Thuốc Atenolol có tác dụng gì?

Thuốc Atenolol thuộc nhóm thuốc tim mạch. Thuốc thường được dùng trong điều trị tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực mãn tính, rối loạn nhịp tim. Ngoài ra thuốc còn có khả năng ức chế sự giải phóng renin do thận, ức chế trung tâm vận mạch…

Thuốc Atenolol
Thông tin cơ bản về thành phần, công dụng, liều dùng và những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Atenolol

  • Nhóm thuốc: Thuốc tim mạch
  • Tên biệt dược: Atenolol, Catenol 50, Betacard 50, Sinil Atenolol
  • Dạng bào chế: Viên nén, viên nén bao phim, dung dịch tiêm tĩnh mạch

Thông tin về thuốc Atenolol

Thành phần

Thuốc Atenolol là sự kết hợp giữa hoạt chất Atenolol và lượng thành phần tá dược vừa đủ trong một viên nén, viên nén bao phim, dung dịch tiêm tĩnh mạch.

Công dụng

Thuốc Atenolol có tác dụng ngăn ngừa và điều trị những bệnh lý sau:

  • Tăng huyết áp
  • Nhồi máu cơ tim trong 12 giờ đầu
  • Đau thắt ngực mạn tính ổn định
  • Dự phòng sau nhồi máu cơ tim, loạn nhịp nhanh trên thất.

Ngoài ra, thuốc Atenolol còn phát huy tác dụng trong những trường hợp sau:

  • Ức chế sự giải phóng renin cho thận
  • Ức chế trung tâm vận mạch
  • Cạnh tranh đối kháng với chứng nhịp tim nhanh xảy ra do catecholamine tại vị trí xuất hiện thụ thể bêta trên tim. Điều này giúp làm giảm lưu lượng tim.

Lưu ý: Thuốc Atenolol có thể được dùng trong những trường hợp không được liệt kê trong bài viết này.

Chống chỉ định

Thuốc Atenolol chống chỉ định với những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân quá mẫn cảm với hoạt chất Atenolol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc
  • Những người bị chậm nhịp xoang, bloc nhĩ thất độ hai và ba
  • Những người có tiền sử hoặc đang bị suy tim sung huyết, sốc tim, suy thất phải thứ phát do tăng áp phổi
  • Gây vô cảm với những tác nhân làm suy cơ tim như ether
  • Bệnh nhân đang sử dụng thuốc Verapamil
  • Trẻ em
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
Thuốc Atenolol chống chỉ định với phụ nữ có thai
Thuốc Atenolol chống chỉ định với phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú

Cách dùng và liều lượng

Cách dùng

Đối với viên nén, viên nén bao phim

Thuốc Atenolol được sử dụng thông qua đường miệng. Người bệnh nên uống trọn một viên thuốc cùng với một cốc nước đầy. Điều này sẽ giúp người bệnh tránh khỏi những tác dụng phụ liên quan đến dạ dày khi dùng thuốc liều cao hoặc sử dụng dài ngày. Bên cạnh đó người bệnh không nên phát vỡ cấu trúc của thuốc hoặc tán nhuyễn thuốc trước khi uống và không nhai thuốc trước khi nuốt.

Đối với dung dịch tiêm tĩnh mạch

Thuốc Atenolol nên được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch, tiêm dưới da.

Liều dùng

Tùy thuộc vào mức độ phát triển bệnh lý và tình trạng sức khỏe, liều dùng thuốc Atenolol ở mỗi người không giống nhau.

Liều dùng cho điều trị tăng huyết áp

  • Liều khởi đầu: Dùng 25 – 50mg/lần/ngày.

Đối với trường hợp chưa đạt đáp ứng tối ưu trong 1 – 2 tuần điều trị với thuốc, người bệnh nên tăng liều lên đến 100mg/ngày. Ngoài ra người bệnh có thể kết hợp Atenolol với những loại thuốc lợi tiểu hoặc những loại thuốc giãn mạch ngoại biên trong trường hợp chưa đáp ứng hiệu quả chữa bệnh.

Liều dùng thuốc cho điều trị rối loạn nhịp nhanh trên thất

  • Liều khuyến cáo: Dùng 50 – 100mg/ngày.

Liều dùng cho điều trị đau thắt ngực

  • Liều khuyến cáo: Dùng 50 – 100mg/ngày.

Liều dùng thuốc ở những bệnh nhân có chức năng thận giảm

Đối với bệnh nhân có độ thanh thải creatinin bằng 15 – 35 ml/phút

  • Liều tối đa: Dùng 50mg/ngày.

