Bệnh Liệt dây thần kinh mặt

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Phòng khám đa khoa Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Liệt dây thần kinh mặt là tình trạng gây tê liệt cơ mặt tạm thời hoặc vĩnh viễn. Xảy ra do các tác nhân như nhiễm virus, gây sưng viêm dây thần kinh sọ thứ VII, đặc trưng với các triệu chứng như xệ một bên mặt, gây khó khăn trong việc cười, nói, ăn uống, nhắm mắt, sụp mí mắt... Các chọn lựa điều trị liệt dây thần kinh mặt phù hợp như dùng thuốc và điều trị phẫu thuật. 

Liệt dây thần kinh mặt là một dạng liệt phổ biến làm mất khả năng kiểm soát cơ ở một bên mặt

Tổng quan

Liệt dây thần kinh mặt (Bell Palsy) hay còn được gọi là chứng liệt dây thần kinh số VII ngoại biên. Đây là bệnh lý tổn thương đường dẫn truyền của dây thần kinh VII, dẫn đến mất khả năng kiểm soát các cơ mặt ở một bên mặt. Tình trạng này gây ra một loạt các triệu chứng gồm sụp mí mắt, khó cười, khó nhắm mắt, cau mày, ăn uống...

Bệnh xảy ra chủ yếu do nhiễm trùng (thường là do virus) gây sưng viêm. Chứng liệt dây thần kinh mặt được xem là kết quả của phản ứng này. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp bệnh không quá nghiêm trọng, có xu hướng tự cải thiện trong vòng vai tuần và phục hồi sau khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp liệt cả 2 bên mặt gây ra các di chứng suốt đời.

Phân loại

Bệnh liệt dây thần kinh mặt được phân chia làm 2 dạng chính dựa vào căn nguyên và mức độ tổn thương, bao gồm nguyên phát và thứ phát:

Chứng liệt dây thần kinh mặt có 2 nhóm chính là thể nguyên phát và thứ phát

Thể nguyên phát

Hay còn gọi là dạng liệt dây thần kinh mặt vô căn phổ biến, được gây ra bởi một yếu tố không xác định. Hoặc một số trường hợp có liên quan đến tình trạng thiếu máu cục bộ, chèn ép dây thần kinh và phù do mạch máu nuôi dây thần kinh bị co thắt. Nhiều trường hợp liệt tự phát phát triển thể cấp tính liên quan đến nhiệt lạnh. Các triệu chứng thường là tạm thời và có xu hướng tự khỏi trong vòng vài tuần và vài tháng.

Thể thứ phát

Thường xảy ra do một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như đột quỵ, nhiễm trùng hoặc có khối u, ảnh hưởng từ các bệnh lý như nhiễm siêu vi (zona vùng hạch gối), chấn thương vỡ xương đá, biến chứng thần kinh do mắc bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh lý tự miễn khác. Một số trường hợp mang thai trên 6 tháng cũng có thể gây ra tình trạng này.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Dây thần kinh mặt có cấu trúc rất phức tạp, đi từ hệ thống thần kinh trung ương qua vùng xương thái dương và tuyến mang tai rồi mới phân bố thần kinh ở các cơ vùng mặt.

Có rất nhiều nguyên nhân gây tổn thương khả năng vận động ở vùng nửa mặt. chủ yếu là ở các vị trí như nhân thân não, dây thần kinh số VII nằm trong góc cầu tiểu não, tuyến mang tai hoặc ở khu vực xương đá...

Nhiễm virus là nguyên nhân hàng đầu gây ra liệt dây thần kinh mặt, điển hình là virus herpes simplex

Cụ thể một số nguyên nhân gây liệt dây thần kinh mặt bao gồm:

