Bệnh Đổ Mồ Hôi Trộm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Đổ mồ hôi trộm xảy ra phổ biến ở người lớn và trẻ em do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Bản chất của đổ mồ hôi trộm không nguy hiểm, nhưng những bệnh lý căn nguyên khởi phát đổ mồ hôi trộm mới đáng lo ngại. Việc điều trị đổ mồ hôi trộm chủ yếu nhằm cải thiện mức độ bài tiết mồ hôi của cơ thể, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe và xử lý dứt điểm các bệnh lý nền phía sau. 

Tổng quan

Mồ hôi được tiết ra bởi tuyến mồ hôi, trong thành phần có chứa nước và các khoáng chất khác. Mồ hôi có tác dụng làm mát cơ thể, tuy nhiên nếu mồ hôi được bài tiết đột ngột, không đúng thời điểm và hoàn cảnh kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khác về sức khỏe thì đó là dấu hiệu của đổ mồ hôi trộm bệnh lý.

Đổ mồ hôi trộm là tình trạng bất thường của tuyến mồ hôi, tiết nhiều mồ hôi trong trạng thái tĩnh

Đổ mồ hôi trộm (Cold Sweats) là tình trạng ra nhiều mồ hôi nhiều trong trạng thái tĩnh không hoạt động (thường là trong lúc ngủ) và nhiệt độ thời tiết bình thường. Đây là vấn đề sức khỏe thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là ở trẻ em hoặc những người có dấu hiệu mắc các bệnh lý mạn tính như nội tiết, tim mạch, nhiễm trùng...

Vị trí cơ thể dễ ra mồ hôi nhất là đầu, trán, lòng bàn tay, lòng bàn chân, lưng... Tình trạng này có thể là do sinh lý hoặc do bệnh lý. Nếu chủ quan không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều ảnh hưởng khó lường đến sức khỏe. Bệnh nhân đổ mồ hôi trộm cần được theo dõi kỹ càng và thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt để dự phòng các biến chứng nguy hiểm về sau.

Phân loại

Tình trạng đổ mồ hôi trộm được chia làm 2 dạng chính là nguyên phát và thứ phát dựa theo căn nguyên gây bệnh. Cụ thể như sau:

  • Đổ mồ hôi trộm nguyên phát: Xảy ra do nguyên nhân chính là rối loạn chức năng hệ thần kinh thực vật, khiến nhánh giao cảm bị kích thích tạo sự hưng phấn quá mức và biểu hiện thông qua tiết mồ hôi nhiều, liên tục ở lưng, đầu, trán... Nhóm nguyên nhân này chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ do hệ thần kinh thực vật chưa phát triển hoàn thiện.
  • Đổ mồ hôi trộm thứ phát: Chủ yếu xảy ra ở người lớn, do ảnh hưởng từ các bệnh lý như đái tháo đường, tim mạch, bệnh nhiễm trùng, tụt đường huyết, bệnh thần kinh... Thường gặp nhất là ở chị em phụ nữ bước vào độ tuổi mãn kinh sẽ thường xuyên bị đổ mồ hôi trộm ban đêm gây mất ngủ, bốc hỏa và bứt rứt, cáu gắt.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Ra mồ hôi trộm xảy ra ở cả người lớn và trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

Đối với trẻ em

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ thống thần kinh chưa phát triển hoàn thiện, khiến nhánh giao cảm bị kích thích liên tục bởi nhiều tác nhân xung quanh. Cộng với tiến trình trao đổi chất mạnh mẽ trong cơ thể khiến thân nhiệt của trẻ cao hơn bình thường và dễ ra mồ hôi trộm. Nhiệt độ phòng càng cao, trẻ đắp chăn mền dày càng khiến mồ hôi ra nhiều hơn.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị đổ mồ hôi trộm do hệ thần kinh thực vật chưa phát triển hoàn thiện hoặc do thiếu canxi, vitamin D