Đối với bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 15 – 35 ml/phút

  • Liều tối đa: Dùng 50mg/ngày. Cứ hai ngày sử dụng một liều.

Liều dùng cho điều trị sớm nhồi máu cơ tim

  • Liều khuyến cáo: Tiêm tĩnh mạch 5mg trong 5 phút. Khoảng 10 phút sau, tiêm nhắc lại một liều.

Lưu ý: Người cao tuổi là đối tượng có thể giảm hoặc tăng nhạy cảm với tác dụng của thuốc. Trong trường hợp người bệnh có thể dung nạp được tổng liều 10mg (tiêm tĩnh mạch), bệnh nhân cần cân nhắc sử dụng viên nén hoặc viên nén bao phim Atenolol 10 phút sau lần tiêm cuối cùng. Liều dùng thuốc ở đối tượng này như sau:

  • Liều ban đầu: Dùng 50mg/lần, sử dụng thêm 50mg thuốc sau 12 giờ. Sử dụng liên tục trong 6 – 9 ngày hoặc cho đến khi bệnh tình thuyên giảm, dùng 100mg/ngày.

Bảo quản

Viên nén, viên nén bao phim

Thuốc Atenolol nên được bảo quản ở nhiệt độ trong phòng từ 20 – 25 độ C. Bên cạnh đó, thuốc phải được đựng trong lọ có màu, trong vỉ thuốc hoặc trong bao bì kín. Đồng thời tránh để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng.

Dung dịch tiêm tĩnh mạch

Dung dịch tiêm tĩnh mạch Atenolol nên được bảo quản ở nhiệt độ trong phòng từ 25 – 30 độ C. Ngoài ra người bệnh cần giữ ống thuốc tiêm trong bao gói kín cho đến khi cần và mang ra sử dụng. Người bệnh cần tránh để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng.

Cách bảo quản thuốc Atenolol
Cách bảo quản thuốc Atenolol

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Atenolol

Khuyến cáo khi dùng

Bên cạnh công dụng, liều dùng và cách sử dụng thuốc Atenolol, người bệnh cũng cần lưu lại một số khuyến cáo sau đây:

