Bệnh Viêm Nang Lông
Bệnh viêm nang lông là một thuật ngữ được y học sử dụng để chỉ tình trạng da xuất hiện các nốt mụn nhỏ ở nơi sợi lông mọc ra và thường kèm theo cảm giác ngứa rát, khó chịu. Bệnh có thể khỏi mà không để lại sẹo khi được điều trị sớm và chăm sóc da đúng cách.
Tổng quan bệnh học
Bệnh viêm nang lông (Tên tiếng Anh: Folliculitis) là một vấn đề phổ biến về da xảy ra khi các nang lông có hiện tượng nhiễm trùng, viêm đỏ. Lúc này, da sẽ nổi các nốt mụn nhỏ quanh nang lông và có thể chứa mủ trắng kèm theo cảm giác ngứa ngày, đau rát da. Tổn thương trên da có thể lan rộng, tạo thành vết lở loét và để lại vết thâm cùng sẹo xấu do không được điều trị kịp thời.
Ở mức độ nhẹ, viêm nang lông có thể tự khỏi sau vài ngày mà không để lại sẹo nhờ các phương pháp chăm sóc cơ bản, đúng cách. Trường hợp nặng hơn, bạn cần sử dụng thuốc bác sĩ kê đơn hoặc áp dụng các phương pháp chuyên sâu khác.
Viêm nang lông có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến những người thường xuyên cạo râu, tẩy lông, sức đề kháng suy giảm, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, chăm sóc da không đúng cách hoặc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không phù hợp.
Bất cứ khu vực da nào trên cơ thể, từ vùng đầu mặt cho tới chân đều có thể bị viêm nang lông. Bạn nên tìm hiểu và nhận biết các nguyên nhân cùng yếu tố nguy cơ để có phương pháp phòng ngừa, bảo vệ da khỏi sự tấn công của căn bệnh này.
Phân loại
Bệnh viêm nang lông được chia thành các loại như sau:
Theo mức độ tổn thương của nang lông:
- Viêm nang lông nông (Superficial folliculitis): Bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ nang trứng. Nguyên nhân gây viêm nang lông nông chủ yếu là do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm Pityrosporum, lông mọc ngược hoặc thói quen tắm trong bồn nước nóng.
- Viêm nang lông sâu (Deep folliculitis): Đây là một dạng nghiêm trọng của bệnh viêm nang lông vì có ảnh hưởng đến toàn bộ nang. Người bị nhiễm HIV, thường xuyên cạo lông, cạo râu hoặc nhiễm khuẩn tụ cầu sâu dễ mắc dạng viêm nang lông này nhất.
Theo vị trí bị viêm:
- Viêm nang lông ở mặt
- Viêm nang lông ở đầu
- Viêm nang lông ở cằm
- Viêm nang lông ở cổ
- Viêm nang lông ở ngực
- Viêm nang lông ở lưng
- Viêm nang lông ở cánh tay
- Viêm nang lông vùng râu
- Viêm nang lông ở chân...
XEM THÊM: Viêm nang lông da đầu gây rụng tóc: Nhận biết và điều trị sớm
Nguyên nhân & Yếu tố nguy cơ
Bệnh viêm nang lông do các tác nhân bên trong và bên ngoài cơ thể gây ra. Thường gặp nhất là các nguyên nhân dưới đây:
- Tuyến bã nhờn bị rối loạn: Khi tuyến bã nhờn bị rối loạn khiến cho dầu tiết ra nhiều và bịt kín các nang lông, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình phát triển của những sợi lông. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển mạnh. Chúng không chỉ gây mụn trứng cá mà còn dẫn đến viêm nang lông, viêm lỗ chân lông.
- Tế bào chết: Mỗi ngày, có khoảng 500 triệu tế bào da bị chết đi. Một phần có khả năng tự bong tróc ra ngoài nhưng phần nhiều trong số đó lại tích tụ trên bề mặt da và trong các nang lông. Chúng kết hợp với mồ hôi, dầu nhờn và vi khuẩn dẫn đến viêm nhiễm nang lông. Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng nang lông cũng xảy ra ở các trường hợp có bất thường về sự tăng sinh tế bào khi số lượng tế bào mới được sản sinh quá nhanh.
- Mất cân bằng pH: Nồng độ axit trên da quá cao gây ức chế hoạt động của lợi khuẩn và tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển mạnh dẫn đến viêm nang lông.
- Do vi khuẩn, virus, nấm: Một số chủng vi khuẩn, virus và nấm có thể tấn công vào nang lông và gây nhiễm trùng, phổ biến nhất là tụ cầu trùng.
- Suy giảm khả năng miễn dịch: Khi sức đề kháng yếu, các tác nhân có hại dễ dàng xâm nhập vào da và gây nhiễm trùng nang lông.
- Vệ sinh da không sạch sẽ: Da không được làm sạch đúng cách hoặc không tắm gội thường xuyên khiến cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển mạnh. Chúng tấn công vào các nang lông và gây bít tắc, viêm đỏ.
