Bệnh Suy tĩnh mạch mạn tính

Suy tĩnh mạch mãn tính là căn bệnh có liên hệ mật thiết với chứng huyết khối tĩnh mạch sâu. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng như sưng đau chân, ngứa ngáy khó chịu và hạn chế khả năng đi lại. Đa số các trường hợp bệnh đều không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống. Các chọn lựa điều trị hiệu quả đối với tình trạng này như nâng cao chân, mang vớ nén, liệu pháp xơ hóa hoặc can thiệp phẫu thuật. 

Tổng quan

Suy tĩnh mạch mạn tính (Chronic Venous Insufficiency - CVI) là tình trạng bệnh lý tim mạch, xảy ra khi các tĩnh mạch ở chân bị tổn thương không thể bơm máu trở lại tim một cách hiệu quả. Hậu quả khiến máu tích tụ dồn lại trong tĩnh mạch chân, làm tăng áp suất trong các tĩnh mạch.

Suy tĩnh mạch mãn tính xảy ra khi các tĩnh mạch ở chân không thể bơm máu trở lại tim như bình thường

Tình trạng này gây đau nhức khó chịu, sưng viêm và thay đổi màu sắc da chân của bạn. trường hợp nặng có thể hình thành các vết loét hở trên chân. Hầu hết các trường hợp suy tĩnh mạch mạn tính đều không quá nguy hiểm đến tính mạng, không ảnh hưởng đến các chi. Tuy nhiên, vẫn rất cần phải thăm khám và điều trị để kiểm soát triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính xảy ra phổ biến, thường ảnh hưởng đến những người > 50 tuổi, càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh càng cao. Ảnh hưởng đến khoảng 1/3 người trưởng thành.

Phân loại

Chứng suy tĩnh mạch mạn tính được phân chia làm 2 loại gồm: thể nguyên phát và thứ phát. Bao gồm:

  • Thể nguyên phát: Đây là tình trạng các tĩnh mạch không được hình thành đúng cách hay còn gọi là yếu tố bẩm sinh ngay từ khi sinh ra. Hậu quả gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khi trưởng thành, trong đó bao gồm cả chứng suy tĩnh mạch mạn tính.
  • Thể thứ phát: Tổn thương tĩnh mạch suy giãn xảy ra do chấn thương, phẫu thuật hoặc nhiều tình trạng sức khỏe, điều kiện y tế khác, chẳng hạn như chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).

Ngoài ra, dựa vào vị trí tổn thương ở bất kỳ tĩnh mạch chân nào, suy tĩnh mạch mạn tính được phân chia làm 3 dạng gồm:

  • Tĩnh mạch sâu: Là hệ thống các tĩnh mạch lớn nằm sâu trong cơ thể chạy qua các cơ trong cơ thể.
  • Tĩnh mạch bề mặt: Là các tĩnh mạch nằm gần với bề mặt da.
  • Tĩnh mạch đục lỗ: Có nhiệm vụ kết nối các tĩnh mạch nông và sâu.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có nhiều nguyên nhân gây suy tĩnh mạch mạn tính, chẳng hạn như:

Chứng huyết khối tĩnh mạch sâu là các cục máu đông trong tĩnh mạch sâu ở chân gây tổn thương van khởi phát suy tĩnh mạch

  • Ít vận động thể chất: Thường xảy ra khi đứng hoặc ngồi trong thời gian dài, khiến lượng máu ở chân phải hoạt động nhiều hơn để chống lại áp lực máu để chảy ngược về tim. Hậu quả gây căng thẳng cho các van trong tĩnh mạch, khiến chúng suy yếu dần theo thời gian.
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu: Đây là tình trạng cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu ở chân. Điều này làm tổn thương các van trong tĩnh mạch, dẫn đến suy tĩnh mạch mạn tính. Một số tình trạng khác tương tự có thể gây tổn thương tĩnh mạch, dẫn đến căn bệnh này như sưng giãn tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch hoặc các chấn thương ở chân.
  • Một số yếu tố khác: Ngoài ra, một số yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ gây suy tĩnh mạch mạn tính như:
    • Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới;
    • Người trên 50 tuổi;
    • Người thừa cân - béo phì;
    • Phụ nữ mang thai hoặc đã mang thai hơn 1 lần;
    • Tiền sử gia đình có người từng mắc suy tĩnh mạch mạn tính hoặc hình thành cục máu đông;
    • Hút thuốc lá;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng của suy tĩnh mạch mạn tính thường biểu hiện khác nhau ở mỗi người, nhưng phổ biến nhất là các dấu hiệu sau:

