Giãn não thất

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Giãn não thất là một trong những dị tật nguy hiểm xảy ra có thể đe dọa đến tính mạng của thai nhi. Cần phát hiện sớm để có các biện pháp xử lý đảm bảo an toàn sức khỏe cho người mẹ. Hiện nay với sự phát triển của y học hiện đại, có nhiều biện pháp xét nghiệm chẩn đoán sàng lọc cho bà bầu các dị tật thai nhi từ sớm.

Tổng quan

Giãn não thất còn được gọi với một số tên gọi khác như tràn dịch não, não úng thủy. Đây là thuật ngữ y khoa chỉ hiện tượng rối loạn sản xuất và hấp thụ dịch tủy não. Phần lớn các trường hợp xảy ra do sự tắc nghẽn lưu thông dịch tủy não và ức chế tái hấp thụ.

Giãn não thất
Giãn não thất là một trong số các trường hợp dị tật thai nhi vô cùng nguy hiểm

Giãn não thất là một trong những dị tật có khả năng xảy ra ngay từ khi thai nhi còn trong bụng mẹ. Nếu không phát hiện kịp thời, các biến chứng liên quan đến giãn não thất có thể đe dọa sự an toàn tính mạng của trẻ. Ngoài ra, một số trường hợp khác hiện tượng giãn não thất có thể xảy ra ở người lớn trên 60 tuổi.

Theo đó, vùng não thất ở thai nhi hay người lớn đều có chứa một lượng dịch não tủy, lượng dịch này sẽ giúp bảo vệ não và tủy sống. Riêng ở thai nhi, hàm lượng dịch sẽ thấp hơn so với người lớn, trung bình là dưới 10mm.

Não thất giãn khi xảy ra hiện tượn rối loạn hấp thụ, lưu thông và sản sinh dịch tủy não. Mỗi trường hợp có mức độ giãn não thất khác nhau. Tình trạng nặng nhất gây não úng thủy, đe dọa an toàn tính mạng của thai nhi.

Phân loại

Tình trạng giãn não thất được phân thành 2 dạng chính:

  • Giãn não thất thể tràn dịch não trong: Xảy ra do có sự tắc nghẽn ống sylvius, liên quan đến các biến chứng viêm nhiễm, chèn ép của khối u.
  • Giãn não thất thể tràn dịch não ngoài: Xảy ra do biến chứng viêm màng não, biến chứng xuất huyết hoặc nhiễm khuẩn.

Ngoài phân loại như trên, người ta còn phân bệnh lý thành các nhóm dựa vào vị trí não thất bị ảnh hưởng. Bao gồm giãn não thất trái, phải và giãn não thất hai bên. Người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng bất thường khi mắc phải chứng bệnh này, cần điều trị kiểm soát sớm để tránh ảnh hưởng tính mạng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Giãn não thất có thể xảy ra do ảnh hưởng bởi các yếu tố như:

  • Hiện tượng tắc nghẽn dòng chảy dịch não tủy dẫn đến tình trạng giãn não thất. Dịch não tủy không lưu thông được qua các tâm thất hoặc từ tâm thất sang các khu vực khác.
  • Ngoài nguyên nhân tắc nghẽn dòng chảy gây bệnh, nguy cơ giãn não thất xảy ra do hấp thụ dịch não tủy kém tại các mạch. Nguyên nhân gây hấp thụ kém có liên quan đến các chấn thương hoặc viêm nhiễm ở khu vực não bộ.
  • Một trường hợp hiếm gặp khác, giãn não thất xảy ra do quá trình sản sinh dịch não tủy bị rối loạn, lượng dịch nhiều hơn mức cần thiết có thể hấp thụ dẫn đến dư thừa dịch, tràn dịch.
  • Những nguyên nhân khác gây bệnh được tìm thấy như đột biến nhiễm sắc thể, ảnh hưởng bởi hiện tượng nhiễm trùng huyết, xuất huyết, hội chứng chiari, thoát vị màng não, hội chứng dandy,...

