Bệnh Thoát Vị Rốn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Nội – Tiêu hóaPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Thoát vị rốn là dạng dị tật bẩm sinh phổ biến ở trẻ nhỏ hoặc là bệnh lý nếu xảy ra người lớn. Có nhiều dạng thoát vị rốn với mức độ triệu chứng và nguyên nhân khác nhau. Rất hiếm trường hợp thoát vị rốn gây biến chứng vì đa phần đều tự khỏi khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, bố mẹ không nên chủ quan và theo dõi kỹ để can thiệp điều trị kịp thời trong trường hợp bệnh tiến triển nặng.

Tổng quan

Thoát vị rốn (Umbilical hernia) còn được gọi là thoát vị dây rốn, thoát vị cuống rốn. Đây là tình trạng nội tạng, ruột bên trong ổ bụng thoát khỏi vị trí, lồi ra ngoài thông qua lỗ hở rốn và sa vào các khối cơ xung quanh.

Thoát vị rốn là khối sưng phình to, mềm ở vùng rốn do chứa các tạng thoát vị từ ổ bụng

Đây là một dạng dị tật bẩm sinh phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chiếm tỷ lệ khá cao > 70% do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chủ yếu xảy ra ở trẻ sinh non < 1.5kg và hiếm khi xảy ra ở người lớn.

Đa phần các trường hợp trẻ bị thoát vị rốn sẽ tự khỏi khi trẻ lên 3 - 4 tuổi hoặc một vài trẻ lâu hơn từ 5 - 6 tuổi mới hết hẳn mà không cần can thiệp. Chỉ riêng những trường hợp khối thoát vị không tự đóng lại mới phải cần can thiệp phẫu thuật để xử lý.

Phân loại

Dựa vào đặc điểm và tiến triển khối thoát vị rốn, bệnh được chia làm 3 loại cơ bản nhằm phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị.

  • Thoát vị rốn giai đoạn nhẹ: Là sự xuất hiện của khối thoát vị trong tháng đầu tiên sau sinh. Quan sát thấy vùng rốn chỉ hơi sưng và lồi nhẹ, kích thước < 2cm và có tiên lượng tốt, tự khỏi khi trẻ lớn lên, cơ bụng phát triển.
  • Thoát vị rốn giai đoạn giữa: Kích thước khối thoát vị > 2cm và có xu hướng tăng dần kích thước liên tục theo thời gian. Dạng thoát vị rốn này cần được theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện sự bất thường và can thiệp điều trị kịp thời.
  • Thoát vị rốn dạng vòi voi (Procosboid hernia): Đây là dạng thoát vị rốn nghiêm trọng nhất khi các bộ phận nội tạng như ruột, mạc nối ruột, một đoạn phúc mạc, gan, lá lách... thoát vị hẳn ra khỏi rốn. Trường hợp này cần được điều trị y tế ngay khi phát hiện, thường là ở giai đoạn sơ sinh để xử lý ngay, ngăn ngừa biến chứng về sau.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Các nguyên nhân gây thoát vị rốn ở người lớn và trẻ nhỏ được các chuyên gia phân tích như sau:

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trẻ chào đời với dây rốn còn gắn trên bụng và được cắt đi ngay sau khi sinh. Phần cuống rốn sẽ khô, teo lại, rụng đi trong vòng 1 - 2 tuần và để lại lỗ rốn. Lỗ rốn này sẽ dần đóng lại theo quá trình phát triển và lớn lên của trẻ. Trường hợp các cơ bụng xung quanh lỗ rốn không đóng kín lại sẽ gây ra thoát vị rốn.