Triệu chứng suy tĩnh mạch mãn tính thường gặp nhất là sưng đau, ngứa ngáy khó chịu, đổi màu da chân và chuột rút

  • Sưng phù chân và bàn chân;
  • Đau nhức âm ỉ hoặc đau nhói như dao đâm;
  • Giãn tĩnh mạch khiến các tĩnh mạch phình to, nổi ngoằn ngoèo trên bề mặt da;
  • Thay đổi màu sắc da ở chân và bàn chân, da dày lên và loét;
  • Cảm giác ngứa chân, bàn chân;
  • Chuột rút, nhất là vào ban đêm;

Chẩn đoán

Do các triệu chứng suy tĩnh mạch mạn tính tương tự với các tình trạng khác, chẳng hạn như suy tĩnh mạch mạn tính hoặc bệnh động mạch ngoại vi, nên rất khó để chẩn đoán chính xác bệnh thông qua thăm khám lâm sàng. Do đó,  bệnh nhân thường được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:

Suy tĩnh mạch mãn tính được chẩn đoán thông qua siêu âm và một số xét nghiệm hình ảnh khác

  • Siêu âm Duplex: Đây là kỹ thuật chẩn đoán đặc biệt, kết hợp giữa siêu âm cơ bản với siêu âm Doppler. Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh các tĩnh mạch ở chân, bàn chân, cho phép bác sĩ quan sát các tổn thương, tắc nghẽn mạch máu. Đây là xét nghiệm không xâm lấn và không đau, thời gian thực hiện khoảng 30 phút.
  • Chụp tĩnh mạch: Được thực hiện bằng cách tiêm một loại thuốc nhuộm chuyên dụng vào trong tĩnh mạch ở bàn chân, chân, giúp quan sát hình ảnh tĩnh mạch rõ nét. Kết quả giúp chẩn đoán tổn thương tĩnh mạch hoặc tắc nghẽn, từ đó giúp bác sĩ dễ dàng lên kế hoạch điều trị phù hợp.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Bác sĩ có thể được chỉ định thực hiện chụp CT hoặc MRI để có cái nhìn chi tiết hơn về tĩnh mạch và các mô xung quanh. Xét nghiệm này giúp phát hiện các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn góp phần gây ra suy tĩnh mạch mạn tính như cục máu đông hoặc khối u.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh nhân mắc chứng suy tĩnh mạch mãn tính có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm sau:

  • Loét tĩnh mạch: Đây là tình trạng máu lưu thông kém ở chân và gây ra các vết loét. Chúng gây đau nhức, lâu lành dù được điều trị tích cực. Hoặc có thể gây nhiễm trùng nếu không được điều trị.
  • Cục máu đông: Những cục máu đông được hình thành ở một trong các các tĩnh mạch sâu ở chân, gây thuyên tắc phổi do chúng di chuyển từ chân đến phổi, ngăn chặn các động mạch trong phổi của bạn khiến phổi thiếu hụt oxy, dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
  • Chảy máu: Suy tĩnh mạch mãn tính gây tổn thương ở chân, ảnh hưởng đến các vấn đề về tuần hoàn, có thể gây chảy máu nhiều. Nếu không được cầm máu và chăm sóc tích cực, mất máu có thể đe dọa đến tính mạng.

