Bệnh phù mạch (phù Quincke)
Bệnh phù mạch (phù Quincke) biểu hiện tình trạng sưng phù bất thường tại các vùng trên cơ thể. Một số bệnh nhân phù mạch ở bộ phận sinh dục, niêm mạc tiết niệu, thanh quản,... Đa số các trường hợp phù mạch không gây đau đớn dữ dội, cơn đau, ngứa có thể xuất hiện tuy nhiên thường không rõ rệt.
Tổng quan
Bệnh phù mạch (phù Quincke) là bệnh lý không nhiều người mắc phải. Bệnh xảy ra do có sự xuất hiện bất thường tình trạng sưng phù tầng hạ bì, niêm mạc, tổ chức dưới da. Bạn có thể nhận biết bằng mắt thường sự thay đổi này, các tổn thương chỉ kèm theo ngứa, đau nhẹ không gây ra triệu chứng nặng nề.
Sau vài giờ đồng hồ, hiện tượng phù mạch có thể thuyên giảm mà không cần can thiệp chuyên sâu. Phù mạch được phân chia thành nhiều dạng, trong đó phù Quincke có tỷ lệ xuất hiện thấp hơn các dạng thông thường khác. Bệnh có thể xảy ra do di truyền hoặc liên quan đến các giả thuyết về sự biến động hệ thần kinh.
Tuy nhiên theo một số nghiên cứu cho thấy có sự xuất hiện của hiện tượng tràn dịch mô kẽ ở người mắc bệnh phù mạch. Xảy ra phổ biến ở tổ chức mô có liên kết lỏng lẻo tại cổ họng, môi, miệng, mặt, thanh quản hay thậm chí là cơ quan sinh dục. Nhiều vùng khác cũng có khả năng xuất hiện tràn dịch mô kẽ.
Người mắc chứng phù mạch thường khởi phát đơn kẻ, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp xảy ra song song với tình trạng mề đay. Thận trọng khi phát hiện cơ thể xuất hiện các khu vực phù mạch bất thường. Đây có thể là cảnh báo của các bệnh lý nguy hại, trong đó có rủi ro sốc phản vệ do dị ứng, gây suy hô hấp.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây phù mạch (phù Quincke) có liên quan đến yếu tố dị ứng, biến chứng của các bệnh da liễu, bệnh hô hấp và nhiều ảnh hưởng bên ngoài khác. Điển hình như:
Phù mạch do dị ứng:
Người bệnh có thể nhận thấy các biểu hiện phù nề sau khi dùng thuốc, ăn phải thức ăn dị ứng,... Các trường hợp thường gặp như:
- Dị ứng với đậu phộng, hải sản, sữa bò,...
- Dị ứng với đồ uống chứa cồn, chất kích thích.
- Dị ứng khi tiếp xúc với mỹ phẩm chứa hóa chất không phù hợp, nước hoa, phấn hoa hay lông thú nuôi.
- Trường hợp dị ứng do thuốc kháng sinh, dị ứng thuốc kháng viêm,...
Phù mạch do biến chứng:
Một số trường hợp phù nề xuất hiện do liên quan đến bệnh lý không được điều trị đúng cách dẫn đến các biến chứng trên cơ thể. Trong đó có các trường hợp:
- Biến chứng do bệnh hô hấp như viêm phế quản.
- Biến chứng viêm kết mạc dị ứng không có biện pháp kiểm soát phù hợp.
- Biến chứng của tình trạng mề đay, chàm da,...
Ảnh hưởng từ các yếu tố khác:
Bên cạnh khả năng gây phù mạch Quincke do dị ứng và biến chứng bệnh lý, bệnh nhân có thể phát bệnh thông qua các tác nhân bên ngoài. Chẳng hạn:
- Phù mạch liên quan đến tình trạng bị côn trùng cắn.
- Tiếp xúc với nắng, nhiệt độ cao trong thời gian dài.
- Cơ thể tiết quá nhiều mồ hôi gây bí lỗ chân lông.
- Phù mạch khi tiếp xúc hóa chất độc hại.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Phù Quincke gây ra các triệu chứng có thể quan sát bằng mắt thường. Tình trạng phù nề có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Kể đến như:
- Phù mạch ở mặt: Phù nề vùng môi, mí mắt, gò má,... Ngoài vết sưng, người bệnh còn cảm thấy cảm giác mặt nặng nề, kèm đau đầu, buồn nôn nhẹ.
- Phù mạch ở thanh quản: Tình trạng này có thể nói là biểu hiện khá nguy hiểm, có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng. Bệnh nhân phù mạch thanh quản có triệu chứng khó thở, mặt tím tái, da dẻ xanh xao,... do cơ thể bị thiếu hụt oxy. Nếu không phát hiện, lâu dần phù nề có thể gây co thắt thanh quản ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
- Phù mạch đường tiêu hóa: Cơn đau nhức âm ỉ xuất hiện ở vùng bụng, tiếp đến là tình trạng tiêu chảy, táo bón kèm theo tiểu buốt, tiểu rắt hoặc đôi khi có máu. Ngoài ra, bệnh nhân phù mạch đường tiêu hóa còn nhận thấy giọng khàn hơn, đau cổ họng.