Thoát vị rốn là một dạng dị tật bẩm sinh xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh

Dị tật bẩm sinh thoát vị rốn thường xảy ra kèm theo với các bất thường khác ở trẻ sơ sinh như:

  • Rối loạn nhiễm sắc thể, chẳng hạn như NST Trisomy 18, Trisomy 13, Trisomy 21 (hội chứng down)...;
  • Hội chứng Beckwith - Wiedeman;
  • Teo ruột;
  • Dị tật thận và bất thường tim mạch khi còn ở trong giai đoạn bào thai;

Đối với người lớn

Áp lực lớn tác động lên ổ bụng là nguyên nhân gây ra thoát vị rốn ở người lớn. Tình trạng này xuất hiện ở nhiều trường hợp như:

Phụ nữ mang thai nhiều lần hoặc mang đa thai có nguy cơ cao bị thoát vị rốn

  • Khuân vác vật nặng thường xuyên;
  • Thừa cân béo phì;
  • Mắc các bệnh lý gây ho dai dẳng;
  • Vết sẹo cũ giữa bụng do phẫu thuật;
  • Ảnh hưởng từ hội chứng cổ trướng (tình trạng chứa chất lỏng trong khoang bụng);
  • Đã từng thực hiện thẩm phân phúc mạc trong điều trị suy thận;

Yếu tố nguy cơ 

  • Trẻ sinh non với trọng lượng < 1.5kg;
  • Trẻ sơ sinh da đen có nguy cơ thoát vị rốn cao hơn so với trẻ da trắng;
  • Phụ nữ mang đa thai hoặc thừa cân cũng làm tăng nguy cơ phát triển khối thoát vị rốn;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tình trạng thoát vị rốn được biểu hiện thông qua các triệu chứng điển hình gồm:

Xuất hiện khối phình to ở rốn, không đau và chỉ thấy được khi trẻ khóc, ho hoặc ưỡn người là những triệu chứng điển hình ở trẻ bị thoát vị rốn

  • Xuất hiện khối phình ở chính giữa rốn hoặc gần rốn, có đường kính khoảng 1 - 5cm;
  • Vùng da tại khối thoát vị rốn mềm, sưng phù, đỏ ửng;
  • Khối thoát vị chỉ phình to ra khi trẻ ho, khóc, rặn hoặc ưỡn người, ngược lại khi trẻ nằm nghỉ ngơi bình thường, khối phình sẽ biến mất;
  • Trẻ sốt, khó chịu, nôn mửa và thường không gây đau;
  • Đại tiện khó hoặc táo bón hoàn toàn, lẫn máu trong phân;

Tùy theo mức độ thoát vị rốn nhẹ hoặc nặng mà các triệu chứng sẽ được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Bố mẹ cần chú ý theo dõi và đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Chẩn đoán 

Các triệu chứng lâm sàng của thoát vị rốn thường không đặc hiệu nên rất khó để đưa ra kết luận chẩn đoán ở bước này. Bác sĩ vẫn sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh cá nhân của trẻ và thăm hỏi mẹ về quá trình mang thai.

Chẩn đoán thoát vị rốn thường dựa vào các xét nghiệm và kỹ thuật hình ảnh như chụp X-quang hoặc siêu âm

Sau đó, thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng sau để có đủ cơ sở đưa ra chẩn đoán chính xác về mức độ, nguyên nhân và cách xử lý thoát vị rốn:

  • Siêu âm bụng;
  • Chụp X quang hoặc nội soi dạ dày có cản quang;
  • Chụp CT scan và xét nghiệm máu (nếu cần thiết);

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết các trường hợp thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh được phát hiện đều không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi khi trẻ lớn lên mà không để lại bất kỳ di chứng nào. Tuy nhiên, phụ huynh không nên chủ quan vì vẫn có tỷ lệ phát sinh biến chứng ở những trường hợp dị tật nặng, khối thoát vị không tự trở về vị trí trong ổ bụng do có một đoạn quai ruột bị kẹt.

Tắc nghẽn ruột dẫn đến hoại tử và tử vong đột ngột là những biến chứng nguy hiểm nhất khi bị thoát vị rốn

Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, lưu lượng máu đến đoạn ruột này không đủ để nuôi dưỡng sẽ gây tổn thương các mô ruột, đau nhức (hội chứng Strangulated hernia). Nghiêm trọng hơn là biến chứng tắc nghẹt ruột, hoại tử, nhiễm trùng lan tỏa toàn bộ ổ bụng, tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết và đe dọa đến tính mạng.