Loét tĩnh mạch, hình thành cục máu đông và xuất huyết nghiêm trọng là biến chứng nguy hiểm của bệnh

Đa số các trường hợp bị suy tĩnh mạch mãn tính thường không nguy hiểm đến tính mạng và không phải cắt cụt chi. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng, gây đau nhức, khó chịu và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Bệnh suy tĩnh mạch mãn tính không thể chữa khỏi dứt điểm hoàn toàn. Nhưng bệnh nhân vẫn có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách thay đổi lối sống, giúp kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và đem lại cho bệnh nhân sự khỏe mạnh, cuộc sống tốt hơn.

Điều trị

Nếu được chẩn đoán suy tĩnh mạch mãn tính, bệnh nhân sẽ được chỉ định áp dụng một số biện pháp điều trị phù hợp, bao gồm:

Điều trị nội khoa

Hay còn gọi là phương pháp điều trị không xâm lấn, được chỉ định thực hiện nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, giúp bệnh nhân thoải mái hơn. Một số phương pháp được khuyến nghị thực hiện bao gồm:

Nâng cao chân hoặc mang vớ nén giúp cải thiện triệu chứng sưng viêm, đau nhức khó chịu

  • Nâng cao chân: Cách thực hiện là nâng cao chân hơn tim nhằm giảm áp lực trong các tĩnh mạch chân. Mỗi ngày bạn có thể thực hiện điều này trong khoảng 30 phút, mỗi ngày 3 lần hoặc nhiều hơn.
  • Mang vớ nén: Hay còn gọi là liệu pháp nén được các chuyên gia khuyến nghị thực hiện để điều trị suy tĩnh mạch mãn tính. Liệu pháp này giúp giảm sưng và sự khó chịu ở chân cùng các triệu chứng khác.
  • Chườm nhiệt: Người bệnh có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh để cải thiện triệu chứng sưng viêm, đau nhức khó chịu.
  • Liệu pháp nén khí nén ngắt quãng (IPC): Đây là thiết bị ống bơm hơi được đeo ở chân nhằm giúp thúc đẩy máu lưu thông qua các tĩnh mạch.
  • Tập thể dục: Đây cũng là một trong những cách giúp tăng cường khả năng bơm máu trong cơ thể, ưu tiên đi bộ hàng ngày, mỗi lần 30 - 45 phút để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Dùng thuốc: Để điều trị suy tĩnh mạch mãn tính, bệnh nhân thường được chỉ định sử dụng một số loại thuốc sau:
    • Thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng hoặc cải thiện triệu chứng viêm nhiễm do có vết loét trên da;
    • Thuốc chống đông máu hay thuốc làm loãng máu nhằm điều trị biến chứng cục máu đông, giảm cảm giác sưng đau nhức khó chịu;
    • Một số trường hợp có thể quấn Unna để băng vết thương kết hợp thuốc gel oxit kẽm;

Thủ thuật y tế

Trường hợp suy tĩnh mạch mãn tính với các triệu chứng nặng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số thủ thuật y tế, nhưng không phải phẫu thuật, bao gồm:

Xơ hóa trị liệu là một trong những thủ thuật điều trị suy tĩnh mạch mãn tính khá hiệu quả

  • Xơ hóa trị liệu: Được thực hiện bằng cách tiêm dung dịch chất lỏng vào trong tĩnh mạch mạng nhện hoặc tĩnh mạch bị giãn. Kết quả tạo ra sẹo trong tĩnh mạch, điều chỉnh dòng chảy máu qua các tĩnh mạch khỏe mạnh hơn.
  • Cắt bỏ nhiệt nội mạch: Phương pháp này sử dụng sóng vô tuyến tần số cao hoặc tia laser để phát ra nhiệt độ cao. Nhiệt nóng này giúp đóng tĩnh mạch bị tổn thương lại nhưng vẫn giữ tại chỗ. Ưu điểm của phương pháp này đem lại hiệu quả cao, nhưng lại ít gây chảy máu hoặc bầm tím.

