Bệnh Khô Khớp

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Xương khớpGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Trong quá trình sinh hoạt và vận động hàng ngày, nếu như bạn cảm thấy các khớp thường xuyên phát ra tiếng kêu lạo xạo, kèm theo đó là triệu chứng đau nhức, sưng khớp, cứng khớp thì chắc chắn bạn đang gặp phải tình trạng khô khớp. Theo các chuyên gia, khô khớp nếu không được điều trị sớm có thể gây biến dạng khớp, teo cơ, thậm chí tàn phế suốt đời.

Tổng quan bệnh học

Theo cấu tạo trên cơ thể con người, khớp là những nơi thường xuyên chịu sự ma sát và vận động nhiều. Tại đây sẽ được sản sinh ra dịch tiết bôi trơn để giúp cho các khớp hoạt động bình thường, tránh được sự ma sát.

Tuy nhiên, trong quá trình sinh hoạt có thể do một lý do nào đó mà các vùng khớp bị hạn chế lượng dịch tiết ra dẫn đến tình trạng khô khớp, làm tăng ma sát các sụn xương khiến cho người bệnh di chuyển khó khăn và cảm thấy đau nhức khó chịu.

Bệnh khô khớp
Các sụn khớp không được bôi trơn bởi các dịch nhờn dẫn đến khô khớp, ma sát gia tăng gây đau nhức

Một số vị trí khô khớp thường gặp nhất đó là khớp gối, khớp vai, khớp cổ tay, khớp cổ chân, khớp háng. Theo ghi nhận, trước đây bệnh khô khớp thường gặp ở độ tuổi trung niên, đặc biệt là từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này có thể gặp ở những người trẻ tuổi. Nguyên nhân có thể là do lười vận động, ngồi nhiều, làm việc nặng quá sức, béo phì thừa cân nặng, chế độ ăn uống không khoa học.

Khô khớp là một trong những chứng bệnh về xương khớp thường gặp hiện nay. Nếu như không được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như vận động đi lại khó khăn, suy nhược cơ thể, biến dạng khớp, teo cơ, liệt khớp, tàn phế. Do đó, ngay khi thấy dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần thăm khám ngay.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Việc xác định chính xác nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh sẽ giúp quá trình điều trị bệnh hiệu quả, nhanh khỏi. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh khô khớp xảy ra thường do một số nguyên nhân cơ bản sau:

Nguyên nhân gây bệnh khô khớp
Ngồi nhiều, ít vận động, ngồi sai tư thế cũng là những nguyên nhân gây nên chứng khô khớp

  • Do tuổi tác: Như đã chia sẻ, thường những người khi bước vào độ tuổi trung niên rất dễ mắc bệnh về xương khớp, trong đó có khô khớp. Bởi vì, lúc này xương khớp bị lão hóa, dịch khớp không tiết ra nhiều khiến cho các sụn khớp bị khô, khi vận động tạo ra ma sát mạnh gây đau nhức.
  • Thường xuyên lao động nặng: Bưng bê, mang vác các vật nặng thường xuyên, quá sức sẽ khiến cho xương khớp bị đè nén, áp lực lớn gây tổn thương phần sụn khớp. Điều này dẫn đến xương khớp dễ mắc các bệnh về xương khớp như thoái hoá khớp, khô khớp, viêm khớp.
  • Lười vận động: Ít ai biết rằng lười vận động, hạn chế đi lại cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng khô khớp. Bởi vì, không vận động sẽ khiến cho phần cơ xương bị yếu dần, sụn khớp không tiết ra chất dịch một cách điều độ để bôi trơn các khớp, khi khớp kém trơn láng sẽ dẫn đến lực ma sát cao gây đau nhức.
  • Thói quen sinh hoạt: Ngoài làm việc nặng quá sức, lười vận động thì những thói quen sinh hoạt xấu như ngồi nhiều, thường xuyên vận động sai tư thế, mang giày cao gót, lạm dụng các chất kích thích như hút thuốc, uống rượu bia cũng là những yếu tố khiến cho bệnh nhanh khởi phát.
  • Do chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn uống thiếu hoặc thừa Canxi, khoáng chất và các loại Vitamin sẽ khiến cho cơ thể không được đáp ứng đủ chất. Đặc biệt là việc thiếu chất sẽ dẫn đến tình trạng giảm lượng chất dịch khớp, các khớp xương bị khô cứng, thoái hóa gây ra các bệnh lý về xương.
  • Béo phì - Thừa cân: Khi cân nặng quá khổ, hệ cơ xương khớp sẽ phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể. Điều này khiến cho các ổ khớp dễ bị tổn thương gây đau khớp, khô khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp.
  • Do bệnh lý: Những người mắc các bệnh lý về xương khớp như viêm màng hoạt dịch, viêm khớp dạng thấp...thường có nguy cơ cao gặp phải tình trạng khô khớp.
  • Do chấn thương: Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, không may bị tai nạn chấn thương dây chằng, rách sụn hoặc biến chứng sau phẫu thuật thay khớp cũng có thể khiến nhiều người mắc chứng khô khớp.