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không phù hợp: Đây chính là nguyên nhân khiến làn da bị kích ứng, mất đi khả năng tự bảo vệ, tạo mầm mống cho sự phát triển của bệnh viêm nang lông.
- Cạo râu, tẩy lông không đúng cách: Thói quen này có thể khiến các nang lông bị tổn thương, viêm nhiễm.
- Thói quen ăn uống thiếu khoa học: Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh làm mất cân bằng nồng độ pH trên da và khiến da bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết. Hậu quả là da của bạn nhanh bị lão hóa hơn và dễ chịu tác động của các tác nhân có hại dẫn đến viêm nang lông.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm nang lông:
- Rối loạn thần kinh
- Bị tiểu đường, bệnh đường ruột
- Rối loạn nội tiết hoặc mắc bệnh nội tiết.
- Rối loạn chuyển hóa
- Nhiễm HIV
- Mắc bệnh bạch cầu mãn tính
- Sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc corticosteroid trong thời gian dài
- Làm việc trong môi trường chứa nhiều hóa chất
- Có tiền sử bị viêm da, nổi mụn trứng cá
- Mặc quần áo bó sát
- Đàn ông tóc xoăn
- Sinh sống trong môi trường
- Tắm bằng bồn tắm hoặc thường xuyên tắm với nước quá nóng.
Triệu chứng & Chẩn đoán
Các triệu chứng bệnh viêm nang lông thường xuất hiện khá rõ ràng và ngày càng tăng nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời. Bạn nên thận trọng với căn bệnh này khi da xuất hiện các dấu hiệu bất thường dưới đây:
- Quanh nang lông xuất hiện các nốt mụn đỏ có kích thước nhỏ. Một số mụn có mủ trắng.
- Vùng da bị tổn thương có biểu hiện ngứa, rát vô cùng khó chịu. Nhiều trường hợp ngứa không chịu được nên dùng tay gãi trầy xước cả da hoặc thậm chí là chảy máu.
- Mụn mủ vỡ ra khô lại sẽ đóng vảy trên bề mặt da.
- Một số người cảm thấy đau khi chạm vào da.
Tình trạng viêm nang lông có thể chỉ xuất hiện trên vùng da nhỏ hoặc ảnh hưởng đến diện rộng. Trong một số trường hợp, bệnh còn có thể lan rộng hoặc ngày càng ăn sâu vào nang lông gây khó khăn cho điều trị và để lại di chứng xấu trên da. Vì vậy, bạn nên thăm khám bác sĩ nếu các dấu hiệu không biến mất sau vài ngày hoặc bệnh có khuynh hướng tăng nặng theo thời gian.
Bác sĩ có thể giúp bạn chẩn đoán viêm nang lông dựa vào việc quan sát ngoài da cùng các triệu chứng lâm sàng. Xét nghiệm mẫu tế bào được lấy từ khu vực tổn thương có thể giúp xác định nguyên nhân gây bệnh.
Biến chứng & Tiên lượng
Bệnh viêm nang lông càng được điều trị sớm thì càng nhanh khỏi. Trường hợp tổn thương sâu và lan rộng thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được tầm quan trọng của can thiệp sớm. Nhiều người chủ quan nghĩ rằng đây là bệnh lành tính và có thể tự khỏi nên không tiến hành chữa trị ngay từ khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên, từ đó phải đối mặt với nhiều tác hại khôn lường.
Bên cạnh cảm giác ngứa ngáy khó chịu cùng tình trạng mất thẩm mỹ trên da, bệnh viêm nang lông nếu không được điều trị sớm và đúng cách còn mang lại một số biến chứng như:
- Viêm nang lông toàn thân
- Viêm nang lông mãn tính do bệnh kéo dài và tái phát thường xuyên
- Vùng tổn thương khi hồi phục để lại sẹo xấu vĩnh viễn trên da
- Tăng sắc tố da khiến da bị thâm và sẫm màu hơn bình thường.
- Rụng tóc nhiều, hói đầu do nang tóc bị phá hủy vĩnh viễn.
- Nổi nhọt dưới da.
Điều trị
Trong một số trường hợp, các triệu chứng viêm nang lông sẽ từ từ thuyên giảm trong vòng vài ngày mà không cần điều trị. Người bệnh chỉ cần chăm sóc da đúng cách và điều chỉnh một số thói quen trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Trường hợp bị viêm nang lông nặng hơn, bạn cần được điều trị chuyên sâu với thuốc, công nghệ cao hoặc thậm chí là tiểu phẫu.
Thuốc chữa viêm nang lông:
- Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này được bác sĩ kê đơn để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Các thuốc kháng sinh dạng gel hay kem bôi có tác dụng tại chỗ thường được chỉ định cho người bị viêm nang lông nhẹ, tổn thương khu trú trên các vùng da nhỏ. Trong khi đó, các đối tượng bị viêm nang lông nặng, tổn thương lan rộng và ăn sâu vào trong da cần sử dụng thuốc kháng sinh theo đường uống cho tác dụng mạnh hơn.
