Bệnh suy buồng trứng sớm
Suy buồng trứng sớm có thể khiến phụ nữ đối mặt với rủi ro vô sinh. Nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố từ đời sống đến chất lượng sức khỏe của phụ nữ. Để phòng tránh những rủi ro không mong muốn, người bệnh cần được thăm khám sớm.
Tổng quan
Suy buồng trứng sớm (primary ovarian insufficiency – POI) là tình trạng ngừng hoạt động của buồng trứng, xảy ra ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Người bị suy buồng trứng sớm không chỉ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất mà còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng chức năng sinh sản.
Khi buồng trừng không hoạt động như bình thường, các hormone sinh dục không được sản sinh bao gồm estrogen, progesterone. Do đó, ở phụ nữ trước 40 bị suy buồng trứng sớm các đặc điểm sinh dục, khả năng điều kinh bị suy giảm, thay đổi bất thường gây khó khăn cho việc thụ thai hoặc thậm chí ngăn cản hoàn toàn quá trình thụ thai.
Hiện nay tỷ lệ bé gái sau dậy thì vài năm mắc chứng suy buồng trứng được ghi nhận khá cao. Tuy nhiên do sự thiếu hiểu biết về chứng bệnh này, nhiều trường hợp phát hiện bệnh chậm làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của phụ nữ. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ vô sinh ở thanh thiếu niên ngày càng cao.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Những nguyên nhân có liên quan đến hiện tượng suy buồng trứng sớm được đề cập đến bao gồm:
- Rối loạn hệ thống tự miễn của cơ thể đối với trường hợp bệnh nhân đang điều trị bệnh nan y bằng phương pháp hóa - xạ trị. Một số rối loạn di truyền gây biến đổi nhiễm sắc thể, đột biến gen cũng là nguyên nhân gây suy buồng trứng sớm.
- Tình trạng cân nặng sụt giảm một cách đột ngột do chị em phụ nữ kiêng khem quá mức, giảm cân không kiểm soát khiến nội tiết tố thay đổi. Điều này có thể khiến phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, tắc kinh, mắc chứng suy buồng trứng sớm dẫn đến hiếm muộn vô sinh.
- Một vài trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân. Các chuyên gia cho rằng những đối tượng này có thể bị suy giảm chức năng buồng trứng nguyên phát, chịu ảnh hưởng từ tác động bên trong và bên ngoài cơ thể.
- Phụ nữ có thói quen uống bia rượu từ sớm, hút thuốc lá,... có khả năng bị suy giảm chức năng buồng trứng. Ngoài ra, một số hóa chất khác có trong thuốc trừ sâu, môi trường, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất hóa phẩm màu,... có thể là tác nhân gây bệnh lý suy buồng trứng sớm cho phụ nữ.
- Các vấn đề về sức khỏe tinh thần cũng là yếu tố góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh về buồng trứng cho phụ nữ. Đặc biệt là những chị em phụ nữ phải sống trong môi trường bạo hành, sức khỏe tinh thần suy kiệt, chịu nhiều áp lực, stress trong thời gian dài. Nội tiết tố thay đổi do ảnh hưởng từ sức khỏe tinh thần khiến chị em có nguy cơ bị suy giảm chức năng buồng trứng.
- Ngoài các nguyên nhân kể trên, hiện tượng nạo phá thai từ sớm, đã có tác động ngoại khoa lên buồng trứng cũng là yếu tố rủi ro gây suy giảm chức năng buồng trứng.
Chị em phụ nữ khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường nên thăm khám sớm. Kiểm tra chức năng buồng trứng và các chẩn đoán cần thiết góp phần tìm ra nguyên nhân gây bệnh và để hướng khắc phục phù hợp, đảm bảo sức khỏe sinh sản, sức khỏe tổng thể cho người bệnh.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Phụ nữ bị suy buồng trứng sớm có khả năng đối mặt với nguy cơ vô sinh, hiếm muộn. Đây là bệnh lý phụ khoa không chị em nào mong muốn gặp phải. Tuy nhiên do sự chủ quan, không thăm khám sớm khi có triệu chứng nghi ngờ nên nhiều bệnh nhân bỏ lỡ giai đoạn đầu, điều trị bệnh chậm trễ.
