Bệnh Thoát Vị Não
Thoát vị não là hậu quả của tình trạng gia tăng áp lực trong nội sọ và gây sưng phù các mô não khiến chúng dịch chuyển rời khỏi vị trí. Đây là một trong những bệnh lý về não nguy hiểm, thường xảy ra trong giai đoạn bào thai. Tỷ lệ thai nhi mắc thoát vị não khá hiếm (chưa đến 1/1000), tuy nhiên nếu mắc phải và không điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
Tổng quan
Thoát vị não (Brain herniation) còn được gọi là thoát vị não - màng não hay thoát vị nội sọ, là tình trạng một phần bộ phận trong não gồm dịch não tủy (CSF) và hệ thống các mạch máu bị dịch chuyển dưới tác động của áp lực bên trong hộp sọ. Khối thoát vị thông qua một lỗ mổ tự nhiên ở dưới đáy hộp sọ.
Bệnh lý này có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hoặc người lớn do chấn thương và nhiều nguyên nhân khác làm tăng áp lực nội sọ. Tình trạng này kéo dài gây tổn thương các mô não, thân não và đe dọa tính mạng người bệnh nếu không can thiệp y tế kịp thời.
Thoát vị não có 2 dạng cơ bản là bẩm sinh và bệnh lý. Tùy từng trường hợp sẽ xảy ra tình trạng thoát vị vòm sọ hoặc thoát vị nền sọ. Trong đó, nếu thoát vị ở tầng trước nền sọ thường ở các vị trí như xoang sàng, xoang trán, xoang bướm. Còn nếu thoát vị ở tầng giữa nền sọ sẽ qua vị trí hố thái dương và xương đá.
Phân loại
# Dựa vào cấu trúc thoát vị não, bệnh được phân chia làm 5 loại gồm:
- Thoát vị não dưới liềm: Là tình trạng các khối mô não dịch chuyển xuống bên dưới liềm não và bị ép sang một bên. Đây cũng là dạng thoát vị não phổ biến nhất;
- Thoát vị thùy thái dương: Là tình trạng thùy thái dương bị chèn ép làm thu hẹp không gian di chuyển của lều tiểu não (tổ chức có cấu trúc nâng đỡ thùy thái dương). Dạng thoát vị não này cũng khá phổ biến, chỉ sau thoát vị não dưới liềm;
- Thoát vị trung tâm: Là tình trạng cả hai bên lều thái dương đều bị thoát vị thông qua khe lều tiểu não dưới tác động của áp lực nội sọ hoặc khối phù não lan tỏa;
- Thoát vị xuyên lều tăng dần: Là tình trạng tiểu não và thân não có xu hướng di chuyển lên trên thông qua vùng lều tiểu não;
- Thoát vị hạnh nhân tiểu não: Là tình trạng các khối hạnh nhân tiểu não có xu hướng di chuyển xuống dưới thông qua lỗ lớn nằm dưới đáy hộp sọ, đây chính là nơi tủy sống liên kết với não
# Dựa vào tính chất liên kết giữa não và các bộ phận khác, bệnh được phân làm 4 loại cơ bản gồm:
- Thoát vị màng não tủy (Meningocele);
- Thoát vị tủy (Myelocele);
- Thoát bị ống tủy - tủy (Syringomyelocele);
- Thoát vị màng não tủy - tủy (Meningomyelocele);
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Thoát vị não là kết quả của tình trạng sưng các mô não do tăng áp lực nội sọ. Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này gồm:
- Khối u: Sự xuất hiện của các khối u trong não như u não nguyên phát hoặc u não di căn khiến tổ chức não bị chèn ép dẫn đến thoát vị;
- Chấn thương: Các chấn thương nghiêm trọng ở vùng đầu gây xuất huyết làm tăng nguy cơ thoát vị não ở trẻ;
- Các yếu tố khác:
- Bệnh não úng thủy gây tích tụ chất lỏng bên trong hộp sọ và gây sưng phù não;
- Sưng phù não sau các đợt xạ trị điều trị ung thư;
- Nhiễm trùng não do vi khuẩn, virus hoặc nấm, hình thành khối áp xe não;
- Dị tật bẩm sinh gây khiếm khuyết trong cấu trúc não (Dị tật Arnold - Chiari);
- Tai biến đột quỵ gây thoát vị não;
- Biến chứng phẫu thuật não;
- Tác dụng phụ của các loại thuốc làm tăng áp lực nội sọ;
Ngoài những nguyên nhân trên, thoát vị não còn được phát hiện dưới dạng bẩm sinh, liên quan đến việc thiếu hụt folate (vitamin B9) trong thai kỳ. Hệ lụy này thường xảy ra do mẹ bầu có những thói quen sau:
- Ăn uống thiếu chất, không ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm chứa folate;
- Thường xuyên dùng các hoạt chất có tác dụng đối kháng và giảm hấp thụ folate;