Một số biến chứng thoát vị rốn khác (hiếm gặp hơn) như:

Điều trị

1. Điều trị nội khoa

Đây là bước điều trị cơ bản đầu tiên được chỉ định trước khi chỉ định phẫu thuật. Được thực hiện thông qua các bước sau:

Chăm sóc y tế khẩn cấp đối với những trẻ bị thoát vị rốn có các triệu chứng nghiêm trọng như nôn mửa, đau đớn dữ dội, khối thoát vị sưng to...

  • Bù đủ lượng dịch cần thiết do mất nước quá mức qua ruột, khoảng 200 - 300ml dịch/ kg/ 24 giờ đầu thông qua truyền tĩnh mạch;
  • Đặt thông dạ dày nhằm giải phóng áp lực trong ruột;
  • Giữ cho cơ thể mát mẻ, tránh giảm thân nhiệt đột ngột;
  • Giữ ẩm rốn và khối thoát vị, bảo vệ nội tạng bên trong cơ thể trẻ bằng lớp phủ vải ẩm vô trùng, không dính (loại thường dùng là miếng gạc y tế lớn thấm dầu parafin);
  • Truyền tĩnh mạch kháng sinh phổ rộng (gentamicin hoặc ampicillin) nhằm chống nhiễm trùng;
  • Đối với người lớn bị thoát vị rốn cần thực hiện tầm soát dị tật, nguy cơ sinh non hoặc suy hô hấp;

2. Phẫu thuật

Đây là phương pháp can thiệp ngoại khoa được áp dụng phổ biến trong điều trị thoát vị rốn nói riêng và các dạng thoát vị khác nói chung. Được thực hiện khi tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Theo thống kê, phần lớn trẻ sơ sinh bị thoát vị rốn đều khả năng tự phục hồi trước khi trẻ được 1 tuổi. Nhưng với những trường hợp ngoại lệ, khối thoát vị không thể tự quay về ổ bụng sẽ phải can thiệp phẫu thuật. Phương pháp này được chỉ định khi:

  • Trẻ bị thoát vị rốn đến hơn 4 tuổi vẫn không tự hết;
  • Đường kính vòng rốn phát triển > 1.5cm và có các triệu chứng bất thường như đau nhức dữ dội, nôn ói...
  • Kết quả chụp X quang cho thấy khối thoát vị bao gồm các cơ quan nội tạng đang ngăn chặn sự hoạt động của nhu động ruột;
  • Một đoạn quai ruột bị mắc kẹt ở rốn và tiên lượng thấp trong việc tự phục hồi;

Đối với người lớn

Hầu như những trường hợp bị thoát vị rốn ở người lớn mức độ nặng đều được chỉ định phẫu thuật càng sớm càng tốt để ngăn chặn biến chứng.

Phẫu thuật thoát vị rốn nhằm mục đích kéo giãn, làm chắc thành bụng và đẩy khối thoát vị trở lại vị trí đúng trong ổ bụng

Tùy từng trường hợp thoát vị rốn cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng kỹ thuật phẫu thuật thoát vị rốn phù hợp:

Trường hợp áp lực trong ổ bụng < 20mmHg

Thường được chỉ định thực hiện phẫu thuật thông qua các kỹ thuật sau:

  • Kéo giãn thành bụng;
  • Giải phóng áp lực bên trong ruột và dạ dày;
  • Kết hợp làm sạch hết phân su bên trong đại tràng của trẻ;
  • Kiểm tra toàn bộ ổ bụng để phát hiện dị tật và xử lý dứt điểm trước khi đưa các tạng quay trở về ổ bụng. Chẳng hạn như có biến chứng teo ruột nhưng tiên lượng còn tốt sẽ tiến hành cắt bỏ đoạn ruột bị tổn thương hoặc viêm nhiễm, sau đó nối lại với đoạn ruột khỏe. Đợi khoảng vài tuần để phục hồi có thể mổ đưa nội tạng thoát vị về lại ổ bụng;