Ngoài ra, trẻ bị đổ mồ hôi trộm kéo dài, không cải thiện dù phụ huynh đã điều chỉnh các tác nhân từ môi trường bên ngoài rất có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý như:

  • Trẻ thiếu canxi và vitamin D;
  • Chứng ngưng thở khi ngủ;
  • Di truyền chứng tăng tiết mồ hôi (Hyperhidrosis) từ bố mẹ (tỷ lệ 28%);
  • Bệnh tim bẩm sinh;
  • Dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng;
  • Do ảnh hưởng từ quá trình dậy thì;

Đối với người lớn

Hầu hết người trưởng thành, trung niên hoặc cao tuổi ở cả hai giới nam và nữ đều có thể bị đổ mồ hôi trộm do tổn thương hệ thống thần kinh thực vật. Vì đây là hệ thống có chức năng điều phối hoạt động bài tiết mồ hôi của cơ thể. Bệnh có thể tồn tại từ khi còn nhỏ và phát triển dai dẳng cho đến khi trưởng thành.

Bệnh nhân sẽ ra mồ hôi liên tục, kể cả ban đêm khi đang ngủ và không vận động. Có thể kèm theo trạng thái tinh thần bất ổn như hồi hộp, lo âu, căng thẳng quá mức.

Ngoài ra, một số bệnh lý thường gặp ở người lớn cũng có thể là tác nhân gây đổ mồ hôi trộm như:

Đổ mồ hôi trộm ở người lớn có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như nội tiết, mãn kinh, mãn dục, tiểu đường...

  • Các bệnh nội tiết gây rối loạn hormone như tiểu đường (thiếu hormone insulin), cường giáp (thừa hormone tuyến giáp)...;
  • Bệnh nhiễm trùng mạn tính gây đổ mồ hôi trộm nhiều vào ban đêm và sốt, điển hình là các bệnh như viêm tủy xương, HIV/AIDS, lao phổi...;
  • Tụt đường huyết đột ngột ở những người nhịn ăn tối giảm cân gây kích hích hệ thần kinh phát đi tín hiệu bài tiết mồ hôi mạnh mẽ;
  • Đổ mồ hôi trộm ban đêm có thể là dấu hiệu sớm của các bệnh ung thư như ung thư máu, ung thư hạch, ung thư khối u lympho, u tủy thượng thận...;
  • Dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tim mạch bất thường như nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, đau thắt ngực...;
  • Các bệnh lý nhiễm trùng như viêm đường hô hấp, lao phổi, viêm phổi...;
  • Các bệnh lý khác như rối loạn tự miễn, xơ hóa tủy xương, rỗng tủy sống...;
  • Phụ nữ tiền mãn kinh hoăc mãn kinh;
  • Tác dụng phụ một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, hạ sốt, thuốc chống trầm cảm, thuốc kiểm soát đường huyết, thuốc thần kinh...;

Yếu tố nguy cơ 

Còn rất nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ gây đổ mồ hôi trộm như:

  • Stress, lo lắng, căng thẳng kéo dài;
  • Thói quen sinh hoạt không phù hợp;
  • Lam dụng thức uống chứa nhiều cồn, caffein, nicotine;
  • Người tập thể dục hoặc ăn đồ cay nóng sát giờ đi ngủ;
  • Phòng ngủ chật hẹp, ngột ngạt, không khí nóng bức;
  • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bản chất của đổ mồ hôi trộm là một triệu chứng sinh lý hoặc bất thường nghi ngờ do các bệnh lý gây ra. Do đó, tùy từng nguyên nhân gây ra mà triệu chứng đổ mồ hôi trộm được biểu hiện khác nhau:

Mồ hôi trộm ra nhiều ướt cả cơ thể, quần áo và chăn drap giường, gối khiến người bệnh khó chịu