  • Nhờ sự tác động chủ yếu ức chế trên bêta 1, thuốc Atenolol có thể được sử dụng thử ở những bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị co thắt phế quản có yêu cầu ngăn ngừa tác nhân ức chế bêta. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh nên thường xuyên đến bệnh viện để được kiểm tra và theo dõi. Ngoài ra bệnh nhân cần sử dụng đồng thời một số loại thuốc giãn phế quản theo sự chỉ định và hướng dẫn liều dùng từ bác sĩ chuyên khoa. Tình trạng hô hấp của một số bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng trong thời gian dùng thuốc mặc dù đã áp dụng những lưu ý nêu trên. Trong trường hợp này người bệnh nên ngưng sử dụng thuốc Atenolol và báo ngay với bác sĩ.
  • Do sự thay đổi dịch bên trong cơ thể, thuốc Atenolol và một số loại thuốc ức chế bêta khác có khả năng khiến tình trạng phản ứng dị ứng của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Việc sử dụng thuốc Atenolol, Epinephrine với liều cao có thể gây kích thích alpha – adrenergic quá độ. Điều này dẫn đến chứng nhịp tim chậm, tăng huyết áp, ức chế tim, nghẽn tim phản xạ. Đồng thời làm nặng hơn chứng co thắt phế quản.
  • Những người có tiền sử hoặc đang bị hạ đường huyết đồng thời cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc Atenolol. Ngoài ra ở những bệnh nhân bị tiểu đường đang dùng thuốc Insulin hoặc những loại thuốc uống có tác dụng hạ đường huyết cần thường xuyên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Đồng thời nghe theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nếu muốn sử dụng thuốc Atenolol. Bởi hoạt chất trong thuốc có khả năng che giấu những triệu chứng hoặc dấu hiệu báo trước của cơn hạ đường huyết cấp tính.
  • Trong thời gian chữa bệnh với thuốc Atenolol, người bệnh cần đến bệnh viện và thực hiện đều đặn các xét nghiệm thích hợp: Kiểm tra chức năng gan, chức năng thận và chức năng tạo máu.
  • Bệnh nhân bị suy thận cần đặc biệt thận trọng trước quyết định chữa bệnh với thuốc Atenolol.
  • Việc ngưng điều trị đột ngột với thuốc Atenolol có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Đặc biệt là những bệnh nhân bị đau thắt ngực. Trên thực tế đã có những báo cáo về sự tăng vọt tình trạng nhồi máu cơ tim, chứng đau thắt ngực hoặc loạn nhịp tim thất ở những bệnh nhân ngưng đột ngột quá trình chữa bệnh thuốc chẹn bêta. Vì thế, tốt nhất người bệnh nên giảm liều từ từ trong 2 tuần để theo dõi thật kỹ tình trạng sức khỏe. Ở những trường hợp khẩn cấp hơn, người bệnh nên giảm liều và ngưng dùng thuốc trong thời gian ngắn hơn. Đồng thời theo dõi bệnh lý cẩn thận hơn. Nếu tình trạng đau thắt ngực trở nên nghiêm trọng hoặc cơ thể xuất hiện chứng thiểu năng mạch vành cấp, người bệnh cần sử dụng lại thuốc Atenolol ngay lập tức.
  • Do thuốc Atenolol là một tác nhân có khả năng ức chế sự cạnh tranh của chất chủ vận trên thụ thể bêta – adrenergic. Vì thế trong phẫu thuật cấp thuốc, thuốc có khả năng gây ra những tác động ngược lại.
  • Thuốc Atenolol không được khuyến cáo dùng cho trẻ em
  • Bệnh nhân có tiền sử bị suy tim cần thận trọng khi sử dụng thuốc Atenolol. Bởi thuốc có khả năng làm giảm sự co bóp cơ tim và dẫn đến suy tim
  • Trong thời gian chữa bệnh với thuốc Atenolol người bệnh có khả năng mắc phải hội chứng mắt – niêm mạc – da như: Phát ban da, khô kết mạc…
  • Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Atenolol khi cơ thể có dấu hiệu viêm kết mạc khô, viêm tai, nổi ban dạng vẩy nến, viêm thanh mạc…
  • Phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai không nên sử dụng thuốc Atenolol. Bởi thành phần của thuốc có thể tác động thông qua nhau thai dẫn đến sẩy thai. Do đó người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, có sự chỉ định và hướng dẫn liều dùng từ bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, bạn cần chắc chắn rằng những lợi ích mà thuốc mang lại cao hơn bất kỳ nguy cơ nào có thể xảy ra cho thai nhi
  • Thuốc Atenolol có khả năng bài tiết qua sữa mẹ dẫn đến ngộ độc ở trẻ. Nếu việc sử dụng thuốc Atenolol là cần thiết, người bệnh nên ngưng cho con bú.

Tác dụng phụ

Trong thời gian sử dụng thuốc Atenolol, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:

  • Bloc nhĩ thất
  • Suy tim sung huyết
  • Co thắt phế quản, khó thở, thở khò khè, đánh trống ngực, ho
  • Kéo dài đoạn P-R, đau ngực
  • Chậm nhịp tim
  • Chóng mặt
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Choáng váng
  • Hiện tượng Raynaud
  • Hạ huyết áp thế đứng
  • Đau chân, khập khểnh
  • Phù nề, lạnh tay chân
  • Đau đầu
  • Cơ thể mất điều hòa
  • Ngất xỉu
  • Trầm cảm
  • Lo lắng không rõ nguyên nhân
  • Buồn ngủ, ngủ lịm hoặc mất ngủ
  • Ù tai
  • Dị cảm
  • Chán ăn, ăn không ngon miệng, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn
  • Phát ban da, chảy máu cam, giảm dung nạp vận động, ngứa mắt, khô mắt, giảm ham muốn tình dục, đổ mồ hôi
  • Đau nhức toàn thân.

Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Atenolol và báo ngay với bác sĩ chuyên khoa khi cơ thể xuất hiện những tác dụng phụ nêu trên.

Tác dụng phụ của thuốc Atenolol
Việc sử dụng thuốc Atenolol có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe

Tương tác thuốc

Thuốc Atenolol có khả năng tương tác với một số loại thuốc điều trị sau:

