiệp.
Các phương pháp điều trị bệnh u nang buồng trứng bao gồm:
Theo dõi
Theo dõi thường được chỉ định với u nang cơ năng. Dạng u nang này có liên quan đến rối loạn nội tiết ở buồng trứng. Vì vậy, sau khoảng 60 ngày, u sẽ tự biến mất. Đối với u nang trong thai kỳ, khối u có thể thuyên giảm về kích thước hoặc biến mất hoàn toàn vào tháng thứ 4.
Nếu được chỉ định theo dõi, cần tái khám thường xuyên theo lời dặn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật siêu âm để đánh giá liệu u nang có thay đổi về số lượng và kích thước hay không.
Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc có thể ngăn chặn hình thành thêm u nang và hạn chế tình trạng u nang phát triển lớn. Loại thuốc thường được sử dụng là thuốc tránh thai. Thuốc giúp ngăn chặn hiện tượng phóng noãn, từ đó hạn chế hình thành thêm các u nang cơ năng.
Phẫu thuật
U nang cơ năng hiếm khi có chỉ định phẫu thuật - ngoại trừ trường hợp nang lớn chèn ép các tạng và gây đau nhiều. Phẫu thuật u nang buồng trứng sẽ dựa vào những nguyên tắc sau:
- U nang thực thể cần được phẫu thuật sớm, tốt nhất sau khi chẩn đoán.
- U nang nhầy nên phẫu thuật cắt bỏ cả 2 bên buồng trứng để tránh tái phát.
- U nang bì có thể phẫu thuật loại bỏ khối u, bảo tồn buồng trứng.
- U nang nước ở người lớn tuổi tốt nhất nên phẫu thuật cắt bỏ cả 2 bên buồng trứng. Với người trẻ, nên cắt bỏ 1 bên buồng trứng có u nang, bảo tồn bên lành.
- U nang ở phụ nữ mang thai nên theo dõi trong vòng 3 tháng. Nếu u không thuyên giảm kích thước, phải tiến hành bóc nang vào tháng thứ 4 thai kỳ.
- U nang ở người cao tuổi cần sinh thiết để phòng ngừa, phát hiện ung thư sớm.
Phòng ngừa
U nang buồng trứng là bệnh phụ khoa chưa rõ nguyên do. Vì vậy, không thể phòng ngừa căn bệnh này. Tuy nhiên, các bác sĩ Sản phụ khoa vẫn khuyến khích nữ giới thực hiện các biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Thăm khám, điều trị sớm tình trạng vòng kinh thưa, vô sinh - hiếm muộn.
- Kiểm soát hội chứng buồng trứng đa nang.
- Nên tầm soát định kỳ nếu tiền sử gia đình bị u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung.
- Không hút thuốc lá, kiêng bia rượu và chất kích thích.
- Có thể giảm nguy cơ bị u nang buồng trứng bằng lối sống lành mạnh, duy trì nội tiết ở mức cân bằng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh u nang buồng trứng?
2. U nang buồng trứng có nguy hiểm không?
3. U nang buồng trứng có thể tự biến mất hay phải điều trị?
4. Phương pháp nào tốt nhất với tình trạng hiện tại?
5. Chi phí điều trị u nang buồng trứng khoảng bao nhiêu? BHYT có chi trả?
6. U nang buồng trứng điều trị mất bao lâu?
7. Bị u nang buồng trứng có cần kiêng gì khi ăn uống, sinh hoạt?
8. Tỷ lệ có con khi bị u nang buồng trứng?
9. Có nhất thiết phải phẫu thuật u nang buồng trứng hay không?
10. Sau điều trị, cần làm gì để ngăn u nang tái phát?
Bệnh u nang buồng trứng là dạng u lành tính xuất hiện ở một hoặc cả bên buồng trứng. Đa số u đều lành tính nhưng vẫn cần thăm khám và theo dõi để can thiệp kịp thời. U nang buồng trứng không thể phòng ngừa, vì vậy nữ giới từ 18 tuổi trở lên nên hình thành thói quen khám phụ khoa 1 lần/ năm.