- Thuốc kháng nấm: Bệnh nhân bị nhiễm trùng nang lông do nấm men sẽ được kê đơn thuốc kháng nấm đường uống hay kem bôi. Trường hợp bị viêm nang lông trên đầu có thể dùng các loại dầu gội chứa hoạt chất kháng nấm.
- Thuốc kháng viêm steroid: Kem steroid thường được chỉ định để ức chế phản ứng viêm trong trường hợp bị viêm nang lông có biểu hiện tăng bạch cầu ái toàn nhẹ, qua đó cũng giảm thiểu đáng kể cơn ngứa ngày khó chịu cho người bệnh.
Điều trị viêm nang lông bằng công nghệ laser:
Phương pháp này sử dụng tia laser để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, ngăn chặn quá trình sinh trưởng của nang lông, đồng thời giải phóng tình trạng tắc nghẽn và làm se khít lỗ chân lông. Đây là kỹ thuật an toàn, không xâm lấn, có thể kích thích tái tạo collagen làm săn chắc da, ngăn ngừa được tình trạng thâm da hoặc để lại sẹo xấu ở khu vực tổn thương.
Các trường hợp bị viêm nang lông ở mức độ trung bình đến nặng có thể cân nhắc can thiệp bằng laser để đẩy nhanh tiến trình hồi phục và hạn chế di chứng cho da. Khi chữa bệnh viêm nang lông bằng công nghệ cao, bạn nên tìm đến các cơ sở uy tín, có bác sĩ và chuyên viên được đào tạo bài bản nhằm tránh gặp phải tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Liệu pháp ánh sáng:
Phương pháp này đang được áp dụng phổ biến trong điều trị viêm nang lông sâu, giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng bệnh trong thời gian ngắn.
Tiểu phẫu:
Bệnh nhân bị viêm nang lông có mụn nhọt lớn cần tiểu phẫu để dẫn lưu mủ. Tránh tự nặn mụn hay dùng vật nhọn chọc bể mụn nhọt tại nhà gây nguy cơ bị nhiễm trùng máu hoặc khiến tác nhân gây bệnh lan rộng.
Chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng tại nhà:
- Đắp khăn ấm lên khu vực tổn thương để làm dịu cơn ngứa, giảm viêm đỏ.
- Sử dụng sữa rửa mặt hay sữa tắm chứa chất kháng khuẩn dịu nhẹ để hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn trên da.
- Giữ cho vùng da bị tổn thương luôn khô ráo, sạch sẽ.
- Tắm rửa nhẹ nhàng
- Không dùng tay gãi ngứa gây trầy xước, chảy máu da và khiến cho ổ nhiễm trùng lan rộng.
- Thoa gel, kem hay sử dụng các loại nước rửa không kê đơn để giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu.
Phòng ngừa
Một số phương pháp đơn giản dưới đây có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh viêm nang lông:
- Tắm rửa và thay quần áo mỗi ngày, nhất là khi cơ thể dính nhiều bụi bẩn hoặc ra mồ hôi.
- Sử dụng nước có độ ấm vừa phải để tắm. không nên dùng nước quá nóng khiến da bị mất nước.
- Nếu bạn sử dụng bồn tắm, hãy vệ sinh, kỳ cọ bồn thường xuyên để ngăn chặn sự tích tụ của chất bẩm cùng vi khuẩn gây hại.
- Không dùng các sản phẩm chăm sóc da chứa chất tẩy rửa mạnh.
- Tránh cạo râu quá thường xuyên. Sử dụng kem cạo râu để giảm thiểu tổn thương cho nang lông khi tiếp xúc với dao cạo.
- Cạo lông đúng cách. Tốt nhất là sử dụng dao điện và cạo theo hướng lông mọc.
- Tránh để da tiếp xúc trực tiếp với hóa chất và các chất tẩy rửa, xà bông.
- Hạn chế tắm ở hồ bơi. Nếu có thì bạn nên tắm sạch sẽ ngay sau khi ra khỏi hồ bơi và thoa kem dưỡng ẩm cho da.
- Mặc trang phục rộng rãi được làm từ chất liệu thoáng khí để mồ hôi và chất nhờn không bị tích tụ trong các nang lông.
- Không lạm dụng thuốc kháng sinh hay các loại kem bôi corticoid.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tình trạng viêm nang lông của tôi có nghiêm trọng không?
2. Bệnh của tôi phải điều trị như thế nào? Có khỏi hẳn không?
3. Điều trị bao lâu thì bệnh viêm nang lông của tôi mới khỏi?
4. Bệnh viêm nang lông có lây không? Tôi cần làm gì để ngăn ngừa bệnh lây lan?
5. Điều trị sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị?
6. Tôi cần kiêng cữ, ăn uống như thế nào để bệnh viêm nang lông nhanh khỏi?
Thông tin hữu ích:
- Cách Trị Viêm Nang Lông Bằng Muối Đơn Giản, Hiệu Quả
- Người Bị Viêm Nang Lông Có Nên Triệt Lông Hay Không?