Bệnh giun tóc

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bệnh giun tóc là tình trạng viêm nhiễm đường ruột thường gặp hiện nay. Thói quen ăn những thực phẩm chưa được nấu chín có nguy cơ nhiễm phải loại giun này. Để loại bỏ giun tóc, người bệnh cần sử dụng các loại thuốc chuyên dụng, kết hợp thay đổi thói quen ăn uống. Trường hợp nhiễm bệnh kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng tiêu hóa không tốt cho sức khỏe.

Tổng quan

Bệnh giun tóc được biết đến là một bệnh lý viêm nhiễm đường ruột thường gặp, gây ra bởi một loại giun có trong thực phẩm tươi sống, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Giun tóc có tên khoa học là Trichuris Trichiura thân hình tròn, sống phổ biến tại các khu vục nhiệt đới, thời tiết nóng ẩm.

Bệnh giun tóc
Nhiễm giun tóc đường ruột khiến người bệnh gặp phải các vấn đề tiêu hóa

Nhiễm giun tóc là một trong các dạng viêm nhiễm đường ruột có tỷ lệ xảy ra cao, xếp thứ 3 trên thế giới. Hàng năm, số lượng người nhiễm giun tóc không ngừng gia tăng. Giun tóc gây hại cho hệ thống đường ruột của người bị nhiễm, chúng lây lan qua đường ăn uống, lẫn trong phân của người bệnh.

Mặc dù không phải là bệnh lý nguy hiểm, có thể sử dụng thuốc kiểm soát giun tóc, tuy nhiên bệnh nhân không nên chủ quan. Viêm nhiễm đường ruột kéo dài có thể phát sinh các vấn đề khác, ngoài ra nguy cơ lây lan giun tóc ra cộng đồng cao, cần thận trọng và điều trị sớm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy người nhiễm giun tóc ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các nước nằm trong khu vực nhiệt đới. Giun tóc thường sống ký sinh ở vùng manh tràng, đại tràng, một số ít có khả năng sống tại khu vực ruột thừa, vùng ruột non hiếm khi gặp.

Chúng đẻ trứng bên trong đường ruột và sau đó trứng đi theo phân ra ngoài, ấu trùng tiếp tục nở ra, lặp lại vòng đời của giun tóc. Trứng giun tóc có hình dạng giống như quả cau, màu vàng đậm, lớp vỏ trứng khá dày dặn, chắc chắn, trứng có 2 đầu là 2 nút nhầy không có màu sắc, trong suốt.

Nếu gặp điều kiện thuận lợi, ấu trùng giun tóc sẽ tiếp tục xâm nhập vào đường ruột của con người. Ở điều kiện ngoài cơ thể người, trứng giun tóc thường sau 14 ngày sẽ nở thành ấu trùng và tiếp tục phát triển.

Khi ký sinh bên trong đường ruột, chúng sẽ hút máu lấy dinh dưỡng thông qua thành ruột. Nếu không phát hiện và loại bỏ, giun tóc có thể ký sinh bên trong đường ruột lên đến 5 năm. Con đường lây nhiễm bệnh chủ yếu thông qua đường ăn uống.

Con người có thể nhiễm phải giun tóc nếu ăn phải thực phẩm sống có chứa ấu trùng giun tóc, không rửa tay sạch trước khi ăn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh,... Các tổn thương ruột do giun tóc gây ra không quá nghiêm trọng, tuy nhiên trường hợp nặng thành ruột có thể bị hoại tử, dẫn đến viêm loét niêm mạc ruột.

