Bệnh Liệt Dây Thần Kinh Số 6
Bệnh liệt dây thần kinh số 6 khiến cho nhãn cầu không thể chuyển động ra ngoài và có xu hướng lác vào bên trong. Bệnh lý này không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và gây ra tình trạng nhìn đôi. Vì nguyên nhân khá đa dạng nên chỉ định điều trị có thể là dùng thuốc, tiêm botox hoặc phẫu thuật.
Tổng quan
Bệnh liệt dây thần kinh số 6 (Abducens Nerve Palsy) hay còn là liệt dây thần kinh vận nhãn ngoài. Chức năng của dây thần kinh này là chịu trách nhiệm cử động của nhãn cầu ra xa khỏi mũi. Khi dây thần kinh số 6 bị liệt, nhãn cầu có xu hướng bị kéo vào phía trong mũi gây ra tình trạng lác mắt vào trong, nhìn đôi, đau nhức xung quanh mắt.
Mỗi người sẽ có tổng cộng 12 đôi dây thần kinh sọ não, mỗi dây thần kinh có cấu tạo và chức năng riêng biệt. Dây thần kinh số 6 có nguyên ủy thật ở cầu não, nguyên ủy hư ở rãnh hành não. Sau đó, dây thần kinh chạy qua xoang tĩnh mạch hang vào bên trong ổ mắt.
Bất cứ tổn thương nào trong suốt đường đi của dây thần kinh số 6 đều có thể gây ra tình trạng liệt, suy yếu. Có khá nhiều nguyên nhân gây liệt dây thần kinh vận nhãn ngoài nhưng thường gặp nhất là do chấn thương, nhiễm trùng và đôi khi là tự phát.
Một số trường hợp liệt dây thần kinh số 6 có thể tự thuyên giảm sau một thời gian. Tuy nhiên, phần lớn đều phải can thiệp điều trị để cải thiện tình trạng lác mắt, song thị (nhìn đôi).
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tương tự như đau dây thần kinh sinh ba và đau dây thần kinh chẩm, liệt dây thần kinh số 6 có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì dây thần kinh này không có chức năng cảm giác nên đôi khi không gây đau. Tuy nhiên, dây thần kinh số 6 đảm nhiệm chức năng chuyển động mắt ra xa nên có thể gây ra tình trạng song thị (nhìn đôi).
Điều trị liệt dây thần kinh số 6 phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân. Vì vậy, cần phải xác định nguyên nhân trước khi tiến hành điều trị.
Một số nguyên nhân gây bệnh liệt dây thần kinh số 6:
- Phình mạch máu não: Phình não là nguyên nhân phổ biến gây liệt dây thần kinh số 6. Lúc này, các mạch máu bên trong não gia tăng kích thước gây chèn ép lên các dây thần kinh bên trong. Dây thần kinh số 6 có thể bị chèn ép dẫn đến tình trạng liệt một hoặc cả hai bên.
- Bệnh thần kinh đái tháo đường: Người bị tiểu đường không tránh khỏi tổn thương dây thần kinh do nồng độ đường huyết tăng cao trong thời gian dài. Trong một số trường hợp, bệnh lý này còn thể gây tổn thương dây thần kinh số 6 khiến cho chức năng chuyển động mắt ra ngoài bị ảnh hưởng.
- Nhiễm trùng: Dây thần kinh vận nhãn ngoài có thể bị liệt do nhiễm trùng thứ phát sau viêm xoang, viêm màng não… Nguyên nhân này thường gặp ở trẻ em, ít xảy ra ở người trưởng thành. Ở một số ít trường hợp, tổn thương dây thần kinh số VI có thể là ảnh hưởng của bệnh lao.
- Tăng áp lực nội sọ: Tăng áp lực nội sọ có thể là nguyên nhân gây ra bệnh liệt dây thần kinh số 6. Khi áp lực nội sọ tăng, áp lực lên các dây thần kinh sẽ tăng cao hơn bình thường. Vì vậy, khó có thể tránh khỏi liệt dây thần kinh vận nhãn ngoài.
- Chấn thương: Chấn thương vùng đầu hoặc phẫu thuật ở khu vực xung quanh dây thần kinh số 6 có thể vô tình gây tổn thương cơ quan này. Trường hợp chấn thương nhẹ, tổn thương ở dây thần kinh vận nhãn ngoài sẽ tự hồi phục sau một thời gian.
- Do khối u chèn ép: Dây thần kinh số 6 có thể bị u chèn ép dẫn đến suy yếu chức năng chuyển động mắt ra ngoài. Các khối u có khả năng gây liệt dây thần kinh số 6 bao gồm u vòm họng, u nền sọ, ung thư màng não.