Dựa vào cơ chế bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Do đó, không nên chủ quan khi thấy những dấu hiệu bệnh, tránh tình trạng để lâu gây ra nhiều mối nguy hiểm khôn lường.

Triệu chứng và Chẩn đoán

Hầu hết các bệnh về xương khớp khi mới khởi phát thường có những triệu chứng mờ nhạt nên rất khó phát hiện. Chờ đến khi nhận biết được thì bệnh đã tiến triển ở mức độ nặng. Tuy nhiên, nếu chú ý và thấy cơ thể, đặc biệt là vùng xương khớp có những dấu hiệu bất thường thì chắc chắn bạn đang gặp phải tình trạng khô khớp, cụ thể:

Triệu chứng bệnh khô khớp
Đau nhức dữ dội, sưng khớp, cứng khớp là những triệu chứng điển hình khi bị khô khớp

  • Cảm giác đau nhức: Khi bị khô khớp ở mức độ nhẹ các cơn đau chỉ xuất hiện với tần số ít hoặc chỉ khi vận động mạnh mới có cảm giác đau đớn. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển ở mức độ nặng thì các cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều, đau dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài. Cơn đau sẽ tự biến mất sau một thời gian hoặc khi cơ thể được nghỉ ngơi, nhưng lại tái phát liên tục sau đó.
  • Sưng các khớp: Khi bị khô khớp, các phần khớp bị tổn thương sẽ bị sưng lên, nhìn bằng mắt thường sẽ thấy vùng da xung quanh khớp đỏ, sưng tấy. Khi lấy tay sờ sẽ có cảm giác nóng ran, đè mạnh phần da sẽ bị lún xuống, sau đó đàn hồi trở lại.
  • Cứng khớp: Tình trạng cứng khớp thường xuyên xảy ra đối với người bị khô khớp, nhất là vào buổi sáng sau khi thức dậy, khi ngồi lâu một chỗ đứng dậy hoặc thời tiết thay đổi thất thường. Những lúc này người bệnh sẽ rất khó cử động đi lại, cần phải xoa bóp nhẹ nhàng một lúc lâu thì mới có thể vận động bình thường trở lại.
  • Các khớp phát ra tiếng kêu: Khi bị bệnh xương khớp, đặc biệt là khô khớp, bệnh nhân sẽ thường xuyên nghe thấy tiếng kêu lạo xạo hoặc lộp cộp từ các khớp. Bởi vì khi khớp khô, không đủ chất dịch bôi trơn sẽ khiến độ ma sát tăng lên, khi vận động đi lại hoặc ngồi lên đứng xuống sẽ phát ra tiếng kêu đặc trưng.

Nếu như người bệnh cảm nhận được những triệu chứng này một cách rõ rệt thì chắc chắn tình trạng bệnh khô khớp đã tiến triển ở mức độ nặng, bước qua giai đoạn mãn tính. Do đó, lúc này cần phải thăm khám để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó có phương pháp can thiệp đúng đắn.