Xác định nguyên nhân gây giãn não thất góp phần giúp bác sĩ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Trường hợp can thiệp chậm trễ, sai cách có thể dẫn đến những rủi ro đáng tiếc. Những đối tượng có nguy cơ bị giãn não thất:

  • Những em bé sinh non hoặc bị tràn dịch não bẩm sinh. Liên quan đến bất thường hệ thống thần kinh, xuất huyết tâm thất khi sinh non, nhiễm trùng khi sinh thường tại tử cung người mẹ do các bệnh lý phụ khoa.
  • Người bị sang thương, khối u ở não và tủy sống có khả năng bị giãn não thất.
  • Người bị nhiễm trùng thần kinh trung ương, mắc chứng viêm màng não, xuất huyết não, chấn thương sọ não.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Giãn não thất không chỉ xảy ra ở thai nhi mà còn có khả năng xuất hiện muộn ở trẻ lớn, người trưởng thành. Các dấu hiệu nhận biết kể đến như:

  • Triệu chứng ở trẻ sơ sinh: Kích thước đầu lớn bất thường, sau thời gian sự bất thường này càng rõ nét hơn, đầu to, khi sờ thấy thóp phồng. Trẻ sơ sinh thường xuyên nôn trớ, khóc thét, co giật, ngủ nhiều hơn bình thường. Quan sát trẻ có phản xạ chậm, mắt chỉ nhìn một hướng, trương lực cơ giảm.
  • Triệu chứng ở trẻ lớn: Xuất hiện các cơn đau nhức đầu bất thường, nhìn đôi, thị lực kém. Biểu hiện toàn thân như buồn ngủ bất thường, hay nôn, khả năng cân bằng kém, ăn uống không ngon, tiểu không tự chủ. Một vài trường hợp bị co giật, khả năng phối hợp kém, nhận thức và hành vi không tự chủ, thay đổi thất thường.
  • Triệu chứng ở thanh niên, trung niên: Ở người lớn hơn, các dấu hiệu có thể trở nặng và diễn biến phức tạp. Điển hình là cơn đau đầu, khả năng phối hợp và cân bằng kém. Ngoài ra, người bệnh còn bị suy giảm thị lực nặng, không kiểm soát được nhu cầu tiểu tiện, trí nhớ kém, khả năng tập trung và tư duy giảm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, công việc.
  • Triệu chứng ở người cao tuổi: Tình trạng giãn não thất gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người bệnh. Những đối tượng trên 60 tuổi bắt đầu mất trí nhớ, không kiểm soát nhu cầu tiểu tiện, khả năng đi lại kém, dáng đi lộn xộn, mất nhận thức và khả năng tư duy.

Người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để khám và điều trị ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường của cơ thể. Trường hợp chủ quan, không can thiệp sớm có thể kéo theo nhiều biến chứng khác, nặng nhất là gây tử vong.

Chẩn đoán giãn não thất
Bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nghiêm trọng

Chẩn đoán

Hiện nay các biện pháp chẩn đoán giãn não thất cho thai nhi đã được ứng dụng nhằm sàng lọc dị tật cho bé ngay từ trong bụng mẹ. Thực hiện kiểm tra nguy cơ giãn não thất ở thai nhi vào các tháng trong tam cá nguyệt thứ 2. Biện pháp siêu âm là chủ yếu.

Trường hợp nhận thấy có dấu hiệu giãn não thất, siêu âm phát hiện đường kính não thất lớn hơn 10mm bác sĩ sẽ đưa ra các tư vấn xử lý và điều trị phù hợp. Ngoài ra, bà bầu còn được thực hiện các biện pháp chẩn đoán khác nhằm có kết luận chính xác hơn về tình hình sức khỏe và dị tật thai nhi.

Đối với bệnh nhi lớn hơn và người trưởng thành, ngoài các kiểm tra thần kinh, thăm khám lâm sàng, người bệnh còn được siêu âm, chụp MRI, X quang hay CT để xác định vị trí não thất bị ảnh hưởng, tìm hiểu mức độ tổn thương hoặc nguy cơ biến chứng để kịp thời can thiệp điều trị bảo vệ an toàn cho người bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Giãn não thất có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây được xem là dạng của não úng thủy, dị tật phổ biến ở thai nhi, xảy ra từ trong bụng mẹ hoặc tiến triển do các rối loạn hệ thần kinh trung ương. Bệnh có tỷ lệ xuất hiện phổ biến ở trẻ sơ sinh, người già trên 60 tuổi.

Trường hợp tràn dịch não không được kiểm soát, bệnh nhân có thể đối mặt với nhiều biến chứng kể đến như:

  • Tăng nguy cơ viêm màng não mủ ở trẻ em.
  • Gây ra hiện tượng mù, điếc vĩnh viễn không thể phục hồi.
  • Dẫn đến tình trạng liệt toàn thân, liệt một nửa người.
  • Bệnh động kinh gây hại cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ nhỏ.
  • Trẻ em bị giãn não thất có tư duy kém, chậm phát triển thể chất.
  • Nguy cơ suy đa tạng, nhiễm trùng do ảnh hưởng bởi giãn não thất khiến bệnh nhân tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

Nếu phát hiện kịp thời và có những chỉ định điều trị đúng đắn trẻ có nhiều cơ hội được cứu sống. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nếu phát hiện trẻ sơ sinh có dấu hiệu bất thường nên thăm khám sớm để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Điều trị