Trường hợp áp lực trong ổ bụng > 20mmHg

Bệnh nhân trong trường hợp này thường có biến chứng cản trở hô hấp và quá trình tuần hoàn máu đến các tĩnh mạch chi dưới, ruột, thận. Do khối thoát vị lớn nhưng khoang bụng của trẻ quá nhỏ không thể chứa hết các nội tạng. Phẫu thuật được tiến hành như sau:

  • Kéo giãn thành bụng bằng kỹ thuật Silo và túi chất dẻo silicone polymer. Phương pháp này nhằm giúp các tạng giảm dần kích thước và tăng không gian trong khoang bụng để chứa đựng được toàn bộ nội tạng;
  • Trong vòng 1 - 2 tuần, các tạng sẽ dần quay trở về vị trí đúng trong ổ bụng;

3. Chăm sóc hậu phẫu 

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực và theo dõi sát sao để kịp thời xử lý các bất thường.

  • Đo chỉ số áp lực đường thở và áp lực tĩnh mạch trung ương;
  • Vài ngày đầu sau mổ phải truyền dưỡng chất qua tĩnh mạch, sau đó khi dần phục hồi lại có thể ăn uống lỏng, mềm, dễ tiêu;
  • Duy trì kiểm soát và điều chỉnh các rối loạn mất cân bằng điện giải, rối loạn đông máu bằng các biện pháp y tế chuyên môn do nhân viên y tế thực hiện;
  • Tiếp tục giữ ống thông dạ dày giải áp cho đến khi chức năng phổi phục hồi hoàn toàn;
  • Kết hợp vệ sinh vùng rốn và tránh để trẻ khóc, rặn mạnh hoặc quấy phá gây tác động đến vết mổ;
  • Đưa trẻ đến bệnh viện tái khám theo lịch hẹn do bác sĩ chỉ định;

Phòng ngừa

Thoát vị rốn là căn bệnh không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu, nhưng có thể phát hiện được thông qua khám thai định kỳ trong giai đoạn mang thai. Đồng thời, mẹ bầu cần chú ý:

Phụ nữ mang thai có một thai kỳ khỏe mạnh, nguy cơ sinh non thấp giúp giảm tỷ lệ trẻ mắc chứng thoát vị rốn khi chào đời

  • Chăm sóc sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa sinh non;
  • Duy trì cân nặng phù hợp;
  • Tránh thừa cân béo phì;
  • Ăn uống dinh dưỡng đủ chất, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ;
  • Tránh làm việc nặng nhọc để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh;
  • ...

Đối với những trẻ đã bị thoát vị rốn, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được thăm khám, chẩn đoán và xử lý bằng phương pháp phù hợp, giảm thiểu tối đa các nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao con tôi bị thoát vị rốn?

2. Tiên lượng tình trạng bệnh có nặng không?

3. Cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán thoát vị rốn?

4. Con tôi bị thoát vị rốn có chữa khỏi được không?

5. Phương pháp điều trị thoát vị rốn hiệu quả nhất hiện nay là gì?

6. Những lợi ích và rủi ro khi điều trị thoát vị rốn theo phương pháp được chỉ định?

7. Trẻ bị thoát vị rốn có cần phẫu thuật không?

8. Tôi cần làm gì để chăm sóc con trong quá trình điều trị bệnh thoát vị rốn?

9. Điều trị thoát vị rốn có tốn kém không? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

10. Sau điều trị, thoát vị rốn có tái phát không?

Thoát vị rốn là dị tật có khả năng tự hồi phục ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải 100% trường hợp đều như vậy, vẫn có những trường hợp khối thoát vị không tự hồi phục bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật. Do đó, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý và theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của con, sớm phát hiện bất thường và điều trị kịp thời để giảm thiểu nguy cơ phát sinh các biến chứng khó lường.