Hội chứng Lesch-Nyhan

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Phòng khám đa khoa Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Hội chứng Lesch-Nyhan là một rối loạn di truyền hiếm gặp đặc trưng bởi các tổn thương về thần kinh và hành vi. Triệu chứng bao gồm viêm khớp nặng, kém kiểm soát cơ bắp và thiểu năng trí tuệ, đặc biệt tự gây thương tích cho bản thân và người khác không kiểm soát. Đa số các trường hợp mắc bệnh đều có tiên lương xấu, tử vong sớm nếu không được điều trị kịp thời.

Tổng quan

Hội chứng Lesch-Nyhan (Lesch-Nyhan Syndrome) còn được gọi là chứng bệnh tự ăn thịt chính mình. Đây là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp về khả năng chuyển hóa purin trong cơ thể. Rối loạn này xảy ra do sự thiếu hụt enzyme hypoxanthine-guanine phosphoribosyltransferase (HPRT).

Hội chứng Lesch-Nyhan là rối loạn di truyền gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa purin dẫn đến tích tụ axit uric quá mức trong cơ thể

Khi không có loại enzyme này, dẫn đến tích tụ purin và gây ra hàng loạt các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh - cơ, suy nhược chức năng vận động - nhận thức và nhiều cơ quan nội tạng khác. Đặc trưng bởi các triệu chứng như tự làm tổn thương, cắn liên tục vào bàn tay, ngón tay, môi, đập đầu, đánh chính mình... Những hành vi này thường bắt đầu từ thời thơ ấu và rất khó để kiểm soát.

Hội chứng Lesch-Nyhan thường di truyền từ mẹ sang con trai và hiếm khi xảy ra ở các bé gái. Chứng bệnh này thường có tiên lượng xấu, không có cách chữa trị khỏi dứt điểm và làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng hoặc suy thận.

Phân loại

Hội chứng Lesch-Nyhan được phân chia làm 3 dạng, dựa vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bao gồm:

  • Dạng cổ điển: Đây là dạng phổ biến nhất, chiếm khoảng 70% người mắc chứng rối loạn này. Dạng bệnh này đặc trưng với các triệu chứng như tự gây thương tích, co cứng, thiểu năng trí tuệ và khởi phát bệnh gút.
  • Dạng giảm nhẹ: Dạng này ít nghiêm trọng hơn dạng cổ điển. Bệnh nhân mắc thể bệnh này thường có các triệu chứng của thiểu năng trí tuệ, bệnh gút nhưng ở mức độ nhẹ và ít có các dấu hiệu về hành vi tự gây thương tích.
  • Dạng nghiêm trọng: Loại thứ 3 của hội chứng Lesch-Nyhan là dạng bệnh xảy ra ở trẻ vị thành niên, thường khởi phát từ thời thơ ấu. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng như co cứng cơ, tổn thương hệ thần kinh, thiểu năng trí tuệ và tự gây tổn thương cho bản thân.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bản chất của hội chứng Lesch-Nyhan là một lỗi bẩm sinh hiếm gặp của quá trình chuyển hóa purin, đặc trưng bởi sự thiếu hụt hoặc không có enzyme hypoxanthine guanine phosphoribosyltransferase (HPRT). Purin là các hợp chất chứa nitơ được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như thịt gia cầm, nội tạng động vật hoặc các loại đậu.

Nếu không có HPRT, các hoạt chất purine hypoxanthine và guanine không được tích hợp vào trong nucleotide. Làm tăng cao nồng độ axit uric bất thường ở những người mắc hội chứng Lesch-Nyhan, gây tổn thương thần kinh. Đồng thời, các tinh thể natri urat có thể tích tụ bất thường ở khớp và thận.

Đột biến gen HPRT1 là nguyên nhân hàng đầu gây ra hội chứng Lesch-Nyhan

Nguyên nhân gây ra hội chứng Lesch-Nyhan là đột biến gen HPRT1. Loại gen này có nhiệm vụ tạo ra enzyme HPRT và gúp cơ thể thực hiện quá trình trao đổi chất một cách tốt nhất. Hậu quả gây ra những ảnh hưởng như trên do tích tụ axit uric quá mức trong máu và nước tiểu.