Qua thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ chỉ định phương án can thiệp điều trị giãn não thất cho bệnh nhân. Các biện pháp kể đến như:

  • Điều trị trong thai kỳ: Thai nhi có kích thước não thất dưới 10mm theo dõi và khám thai định kỳ không cần điều trị. Trường hợp phát hiện não thất có giãn nhẹ, kích thước tăng không quá nhiều chỉ định kết hợp kiểm tra, siêu âm tim, não bộ toàn diện cho thai nhi. Tiếp tục theo dõi nếu không phát hiện thêm các dấu hiệu bất thường. Trường hợp kết quả cho thấy giãn não thất tiến triển, bà bầu cần nhập viện theo dõi chuyên sâu. Nếu thai nhi dị tật não nặng phải chấp nhận bỏ thai để đảm bảo an toàn cho bà bầu và lần mang thai kế tiếp.
  • Điều trị cho các đối tượng khác: Chỉ định đặt Shunt tháo nước cho người bị não úng thủy. Phương pháp giúp dẫn lưu dịch não dư thừa từ não đến các bộ phận cần thiết trong cơ thể như bụng, buồng trong tim, đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh. Người bệnh có thể phải sử dụng ống dẫn Shunt cho đến cuối đời với sự theo dõi của bác sĩ chuyên gia. Tái khám theo lịch hẹn để đảm bảo quá trình điều trị đạt hiệu quả và an toàn nhất.
  • Điều trị phẫu thuật: Phẫu thuật nội soi thất thứ 3 được thực hiện cho các đối tượng nhất định. Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi có gắn máy quay, đưa vào trong não thông qua lỗ nhỏ. Ống dẫn này sẽ giúp giải phóng dịch não tủy dư thừa thoát ra ngoài.

Phương pháp điều trị bệnh có các ưu và nhược điểm nhất định. Đặc biệt là khi can thiệp bằng giải pháp chuyên sâu, xâm lấn cơ thể bệnh nhân. Các rủi ro sẽ được bác sĩ thông báo trước khi tiến hành điều trị để bệnh nhân chuẩn bị tinh thần và có hướng xử lý tốt nhất nếu gặp phải.

Phòng ngừa

Giãn não thất là một trong các dị tật xảy ra ở thai nhi với mức độ nguy hiểm cao. Cho đến nay, bệnh vẫn không có biện pháp phòng ngừa một cách hiệu quả nhất. Để theo dõi và kịp thời phát hiện bất thường ở thai nhi, bà bầu được khuyến cáo khám thai định kỳ, siêu âm và thực hiện các sàng lọc trước sinh.

Phòng ngừa giãn não thất
Khám thai định kì, thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sau sinh

Bên cạnh đó, những phụ nữ trước khi mang thai cũng được tư vấn tiêm phòng các bệnh lý cần thiết theo hướng dẫn của Bộ y tế nhằm giảm nguy cơ dị tật thai nhi. Bà bầu trong thời gian mang thai cần bổ sung các dưỡng chất cần thiết, tiêm ngừa để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.

Trẻ sơ sinh cần chăm sóc tốt khi chào đời, tránh các va chạm mạnh ở vùng đầu để giảm thiểu các nguy cơ cho bé. Tiêm phòng sơ sinh và các mũi tiêm nhắc lại cần thực hiện để trẻ phát triển khỏe mạnh, phòng tránh các bệnh lý gây hại sức khỏe thể chất và tinh thần.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Giãn não thất là bệnh gì? Nguy hiểm không?

2. Nguyên nhân nào khiến con tôi bị giãn não thất?

3. Dựa vào những dấu hiệu nào nhận biết con tôi bị giãn não thất?

4. Giãn não thất có điều trị được không?

5. Những rủi ro nào nếu con tôi không điều trị giãn não thất kịp thời?

6. Khi nào cần phẫu thuật điều trị giãn não thất?

7. Tôi muốn biết về các rủi ro nếu thực hiện phẫu thuật não?

8. Sau phẫu thuật con tôi có thể phát triển bình thường không?

9. Tôi có thể phòng ngừa giãn não thất cho con khi mang thai không?

10. Chi phí điều trị giãn não thất là bao nhiêu?

Giãn não thất là vấn đề nguy hiểm, khả năng biến chứng cao nếu không kịp thời kiểm soát. Người bệnh có thể tử vong trong thời gian ngắn nếu hiện tượng tràn dịch não tủy trở nên nặng nề. Bệnh xuất hiện ở thai nhi hoặc trẻ sơ sinh, người lớn tuổi. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, tốt nhất bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện gặp bác sĩ để được hỗ trợ, điều trị sớm.