- Phù mạch niêm mạc tử cung: Một trong những dạng phù mạch (phù Quincke) gây chảy máu âm đạo kèm theo cơn đau bụng dưới. Mặc dù hiếm gặp nhưng bạn đừng chủ quan khi nhận thấy biểu hiện bất thường ở vùng nhạy cảm, tránh biến chứng nguy hiểm.
Các triệu chứng phù mạch trên da xuất hiện ở chân tay, mặt,... dễ bị nhầm lần với các bệnh ngoài da khác. Điển hình là chứng mề đay, gần như cả hai bệnh lý này đều có những nét tương đồng về triệu chứng. Tuy nhiên so với mề đay, tình trạng phù mạch ít gây ngứa ngáy, đau rát hơn.
Chẩn đoán
Kiểm tra các biểu hiện lâm sàng trên da, hầu họng, bộ phận sinh dục người bệnh đang gặp phải. Nhận định cơ bản tình trạng sưng phù có liên quan đến yếu tố nguy cơ nào. Tiếp đến bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cần thiết tìm ra nguyên nhân gây phù mạch.
Bao gồm:
Chẩn đoán cận lâm sàng:
- Thực hiện test tẩy da: Xác định nguyên nhân gây mẫn cảm trên da.
- Xét nghiệm IgE: Xác định chuyên sâu dị nguyên gây bệnh.
- Xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu.
Chẩn đoán phân biệt:
Thực hiện các biện pháp xét nghiệm, chẩn đoán phân biệt phù mạch với các bệnh lý khác. Như:
- Viêm mô tế bào
- Phù do suy tim
- Phù hạch bạch huyết
- Viêm tắc tĩnh mạch
- Viêm da cơ địa
Sau khi có được kết quả chẩn đoán, dựa trên mức độ tổn thương mà người bệnh đang gặp phải các phương án điều trị được đưa ra. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn hướng điều trị khắc phục nhằm phòng biến chứng, bảo vệ an toàn sức khỏe.
Biến chứng và tiên lượng
Phù mạch xảy ra khi niêm mạc hay những tổ chức dưới da bị sưng phù không rõ nguyên nhân. Tổn thương có thể hình thành sau đó biến mất trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Người bệnh không cần can thiệp điều trị chuyên sâu, tuy nhiên một số trường hợp phù mạch ở những vị trí nhạy cảm có thể kéo dài, gây biến chứng.
Đặc biệt là tình trạng phù mạch ở khu vực thanh quản, phế quản, đường tiết niệu hay bộ phận sinh dục,... Nếu không chủ động khám và kiểm soát khu vực phù nề có thể gây tắc nghẽn, dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn đối với sức khỏe. Trong đó, đừng chủ quan khi gặp phải trường hợp phù mạch đường hô hấp trên.
Người bệnh nếu không phát hiện, chủ quan không tìm giải pháp giảm phù mạch có thể gặp phải các phản ứng nặng nề hơn như khó thở, ho kéo dài, cơ thể tím tái,... trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc phản vệ, thậm chí là tử vong. Chính vì thế bạn đọc nên chủ động khám chữa sớm khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường kể trên.
Điều trị
Bệnh nhân có thể nhận thấy các triệu chứng phù mạch thuyên giảm sau một thời gian không cần điều trị. Tuy nhiên với trường hợp phù mạch ở vị trí thanh quản, bộ phận sinh dục, phù mạch đường tiêu hóa,... cần thăm khám để chẩn đoán phân biệt và tìm hướng khắc phục. Bạn đọc không nên chủ quan để tránh rủi ro gặp phải các biến chứng không mong muốn.
Dựa trên kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp kiểm soát, giảm nhẹ triệu chứng và hỗ trợ phòng ngừa phù mạch tái phát. Dưới đây là các phương pháp thường được chỉ định:
Tránh tiếp xúc tác nhân gây hại:
- Chủ động phòng tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ để bảo vệ cơ thể nhằm không làm phù mạch nghiêm trọng hơn.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, lựa chọn thực phẩm bổ sung phù hợp.
- Dùng thuốc theo hướng dẫn, loại bỏ một số thuốc không phù hợp và là nguyên nhân gây bệnh.
- Điều chỉnh công việc cho phù hợp với điều kiện sức khỏe, tránh làm những công việc phải tiếp xúc với các hóa chất gây dị ứng.
- Bảo vệ cơ thể, tránh nóng, lạnh và tránh tiếp xúc da với ánh nắng mặt trời gay gắt.
- Điều trị giảm mẫn cảm được cân nhắc chỉ định trong điều trị đặc hiệu nhằm loại bỏ các dị nguyên gây bệnh cứng đầu.
