Bệnh Giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em

Bệnh giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em xảy ra khá hiếm gặp. Thường liên quan đến các yếu tố như nhiễm trùng, dinh dưỡng kém, mắc các bệnh tự miễn hoặc do di truyền gen đột biến... Trẻ mắc bệnh này thường có hệ miễn dịch yếu kém, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Đa số trường hợp trẻ mắc bệnh có xu hướng tự cải thiện khi trẻ trưởng thành. Nhưng một số trường hợp nặng phải can thiệp điều trị y tế phù hợp. 

Giảm bạch cầu trung tính là rối loạn hiếm gặp đặc trưng với số lượng tế bào bạch cầu trung tính giảm thấp hơn mức bình thường

Tổng quan

Bệnh giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em (Pediatric Neutropenia) xảy ra khi số lượng tế bào bạch cầu giảm thấy quá mức ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiệm vụ của loại tế bào này giúp bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân nhiễm trùng. Càng lớn tỷ lệ mắc và triệu chứng bệnh có xu hướng thuyên giảm dần.

Theo thống kê, trẻ sơ sinh từ 6 - 15 tháng tuổi hoặc trẻ em có nguy cơ cao mắc bệnh giảm bạch cầu trung tính. Tình trạng này phổ biến trên toàn thế giới, nhưng chủ yếu là ở trẻ em thuộc các quốc gia Bắc Phi và Ả Rập, chiếm tỷ lệ khoảng 15.4% trẻ dưới 6 tuổi. Tại Hòa Kỳ, tỷ lệ này chỉ khoảng 7.2% trẻ dưới 2 tuổi và 3.7% ở trẻ từ 3 - 5 tuổi. Bước sang độ tuổi từ 6 - 8, tỷ lệ này còn khoảng 2.3%.

Phân loại

Dựa theo tính chất mức độ, nguyên nhân gây giảm bạch cầu ở trẻ em, bệnh được phân chia làm 5 loại chính gồm:

Bệnh giảm bạch cầu trung tính ở trẻ được phân chia làm nhiều dạng khác nhau dựa vào nguyên nhân và đặc điểm triệu chứng bệnh

  • Thể giảm bạch cầu trung tính bẩm sinh: Đây là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp, đặc trưng bởi sự bất thường của hệ thống miễn dịch, gây giảm số lượng bạch cầu trung tính kéo dài. Trẻ mắc thể bệnh này có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng và nhiều bệnh lý khác kèm theo như tổn thương xương, các vấn đề về tim mạch...
  • Thể giảm bạch cầu trung tính chu kỳ: Dạng suy giảm bạch cầu này xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, có tính chất gia đình. Tình trạng này đặc trưng bởi tính chu kỳ, có xu hướng xảy ra 3 tuần/ đợt, mỗi đợt kéo dài từ 3 - 6 ngày. Đa số trẻ em khi đến tuổi dậy thì đều sẽ cải thiện tình trạng này.
  • Thể giảm bạch cầu trung tính vô căn: Thể bệnh này xảy ra nhưng không rõ nguyên nhân, đa số trường hợp bệnh đều được phát hiện một cách tình cờ thông qua xét nghiệm máu và kiểm tra sức khỏe toàn diện. Bệnh nhân bị giảm bạch cầu vô căn có ít nguy cơ nhiễm khuẩn hơn so với những trẻ bị giảm bạch cầu bẩm sinh.
  • Thể giảm bạch cầu trung tính tự miễn: Đây là dạng giảm bạch cầu liên quan đến sự rối loạn của hệ thống miễn dịch, chúng tấn công và tiêu diệt các tế bào bạch cầu trung tính, khiến số lượng bạch cầu giảm thấp đáng kể.
  • Thể giảm bạch cầu trung tính do nhiễm trùng: Nguyên nhân xảy ra là do trẻ bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus, hậu quả gây suy giảm số lượng bạch cầu trung tính tạm thời. Thể này thường xảy ra phổ biến ở trẻ dưới 4 tuổi, có thể gây nhiễm trùng nặng đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm trùng thường giảm dần theo độ tuổi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tình trạng giảm bạch cầu trung tính ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, bao gồm:

Trẻ bị giảm bạch cầu trung tính có thể do bị nhiễm trùng, mắc bệnh tự miễn hoặc rối loạn di truyền