Nguyên nhân nhiễm giun tóc
Thói quen ăn uống không vệ sinh, tiếp xúc với môi trường chứa mầm bệnh dẫn đến tình trạng nhiễm giun tóc

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị nhiễm giun tóc, trong đó trẻ em có nguy cơ cao nhất. Các yếu tố tăng khả năng nhiễm giun tóc bao gồm:

  • Trẻ chơi dưới đất, hay ngậm tay.
  • Gia đình không có biện pháp xử lý phân và nước thải, rác đúng cách.
  • Dùng phân tươi tưới cây trồng, nhất là cây rau ăn lá, ăn sống.
  • Thói quen ăn uống không vệ sinh, chế biến thực phẩm không sạch, ăn những món tươi sống chưa qua ngâm rửa.
  • Tiếp xúc với những khu vực có nhiều trứng giun.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Người bị nhiễm giun tóc có các triệu chứng giống như hội chứng lỵ Amip. Do phần niêm mạc ở vùng đại tràng bị tổn thương khi giun tóc hút máu, các dấu hiệu điển hình như:

  • Cơn đau bụng thường xuyên xảy ra.
  • Đi đại tiện liên tục trong ngày.
  • Phân ít, dính chất nhầy lẫn máu.
  • Mót rặn thường xuyên do niêm mạc bị kích thích.

Đối với trường hợp nhiễm giun tóc kéo dài có thể nhận thấy triệu chứng trở nên nặng nề hơn:

  • Xảy ra tình trạng thiếu máu, lượng bạch cầu giảm.
  • Người bệnh có thể nhận thất tiếng thổi tâm thu.
  • Cơ thể mệt mỏi, phù nhẹ, kèm theo các triệu chứng lỵ.

Triệu chứng có thể được kiểm soát nếu bệnh nhân phát hiện và sử dụng thuốc loại bỏ giun tóc ra khỏi cơ thể. Trường hợp chủ quan, kích thích đường ruột ngày càng nặng có thể dẫn đến các biến chứng tiêu hóa khác không có lợi cho sức khỏe người bệnh.

Chẩn đoán

Có nhiều trường hợp không xuất hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt khiến bệnh nhân chủ quan. Điều này dẫn đến nguy cơ tổn thương niêm mạc đường ruột nghiêm trọng hơn. Người bệnh cần được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị giun tóc sớm.

Các xét nghiệm chẩn đoán thường được áp dụng là xét nghiệm phân. Thông qua phân tích mẫu bệnh phẩm phát hiện có hay không sự xuất hiện của trứng giun tóc. Tuy nhiên do cần nhiều thời gian để giun tóc đẻ trứng và đào thải qua phân, nên một số trường hợp xét nghiệm âm tính.

Bệnh nhân có thể sẽ được hướng dẫn thực hiện thêm các phương pháp tập trung trứng, kết hợp kato - katz đánh giá mức độ và định lượng khả năng nhiễm giun tóc. Sau đó, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả chẩn đoán để chỉ định thuốc loại bỏ giun cho người bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Mặc dù bệnh giun tóc có thể điều trị bằng thuốc mà không cần can thiệp chuyên sâu, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phát hiện và can thiệp kịp thời. Những đối tượng chủ quan, không thăm khám điều trị có thể gặp phải các biến chứng đường ruột.

Biến chứng nhiễm giun tóc
Niêm mạc ruột bị tổn thương nặng hơn gây ra các biến chứng nguy hại sức khỏe người bệnh

Trong đó có thể kể đến các trường hợp như:

  • Giun tóc khiến bệnh nhân đi đại tiện nhiều lần trong ngày, thậm chí có thể lên đến 20-30 lần trong ngày. Điều này kéo theo rủi ro viêm đại tràng nặng gây sa trực tràng.
  • Tổn thương niêm mạc ruột nặng nề gây nhiễm trùng thứ phát, tăng nguy cơ bội nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột. Các hại khuẩn có trong đường ruột nhân cơ hội tấn công gây viêm ruột thừa.
  • Nhiễm giun tóc trường hợp ở trẻ em nếu kéo dài có thể gây thiếu máu, thiếu sắt. Điều này có khả năng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của trẻ, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, chậm lớn.