  • Mồ hôi ra nhiều không có dấu hiệu báo trước, có thể ướt cả cơ thể hoặc quần áo, drap giường;
  • Kèm theo mệt mỏi, sốt cao, suy nhược;
  • Tiêu chảy, sụt cân;
  • Nữ giới có thể bị khô rát âm đạo;

Chẩn đoán 

Để chẩn đoán đổ mồ hôi trộm trước tiên cần phải phân biệt giữa nguyên nhân sinh lý và bệnh lý. Được thực hiện thông qua các bước thăm khám lâm sàng tại chỗ, thu thập và đánh giá các triệu chứng do bệnh nhân cung cấp. Sau đó, để xác định nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm phải kết hợp thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như:

  • Xét nghiệm máu, phân tích công thức và sinh hóa máu, đo tốc độ lắng máu, đo lường chỉ số hồng cầu, phát hiện nhiễm trùng...;
  • Xét nghiệm đo lường các loại hormone, trong đó có THS;
  • Các chẩn đoán hình ảnh nếu nghi ngờ đổ mồ hôi trộm do tim mạch, ung thư, nội tiết... như chụp X quang, CT scan, MRI...;

Biến chứng và tiên lượng

Mồ hôi được cơ thể bài tiết nhằm làm mát cơ thể, chống nóng. Tuy nhiên, khi mồ hôi tiết ra số lượng nhiều, không phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thời tiết rất có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý cũng như nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Mỗi bệnh lý sẽ có những biến chứng nguy hiểm khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Đổ mồ hôi trộm thường xuyên với số lượng nhiều khiến người bệnh mất sức, mất ngủ, dễ bị suy nhược, dễ mắc các bệnh đường hô hấp...

Chỉ riêng những hệ lụy của việc bài tiết mồ hôi quá mức cũng đã gây ra nhiều tác hại như:

  • Mệt mỏi, suy nhược: Mồ hôi chứa 90% là nước và các chất điện giải như kali, natri, magie, canxi... Việc bài tiết quá nhiều mồ hôi cũng đồng nghĩa với việc mất nước và các chất điện giải gây mất cân bằng hệ thống điện giải trong cơ thể. Tình trạng này kéo dài khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái mệt mỏi, thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, kiệt sức, dễ tụt huyết áp, chuột rút ban đêm...
  • Mất ngủ: Chắc chắn những người bị đổ mồ hôi trộm nhiều vào ban đêm sẽ không thể có được một giấc ngủ ngon. Cảm giác dính nhớp khó chịu và quần áo, drap giường ẩm ướt sẽ khiến bạn khó có giấc ngủ chất lượng, dễ thức giấc giữa đêm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần.
  • Dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp: Mồ hôi liên tục được bài tiết ra dưới sự tác động của các tác nhân bệnh lý khiến lỗ chân lông nở rộng, khiến nhiệt trong cơ thể thất thoát ra ngoài. Đồng thời, tạo điều kiện cho nhiệt lạnh từ bên ngoài đi vào trong cơ thể và gây các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi... Tác hại này đặc biệt xảy ra ở những người có sức đề kháng kém như trẻ nhỏ và người lớn tuổi.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh về da: Mồ hôi khiến da ẩm ướt, tích tụ chất bẩn trong lỗ chân lông tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus, nấm phát triển, gây viêm da, nổi mụn nhọt, phát ban ngứa ngáy...
  • Gây mùi cơ thể khó chịu: Đổ mồ hôi trộm liên tục cả ngày lẫn đêm khiến cơ thể gây ra mùi cơ thể khó chịu và khiến người bệnh tự ti về bản thân, ngại giao tiếp, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần, trạng thái tâm lý cùng nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.