  • Rối loạn di truyền: Một số dạng rối loạn di truyền bẩm sinh hiếm gặp như hội chứng Kostmann, hội chứng Barth... là nguyên nhân làm giảm thấp lượng bạch cầu trung tính mãn tính.
  • Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng do nhiễm virus, vi khuẩn như virus viêm gan B, C, Epstein-Barr hoặc virus HIV gây suy giảm miễn dịch, vi khuẩn lao... đều có thể khiến trẻ bị giảm bạch cầu trung tính.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Việc chỉ định cho trẻ sử dụng một số loại thuốc trị bệnh như thuốc kháng sinh, kháng giáp, thuốc chống co giật, thuốc hóa trị... có thể gây ra tình trạng giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em.
  • Thiếu dinh dưỡng: Trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B12 và folate cũng góp phần gây ra tình trạng này.
  • Các yếu tố môi trường: Xảy ra khi trẻ tiếp xúc với các chất độc hại từ môi trường như benzen cũng dẫn đến giảm lượng bạch cầu trung tính.
  • Vô căn: Những trường hợp khác khởi phát bệnh nhưng không rõ nguyên nhân được xếp vào danh sách vô căn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Trẻ mắc chứng giảm bạch cầu trung tính có thể có hoặc không có triệu chứng, tùy theo tiến triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đối với những trường hợp bệnh bộc phát rõ rệt, có thể gây ra một số triệu chứng sau:

Các triệu chứng giảm bạch cầu trung tính điển hình như sốt, ớn lạnh, đau họng, ho, khó thở, tiêu chảy...

  • Sốt: Đây là triệu chứng mà hầu hết đứa trẻ nào bị giảm bạch cầu trung tính cũng gặp phải. Xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng cao vượt mức bình thường, là kết quả khi cơ thể phản ứng với nhiễm trùng. Ngoài ra, nhiễm trùng còn phát triển kèm theo ho, đau họng, mệt mỏi...
  • Lở miệng: Trẻ bị lở miệng, gây đau nhức khó chịu và khiến con bạn ăn uống khó khăn do sự ảnh hưởng của giảm bạch cầu trung tính.
  • Nhiễm trùng da: Đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm da khó chịu, xuất hiện mụn nhọt, chốc lở và viêm mô tế bào.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Tình trạng giảm bạch cầu trung tính khiến phổi của trẻ trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây nhiễm trùng. Hậu quả khởi phát các triệu chứng hô hấp do bệnh viêm phổi, viêm xoang hoặc viêm phế quản.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Gây đau rát, khó chịu mỗi khi trẻ đi tiểu.
  • Rối loạn tiêu hóa: Trẻ bị giảm bạch cầu trung tính thường xuyên có cảm giác khó chịu, đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy...

Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện một số biện pháp sau:

Xét nghiệm máu đo số lượng bạch cầu trung tính trong máu trẻ

  • Khám sức khỏe: Tiến hành thu thập và đánh giá các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, phát ban, sưng hạch bạch huyết... Đồng thời, khai thác tiền sử dụng bệnh cá nhân, thói quen sinh học, tính chất công việc có tiếp xúc với tia bức xạ, độc tố hay có dùng loại thuốc nào hay không.
  • Xét nghiệm máu: Đây là công cụ giúp chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng giảm bạch cầu trung tính. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ giúp đo số lượng và xác định loại tế bào máu trong cơ thể, bao gồm cả bạch cầu trung tính. Đồng thời, xét nghiệm này còn giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường khác như giảm tiểu cầu, thiếu máu, hỗ trợ xác định căn nguyên cơ bản gây giảm bạch cầu trung tính.
  • Các xét nghiệm bổ sung khác: Trường hợp đã xác định trẻ bị giảm bạch cầu trung tính, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm bổ sung sau:
    • Sinh thiết tủy xương giúp phát hiện các bất thường có nguy cơ gây ra giảm bạch cầu trung tính;
    • Xét nghiệm cấy máu xác định loại vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng;
    • Chụp X quang và CT scan tìm kiếm sự hiện diện của khối u hoặc các vấn đề bất thường khác trong cơ thể;
    • Xét nghiệm di truyền (nếu cần thiết) nhằm phân tích DNA tìm kiếm các đột biến gen, xác định nguyên nhân gây giảm bạch cầu trung tính;

Biến chứng và tiên lượng

Trẻ bị giảm bạch cầu trung tính là tình trạng sức khỏe không quá nguy hiểm và đa số các triệu chứng bệnh thường không nặng. Nhưng với những triệu chứng khó lường ở trẻ như sốt, nhiễm trùng... bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và áp dụng các biện pháp chăm sóc, điều trị kiểm soát triệu chứng kịp thời.