Điều trị triệu chứng:
Chỉ định thuốc điều trị triệu chứng phù hợp cho từng đối tượng bệnh nhân. Theo đó, các thuốc được dùng phổ biến kể đến như:
- Thuốc kháng histamin: Chỉ định điều trị tình phù mạch cấp tính và mãn tính liên quan đến tình trạng dị ứng. Thuốc được sử dụng đa dạng, tùy vào tình hình sức khỏe của bệnh nhân để lựa chọn loại tương ứng. Chẳng hạn thuốc kháng histamin Chlorpheniramine, Diphenhydramine, Ketotifen, Cetirizine,... Liều dùng được bác sĩ hướng dẫn chi tiết khi thăm khám.
- Thuốc Glucocorticoid: Chỉ định điều trị phù mạch (phù Quincke), công dụng giảm triệu chứng và dự phòng tái phát. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn, chỉ dùng trong thời gian ngắn không dùng kéo dài để tránh gặp phải các tác dụng phụ ảnh hưởng sức khỏe. Các loại thuốc thường sử dụng như Prednisone, Prednisolone, Methlprenisolone. Uống mỗi ngày không quá 60mg, dùng theo độ tuổi, cân nặng. Thời gian sử dụng từ 5-7 ngày.
- Thuốc Adrenaline (Epinephrine): Dùng trong trường hợp phù mạch xảy ra ở đường hô hấp, bệnh nhân có biểu hiện tụt huyết áp. Sử dụng đường tiêm theo phác đồ, không tự sử dụng thuốc để tránh gặp phải các phản ứng phụ.
- Thuốc giảm đau, giãn cơ: Thuốc cũng được chỉ định sử dụng cho đối tượng phù mạch kèm theo triệu chứng đau bụng bất thường, có chẩn đoán liên quan đến phù Quincke đường tiêu hóa gây co thắt ống tiêu hóa. Thuốc giúp bệnh nhân xoa dịu triệu chứng khó chịu.
Phương pháp chuyên sâu: Can thiệp đặt nội khí quản, mở khí quản cho bệnh nhân phù mạch đường hô hấp nặng có rủi ro nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể được chỉ định trong những trường hợp dùng thuốc nhưng không đạt được kết quả điều trị như mong muốn.
Phòng ngừa
Phù mạch hay còn gọi là phù Quincke sau điều trị vẫn có nguy cơ tái phát nếu người bệnh không biết cách chăm sóc, điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống lành mạnh. Theo đó, để giúp bạn giảm thiểu nguy cơ gặp lại bệnh lý này, một số lưu ý giúp tăng hiệu quả điều trị và dự phòng tái phát như sau:
- Đảm bảo vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, điều này giúp giảm rủi ro viêm nhiễm xảy ra khiến tình trạng phù mạch trở nên nghiêm trọng, nhất là trường hợp bị phù mạch dưới da.
- Lựa chọn trang phục thoải mái, không nên mặc quần áo bó sát, chất liệu vải cần lựa chọn loại thấm hút tốt, mềm mại không gây tổn thương da. Hạn chế mặc các loại vải chất liệu khiến da bị kích ứng như vải len, vải sần sùi,...
- Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hai, lựa chọn sản phẩm làm sạch, dưỡng da phù hợp không chứa thành phần ảnh hưởng đến làn da. Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông chó mèo,...
- Ăn uống đủ chất, hạn chế ăn nhiều đồ ăn cay, nóng, đồ đông lạnh hoặc thực phẩm đóng hộp chứa chất bảo quản,... Ưu tiên ăn hoa quả tươi, uống sữa hạt, bổ sung thực phẩm lành mạnh có lợi cho sức khỏe.
- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, không sử dụng chất kích thích, không dùng đồ uống chứa cồn,...
- Xây dựng thói quen sống khoa học, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao hệ miễn dịch tự nhiên, giúp cơ thể dẻo dai phòng ngừa bệnh phù mạch cũng như nhiều bệnh lý khác.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi mắc bệnh phù mạch là do đâu?
2. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán phù mạch?
3. Vị trí phù mạch của tôi ở đâu? Có nguy hiểm không?
4. Tôi có thể chữa phù mạch bằng thuốc không?
5. Trường hợp tôi không dùng thuốc điều trị chuyện gì sẽ xảy ra?
6. Bệnh phù mạch có khả năng di truyền cho thế hệ con của tôi không?
7. Tôi cần làm gì trong thời gian điều trị để bệnh mau khỏi?
Phù mạch có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào từ các niêm mạc hoặc cấu trúc dưới da,... Bạn đọc nên theo dõi các triệu chứng bất thường của cơ thể, sau đó chủ động đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy chúng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Điều trị kiểm soát phù mạch nhất là trường hợp phù mạch tại các vùng rủi ro cao để đảm bảo an toàn, tránh các biến chứng hại sức khỏe, tính mạng.