Một phần vì các dấu hiệu khởi phát dễ nhầm lẫn với biểu hiện nội tiết thông thường nên nhiều chị em chủ quan. Bên cạnh đó do các bé gái, phụ nữ dưới 40 tuổi chưa có kiến thức về bệnh lý này nên gây khó khăn trong việc thăm khám sức khỏe sớm.
Nếu trường hợp bạn có những dấu hiệu dưới đây, tốt nhất bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ phụ khoa để được thăm khám và điều trị sớm:
- Kinh nguyệt không đều, bị rối loạn trong thời gian dài không cải thiện. Bên cạnh đó, lượng máu kinh ra ít hơn bình thường kèm theo sự thay đổi màu sắc lạ.
- Dễ bị mất ngủ, tỉnh dậy giữa đêm.
- Cơ thể mệt mỏi, thường xuyên bị chóng mặt và buồn nôn.
- Suy giảm ham muốn tình dục, không có hứng thú khi thân mật với bạn tình.
- Ngực nhão, xệ, da dẻ nhăn nheo, tóc dễ gãy rụng.
- Trí nhớ kém bất thường.
- Vùng âm đạo bị khô, xuất hiện cảm giác đau rát khi giao hợp do thiếu chất nhờn.
Cơ thể mệt mỏi kèm theo các dấu hiệu lo lắng bất an, triệu chứng về tim mạch, huyết áp, dễ mắc bệnh loãng xương,... Bệnh nhân nữ cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, khám và chữa bệnh càng sớm càng tốt.
Chẩn đoán
Các tiêu chí xác định suy buồng trứng sớm bao gồm chỉ số nồng độ FSH > 30 hoặc 40 IU/L, gặp khó khăn trong việc thụ thai, nồng độ Estradiol huyết thanh cao hơn hoặc bằng 80pg/L, kèm theo biểu hiện kinh nguyệt bất thường.
Các xét nghiệm cần thực hiện như:
- Kiểm tra nồng độ FSH: FSH (hormone được sản xuất bởi thùy trước tuyến yên của não bộ) có nhiệm vụ kích thích sự phát triển của các tế bào noãn tạo ra chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. FSH sẽ tăng cao ở giai đoạn phụ nữ sắp bước sang tuổi mãn kinh, người đã mãn kinh trên 40 tuổi. Tuy nhiên, nếu dưới 40 tuổi bạn đo được chỉ số này tăng cao rất có nguy cơ bạn đang mắc chứng suy buồng trứng sớm.
- Kiểm tra nồng độ Estradiol: Đây cũng là một loại hormone được tạo ra bởi noãn, xuất hiện sau quá trình FSH kích thích noãn phát triển. Những bệnh nhân bị suy giảm chức năng buồng trứng sớm sẽ có chỉ số Estradiol thấp.
Ngoài các xét nghiệm này, bệnh nhân còn được kiểm tra nhiễm sắc thể để xác định có sự liên quan giữa đột biến và tình trạng suy buồng trứng sớm hay không. Dựa vào kết quả chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn hướng khắc phục phù hợp.
Biến chứng và tiên lượng
Tình trạng suy buồng trứng sớm gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Ngoài ra, phụ nữ mắc phải bệnh lý này còn có nguy cơ bị bệnh về xương khớp, loãng xương sớm, rối loạn lipid máu hoặc các vấn đề về tim mạch khác.
Có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc suy buồng trứng sớm vẫn có khả năng mang thai tự nhiên, tuy nhiên thông thường họ sẽ phải kết hợp thêm các biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên do sự chủ quan của nhiều chị em phụ nữ nên có các trường hợp trứng không còn khả năng thụ tinh, mặc dù đã can thiệp các biện pháp y tế khác.
Đối với chị em phát hiện bệnh và có nhu cầu trữ noãn để tương lai có thể mang thai cần thăm khám và nhận tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Chi phí cho việc trữ noãn, làm thụ tinh ống nghiệm cũng khá đắc đỏ, tốt nhất bạn nên chuẩn bị tinh thần, lắng nghe lời khuyên của chuyên gia để có sự lựa chọn tốt nhất.