Đa số các trường hợp trẻ mắc bệnh từ thời thơ ấu và có xu hướng tự khỏi trước tuổi trưởng thành. Do đó, phụ huynh không cần quá lo lắng, chỉ cần chú ý theo dõi trẻ và kịp thời xử lý các triệu chứng bất thường. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, hãy cho trẻ thăm khám tại bệnh viện để được chẩn đoán và tuân thủ điều trị bằng biện pháp phù hợp.

Điều trị

Trên thực tế, không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với chứng giảm bạch cầu trung tính ở trẻ. Mục tiêu điều trị chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng và kiểm soát tiến triển bệnh.

Điều trị giảm bạch cầu trung tính bằng thuốc kháng sinh, thuốc kích thích yếu tố tăng trưởng hoặc liệu pháp globulin

Một số biện pháp điều trị chứng giảm bạch cầu trung tính ở trẻ hiệu quả bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Để điều trị các triệu chứng nhiễm trùng ở trẻ do bị giảm bạch cầu trung tính, bác sĩ thường kê toa sử dụng thuốc kháng sinh hoặc nhập viện để theo dõi. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ cần đảm bảo sử dụng thuốc kháng sinh với liều phù hợp, tránh lạm dụng quá mức để tránh gây ra các tác dụng phụ như viêm ruột, tiêu chảy, suy gan, suy thận...
  • Thuốc kích thích các yếu tố tăng trưởng: Chẳng hạn như G-CSF hoặc GM-CSF... Đây là loại thuốc mới giúp tủy xương tạo ra các bạch cầu trung tính mới, phục hồi khả năng phòng vệ của cơ thể nhằm chống lại nhiễm trùng. Cải thiện triệu chứng sốt hoặc nhiễm trùng, ngăn chặn tiến triển nặng của bệnh.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Một số loại thuốc được chỉ định sử dụng nhằm điều trị các rối loạn máu miễn dịch khác gây giảm bạch cầu trung tính như steroid hoặc globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch.
  • Cấy ghép tủy xương: Những trường hợp trẻ mắc bệnh do bẩm sinh, di truyền gen đột biến gây giảm bạch cầu trung tính nghiêm trọng, bác sĩ thường khuyến nghị cấy ghép tủy xương của trẻ bằng tủy xương khỏe mạnh được hiến tặng, thường  là từ anh chị em ruột.

Phòng ngừa

Các chuyên gia cho biết, bệnh giảm bạch cầu trung tính rất khó có thể phòng ngừa tuyệt đối. Tuy nhiên, thực hiện một số biện pháp tích cực dưới đây giúp giảm nguy cơ rủi ro mắc bệnh.

  • Theo dõi sức khỏe của trẻ, đặc biệt phải phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm trùng và nhanh chóng tìm kiếm các biện pháp chăm sóc y tế ngay lập tức.
  • Bảo vệ trẻ tránh tiếp xúc với các chất độc hại, chất bức xạ từ môi trường bên ngoài.
  • Thực hành vệ sinh tốt, rửa tay thường xuyên, tắm gội sạch sẽ mỗi ngày và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh khác.
  • Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin ngừa các bệnh truyền nhiễm theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
  • Thiết lập cho trẻ lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi đầy đủ, quản lý căng thẳng và rèn luyện thể chất tích cực giúp tăng cường hệ miễn dịch giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao con tôi thường xuyên bị sốt, rối loạn tiêu hóa, loét miệng, nhiễm trùng da... mà không rõ lý do?

2. Con tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán nguyên nhân?

3. Nguyên nhân tại sao con tôi bị giảm bạch cầu trung tính?

4. Bệnh giảm bạch cầu trung tính có nguy hiểm không?

5. Con tôi có thể gặp những biến chứng nào nếu không điều trị?

6. Chứng giảm bạch cầu trung tính ở trẻ có tự khỏi không?

7. Điều trị giảm bạch cầu trung tính bằng cách nào hiệu quả và nhanh chóng nhất?

8. Quá trình điều trị giảm bạch cầu trung tính mất bao lâu thì khỏi?

9. Trẻ bị giảm bạch cầu trung tính có tái phát trong tương lai không?

10. Chi phí điều trị giảm bạch cầu trung tính bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

Trẻ mắc chứng giảm bạch cầu trung tính là tình trạng y tế phổ biến, xảy ra khi nồng độ tế bào bạch cầu trung tính trong máu giảm thấp. Điều này khiến cơ thể trẻ yếu ớt, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và khởi phát nhiều bệnh lý khó lường khác. Do đó, khuyến cáo bố mẹ tuyệt đối không nên chủ quan, tốt nhất nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.