Dạng đột biến này xảy ra ở nhiễm sắc thể X - một trong hai NST quyết định giới tính. Vì phụ nữ có 2 NST X nên chỉ có thể biểu hiện hội chứng Lesch-Nyhan khi thừa hưởng cả 2 gen đột biến này. Đây là lý do vì sao nữ giới thường ít có nguy cơ, thay vào đó nam giới thường có NST X và Y, chỉ cần thừa hưởng 1 NST X đột biến là có thể khởi phát thành bệnh.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Triệu chứng của hội chứng Lesch-Nyhan thường bắt đầu khởi phát lần đầu tiên khi trẻ được 6 tháng tuổi. Đặc trưng triệu chứng của hội chứng Lesch-Nyhan ở trẻ em gây ảnh hưởng đến tinh thần, trí tuệ, hành vi và khả năng vận động. Hậu quả khiến trẻ chậm phát triển và kém khả năng kiểm soát cơ bắp. Đồng thời, một triệu chứng đặc trưng khác là các tinh thể màu cam trong tã do cơ thể dư thừa axit uric.

Các triệu chứng của hội chứng Lesch-Nyhan bao gồm các hành vi tự gây thương tích, co cứng, sỏi thận, bệnh gout và thiểu năng trí tuệ

Ngoài ra, còn một số triệu chứng phổ biến khác ở bệnh nhân hội chứng Lesch-Nyhan như:

Hành vi tự gây thương tích cho bản thân và những người xung quanh

Hành vi này thường bắt đầu từ thời thơ ấu và tự bộc phát, không thể tự kiểm soát. Đây là dấu hiệu đặc trưng của hội chứng này. Hành vi này được đánh giá có liên quan đến rối loạn chức năng ở hạch nền - 1 phần của não thực hiện hoạt động kiểm soát cử động và hành vi. Chiếm khoảng 85% trong tổng số những người mắc hội chứng Lesch-Nyhan.

Bao gồm các triệu chứng sau:

  • Đập đầu, đập mạnh vào tứ chi;
  • Cắn liên tục vào môi, tứ chi và má;
  • Tự chọc mạnh vào mắt;

Triệu chứng về cơ và khả năng vận động

Bệnh nhân hội chứng Lesch-Nyhan cũng có thể bị yếu cơ và gặp các vấn đề khả năng kiểm soát cơ bao gồm:

  • Cánh tay hoặc chân liên tục chuyển động lặp đi lặp lại;
  • Đi lại khó khăn, không thể bò hoặc tự dùng tay múc đồ ăn;
  • Khó nuốt;
  • Phản xạ phóng đại;
  • Chuyển động múa giật;
  • Co cứng cơ gây đau nhức khó chịu;
  • Nói lắp, kém phát triển ngôn ngữ;
  • Lưng cong và gây rối loạn trương lực cơ;

Triệu chứng về sức khỏe

Trẻ mắc hội chứng Lesch-Nyhan cũng có thể gặp phải một số triệu chứng bất thường về sức khỏe, dưới sự ảnh hưởng và tích tụ axit uric gồm:

  • Suy thận;
  • Sỏi bàng quan;
  • Sỏi thận;
  • Nôn ói nhiều lần;
  • Bệnh gout;
  • Chứng thiếu máu hồng cầu khổng lồ do thiếu hụt vitamin B12;

Triệu chứng trí tuệ

Các vấn đề khiếm khuyết thần kinh như:

  • Học tập kém;
  • Khó có thể tập trung;
  • Trí nhớ kém;
  • Không thể phân tích hoặc lên kế hoạch phức tạp;

Chẩn đoán

Các triệu chứng của hội chứng Lesch-Nyhan rất khó đánh giá và chẩn đoán chính xác bệnh do khá giống với các triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm có thể được áp dụng để chẩn đoán chứng bệnh này bao gồm:

Xét nghiệm di truyền thông qua mẫu máu giúp chẩn đoán hội chứng Lesch-Nyhan

  • Xét nghiệm di truyền: Đây là công cụ chẩn đoán chính xác nhất đối với hội chứng Lesch-Nyhan. Kỹ thuật này được thực hiện nhằm mục đích phân tích một mẫu DNA của bệnh nhân, sau đó tìm kiếm các dạng đột biến gen HPRT. Nếu phát hiện đột biến, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán mắc hội chứng này.
  • Xét nghiệm hoạt động enzyme: Xét nghiệm này cũng được chỉ định áp dụng để chẩn đoán hội chứng Lesch-Nyhan. Điều này liên quan đến việc phân tích mẫu máu của bệnh nhân nhằm đo kiểm tra hoạt động của enzyme HPRT. Trường hợp hoạt động enzyme thấp hoặc không có chính là gợi ý chẩn đoán chứng bệnh này.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Bệnh nhân hội chứng Lesch-Nyhan thường có chỉ số axit uric cao trong nước tiểu. Do đó, bác sĩ cũng yêu cầu bệnh nhân thực hiện xét nghiệm nước tiểu nhằm đo nồng độ này. Nếu mức độ này tăng cao có thể chẩn đoán hội chứng Lesch-Nyhan.