  • Nhiễm virus: Một số loại virus có khả năng gây nhiễm trùng khởi phát bệnh liệt dây thần kinh mặt như:
    • Virus herpes simplex loại 1 (HSV-1);
    • Virus varicella-zoster (VZV);
    • Virus Epstein-Barr (EBV);
    • Virus Cytomegalovirus (CMV);
    • Virus Coxsackievirus gây bệnh tay chân miệng;
    • Virus Rubella gây bệnh sởi Đức;
    • Virus gây bệnh cúm;
  • Chấn thương dây thần kinh mặt: Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây liệt dây thần kinh mặt phổ biến. Có nhiều tác nhân gây ra như chấn thương vật lý do chịu một cú đánh vào mặt hoặc tổn thương do thực hiện các phẫu thuật liên quan đến dây thần kinh mặt.
  • Rối loạn tự miễn dịch: Đây là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công ngược lại đến các tế bào của dây thần kinh mặt. Hậu quả gây sưng viêm và tê liệt, khởi phát chứng liệt dây thần kinh mặt. Một số bệnh tự miễn liên quan như lupus ban đỏ, hội chứng Sjogren, viêm khớp dạng thấp...
  • Một số tác nhân bệnh lý khác:
    • Tai biến mạch máu não;
    • Khối u trong hệ thần kinh trung ương (điển hình là u dây thần kinh thính giác);
    • Zona hạch gối;
    • Bệnh Lyme;
    • Nhiễm mononucleose;
    • U tuyến mang tai;
    • Bệnh đa thần kinh, Sarcoidose hoặc bệnh xơ cứng rải rác;

Yếu tố nguy cơ

Các chuyên gia thông tin rằng, bệnh liệt dây thần kinh mặt có thể xảy ra ở cả nam và nữ giới, chủ yếu trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi. Một số đối tượng nguy cơ dưới đây có nguy cơ mắc bệnh cao như:

Bệnh liệt dây thần kinh mặt gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến thai kỳ, tăng nguy cơ sinh non trước tuần thứ 37

  • Phụ nữ mang thai;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Mắc bệnh cao huyết áp;
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh liệt dây thần kinh mặt;
  • Hội chứng Guillain Barre;
  • Người thừa cân béo phì;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh liệt dây thần kinh mặt có xu hướng khởi phát đột ngột và đạt mức nghiêm trọng nhất trong vòng 48 - 72 tiếng. Căn bệnh này chủ yếu gây yếu, liệt đến một bên mặt, bao gồm trán, mắt, mí mắt, má và miệng. Điều này có thể gây ra các triệu chứng sau:

Triệu chứng bệnh liệt dây thần kinh mặt gồm xệ mặt xuống, khó cười, cau mày, khó ăn uống...

  • Gặp khó khăn khi cười, nhắm mắt, nói chuyện hoặc ăn uống;
  • Khô mắt khó chịu;
  • Đau nhức một bên mặt hoặc tai;
  • Chảy nước dãi;
  • Giảm lượng nước mắt
  • Thay đổi vị giác;
  • Suy giảm thính giác;
  • Ù tai;
  • Đau đầu;

Các triệu chứng này thường phát triển không quá nghiêm trọng, ở mức độ nhẹ và có thể dần cải thiện dần sau 3 tuần. Có khoảng 80% bệnh hồi phục hoàn toàn và không tái phát các triệu chứng liệt mặt trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bị tê liệt hoàn toàn và tiến triển nặng nếu không được điều trị kịp thời.

Do đó, ngay khi phát hiện triệu chứng bất thường, hãy nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Chẩn đoán

Bệnh liệt dây thần kinh mặt thường được chẩn đoán thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng. Khai thác tiền sử các tình trạng bệnh lý như đột quỵ, bệnh Lyme, bệnh sarcoid, bệnh tự miễn... giúp góp phần khoanh vùng nhóm nguyên nhân gây ra bệnh lý này.

Ngoài ra, để xác nhận chẩn đoán và loại trừ một số bệnh lý khác như:

Các kỹ thuật chẩn đoán liệt dây thần kinh mặt hiệu quả như xét nghiệm máu, đo điện cơ hoặc xét nghiệm hình ảnh như chụp MRI, CT scan

  • Xét nghiệm máu: Bao gồm các xét nghiệm công thức máu toàn bộ, đo chất điện giải và xét nghiệm chức năng tuyến giáp. Cách này giúp kiểm tra các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn gây ra triệu chứng.
  • Đo điện cơ (EMG): Kỹ thuật này giúp đo hoạt động điện cơ mặt, đánh giá chức năng hoạt động của các cơ trên mặt. Đồng thời, nó cũng giúp đo tốc độ dẫn truyền xung điện dọc theo dây thần kinh.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Chẳng hạn như chụp CT scan hoặc chụp cộng hưởng từ MRI nhằm tìm kiếm sự phát triển của khối u, tình trạng gãy xương sọ hoặc các tác nhân khác gây áp lực lên dây thần kinh mặt.