- Các nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh liệt dây thần kinh số 6 còn có thể do một số nguyên nhân khác như thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, bệnh não Wernicke, đa xơ cứng…
Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh liệt dây thần kinh số 6. Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy, nếu xảy ra ở trẻ em, nhiều khả năng là do nhiễm trùng đường hô hấp trên. Ở người lớn nguyên nhân thường đa dạng và cũng phức tạp hơn.
So với các dây thần kinh sọ não khác, dây thần kinh số 6 có đoạn đường nằm trên nền sọ dài nhất nên nguy cơ bị tổn thương cao. Trên thực tế, không nhiều trường hợp bị liệt dây thần kinh số 6 đơn độc. Tình trạng này thường xuất hiện trong các hội chứng như:
- Hội chứng khe bướm (liệt toàn bộ nhãn cầu bao gồm dây thần kinh số 3, 4 và 5)
- Hội chứng Moebius (hội chứng gây liệt mặt hoàn toàn do liệt bẩm sinh dây thần kinh số 6 và số 7 ở hai bên mặt)
- Hội chứng Foville
- Liệt mặt ngoại vi
- Hội chứng đỉnh hốc mắt
Triệu chứng và chẩn đoán
Như đã đề cập, dây thần kinh số 6 chịu trách nhiệm chuyển động mắt xa khỏi mũi. Nếu cơ quan này hoạt động tốt, nhãn cầu sẽ ở vị trí trung tâm và có thể chuyển động sang trái, phải, lên trên và nhìn xuống một cách dễ dàng.
Liệt dây thần kinh số 6 có biểu hiện khá dễ nhận biết bao gồm:
- Mắt lác vào bên trong (có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt)
- Khó khăn khi liếc mắt ra bên ngoài
- Trường hợp liệt dây thần kinh số 6 hoàn toàn, mắt chỉ có thể hướng vào bên trong, không thể chuyển động ra bên ngoài
- Song thị (nhìn đôi)
- Đau xung quanh mắt
- Một số trường hợp đi kèm với nhức đầu
Các triệu chứng của bệnh liệt dây thần kinh số 6 thường được phát hiện từ sớm. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào lâm sàng sẽ khó có thể xác định bệnh lý. Ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường, nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán kịp thời.
Chẩn đoán bệnh liệt dây thần kinh số 6 bao gồm các bước sau:
- Hỏi bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi cụ thể về triệu chứng, mức độ, thời điểm khởi phát và tiến triển. Ngoài ra, bác sĩ có thể đặt thêm câu hỏi để sàng lọc nguy cơ mắc bệnh như chấn thương, nhiễm trùng, tiểu đường, cao huyết áp…
- Khám mắt: Đo độ lồi của mắt, đo nhãn áp, đo thị trường, thị lực…
- Chụp X-Quang sọ não: Hình ảnh từ X-Quang giúp phát hiện hoặc loại trừ các vấn đề như u não.
- CT, MRI sọ não: Nếu nghi ngờ phình mạch và u não, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện CT hoặc MRI sọ não để đưa ra chẩn đoán chính xác.
- Các xét nghiệm khác: Liệt dây thần kinh số 6 xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dựa vào biểu hiện lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm như đo đường huyết, xét nghiệm công thức máu, tốc độ lắng máu, xét nghiệm kháng thể kháng nhân, xét nghiệm yếu tố thấp khớp…
Bệnh liệt dây thần kinh số 6 có thể chẩn đoán thông qua chẩn đoán hình ảnh và biểu hiện lâm sàng. Các xét nghiệm chuyên sâu khác được thực hiện để xác định nguyên nhân cụ thể. Chỉ khi xác định được nguyên nhân, quá trình điều trị mới mang lại kết quả tích cực.
Biến chứng và tiên lượng
Đa phần các trường hợp liệt dây thần kinh số 6 đều không đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, khi dây thần kinh vận nhãn ngoài bị tổn thương, mắt sẽ bị lác vào bên trong đi kèm với hiện tượng song thị (nhìn đôi).
Nhìn đôi ảnh hưởng đáng kể đến thị lực, dẫn đến nhiều bất tiện khi sinh hoạt, học tập và làm việc. Bên cạnh đó, vì nhãn cầu bị lác vào bên trong thay vì ở chính giữa nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ. Người bị liệt dây thần kinh số 6 không tránh khỏi tâm lý tự ti, mặc cảm vì khiếm khuyết của bản thân.
Bệnh liệt dây thần kinh số 6 cần được điều trị sớm để phục hồi thị lực và cải thiện vấn đề thẩm mỹ. Nhìn chung, đa phần các trường hợp điều trị sớm, đúng cách đều đạt kết quả tích cực. Dây thần kinh vận nhãn ngoài phục hồi nhanh và khôi phục chức năng sau một thời gian.
