Bệnh Dị Ứng Thời Tiết
Dị ứng thời tiết là bệnh có cơ chế dị ứng, xảy ra khi cơ thể nhạy cảm quá mức với các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, nấm mốc, phấn hoa trong không khí… Bệnh bùng phát mạnh vào giai đoạn chuyển mùa và đầu mùa xuân. Nếu không điều trị và phòng ngừa, các triệu chứng sẽ kéo dài dai dẳng gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Tổng quan
Bệnh dị ứng thời tiết (Weather Allergies) là phản ứng miễn dịch dị ứng của cơ thể đối với các yếu tố thời tiết như độ ẩm, nhiệt độ, gió và các thành phần có trong không khí như phấn hoa, mạt bụi, bụi mịn, nấm mốc… Thông thường, tình trạng này sẽ xảy ra vào giai đoạn chuyển mùa - đặc biệt là khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột.
Thay đổi thời tiết là điều kiện thuận lợi làm xuất hiện các dị nguyên trong không khí như nấm mốc, virus, phấn hoa… Sau khi xâm nhập qua đường mũi và họng, hệ miễn dịch sẽ giải phóng IgE đặc hiệu với từng loại dị nguyên. Kế tiếp IgE sẽ gắn với dưỡng bào (tế bào mast) tạo thành tổ hợp kháng thể - kháng nguyên, sau đó phóng thích histamin cùng với các chất trung gian hóa học.
Nhìn chung, dị ứng thời tiết gây ra các triệu chứng khá giống các dạng dị ứng khác. Nguy cơ phát triển sốc phản vệ trong trường hợp này thường khá thấp. Tuy nhiên, dị ứng thời tiết sẽ kéo theo nhiều bệnh cơ địa khác như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, viêm da cơ địa và bệnh nổi mề đay (mày đay).
Giống như các dạng dị ứng khác, tiếp xúc với dị nguyên trong không khí sẽ khiến các triệu chứng phát triển nhanh. Thời tiết là yếu tố không thể loại trừ hoàn toàn như thức ăn, kim loại, mủ thực vật... vì vậy cần có biện pháp chăm sóc phù hợp để quản lý và phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Phân loại bệnh
Có hai loại dị ứng thời tiết là dị ứng thời tiết nóng và dị ứng thời tiết lạnh:
- Dị ứng thời tiết nóng: Tình trạng này xảy ra vào thời điểm khí hậu nóng ẩm khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Nhiệt độ quá cao sẽ làm rối loạn chức năng điều hòa thân nhiệt, từ đó kích hoạt phản ứng dị ứng gây ra các biểu hiện trên da và hệ hô hấp.
- Dị ứng thời tiết lạnh: Dị ứng thời tiết lạnh là tình trạng phổ biến hơn. Khi thời tiết chuyển lạnh, trong không khí sẽ xuất hiện các dị nguyên như virus, nấm mốc, phấn hoa. Để bảo vệ cơ thể khỏi dị nguyên, cơ thể sẽ sản sinh IgE và giải phóng hàng loạt các chất trung gian hóa học.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Thay đổi nhiệt độ đột ngột và sự xuất hiện các dị nguyên trong không khí như mạt bụi, bụi mịn, phấn hoa, nấm mốc… được xem là nguyên nhân trực tiếp gây dị ứng thời tiết. Ở người mắc bệnh, hệ miễn dịch xem những tác nhân này là “dị nguyên” nên mới có hiện tượng giải phóng IgE đặc hiệu cùng với histamin cùng với nhiều chất trung gian hóa học khác.
Tuy nhiên, phản ứng miễn dịch dị ứng với thời tiết chỉ xảy ra ở một số người. Do đó, bệnh lý này thường có liên quan với những yếu tố sau đây:
- Cơ địa nhạy cảm: Rối loạn miễn dịch thường gặp ở người có cơ địa nhạy cảm. Đặc điểm của dạng cơ địa này là cơ thể rất nhạy cảm với các yếu tố bên trong và bên ngoài. Khi có sự thay đổi nhỏ, hệ miễn dịch sẽ kích hoạt phản ứng dị ứng nhằm bảo vệ cơ thể.