  • Verapamil: Tương tác và làm huyết áp, blốc tim, tăng áp lực tâm thấp ở cuối tâm trương, làm chậm nhịp tim gây nguy hiểm
  • Diltiazem: Sự tương tác thuốc khiến tình trạng chậm nhịp tim trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt là đối với những bệnh nhân có tiền sử bị suy tâm thất hoặc quá trình dẫn truyền không bình thường từ trước
  • Nifedipin: Cơ thể có khả năng dung nạp tốt khi sử dụng đồng thời thuốc Nifedipin và Atenolol. Tuy nhiên ở một số trường hợp, thuốc có thể khiến tình trạng hạ huyết áp của bạn trở nặng, hội chứng đau thắt ngực trở nên nghiêm trọng hơn, làm tăng suy tim
  • Catecholamin: Làm hạ huyết áp, chậm nhịp tim nặng dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu hoặc hạ huyết áp tư thế
  • Prazosin: Từ khi bắt đầu điều trị, sự tương tác thuốc có thể dẫn đến hạ huyết áp ở tư thế đứng
  • Clonidin: Làm tăng huyết áp trầm trọng. Do đó người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Atenolol vài ngày trước khi chữa bệnh với thuốc Clonidin
  • Quinidin và một số loại thuốc chống nhịp tim nhóm 1: Làm tăng tác dụng hiệp đồng đối với cơ tim
  • Ergotamin: Ức chế cơ tim và làm tăng co thắt mạch ngoại biên
  • Thuốc gây mê tại đường hô hấp Cloroform: Ức chế cơ tim và cường phế vị
  • Insulin và một số loại thuốc chữa đái tháo đường khác: Thuốc Atenolol có khả năng che lắp chứng nhịp tim nhanh do hạ đường huyết khi sử dụng đồng thời những loại thuốc này
  • Verapamil tiêm tĩnh mạch: Làm tăng tỉ lệ xuất hiện những tác dụng phụ nghiêm trọng. Đặc biệt là ở bệnh nhân bị suy tim sung huyết, bệnh cơ tim nặng hoặc mới bị nhồi máu cơ tim
  • Các loại thuốc tiêm tĩnh mạch: Ức chế co cơ tim
  • Một số loại thuốc ức chế bêta khác.

Quá liều và cách xử lý

Triệu chứng

  • Nhịp tim chậm
  • Tụt huyết áp
  • Suy tim sung huyết
  • Hạ đường huyết
  • Co thắt phế quản.

Xử lý

Trong trường hợp sử dụng thuốc quá liều, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Atenolol. Đồng thời chịu sự theo dõi cẩn thận của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, người bệnh cần áp dụng một số biện pháp sau nếu cần thiết:

  • Bloc tim độ hai hoặc độ ba: Dùng chất tạo nhịp tim qua tĩnh mạch hoặc Isoproterenol
  • Suy tim sung huyết: Sử dụng các trị liệu hiện hành
  • Tim chậm: Sử dụng thuốc Atropine hoặc một số loại thuốc kháng Cholinergic
  • Hạ huyết áp: Phụ thuộc vào tác nhân đi kèm, người bệnh có thể sử dụng thuốc Isoproterenol, Epinephrine hoặc Norepinephrine. Có thể dùng kèm với Digitalis, atropine
  • Co thắt phế quản: Dùng Isoproterenol hoặc Aminophylline
  • Hạ đường huyết: Truyền tĩnh mạch Isoproternol.

Lưu ý: Thuốc Atenolol là chất đối kháng tương tranh với Isoproterenol. Vì thế một lượng lớn Isoproterenol có thể làm đảo ngược nhiều tác dụng của các liều quá độ Atenolol. Tuy nhiên người bệnh không nên xem nhẹ những biến chứng khi sử dụng Isoproterenol quá liều.

Nhận biết dấu hiệu đột quỵ khi ngủ

Dấu Hiệu Đột Quỵ Khi Ngủ: Nhận Biết Sớm Để Phòng Tránh

Dấu hiệu đột quỵ khi ngủ thường dễ bị nhầm lẫn với các biểu hiện khi cơ thể mệt mỏi,...

Dấu hiệu nhận biết tai biến nhẹ ở người già

Tai Biến Nhẹ Ở Người Già: Cách chẩn đoán và Xử trí kịp thời

Tai biến nhẹ ở người già tiềm ẩn nhiều rủi ro, không thể chủ quan. Khả năng cơn tai biến...

Mạch đập nhanh là như thế nào?

Mạch Đập Nhanh: Nguyên nhân và Cách làm ổn định nhanh

Tình trạng mạch đập nhanh bất thường có thể diễn ra trong thời gian ngắn hoặc kéo dài tùy thuộc...

Lưu ý

9 Loại Nước Uống Cho Người Cao Huyết Áp Nên Biết Đến

Sử dụng một số loại nước uống cho người cao huyết áp từ rau củ quả tươi, trà thảo dược,...

Xơ vữa động mạch chi dưới là gì? 

Xơ Vữa Động Mạch Chi Dưới: Cách chẩn đoán, Phòng ngừa

Xơ vữa động mạch chi dưới nếu kéo dài có thể gây biến chứng khiến người bệnh mất khả năng...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.