Bên cạnh các vấn đề về chức năng sinh sản, người mắc suy buồng trứng sớm nếu không phát hiện và điều trị về lâu dài có thể gây ra nhiều ảnh hưởng khác lên sức khỏe. Các vấn đề kể đến như:
- Ảnh hưởng thị lực, chức năng của mắt giảm, mắt khô, mờ và dễ bị tổn thương.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp ở phụ nữ, đặc biệt là chứng loãng xương khi nội tiết tố bị rối loạn.
- Tăng nguy cơ gây bệnh trầm cảm cũng như các triệu chứng tâm lý nặng nề khác.
- Suy giảm ham muốn tình dục ảnh hưởng đến mối quan hệ đôi lứa, hạnh phúc gia đình.
- Mắc bệnh tim mạch, cholesterol tăng cao, tăng rủi ro bị xơ vữa động mạch ở bệnh nhân nữ mắc suy buồng trứng sớm.
Xem thêm: Bệnh buồng trứng đa nang là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Điều trị
Bệnh nhân cần được thăm khám sớm để có biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu các nguy cơ biến chứng. Một số giải pháp dành cho người bị suy buồng trứng sớm có thể kể đến như:
- Phương pháp thay thế hormone:
Để giúp bệnh nhân mắc suy buồng trứng sớm khắc phục các triệu chứng như bốc hỏa, thiếu hụt estrogen khác, nguy cơ loãng xương,... chỉ định người bệnh thực hiện phương pháp thay thế hormone.
Đối với bệnh nhân vẫn bảo tồn tử cung, kê đơn gồm hormone estrogen và hormone progesterone cho bệnh nhân. Việc bổ sung kịp thời, phù hợp sẽ giúp cải thiện nội tiết cho phụ nữ, đồng thời giúp bảo vệ vùng niêm mạc tử cung tránh các tác động gây tổn thương niêm mạc.
Kinh nguyệt của phụ nữ có thể trở lại khi sử dụng phương pháp này, tuy nhiên điều này không phản ánh chính xác việc khôi phục chức năng buồng trứng hoàn toàn. Bác sĩ còn gọi đây là "kinh nguyệt giả" nhờ hormone thay thế để xuất hiện, không phải là kinh nguyệt tự nhiên.
Biện pháp hormone thay thế có thể được áp dụng trong suốt thời gian phát hiện bệnh cho đến 50 tuổi, giai đoạn mãn kinh. Trong thời gian điều trị, người bệnh sẽ được theo dõi, kiểm tra các vấn đề tim mạch, huyết áp,... Nếu có bất thường, bác sĩ sẽ cân nhắc thay thế giải pháp nhằm cải thiện chứng suy buồng trứng sớm an toàn nhất cho người bệnh.
- Bổ sung Canxi, bổ sung vitamin D:
Hai hoạt chất đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể, nhất là hệ xương khớp. Phụ nữ bị suy buồng trứng sớm có nguy mắc chứng loãng xương, việc bổ sung canxi và vitamin D kịp thời góp phần hạn chế tình trạng này.
Trước khi chỉ định bổ sung, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết, đánh giá mật độ xương của người bệnh. Bệnh nhân có thể sử dụng các sản phẩm bổ sung hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống để đảm bảo nạp đủ lượng dưỡng chất cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Giải quyết vấn đề vô sinh:
Trên thực tế những bệnh nhân mắc chứng suy buồng trứng sớm phải chấp nhận một sự thật là chức năng buồng trứng sẽ không thể phục hồi hoàn toàn. Các phương pháp can thiệp chỉ có tác dụng hỗ trợ, duy trì chức năng buồng trứng, tăng khả năng mang thai cho người bệnh.
Bên cạnh đó, việc buồng trứng ngày càng suy giảm cũng có nhiều ảnh hưởng lên quá trình mang thai. Để hỗ trợ bệnh nhân trong việc có con, nhất là đối tượng suy buồng trứng sớm có nguy cơ hiếm muộn cao, bác sĩ có thể tư vấn phương pháp thụ tinh ống nghiệm hoặc sử dụng trứng được hiến tặng.
