Bệnh Nấm nách

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Da liễuPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh nấm nách là căn bệnh nhiễm trùng ở vùng da nách do sự phát triển quá mức của nấm Candida. Điều này thường được khởi phát do các yếu tố như vệ sinh kém, mặc áo chật, tác dụng phụ của thuốc kháng sinh hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu. Các tổn thương đặc trưng của nấm nách như đỏ da, ngứa rát, phát ban, nổi mẩn đỏ... Chúng có thể được kiểm soát bằng thuốc chống nấm dạng bôi hoặc đường uống. 

Tổng quan

Nấm nách (Armpit Yeast Infection) là tình trạng nhiễm nấm da tại vùng nách, được gây ra bởi sự phát triển quá mức của chủng nấm Candida. Loại nấm này luôn tồn tại trên da người với số lượng nhỏ. Nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi, chẳng hạn như da ẩm ướt, vệ sinh kém, nấm có thể phát triển nhanh chóng và dẫn đến nhiễm trùng.

Đặc trưng triệu chứng là những tổn thương da kích ứng, nổi mẩn đỏ, phát ban, sưng tấy và ngứa ngáy khó chịu. Nếu mức độ triệu chứng quá nghiêm trọng, bạn nên chủ động thăm khám và tìm kiếm các biện pháp chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

Bệnh nấm nách là tình trạng nhiễm trùng ở vùng da nách do sự phát triển của mức của nấm Candida

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị nấm nách, từ trẻ nhỏ cho đến người lớn. Nhất là vào mùa hè, thời tiết nóng bức khiến tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, khiến nách luôn trong tình trạng ẩm ướt. Đặc biệt, đối tượng trẻ sơ sinh cũng rất dễ nhiễm nấm nách do hệ thống miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, khiến nấm dễ dàng tấn công xâm nhập và gây nhiễm trùng.

Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng và khó điều trị dứt điểm. Có tính chất tái phát dai dẳng, gây suy giảm chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời, các triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm nhanh sau 2 tuần.

Phân loại

Có 2 dạng nhiễm nấm nách Candida chính, được phân loại dựa vào mức độ nhiễm trùng, bao gồm:

  • Nhiễm trùng bên ngoài: Nhiễm trùng bề mặt chỉ gây ảnh hưởng đến lớp ngoài cùng da. Các triệu chứng khởi phát ban đầu tương đối nhẹ và có thể điều trị khỏi dứt điểm nếu phát hiện sớm, chữa trị đúng cách.
  • Nhiễm trùng xâm lấn: Là tình trạng nhiễm trùng tấn công xâm nhập và ăn sâu vào các lớp da. Thậm chí, chúng còn có khả năng lây lan sang nhiều bộ phận khác trong cơ thể.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính gây bệnh nấm nách là do sự phát triển quá mức của các chủng nấm. Trong đó, phổ biến nhất là bệnh nhiễm trùng nấm Candida ở nách, gây ảnh hưởng chủ yếu đến lớp trên cùng của da. Ngoài ra, còn có 2 dạng khác ít phổ biến hơn như:

  • Nhiễm nấm Intertrigo: Là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở các nếp gấp da, trong đó có nách và gây kích ứng, đỏ da, ngứa ngáy rất khó chịu.
  • Viêm nang lông: Đây là bệnh nhiễm trùng nang lông do nấm Candida, đặc trưng là những nốt mụn màu đỏ trên da ngứa ngáy.

Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân này có thể được kích hoạt bởi rất nhiều yếu tố nguy cơ sau:

Đổ nhiều mồ hôi và vệ sinh kém là một trong những yếu tố tạo môi trường lý tưởng cho nấm Candida phát triển gây nấm nách

  • Vệ sinh kém: Nách là vùng da tương đối nhạy cảm, tập trung nhiều tuyến mồ hôi, thường xuyên trong trạng thái ẩm ướt. Nếu không được vệ sinh kỹ lưỡng, giữ khô thoáng có thể tạo điều kiện cho các vi sinh vật có hại tích tụ và phát triển. Trong đó có tạo môi trường lý tưởng cho nấm sinh sản, nhân lên và gây bệnh nấm nách.
  • Mặc áo chật: Những chiếc áo quá chật, bó sát vào vùng da nách gây cản trở quá trình lưu thông khí, tạo nhiệt và hơi ẩm tại vùng này. Đây chính là những yếu tố thuận lợi sản sinh ra nấm Candida gây nhiễm trùng nách.
  • Hệ miễn dịch kém: Những người có hệ thống miễn dịch kém do bệnh tật như nhiễm HIV/AIDS, ung thư hoặc trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện thường dễ bị nhiễm nấm nách hơn.
  • Bệnh tiểu đường: Theo thống kê, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh nấm nách cao hơn những người khác.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Chủ yếu là thuốc kháng sinh, tuy có tác dụng hiệu quả trong điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn nhưng nó cũng có thể làm phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh vật trên da, tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển quá mức, khởi phát nhiễm trùng nách.
  • Một số yếu tố khác:
    • Phụ nữ mang thai;
    • Người thừa cân béo phì;
    • Người đang hóa trị ung thư;