Chứng đổ mồ hôi trộm được đánh giá lành tính và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, tiên lượng điều trị bệnh tốt hay xấu còn phụ thuộc vào dạng bệnh gây đổ mồ hôi trộm là gì và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Những trường hợp chỉ đổ mồ hôi trộm sinh lý có thể tự khỏi trong thời gian ngắn mà không cần điều trị. Nhưng riêng với những trường hợp ra mồ hồi là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý như nội tiết, tim mạch, ung thư, tiểu đường..., người bệnh cần phải hết sức cảnh giác, chủ động thăm khám sớm và áp dụng các biện pháp điều trị được bác sĩ chỉ định.

Điều trị

Chỉ những trường hợp đổ mồ hôi trộm bệnh lý mới cần phải can thiệp điều trị y tế chuyên sâu. Tùy từng nguyên nhân bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng biện pháp phù hợp. Chẳng hạn như:

Dùng thuốc

Để điều trị đổ mồ hôi trộm bằng thuốc có 2 cách, thứ nhất là dùng thuốc điều trị dứt điểm các bệnh lý là nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm và thứ hai là các thuốc giúp ức chế bài tiết mồ hôi. Đối với nhóm thuốc đặc trị bệnh sẽ được chỉ định sử dụng bởi bác sĩ chuyên khoa khi có kết quả chẩn đoán lâm sàng, tùy theo loại bệnh và mức độ triệu chứng mà người bệnh mắc phải với liều dùng phù hợp.

Điều trị đổ mồ hôi trộm bằng thuốc uống hoặc thuốc bôi giúp cải thiện mức độ bài tiết mồ hôi tạm thời chứ không giải quyết được căn nguyên

Còn đối với mục tiêu cải thiện tình trạng tiết nhiều mồ hôi trộm ban đêm dù sinh lý hay cả bệnh lý, cần phải kết hợp sử dụng phối hợp cả thuốc uống lẫn thuốc bôi giúp giảm tiết mồ hôi trộm. Cụ thể như sau:

  • Nhóm thuốc uống: Loại thường dùng nhất là nhóm thuốc ức chế hệ thống thần kinh giao cảm như thuốc chẹn beta (atenolol, metoprolol) hoặc thuốc kháng cholinergic ((glycopyrolate, oxybutynin, propantheline…). Có tác dụng giảm tiết mồ hôi hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng kéo dài khoảng 4 - 6 tiếng và phải mất 30 phút thuốc mới có tác dụng. Cần chú ý một vài tác dụng phụ của thuốc như khô miệng, hoa mắt, chóng mặt, bí tiểu, táo bón, nhịp tim chậm...
  • Nhóm thuốc dùng ngoài: Thường được điều chế dưới dạng gel bôi hoặc xịt trực tiếp lên những vùng hay đổ mồ hôi trộm như đầu, lưng, ngực, trán... Thuốc có chứa các hoạt chất chính là muối nhôm có khả năng khép kín lỗ chân lông và ức chế bài tiết mồ hôi ra bên ngoài.
  • Tiêm botox: Botox là một hoạt chất có chứa độc tố thần kinh được chiết xuất từ gốc vi khuẩn. Tiêm botox trực tiếp vào vùng da hay đổ mồ hôi trộm có khả năng làm tê liệt các dây thần kinh giao cảm, ức chế giải phóng acetylcholine, giảm sự hoạt động bài tiết mồ hôi của tuyến mồ hôi. Sau mỗi đợt tiêm botox, người bệnh có thể giảm tiết mồ hôi trong vòng 4 - 6 tháng.
  • Liệu pháp hormone thay thế (HRT): Phụ nữ mãn kinh thường xuyên có những cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi trộm nhiều có thể tham khảo ý kiến chuyên gia sử dụng thuốc hormone thay thế để cải thiện triệu chứng.