Điều trị

Sử dụng thuốc điều trị giun tóc là phương pháp được thực hiện chủ yếu. Trong đó các loại thuốc thường được dùng kể đến như Mebendazole, Albendazole. Thuốc có tác dụng loại bỏ giun tóc, trứng giun tránh nguy cơ viêm nhiễm đường ruột nặng nề hơn.

Không sử dụng thuốc cho các trường hợp đang mang thai, trẻ em dưới 2 tuổi, người đang mắc các bệnh lý về gan, thận,... Những đối tượng này sẽ được hướng dẫn phác đồ riêng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe.

Ngoài dùng thuốc diệt giun tóc, người bệnh cũng cần điều chỉnh thói quen ăn uống, đảm bảo giữ vệ sinh cho hệ tiêu hóa, tránh tái nhiễm giun hoặc các vấn đề liên quan gây hại sức khỏe và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm: Thuốc Fugacar mebendazole có tác dụng gì?

Phòng ngừa

Bệnh giun tóc không phải là chứng bệnh nguy hiểm, người bệnh có thể loại bỏ giun tóc đường ruột bằng thuốc tân dược. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp chủ quan, không khám và điều trị khiến giun tóc có cơ hội phát triển, tấn công gây viêm nhiễm nặng hơn.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo mỗi người dân nên chủ động bảo vệ sức khỏe. Nhằm ngăn chặn nguy cơ nhiễm giun tóc nói riêng và các loại giun ký sinh đường ruột khác, một số lưu ý như sau:

  • Định kỳ mỗi 6 tháng/lần bạn nên tẩy giun cho bản thân và các thành viên trong gia đình để ngăn nguy cơ nhiễm giun gây viêm nhiễm đường ruột không tốt cho sức khỏe.
  • Vệ sinh môi trường sống, không gian nhà ở, thường xuyên quét dọn, lau chùi, sử dụng dung dịch sát khuẩn, diệt trùng để loại bỏ vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh cho cơ thể.
  • Có biện pháp xử lý chất thải, nước thải, rác tại hộ gia đình đúng cách. Không sử dụng phân tươi để ủ và tưới cây trồng, nhất là các loại rau củ quả.
  • Rửa sạch rau củ quả trước khi ăn, tốt nhất nên ưu tiên các món ăn chín uống sôi. Không ăn sống những loại rau mọc dại ở khu vực có nhiều chó, mèo, súc vật sinh sống.
  • Đậy thức ăn cẩn thận, tránh ruồi nhặng, không sử dụng thực phẩm đã hư hỏng.
  • Chủ động vệ sinh cá nhân, dạy trẻ em rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh bằng dung dịch xà phòng sát khuẩn để đảm bảo tránh nhiễm khuẩn đường ruột,...
  • Khám sức khỏe định kỳ, đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy cơ thể có các biểu hiện bất thường. Tránh việc tự ý sử dụng thuốc, lạm dụng thuốc tân dược gây nhờn thuốc ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh hoặc gây tác dụng phụ hại sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh giun tóc có nguy hiểm không?

2. Nguyên nhân vì sao tôi bị nhiễm giun tóc?

3. Giun tóc có thể sống bao lâu trong đường ruột?

4. Triệu chứng nhiễm giun tóc là gì?

5. Nếu không điều trị giun tóc có tự đào thải không?

6. Trường hợp nhiễm giun tóc kéo dài có sao không?

7. Sử dụng thuốc nào để trị bệnh giun tóc?

8. Tôi cần làm gì để bảo vệ người thân khỏi bệnh giun tóc?

9. Bệnh giun tóc có tái phát không?

10. Trường hợp gặp biến chứng nhiễm giun tóc tôi nên làm gì?

Bệnh giun tóc là một trong những trường hợp viêm nhiễm đường ruột phổ biến, ai cũng có khả năng gặp phải. Người bệnh có các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa. Trường hợp chủ quan không điều trị có thể khiến niêm mạc ruột tổn thương nhiều hơn. Do đó, bệnh nhân nên chủ động khám và loại bỏ giun tóc sớm để bảo vệ an toàn sức khỏe.