Biến chứng và tiên lượng

Có không ít bệnh nhân mắc hội chứng Lesch-Nyhan ở độ tuổi thiếu niên có tiên lượng xấu, cơ hội sống sót đến ngoài 20 tuổi là rất thấp. Nguyên nhân tử vong lớn nhất ở bệnh nhân là do nhiễm trùng và suy thận. Thậm chí, còn rất nhiều trường hợp tử vong đột ngột không có lý do.

Không có biện pháp điều trị dứt điểm đối với hội chứng Lesch-Nyhan, vì bản chất của căn bệnh này là một dạng rối loạn di truyền từ người mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ có thể được chỉ định thực hiện một số biện pháp cải thiện tích cực để kiểm soát các triệu chứng đơn lẻ.

Điều trị

Các phương pháp được áp dụng hiệu quả bao gồm:

Các loại thuốc như Allopurinol, Baclofen, Diazepam... giúp kiểm soát các triệu chứng liên quan đến hội chứng Lesch-Nyhan

  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc có thể giúp ích trong việc kiểm soát triệu chứng của hội chứng Lesch-Nyhan như:
    • Allopurinol: Có tác dụng làm giảm nồng độ axit uric đang tăng quá mức. Dù cả trong trường hợp không gây ra bất kỳ triệu chứng thể chất, thần kinh hay sức khỏe nào;
    • Baclofen: Loại thuốc này có tác dụng làm giảm khả năng co cứng và hỗ trợ điều trị xử lý các triệu chứng thay đổi hành vi;
    • Benzodiazepine/Diazepam: Nhóm thuốc này có khả năng khắc phục triệu chứng co cứng có liên quan đến hội chứng Lesch-Nyhan;
  • Tán sỏi: Được chỉ định áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân có sỏi trong thận hoặc sỏi tiết niệu. Phương pháp phổ biến nhất là tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích (ESWL) hoặc laser.
  • Dụng cụ bảo hộ: Một số dụng cụ được thiết kế dành riêng cho trẻ em mắc hội chứng Lesch-Nyhan giúp ngăn chặn hành vi tự làm tổn thương bản thân. Chẳng hạn như dùng thanh nẹp hoặc dụng cụ bảo vệ hàm.
  • Trị liệu phục hồi chức năng: Các liệu pháp phổ biến nhất là vật lý trị liệu hoặc trị liệu nghề nghiệp nhằm cải thiện khả năng cử động, đi lại cho trẻ.

Phòng ngừa

Vì hội chứng Lesch-Nyhan có tính chất di truyền, nên không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của bản thân mà còn là của con cái. Do đó, hãy chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe tích cực nhằm giảm thiểu các yếu tố nguy cơ khởi phát bệnh.

Nếu có tiền sử gia đình mắc hội chứng Lesch-Nyhan, đặc biệt đang mang thai sẽ được đề nghị xét nghiệm tiền sản như chọc ối hoặc xét nghiệm mẫu nhung mao màng đệm. Phương pháp này giúp sớm phát hiện đột biến gen bất thường và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng khó lường trong tương lai.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao con tôi mắc hội chứng Lesch-Nyhan?

2. Mức độ bệnh của con tôi có nghiêm trọng không?

3. Con tôi mắc hội chứng Lesch-Nyhan sống được bao lâu?

4. Hội chứng Lesch-Nyhan có thể chữa khỏi được không?

5. Phương pháp điều trị hội chứng Lesch-Nyhan tốt nhất dành cho trường hợp của con tôi?

6. Con tôi có cần phải ngồi xe lăn hay không? Có cần hỗ trợ cho ăn không?

7. Vợ chồng tôi cần làm gì để xác định nguy cơ mắc hội chứng Lesch-Nyhan ở thai nhi?

Hội chứng Lesch-Nyhan thường xảy ra ở trẻ em, khiến trẻ phải đối mặt với các triệu chứng nghiêm trọng như đau đớn khớp, rối loạn trương lực cơ và thiểu năng trí tuệ. Chứng bệnh này thường có tiên lượng xấu, tuy không có cách chữa bệnh dứt điểm nhưng vẫn có thể làm giảm triệu chứng bằng các biện pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.