Chẩn đoán bệnh khô khớp
Thông qua các triệu chứng lâm sàng như đau nhức, sưng khớp để chẩn đoán tình trạng bệnh khô khớp

Hiện nay, nền y học phát triển hiện đại các y bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua các biện pháp và kỹ thuật cơ bản như:

  • Kiểm tra lâm sàng: Thông qua các triệu chứng cụ thể như cứng khớp, đau khớp, sưng khớp, khớp phát ra tiếng kêu. Yêu cầu bệnh nhân thực hiện các động tác vận động để nắm rõ mức độ bệnh. Đồng thời điều tra tiền sử bệnh của người bệnh cũng như những người thân trong gia đình để đưa ra kết luận chính xác.
  • Xét nghiệm máu: Những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh khô khớp nhưng nghi ngờ nguyên nhân do các bệnh lý như gout, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp...thì bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để có thể kiểm tra tốc độ lắng máu, vi khuẩn hoạt động, từ đó xác định được nguyên nhân vì sao dịch nhầy bôi trơn khớp bị suy giảm.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh xương khớp chính xác nhất được kể đến hiện nay đó chính là xét nghiệm hình ảnh thông qua chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp vi tính CT, chụp X-quang. Những xét nghiệm này đưa ra hình ảnh rõ nét, dựa vào đó có thể kiểm tra được tình trạng hao mòn sụn, tổn thương sụn và các gai xương.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh khô khớp kéo dài không được can thiệp đúng cách sẽ khiến cho chất nhờn trong khớp bị sụt giảm đáng kể gây nên tình trạng đau nhức dữ dội, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Không chỉ vậy, bệnh tiến triển ở mức độ nặng, mãn tính sẽ gây ra nhiều biến chứng hết sức nguy hiểm, cụ thể:

Biến chứng bệnh khô khớp
Bệnh khô khớp không chỉ gây đau nhức, những trường hợp bệnh nặng có thể gây bại liệt, tàn phế

  • Khó khăn vận động: Tình trạng khô khớp khiến cho các sụn khớp bị suy giảm chất nhờn bôi trơn làm cho bề mặt xương khớp bị thô ráp, tăng độ ma sát. Bệnh tiến triển theo thời gian khiến cho sụn khớp bị bào mòn, mỏng đi gây đau đớn, khó khăn trong việc vận động hàng ngày. Đặc biệt là ở khớp chân gây hạn chế đi lại, khớp tay gây cản trở việc cầm nắm, bưng bê.
  • Suy nhược cơ thể: Tình trạng đau nhức kéo dài khiến cho người bệnh mệt mỏi, chán nản, khó chịu, thường xuyên mất ngủ. Điều này dẫn đến cơ thể bị suy nhược, tinh thần bất ổn, trí nhớ bị suy giảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như hiệu suất công việc.
  • Khớp bị biến dạng, teo cơ: Các khớp xương bị khô cứng, kéo dài thời gian sẽ bị hư hỏng và tổn thương nặng nề khiến cho hệ cơ xương bị biến dạng, không được thẳng thắn và bền vững. Thậm chí có nhiều trường hợp bị teo cơ dẫn đến mất cân bằng tư thế, vận động.
  • Liệt khớp, tàn phế suốt đời: Khi bệnh ở mức độ nặng, không chỉ gây đau đớn, đi lại khó khăn mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh, đặc biệt là dây thần kinh tọa. Khi dây thần kinh bị tổn thương, chèn ép dễ gây bại liệt, mất khả năng vận động và tàn phế suốt đời nằm một chỗ hoặc phải ngồi xe lăn.

Cho đến hiện tại vẫn chưa có một loại thuốc đặc trị nào điều trị dứt điểm bệnh khô khớp. Tuy nhiên, nếu như được phát hiện sớm vẫn có thể ngăn ngừa làm suy giảm các triệu chứng đáng kể, người bệnh không phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm nặng nề.

Điều trị

Sau khi chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ dựa vào mức độ bệnh, thể trạng sức khỏe bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Trường hợp bệnh nhẹ có thể kê đơn thuốc đặc trị, áp dụng phương pháp vật lý trị liệu. Còn những trường hợp bệnh nặng, mãn tính hoặc bị chấn thương sẽ tiến hành phẫu thuật.