- Mắc chứng tiểu đường thai kỳ;
- Thừa cân béo phì, cân nặng khi mang thai vượt quá mức khuyến cáo;
- Mang thai khi còn nhỏ tuổi, cơ thể chưa hoàn thiện;
- Lạm dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác;
- Tăng thân nhiệt đột ngột do sốt hoặc thường xuyên tắm nước nóng, xông hơi;
- Tùy tiện sử dụng các loại thuốc có khả năng gây dị tật ống thần kinh ở thai nhi như thuốc chống động kinh, thuốc chống co giật...;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Thông thường, các triệu chứng của thoát vị não có thể không đặc hiệu. Có thể kể đến một số triệu chứng đặc trưng sau:
- Đau đầu dữ dội;
- Tăng huyết áp;
- Kiệt sức, lả người;
- Rối loạn nhịp tim, mạch đập quá nhanh hoặc quá chậm;
- Mất phản xạ thân não với các triệu chứng như đồng tử giãn ra, không cử động mắt được;
- Ngưng tim, ngưng thở và bất tỉnh, mất ý thức, rơi vào hôn mê sâu;
Chẩn đoán
Đối với phụ nữ mang thai, chẩn đoán thoát vị não thường được chỉ định khi nghi ngờ thai nhi có dị tật. Bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ bầu thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh, không chỉ để kiểm tra thoát vị não mà còn giúp phát hiện các dạng dị tật khác.
Đối với trẻ chào đời với khối thoát vị não, tùy thuộc vào mức độ và tính chất nghiêm trọng của khối thoát vị, đánh giá các triệu chứng và các phản xạ thần kinh não, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết như:
- Chụp X quang não sọ, cổ;
- Chụp MRI và CT scan vùng đầu giúp xác định vị trí tổn thương và sự dịch chuyển của các mô não;
- Xét nghiệm máu nhằm kiểm tra có khối áp xe nhiễm khuẩn hoặc rối loạn chảy máu trong não hay không;
Biến chứng và tiên lượng
Các tổn thương gây thoát vị não ở thai nhi có thể khiến trẻ không thể chào đời. Hoặc nếu trẻ được sinh ra với khối thoát vị sẽ có nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm như:
- Tổn thương dị tật thần kinh vĩnh viễn;
- Chết não;
Phát hiện và điều trị thoát vị não sớm ở thai nhi ngay trong giai đoạn mang thai giúp giảm nguy cơ tử vong. Trẻ chào đời sẽ được chăm sóc đặc biệt và theo dõi để ổn định sức khỏe. Còn với những người bị thoát vị não do chấn thương nghiêm trọng, chỉ cần điều trị sớm trước khi hoặc sau khi hình thành khối thoát vị không lâu sẽ giúp giảm nguy cơ rủi ro.
Tiên lượng ở mỗi trường hợp là khác nhau, tùy thuộc vào vị trí cấu trúc não bị tổn thương, và tiến triển bệnh. Điều trị càng trễ càng làm tăng nguy cơ tử vong. Do đó, bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị não cần được can thiệp điều trị y tế bằng các phương pháp phù hợp để bảo toàn tính mạng.
Điều trị
Phương pháp phẫu thuật
Mục tiêu điều trị thoát vị não là giải phóng áp lực nội sọ và giảm sưng phù các mô não. Được thực hiện thông qua các phương pháp phẫu thuật sau:
- Phẫu thuật đặt ống dẫn lưu vào trong não nhằm dẫn lưu dịch ứ ra ngoài bằng kỹ thuật mở thông não thất;
- Phẫu thuật loại bỏ cục máu đông, khối áp xe hoặc khối u trong não;
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần hộp sọ nhằm gia tăng khoảng trống trong não, giảm bớt sự chèn ép gây ra thoát vị;
- Phẫu thuật tạo hình màng cứng, vá kín màng não bị thoát vị;
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần khối thoát vị trong trường hợp tổ chức não thoát vị quá lớn;
- Phẫu thuật tạo hình hộp sọ, cố định xương sọ bằng nẹp hàm mặt, ghim sọ hoặc khoan lỗ để buộc xương lại bằng chỉ;
Tùy theo từng phương pháp phẫu thuật được áp dụng mà bác sĩ sẽ chọn kỹ thuật mở nắp hộp sọ phù hợp gồm:
- Mở nắp hộp sọ kiểu trán nền - ổ mắt gốc mũi (SFON);
- Mở nắp hộp sọ kiểu trán nền hai bên;
Trong suốt quá trình phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây mê, thở oxy, dùng thuốc kiểm soát cơn động kinh và thuốc kháng sinh nhằm ngăn chặn nhiễm trùng.