Kết hợp chăm sóc tích cực

Để cải thiện tình trạng đổ mồ hôi trộm ở cả người lớn và trẻ em, hãy thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực và điều chỉnh thói quen sinh hoạt lành mạnh bằng các biện pháp sau:

Chế độ ăn uống dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh, đúng giờ giấc sẽ giúp hệ thần kinh ổn định, thư giãn, giúp mồ hôi trộm tiết ra ít hơn

  • Đối với trẻ em cần tăng cường bổ sung vitamin D bằng cách cho trẻ tắm nắng mỗi ngày, tắm trước 10h sáng và mỗi lần khoảng 10 - 30 phút.
  • Luôn giữ cho phòng ngủ khô thoáng, mát mẻ, sạch sẽ.
  • Tắm gội thường xuyên và giữ cho làn da luôn khô ráo.
  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, giảm tiêu thụ các loại đồ ăn, thức uống chứa chất kích thích, chế biến cay nóng, đậm gia vị, chiên xào nhiều dầu mỡ có thể kích thích đổ nhiều mồ hôi. Thay vào đó là các loại thực phẩm có tính mát từ rau xanh, củ quả, trái cây...
  • Bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể (khoảng 2 lít/ngày), có thể kết hợp với các loại nước ép trái cây,  rau củ giàu vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe.
  • Áp dụng các kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền để giảm căng thẳng, xoa dịu thần kinh giúp giảm tình trạng đổ mồ hôi trộm.
  • Điều chỉnh thời gian biểu sinh hoạt khoa học, ngủ sớm trước 23h và ngủ đủ giấc khoảng 7 - 8 tiếng, không thức khuya giúp thư giãn hệ thần kinh, giảm thiểu kích thích giúp cải thiện tình trạng đổ mồ hôi trộm.
  • Thay mới quần áo ngủ, chăn gối drap giường bằng những loại có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.
  • Kiểm soát cân nặng phù hợp bằng cách vận động tích cực, giảm lượng calo nạp vào cơ thể cũng góp phần cải thiện tình trạng đổ mồ hôi trộm.
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc ngưng hoặc giảm liều sử dụng các loại thuốc có khả năng gây đổ mồ hôi trộm.

Phòng ngừa

Ngoại trừ nguyên nhân di truyền chứng tăng tiết mồ hôi từ bố mẹ, còn lại những tác nhân khác đều có thể được phòng ngừa bằng các biện pháp sau:

  • Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng gây đổ mồ hôi trộm.
  • Ăn uống đủ chất, sử dụng thực phẩm có tính mát, tốt cho sức khỏe, uống nhiều nước.
  • Tập thể dục thể thao mỗi ngày, nâng cao đề kháng chống lại các bệnh lý nguy hiểm làm khởi phát đổ mồ hôi trộm như tim mạch, nội tiết, tiểu đường, ung thư...
  • Giữ vệ sinh và sự khô thoáng cho làn da mỗi ngày.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khám bệnh ngay khi có biểu hiện bệnh lý bất thường như mệt mỏi thường xuyên, suy nhược, ngất xỉu, trẻ chậm phát triển... để được điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi/ con tôi bị đổ mồ hôi trộm bất thường?

2. Bị đổ mồ hôi trộm kéo dài kèm theo các dấu hiệu mệt mỏi, suy nhược cơ thể là dấu hiệu của bệnh gì?

3. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi có nguy hiểm không?

4. Nếu bị đổ mồ hôi trộm do bệnh lý có cần phải điều trị không?

5. Chẩn đoán nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm bằng phương pháp nào chính xác nhất?

6. Tôi/ con tôi nên điều trị đổ mồ hôi trộm bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Điều trị đổ mồ hôi trộm mất bao lâu thì khỏi dứt điểm?

8. Chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp giúp hỗ trợ điều trị đổ mồ hôi trộm?

Đổ mồ hôi trộm không phải vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, nhưng sự nghiêm trọng lại đến từ những nguyên nhân sâu xa phía sau, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất của bệnh nhân nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, để tránh khỏi những hệ lụy, rủi ro khó lường, hãy chủ động thăm khám càng sớm càng tốt và tuân thủ thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực để đẩy lùi bệnh, dự phòng tái phát hiệu quả.