Cụ thể những phương pháp điều trị bệnh khô khớp hiện nay như:

Điều trị nội khoa:

Sử dụng thuốc Tây điều trị bệnh luôn là phương pháp được nhiều người lựa chọn. Vì sở hữu nhiều ưu điểm như giảm đau nhanh chóng tại chỗ, đơn giản, nhanh gọn, tốn ít chi phí. Một số thuốc kê đơn cho bệnh nhân khô khớp phổ biến như:

Điều trị bệnh khô khớp
Tiêm chất nhờn vào khớp để điều trị bệnh khô khớp, làm giảm các triệu chứng đau nhức

  • Thuốc giảm đau, chống viêm đường uống như Tramadol, Paracetamol.
  • Thuốc chống viêm không chứa Steroid như Aleve, Ibuprofen, Meloxicam...
  • Một số thuốc phục hồi chức năng sụn khớp như NeoCell Collagen 2, Blackmores Glucosamine...
  • Tiêm chất nhờn vào khớp để giúp các khớp có đủ chất nhờn bôi trờn, từ đó giảm ma sát, hạn chế được những cơn đau nhức.
  • Bổ sung thêm các khoáng chất và Vitamin để làm giảm tình trạng khô khớp bằng cách mỗi ngày uống một viên đa sinh tố, viên uống có chứa những thành phần chính như Vitamin B6, B12, Vitamin K, Magie, Acid Folic.

Tuy thuốc đường uống, đường tiêm mang lại tác dụng hiệu quả, nhanh chóng. Tuy nhiên trong quá trình điều trị người bệnh cần lưu ý uống theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Tránh trường hợp sử dụng sai toa có thể gây ảnh hưởng đến gan, thận, tim mạch đồng thời xảy ra nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, dị ứng, đắng miệng.

Vật lý trị liệu:

Áp dụng phương pháp vật liệu cho bệnh nhân khô khớp sẽ giúp giảm các triệu chứng đau nhức, cứng khớp hiệu quả và lâu dài. Đồng thời tạo độ dẻo dai, tăng cường sức mạnh cho xương khớp, cải thiện khả năng vận động một cách đáng kể. Những liệu pháp cơ bản nằm trong phương pháp vật lý trị liệu được kể đến như:

Điều trị bệnh khô khớp
Bài tập vật lý trị liệu điều trị bệnh khô khớp đem lại hiệu quả cao, lâu dài

  • Xoa bóp, bấm huyệt vùng xương khớp bị tổn thương.
  • Châm cứu các huyệt đạo có liên quan đến xương khớp.
  • Chiếu tia hồng quang để làm giãn mạch, giảm cứng khớp, giảm triệu chứng đau, tăng chuyển hóa.
  • Chiếu sóng viba để thúc đẩy tuần hoàn máu cho các khớp, nhanh hồi phục và giảm đau, tiêu viêm.
  • Ngâm suối khoáng nóng hoặc bùn khoáng để giúp làm giảm các triệu chứng đau nhức khó chịu.
  • Thực hiện các bài tập vận động liên quan đến các khớp để cải thiện chức năng vận động cho các sụn khớp.

Can thiệp ngoại khoa:

Những trường hợp bệnh mãn tính, các phương pháp sử dụng thuốc đường uống, đường tiêm, vật lý trị liệu không đáp ứng và không làm giảm được các triệu chứng đau. Hoặc những bệnh nhân khô khớp cho chấn thương, các bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Mục đích của việc phẫu thuật là điều chỉnh lại sụn khớp sao cho khớp hoạt động bình thường hoặc thay sụn giả để khôi phục chức năng xương khớp. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao, sau khi thực hiện xong người bệnh có thể vận động một cách bình thường, tuy nhiên mức chi phí sẽ cao hơn so với những cách điều trị khác.