Đối với phẫu thuật thoát vị não cho thai nhi còn ở trong bụng mẹ là một ca phẫu thuật đặc biệt, thường được thực hiện vào tuần thứ 26 của thai kỳ. Áp dụng phương pháp mổ tử cung để bóc tách màng cứng, cắt bỏ khối thoát vị ở màng não cùng các tổ chức xung quanh. Sau đó, làm sạch và kiểm tra vết thương, khâu đóng tử cung lại như bình thường. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định mổ nội soi nhằm giảm thiểu xâm lấn và giảm nguy cơ biến chứng.
Theo dõi và xử lý tai biến
Bệnh nhân hậu phẫu thoát vị não sẽ được nằm phòng hồi sức tích cực để theo dõi và kịp thời xử lý các tai biến (nếu có).
- Trong vòng 24 giờ đầu:
- Theo dõi các chỉ số mạch, huyết áp, nhịp thở, tri giác và các biểu hiện thần kinh khu trú;
- Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường, tụt chỉ số tri giác sẽ tiến hành chụp CT scan để xác định tổn thương để có hướng xử lý kịp thời. Chẳng hạn như:
- Phẫu thuật lấy tụ máu cấp nếu gặp biến chứng tụ máu nội sọ;
- Chọc hút ổ áp xe và cấy khuẩn để chỉ định điều trị bằng kháng sinh đồ;
- Dùng thuốc lợi tiểu hoặc thực hiện thủ thuật dẫn lưu thắt lưng nếu có biến chứng tụ khí nội sọ, rò dịch não tủy;
- Một số tai biến hậu phẫu khác như: viêm mũi xoang, điếc mũi, chảy máu mũi, giãn não thất, nhiễm trùng vết mổ... sẽ được xử lý bằng biện pháp phù hợp;
- Theo dõi tình trạng chảy dịch não vào tủy thông qua mũi;
- Kết hợp chăm sóc tích cực, nghỉ ngơi tại chỗ, dùng thuốc giảm đau và kháng sinh đúng liều, truyền dịch bù nước và cân bằng các chất điện giải, nuôi ăn hoàn toàn qua đường tĩnh mạch;
Phòng ngừa
Trên thực tế, không có biện pháp đặc hiệu phòng ngừa thoát vị não. Việc phòng ngừa chủ yếu được thực hiện thông qua chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh và điều trị kịp thời các rủi ro làm tăng áp lực nội sọ để giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Phụ nữ mang thai cần chú ý trong việc dưỡng thai, duy trì cân nặng ổn định, bổ sung folate đầy đủ và thực hiện những thói quen tốt, có lối sống khoa học để thai phát triển khỏe mạnh, giảm thiểu nguy cơ thoát vị não.
- Không tùy tiện sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong thai kỳ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ, chuyên gia.
- Tuân thủ lịch khám thai định kỳ, siêu âm thai ở những cột mốc quan trọng để sớm phát hiện dị tật phát triển bất thường trong não của thai nhi và có hướng điều trị kịp thời.
- Hạn chế thực hiện các hoạt động có tính chất nguy hiểm để bảo vệ vùng đầu khỏi các chấn thương, va chạm mạnh ngoài ý muốn tăng nguy cơ thoát vị não.
- Thăm khám định kỳ, kiểm tra toàn diện ít nhất 6 tháng 1 lần để sớm phát hiện các bất thường về sức khỏe nói chung và các bệnh về não nói riêng.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến con tôi bị thoát vị não?
2. Tôi đã từng bị té va đập mạnh vào đầu có phải nguyên nhân gây thoát vị não không?
3. Thoát vị não nguy hiểm như thế nào?
4. Con tôi được sinh ra với khối thoát vị ngày càng lớn có đe dọa đến tính mạng không?
5. Tiên lượng tình trạng thoát vị não của con tôi như thế nào?
6. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán xác định thoát vị não?
7. Điều trị thoát vị não bằng phương pháp nào tốt nhất?
8. Những rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện phẫu thuật thoát vị não?
9. Tiên lượng sức khỏe của trẻ sau điều trị thoát vị não? Bệnh có tái phát không?
10. Phẫu thuật thoát vị não tốn bao nhiêu? Có sử dụng BHYT được không?
Những hệ lụy có lường của thoát vị não đối với sức khỏe và tính mạng con người là rất nguy hiểm nếu không được phát hiện điều trị kịp thời. Bởi vậy, các chuyên gia luôn khuyến cáo hãy có một lối sống lành mạnh và an toàn, đặc biệt là khám thai định kỳ để tầm soát và sớm phát hiện các dị tật thai nhi, trong đó có thoát vị não để xử lý, ngăn chặn nguy cơ biến chứng.