Triệu chứng 

Mỗi người bệnh bị nhiễm trùng nấm ở nách sẽ có các triệu chứng khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nhưng cơ bản sẽ có một số triệu chứng chung sau đây:

Các triệu chứng nấm nách bao gồm đỏ rát, sưng nóng, ngứa phát ban khó chịu tại vùng da nách

  • Đỏ da, nóng rát và ngứa da ;
  • Phát ban vùng nách, có thể có vảy, bong tróc hoặc nổi kèm các mụn mủ nhỏ;
  • Da nách sưng tấy, mềm khi chạm vào;
  • Rỉ, tiết dịch đặc, màu trắng;
  • Nách phát ra mùi hôi khó chịu;
  • Đau nhức khi chạm vào hoặc cọ xát với áo;

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh nhiễm trùng nấm nách thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng và khám sức khỏe thực thể. Đây là căn bệnh rất phổ biến, các triệu chứng nhiễm trùng cũng rất đặc trưng nên không quá để chẩn đoán.

Chẩn đoán nấm nách thông qua đánh giá triệu chứng lâm sàng kết hợp nuôi cấy da hoặc sinh thiết

Tuy nhiên, để chẩn đoán xác nhận nguyên nhân nhiễm trùng nách là do nấm, bác sĩ thường chỉ định thực hiện thêm xét nghiệm soi tươi mẫu da bệnh dưới kính hiển vi. Cách này giúp tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng và xác định tác nhân nấm. Hoặc cũng có thể tiến hành nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để xác định tác nhân gây nhiễm trùng nách là do nấm candida.

Ngoài ra, ở những người bị tiểu đường hoặc các bệnh lý khác gây suy giảm hệ thống miễn dịch, có thể được chỉ định thực một số xét nghiệm thường quy khác như xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc dịch tiết để kiểm tra nhiễm trùng. Đồng thời, xác định các yếu tố liên quan có thể khởi phát bệnh nhiễm trùng nấm nách.

Biến chứng và tiên lượng

Nhiễm trùng nấm nách là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cho đến người trưởng thành. Tuy nhiên, nhóm bệnh nhân dễ mắc nhất là trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh khiến hệ thống miễn dịch hoạt động kém.

Bệnh thường không có khả năng lây nhiễm từ người sang người, tuy nhiên với những người có hệ miễn dịch kém, nguy cơ mắc bệnh do tiếp xúc gần với bệnh nhân thường cao hơn.  Trong một số trường hợp, nhiễm trùng còn có thể lây lan sang nhiều vùng khác trên cơ thể như cổ, ngực, lưng...

Nhiễm trùng nấm nách không quá nguy hiểm nhưng có khả năng lây lan và tái phát dai dẳng khó điều trị khỏi dứt điểm

Bệnh nấm nách có tính chất dai dẳng, tái phát thường xuyên và nhiều lần trong năm. Đặc biệt, khi người bệnh không tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh, giữ khô thoáng và sạch sẽ vùng nách. Ngoài ra, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, nấm men có thể tự bùng phát trở lại. Bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tính thẩm mỹ của làn da và giảm sút chất lượng cuộc sống.

Đa số các trường hợp bị nấm nách đều có tiên lượng tốt, các triệu chứng được kiểm soát một cách nhanh chóng bằng thuốc và các biện pháp chăm sóc tích cực. Bệnh thường khỏi sau khoảng 2 tuần điều trị bằng thuốc kháng nấm. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thăm khám để được chỉ định điều trị phù hợp đối với tổn thương nhiễm trùng nấm nách, sớm phục hồi sức khỏe và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.