Điều trị bệnh khô khớp
Trường hợp khô khớp mạn tính, khô khớp do chấn thương nặng sẽ được chỉ định phẫu thuật

Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên lưu ý sau khi phẫu thuật có thể gặp những biến chứng như nhiễm trùng gây loét, đau đớn, chảy máu. Do đó, cần thực hiện đúng chế độ sinh hoạt cũng như ăn uống hàng ngày để tránh gặp những tổn thương không đáng có.

Tự cải thiện bệnh tại nhà:

Theo các bác sĩ, ngoài việc điều trị bệnh bằng các phương pháp tiêm thuốc, uống thuốc, thực hiện các bài tập, phẫu thuật thì người bệnh cũng có thể kết hợp cải thiện các triệu chứng tại nhà bằng các biện pháp đơn giản như:

  • Thiết lập cho bản thân một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bồi bổ đủ chất.
  • Cai thuốc lá, kiêng các chất kích thích như bia rượu.
  • Làm việc vừa sức, tránh bưng bê, mang vác vật nặng sau quá trình phẫu thuật.
  • Nghỉ ngơi đảm bảo sức khỏe, tránh căng thẳng, stress, hạn chế thức khuya.
  • Nên tập thể dục đều đặn thông qua các bài tập nhẹ nhàng tốt cho xương khớp.
  • Tái khám định kỳ xương khớp để đảm bảo không xảy ra các bất thường không mong muốn.

Tham khảo chi tiết: Bệnh khô khớp uống thuốc gì?

Phòng ngừa

Khô khớp là một căn bệnh có thể xảy ra do tuổi tác cao, tự phát sinh trong cơ thể. Do đó không có biện pháp phòng ngừa hoàn toàn được bệnh. Tuy nhiên, chúng ta có thể hạn chế được các yếu tố kích thích gây bệnh và khiến bệnh dễ dàng khởi phát bằng cách:

Phòng ngừa bệnh khô khớp
Phòng ngừa bệnh khô khớp bằng cách thường xuyên vận động, luyện tập thể dục thể thao

  • Tăng cường sức khỏe xương khớp bằng cách bổ sung các loại sữa tốt cho xương, ăn nhiều thực phẩm giàu Acid béo, ngũ cốc, các loại hạt, rau xanh, hải sản, trái cây giàu Vitamin C.
  • Hạn chế các loại chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, thực phẩm nhiều đường, nhiều muối, nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật.
  • Duy trì cân nặng lý tưởng, tránh tình trạng béo phì, thừa cân khiến cho hệ cơ xương khớp bị chèn ép bởi trọng lượng cơ thể.
  • Hạn chế gặp chấn thương xương khớp bằng cách làm việc khoa học, cẩn thận, tránh bưng bê, mang vác vật nặng quá sức.
  • Nâng cao sức khỏe, tạo hệ xương khớp chắc khỏe dẻo dai bằng cách thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh khô khớp có nguy hiểm không?

2. Khi bị bệnh khô khớp có chữa khỏi hoàn toàn được không?

3. Khô khớp có nên uống thuốc kháng sinh điều trị bệnh?

4. Khi bị khô khớp gây đau nhức nên làm gì để giảm các cơn đau tại nhà?

5. Khô khớp có được tập gym, đi bộ hay không?

6. Phụ nữ mang thai điều trị khô khớp có ảnh hưởng đến thai nhi không?

7. Bệnh khô khớp có di truyền không?

8. Có nên uống TPCN để tăng cường sức khỏe sụn khớp, phòng các bệnh xương khớp?

9. Có nên điều trị bệnh khô khớp bằng thuốc Đông y, phương pháp dân gian?

10. Khi bị khô khớp nên ăn gì, kiêng gì tốt cho người bệnh?

11. Có nên uống sữa khi bị bệnh khô khớp? Loại sữa nào tốt nhất cho người bệnh?

Trên đây là tổng hợp những thông tin cơ bản về bệnh khô khớp, mọi người có thể tham khảo để nắm rõ hơn. Từ đó dễ dàng xác định và nhận biết sớm được các triệu chứng bệnh. Khi thấy những dấu hiệu nghi ngờ bệnh chúng ta cần thăm khám ngay không nên chần chừ sẽ khiến bệnh tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.