Tuy nhiên các giải pháp cho vấn đề vô sinh tương đối tốn kém, bên cạnh đó tỷ lệ thành công 100% giữa các bệnh nhân là không thể. Tùy tình hình sức khỏe của mỗi người mà kết quả làm thụ tinh ống nghiệm sẽ khác nhau. Bệnh nhân quan tâm có thể đến bệnh viện chuyên khoa lớn, gặp bác sĩ giỏi để được khám và tư vấn chi tiết hơn.
- Trữ noãn hoặc xin trứng:
Đối với những chị em phụ nữ bị suy buồng trứng sớm tuy nhiên chưa lập gia đình, bác sĩ có thể tư vấn việc trữ noãn để tăng cơ hội sinh con về sau. Tuy nhiên đối với trường hợp phát hiện suy buồng trứng sớm muộn, khả năng trữ noãn thấp, bệnh nhân có thể phải xin trứng từ người khác nếu muốn sinh con.
Trứng được hiến tặng sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi đã kết hợp thành công vào trong cơ thể bệnh nhân để mang thai và tự mình sinh con. Tham khảo chi phí, các vấn đề liên quan khi đến gặp trực tiếp bác sĩ chuyên khoa sản.
Bên cạnh các biện pháp kể trên, phụ nữ bị suy buồng trứng sớm đừng quên việc tự chăm sóc, điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh. Loại bỏ các thói quen không lành mạnh để góp phần ngăn chặn nguy cơ biến chứng và những vấn đề liên quan đến chất lượng sinh sản sau này.
Phòng ngừa
Tình trạng suy buồng trứng sớm ở phụ nữ xảy ra ngày càng nhiều, thậm chí xuất hiện ở những em bé vừa dậy thì vài năm. Điều này kéo theo hiện trạng tăng mức độ vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới lên cao. Để phòng tránh rủi ro ảnh hưởng sức khỏe tổng thể và sức khỏe sinh sản, phụ nữ nên chủ động phòng tránh bệnh sớm.
Một số lưu ý:
- Ăn uống đủ chất, cần hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều tinh bột xấu, chất béo xấu, đồ ăn quá ngọt hoặc quá mặn.
- Ưu tiên bổ sung rau củ quả, trái cây tươi nhằm cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên cần cân bằng dinh dưỡng, bổ sung với hàm lượng vừa phải, phù hợp.
- Tập luyện thể dục, duy trì vóc dáng cân đối, hạn chế việc giảm cân quá đà, kiêng khem quá mức.
- Bổ sung cho cơ thể các loại vitamin cần thiết thông qua thực phẩm chức năng khi được bác sĩ yêu cầu.
- Giảm căng thẳng, lo âu, cần tìm đến các giải pháp hỗ trợ tâm lý, giải tỏa stress để tránh ảnh hưởng đến nội tiết tố, kéo theo nhiều bệnh lý sinh sản khác ở phụ nữ.
- Khám sức khỏe định kỳ, chủ động đến gặp bác sĩ nếu phát hiện chu kỳ kinh nguyệt bất thường hoặc nhận thấy cơ thể có những biểu hiện lạ.
Có thể bạn quan tâm: Trễ kinh nhưng ra huyết trắng là có thai hay bị gì?
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Suy buồng trứng sớm là bệnh gì?
2. Ai có thể bị suy buồng trứng sớm?
3. Dấu hiệu nhận biết suy buồng trứng sớm là gì?
4. Nguyên nhân gây suy buồng trứng là gì?
5. Suy buồng trứng có chữa được không?
6. Trường hợp muốn mang thai khi bị suy buồng trứng phải làm gì?
7. Có loại thuốc nào điều trị suy buồng trứng không?
8. Khi nào phải trữ noãn khi bị suy buồng trứng sớm? Có rủi ro gì không?
9. Chi phí thụ tinh trong ống nghiệm là bao nhiêu?
10. Suy buồng trứng sớm có tính di truyền không?
Suy buồng trứng sớm gây ra các ảnh hưởng cho phụ nữ về sức khỏe sinh sản, chức năng xương khớp, thị lực,... Nhằm ngăn chặn các biến chứng không mong muốn, phụ nữ nên sớm khám chữa khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu bất thường. Đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn giải pháp can thiệp phù hợp và an toàn nhất.