Điều trị

Phương pháp điều trị bệnh nhiễm trùng nấm nách chủ yếu là dùng thuốc kháng nấm dạng bôi tại chỗ hoặc thuốc uống. Cụ thể gồm:

Thuốc bôi chống nấm tại chỗ giúp tiêu diệt nấm và xoa dịu kích ứng da nách

  • Thuốc bôi: Đa số những trường hợp bị nấm nách đều đáp ứng tốt khi sử dụng thuốc chống nấm tại chỗ như clotrimazole hoặc miconazole. Thuốc được điều chế dưới dạng kem bôi trực tiếp lên vùng da bị ảnh hưởng để tiêu diệt nấm.
  • Thuốc uống: Thuốc chống nấm dạng uống được sử dụng phổ biến nhất là itraconazole hoặc fluconazole. Thường được chỉ định cho những trường hợp nhiễm trùng nặng.

Bên cạnh với dùng thuốc, bệnh nhân bị nấm nách cần đảm bảo giữ cho vùng da nách luôn trong trạng thái khô ráo, thoáng mát, ức chế tiết mồ hôi để ngăn chặn nhiễm trùng phát triển nhiều hơn. Một số biện pháp tốt và đơn giản như sau:

  • Dùng bột khô hoặc các chất chống mồ hôi tại chỗ (lăn nách khử mùi). Lưu ý nên chọn loại lành tính để giảm thiểu kích ứng và không gây đau rát, nhiễm trùng nặng hơn;
  • Có thể áp dụng các mẹo hữu ích tại nhà như bôi dung dịch giấm táo, sữa chua hoặc tinh dầu tràm trà để làm sạch, khử trùng vùng da nách;
  • Tắm gội thường xuyên, đặc biệt là vệ sinh vùng nách kỹ lưỡng và thấm khô bằng khăn bông mềm, sạch;
  • Bôi kem dưỡng ẩm chiết xuất lành tính giúp xoa dịu kích ứng, giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trên da;

Phòng ngừa

Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và phòng ngừa các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm nách bằng các biện pháp tích cực sau:

Giữ vệ sinh sạch sẽ và khô ráo vùng da nách là cách hiệu quả giúp phòng ngừa nấm nách

  • Giữ cho da toàn thân, đặc biệt là vùng nách luôn sạch sẽ, khô thoáng bằng cách tắm bằng nước sạch, sử dụng xà phòng diệt trùng và lau khô bằng khăn sạch ngay sau đó.
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng kem chống nấm không kê đơn giúp điều trị dự phòng, giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm trùng nấm nách.
  • Tránh mặc quần áo quá chật, bó sát vào cơ thể để giữ cho da luôn khô thoáng, ức chế sự sinh sản và phát triển của nấm men candida gây nhiễm trùng nách.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tránh sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều đường, carbohydrate tinh chế có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nấm candida.
  • Thay vào đó, tăng cường các nhóm thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất từ rau xanh, trái cây tươi, sữa chua, ngũ cốc... giúp cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột và trên da. Đồng thời, nâng cao hệ miễn dịch chống lại sự phát triển của nấm và nhiều tác nhân gây hại khác.
  • Kiểm soát các bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường, các bệnh gây suy giảm miễn dịch theo chỉ định và khuyến cáo của bác sĩ để giảm thiểu nguy cơ bị nấm nách.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị ngứa rát, phát ban, rỉ dịch mùi hôi từ nách là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân tại sao tôi bị nhiễm trùng nấm nách?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán xác định tác nhân nấm gây bệnh?

4. Tình trạng nhiễm trùng nấm nách của tôi có nghiêm trọng không?

5. Bệnh nấm nách chữa một lần có khỏi dứt điểm được không?

6. Phương pháp điều trị tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

7. Tôi nên dùng thuốc chống nấm dạng bôi hay dạng uống? Những tác dụng phụ của thuốc tôi cần chú ý?

8. Tôi cần làm gì để chăm sóc vệ sinh da hỗ trợ điều trị bệnh nấm nách?

9. Điều trị nấm nách mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

10. Bệnh nhiễm trùng nấm nách có tái phát trở lại sau điều trị không?

Nhiễm trùng nấm nách là tình trạng sức khỏe khó chịu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến vùng nách do nhiễm nấm Candida. Đa số các trường hợp bệnh đều không quá nghiêm trọng, có thể dễ dàng điều trị và ngăn ngừa bằng thuốc chống nấm kê đơn hoặc không kê đơn, kết hợp chăm sóc tích cực tại nhà để cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, do bệnh rất dễ tái phát nên bệnh nhân cần thăm khám thường xuyên để được tư vấn biện pháp điều trị thích hợp.