Can thiệp phẫu thuật

Đối với những trường hợp suy tĩnh mạch mãn tính nghiêm trọng, bệnh nhân được chỉ định thực hiện phẫu thuật ngay lập tức để xử lý tổn thương. Tùy mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng kỹ thuật phẫu thuật phù hợp:

Những trường hợp suy tĩnh mạch mãn tính nghiêm trọng có thể được chỉ định phẫu thuật loại bỏ hoặc sửa chữa tổn thương

  • Phẫu thuật thắt: Đoạn tĩnh mạch bị tổn thương nghiêm trọng, có thể được cắt bỏ và buộc chặt lại để ngăn máu không thể chảy qua.
  • Phẫu thuật microincision: Hay còn gọi là phẫu thuật cắt tĩnh mạch cấp cứu, đây là thủ tục xâm lấn tối thiểu, nhằm mục tiêu làm giãn tĩnh mạch gần bề mặt da. Kỹ thuật này được thực hiện thông qua các vết nhỏ hoặc chọc kim trên tĩnh mạch, sau đó dùng móc cắt tĩnh mạch nhằm loại bỏ đoạn tĩnh mạch có vấn đề.
  • Phẫu thuật đục lỗ nội soi dưới da (SEPS): Đây cũng là một trong những suy tĩnh mạch mãn tính tối thiểu điều trị suy tĩnh mạch mãn tính hiệu quả. Được thực hiện bằng cách tạo một lỗ phía ngay trên mắt cá chân. Sau đó, dùng một cái kẹp để chặn lại các tĩnh mạch bị tổn thương, điều hướng máu không chảy qua tĩnh mạch này. Đồng thời, giúp các vết loét lành lại nhanh chóng và ngăn ngừa tái phát.
  • Phẫu thuật bắc cầu tĩnh mạch: Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy một đoạn tĩnh mạch khỏe mạnh từ một vị trí khác trong cơ thể để định tuyến lại dòng máu chảy xung quanh tĩnh mạch bị tổn thương. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được chỉ định thực hiện khi các phương pháp khác không hiệu quả.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa suy tĩnh mạch mãn tính, bạn chỉ cần nắm rõ các yếu tố rủi ro gây ra bệnh và tích cực chăm sóc sức khỏe bằng các biện pháp đơn giản sau:

  • Nói không với thuốc lá và các chất kích thích khác.
  • Tránh mặc quần áo quá bó sát, nhất là bó vào vùng thắt lưng.
  • Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu trong thờ gian dài, nhất là khi làm các công việc như đứng dậy và di chuyển nhẹ nhàng để thư giãn tĩnh mạch, tăng cường tuần hoàn máu.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe, hạn chế sử dụng muối và các loại gia vị cay nóng khác.
  • Tập thể dục đều đặn hàng ngày vừa giúp nâng cao sức khỏe vừa tăng cường miễn dịch, duy trì cân nặng phù hợp.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ, nhất là với những người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao để sớm phát hiện các dấu hiệu sớm để kịp thời điều trị, ngăn ngừa các biến chứng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh suy tĩnh mạch mãn tính?

2. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

3. Những biến chứng nguy hiểm nào có thể xảy ra khi tôi mắc bệnh này?

4. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán suy tĩnh mạch mãn tính?

5. Bệnh suy tĩnh mạch mãn tính có điều trị khỏi dứt điểm được không?

6. Phương pháp điều trị nào phù hợp dành cho trường hợp bệnh của tôi?

7. Kỹ thuật phẫu thuật suy tĩnh mạch mãn tính tôi nên áp dụng? Có rủi ro nào không?

8. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe sau phẫu thuật?

9. Chi phí phẫu thuật tốn bao nhiêu? Có dùng thẻ BHYT được không?

10. Chứng suy tĩnh mạch mãn tính có tái phát sau điều trị không?

Suy tĩnh mạch mãn tính là vấn đề sức khỏe phổ biến, chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi. Tình trạng này không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, ảnh hưởng khả năng đi lại. Do đó, hãy chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt để kiểm soát bệnh, ngăn ngừa biến chứng khó lường có thể xảy ra trong tương lai.