Biến chứng và tiên lượng

Đa số các trường hợp mắc bệnh liệt dây thần kinh mặt thường không quá nghiêm trọng, triệu chứng bệnh tạm thời và có xu hướng biến mất trong vòng 1 tháng mà không để lại bất kỳ di chứng nào. Nhưng trong những trường hợp nặng, tổn thương dây thần kinh nghiêm trọng có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

Chứng liệt dây thần kinh mặt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh - cơ, tổn thương mắt...

  • Biến chứng ở mắt: Thường gặp nhất là viêm giác mạc, viêm kết mạc, loét giác mạc, phát sinh lộn mí...
  • Tổn thương đồng vận: Biến chứng này đặc trưng bởi biểu hiện co cơ không kiểm soát kết hợp với các cử động tự chủ. Chẳng hạn như mép bị kéo căng mỗi khi nhắm mắt.
  • Tổn thương thần kinh: Biến chứng này thường xảy ra ở những trường hợp liệt dây thần kinh mặt nghiêm trọng, nguyên nhân thường là do vùng thân thần kinh, gây co thắt nửa mặt sau chứng liệt mặt.
  • Hội chứng nước mắt cá sấu: Biến chứng này khá hiếm gặp, gây ảnh hưởng đến khả năng phản xạ tiết nước mắt. Biểu hiện điển hình là tiết nước mắt khi ăn.
  • Biến chứng đối với phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh liệt dây thần kinh mặt cao gấp 3 lần so với những người phụ nữ không mang thai. Bệnh thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ ba, tăng nguy cơ khởi phát tiền sản giật hoặc tiểu đường thai kỳ.

Các biến chứng này có thể xảy ra hoặc không, tùy thuộc vào mức độ tổn thương thần kinh mà mức độ hồi phục từ 2 - 6 tháng. Có nhiều trường hợp một biến chứng nặng, triệu chứng kéo dài nghiêm trọng và tồn tại vĩnh viễn, không thể điều trị phục hồi hoàn toàn.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động tìm đến các bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp hiệu quả, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khó lường.

Điều trị

Đa số các trường hợp mức độ nhẹ, có thể tự cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị hỗ trợ cải thiện các triệu chứng và giúp phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Chẳng hạn như:

Điều trị bằng thuốc

Phương pháp này không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh liệt dây thần kinh mặt. Nhưng các chuyên gia khẳng định có một số loại thuốc giúp cải thiện triệu chứng và tăng cơ hội phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Điều trị liệt dây thần kinh mặt hiệu quả bằng một số loại thuốc như Corticosteroid và thuốc kháng virus

Bao gồm các loại thuốc sau:

  • Thuốc Steroid: Trường hợp vừa mới khởi phát bệnh liệt dây thần kinh mặt, trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng, thuốc steroid đường uống có tác dụng giảm sưng viêm và tăng khả năng hồi phục chức năng dây thần kinh số VII. Loại được dùng điển hình là nhóm Corticosteroid đường uống, chẳng hạn như Prednisone.
  • Thuốc kháng virus: Loại thuốc thường dùng là Acyclovir (Valtrex) điều trị mụn rộp được đánh giá đem lại lợi ích tích cực trong việc tăng tốc độ phục hồi. Loại thuốc này sẽ phát huy tác dụng tốt hơn khi sử dụng kết hợp với thuốc corticosteroid.
  • Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau khác như aspirin, ibuprofen hoặc acetaminophen không kê toa giúp cải thiện cơn đau nhức hiệu quả.

Chăm sóc mắt

Chăm sóc mắt là một trong những việc quan trọng cần thực hiện đối với bệnh nhân mắc bệnh liệt dây thần kinh mặt. Trường hợp mí mắt không thể đóng lại, hãy đeo miếng che mắt để bảo vệ mắt khỏi các yếu tố kích thích có hại, gây tổn thương mắt. Kết hợp sử dụng nhỏ mắt, nước mắt nhân tạo giúp dịu tình trạng khô mắt và kích ứng.

Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng được chỉ định để điều trị bệnh liệt dây thần kinh mặt. Kỹ thuật này được áp dụng nhằm sửa chữa các tổn thương dây thần kinh mặt và phục hồi khả năng phục hồi cử động chuyển động của khuôn mặt.

Phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến nhất là thủ thuật giải nén. Đối với thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật tiến hành rạch một đường tại khu vực xung quanh dây thần kinh mặt và loại bỏ các mô phát triển bất thường đè lên dây thần kinh. Sau khi phẫu thuật, điều này có thể giúp cải thiện bệnh hiệu quả.

Phẫu thuật liệt dây thần kinh mặt là phương pháp điều trị hiệu quả giúp sửa chữa tổn thương và phục hồi khả năng cử động của khuôn mặt

Một số phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ chức năng sửa chữa bất thường trên cấu trúc khuôn mặt, cụ thể nhằm điều chỉnh sự bất đối xứng trên khuôn mặt, hỗ trợ đóng mí mắt.

Các biện pháp chăm sóc hỗ trợ khác

Để cải thiện các triệu chứng của liệt dây thần kinh mặt, giảm đau nhanh chóng, bệnh nhân có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ sau:

  • Châm cứu giảm viêm, cải thiện khả năng lưu thông và cải thiện triệu chứng liệt dây thần kinh mặt;
  • Massage làm giảm dấu hiệu căng cơ mặt và cải thiện tuần hoàn, phục hồi phạm vi chuyển động;
  • Chườm nhiệt bao gồm nhiệt nóng và nhiệt lạnh vào vùng cơ mặt bị liệt triệu chứng sưng viêm và cải thiện tuần hoàn máu;
  • Bổ sung vitamin B12 thông qua các loại thực phẩm chức năng dạng uống hoặc thuốc dạng tiêm cần thiết giúp giảm viêm, cải thiện chức năng thần kinh;
  • Tập thể dục thường xuyên, đều đặn mỗi ngày nhằm cải thiện tuần hoàn và giảm thiểu triệu chứng căng cơ mặt;

Phòng ngừa

Ở thời điểm hiện tại, không có bất kỳ biện pháp đặc hiệu nào giúp ngăn chặn bệnh liệt dây thần kinh mặt. Dù tổn thương nhẹ hay nặng, bệnh nhân đều sẽ gặp phải những ảnh hưởng khó lường. Do đó, hãy chủ động thực hiện những cách đơn giản sau để giảm nguy cơ phát triển chứng liệt dây thần kinh mặt, bao gồm:

Thiết lập lối sống khoa học, sạch sẽ và tiêm phòng định kỳ để giảm nguy cơ rủi ro khởi phát liệt dây thần kinh mặt

  • Giữ vệ sinh thật sạch sẽ, thường xuyên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch. Tránh chạm tay chưa rửa sạch lên mặt.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya để cơ thể phục hồi nhanh chóng, tăng cường hệ thống miễn dịch để chống nguy cơ nhiễm trùng.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết tốt cho sức khỏe, giữ cho hệ thống miễn dịch luôn trong tình trạng khỏe mạnh.
  • Kiểm soát căng thẳng, tránh stress thông qua các kỹ thuật như yoga, thiền định... để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Tiêm phòng vắc xin giúp cơ thể chống lại sự tấn công của các loại virus gây bệnh liệt dây thần kinh mặt.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Lý do tại sao tôi mắc bệnh liệt dây thần kinh mặt?

2. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

3. Nếu không điều trị, bệnh liệt dây thần kinh mặt có tự khỏi không?

4. Tôi mắc chứng liệt dây thần kinh mặt có thể gặp phải biến chứng nào?

5. Phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh liệt dây thần kinh mặt?

6. Tôi cần chú ý những tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc điều trị bệnh?

7. Tôi có nên thực hiện vật lý trị liệu hoặc xoa bóp để hỗ trợ cải thiện triệu chứng liệt dây thần kinh mặt hay không?

8. Tôi có thể tái phát liệt dây thần kinh mặt trở lại hay không?

Liệt dây thần kinh mặt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc và chức năng cử động của dây thần kinh mặt. Bệnh nhân mắc bệnh lý này gây ra nhiều vấn đề sức khỏe thể chất và khả năng chuyển động tự do của khuôn mặt. Mặc dù đa số trường hợp đều diễn ra tạm thời không quá nghiêm trọng, nhưng không được chủ quan tốt nhất phải điều trị tích cực bằng các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa biến chứng liệt vĩnh viễn về sau.