Điều trị
Điều trị bệnh liệt dây thần kinh số 6 chủ yếu là khắc phục nguyên nhân. Dây thần kinh này không có chức năng cảm giác nên hầu như không gây đau. Điều trị giúp loại bỏ nguyên nhân, từ đó tạo điều kiện để dây thần kinh vận nhãn ngoài phục hồi chức năng.
Tùy theo nguyên nhân cụ thể, điều trị liệt dây thần kinh số VI bao gồm những lựa chọn sau:
Kháng sinh
Kháng sinh được chỉ định trong trường hợp liệt dây thần kinh số 6 do nhiễm trùng. Trước khi dùng kháng sinh, bác sĩ sẽ xác định trước loại vi khuẩn gây viêm nhiễm dây thần kinh vận nhãn ngoài. Kháng sinh thường được dùng trong 7 - 14 ngày hoặc lâu hơn tùy loại chủng vi khuẩn.
Corticosteroid
Trường hợp dây thần kinh số 6 bị chèn ép và viêm, có thể sử dụng Corticosteroid. Corticosteroid có tác dụng kháng viêm, qua đó giảm tình trạng viêm và liệt dây thần kinh.
Bài tập cải thiện mắt
Bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân nên thực hiện các bài tập cải thiện mắt để phục hồi chuyển động mắt. Các bài tập này đặc biệt tốt cho những trường hợp liệt dây thần kinh số 6 do chấn thương, thiếu máu… Nếu kiên trì luyện tập, tình trạng lác mắt vào trong sẽ được cải thiện nhanh chóng, chuyển động mắt linh hoạt và dễ dàng hơn.
Tiêm botox
Bác sĩ có thể chỉ định tiêm botox vào cơ bên kia của mắt để đưa nhãn cầu về vị trí cân bằng. Phương pháp này có thể giải quyết vấn đề thẩm mỹ do lác mắt vào trong. Tiêm botox thường chỉ có hiệu quả trong vài tháng, thời gian này đủ để dây thần kinh số 6 phục hồi trở lại.
Phẫu thuật loại bỏ khối u, hóa xạ trị
Trường hợp có khối u chèn ép dây thần kinh, cần phẫu thuật loại bỏ khối u. Nếu là u ác tính không thể phẫu thuật, hóa xạ trị có thể được chỉ định để tiêu diệt các tế bào ác tính.
Phẫu thuật chỉnh mắt lé
Đa phần các trường hợp liệt dây thần kinh số 6 đều có thể tự cải thiện. Nếu do thiếu máu, nhiễm trùng do virus… dây thần kinh này có thể phục hồi sau khoảng vài tháng. Trường hợp không tự cải thiện sẽ được cân nhắc phẫu thuật chỉnh mắt lé.
Phẫu thuật được thực hiện nhằm điều chỉnh các cơ vận nhãn để đưa nhãn cầu về đúng vị trí. Sau khi phẫu thuật, mắt sẽ có hiện tượng đỏ trong 7 - 10 ngày và sau đó sẽ tự phục hồi.
Phòng ngừa
Bệnh liệt dây thần kinh số 6 không thể phòng ngừa mà chỉ có thể hạn chế bằng một số phương pháp sau đây:
- Duy trì cân nặng ổn định, tránh thừa cân - béo phì
- Tập thể dục thường xuyên, tốt nhất là nên tập 30 - 60 phút mỗi ngày
- Kiểm soát các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp…
- Điều trị tích cực bệnh zona, nhiễm trùng tai mũi họng… để tránh nhiễm trùng thứ phát ở dây thần kinh vận nhãn ngoài.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm phòng ngừa thiếu máu, kiểm soát đường huyết và huyết áp.
- Thận trọng khi sinh hoạt, làm việc, tham gia giao thông… để tránh chấn thương.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị lác mắt thứ phát, nhìn đôi là do đâu?
2. Các xét nghiệm tôi cần thực hiện để chẩn đoán bệnh?
3. Vì sao tôi bị bệnh liệt dây thần kinh số 6? Tình trạng của tôi có nguy hiểm không?
4. Tôi cần điều trị bằng cách dùng thuốc hay phẫu thuật?
5. Sau bao lâu thì tình trạng của tôi được cải thiện?
6. Khi nào cần phẫu thuật chỉnh mắt lác? Chi phí bao nhiêu?
7. Tôi có cần ở lại bệnh viện sau khi bệnh viện?
8. Tôi có cần tái khám khi điều trị liệt dây thần kinh số 6?
Bệnh liệt dây thần kinh số 6 là tình trạng khá phổ biến với biểu hiện chính là song thị và lác mắt vào trong. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều có thể tự thuyên giảm, tuy nhiên cũng có trường hợp phải can thiệp phẫu thuật để chỉnh lé. Khi gặp phải bệnh lý này, nên điều trị sớm để lấy lại sự tự tin về ngoại hình và cải thiện tình trạng song thị.