- Mắc các bệnh cơ địa khác: Người mắc các bệnh cơ địa khác như viêm da cơ địa, viêm mũi/ viêm xoang dị ứng, hen phế quản… sẽ có nguy cơ bị dị ứng thời tiết cao hơn. Lý do là vì các bệnh lý này đều có liên quan đến sự nhạy cảm của hệ miễn dịch.
- Hệ miễn dịch suy giảm: Dị ứng thời tiết có xu hướng bùng phát vào những thời điểm sức đề kháng giảm như khi mang thai, suy nhược, căng thẳng, thiếu chất dinh dưỡng… Suy giảm hệ miễn dịch khiến cơ thể có xu hướng phản ứng thái quá với các yếu tố kích thích, mà trong trường hợp này là các dị nguyên có trong không khí như phấn hoa, nấm mốc, bụi mịn.
- Tiền sử gia đình: Nếu gia đình có người bị dị ứng thời tiết, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, nguy cơ mắc căn bệnh này cũng sẽ gia tăng nếu bố mẹ, anh chị em ruột mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa.
Dị ứng thời tiết thường xảy ra khi cơ thể nhạy cảm quá mức với các yếu tố thời tiết như phấn hoa, nấm mốc, mạt bụi trong không khí hay sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ. Khi thời tiết ổn định, phản ứng dị ứng hiếm khi xảy ra.
Những dạng thời tiết dễ gây dị ứng bao gồm:
- Thời tiết khô lạnh, nhiều gió
- Thời tiết mưa, ẩm ướt
- Thời tiết chuyển lạnh đột ngột
Tác nhân trực tiếp gây dị ứng thời tiết thường là nhiệt độ lạnh và phấn hoa, nấm mốc có trong không khí. Do đó, khi thời tiết trở lạnh và nhiều gió, dị nguyên sẽ được phát tán khắp nơi khiến các triệu chứng phát triển nhanh.
Triệu chứng và chẩn đoán
Dị ứng thời tiết gây ra triệu chứng tương tự như các tình trạng dị ứng khác. Như đã đề cập, khi xuất hiện dị nguyên bên trong cơ thể, hệ miễn dịch sẽ sản xuất IgE đặc hiệu. Sau đó, IgE sẽ gắn với tế bào mast làm giải phóng histamin và nhiều chất trung gian hóa học. Tế bào mast tập trung chủ yếu ở da, niêm mạc hô hấp và tiêu hóa nên triệu chứng thường khu trú ở những cơ quan này.
Các triệu chứng của bệnh dị ứng thời tiết bao gồm:
- Da nổi phát ban, mề đay kèm theo ngứa ngáy
- Triệu chứng trên da thường xuất hiện ở mặt, tay, chân, sau đó có thể lan đến cổ và thân trên
- Trường hợp nặng có thể gây sưng mí mắt và sưng môi
- Sổ mũi, nghẹt mũi
- Ngứa mũi
- Chảy nước mũi
- Mắt đỏ, ngứa, chảy nước mắt
- Hắt hơi
- Ho
- Thở khò khè
- Cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ, chán ăn
- Xuất hiện biểu hiện chàm
Phản ứng dị ứng sẽ kích hoạt các bệnh cơ địa bùng phát. Do đó khi bị dị ứng thời tiết, chàm (viêm da cơ địa), viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm kết mạc dị ứng… có thể bùng phát.
Các triệu chứng của dị ứng thời tiết có thể xuất hiện nhanh, đột ngột hoặc phát triển từ từ sau 24 - 48 giờ. Trong đó, biểu hiện rõ ràng nhất là phát ban, mề đay, ngứa mũi, hắt hơi và chảy nước mũi thường xuyên. Mức độ triệu chứng sẽ phụ thuộc vào nồng độ dị nguyên và sức đề kháng của từng người.
Dị ứng thời tiết là bệnh lý thường gặp và đôi khi có thể tự thuyên giảm. Trường hợp bệnh nhẹ, có thể cải thiện bằng thuốc không kê toa. Tuy nhiên, nếu nhận thấy mề đay lan rộng, khó thở, thở khò khè đi kèm với các bệnh cơ địa như chàm, viêm mũi dị ứng… tốt nhất nên đến thăm khám và điều trị.
Thông qua biểu hiện lâm sàng, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán xác định. Trường hợp tình trạng tái đi tái lại, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm tìm IgE đặc hiệu và test lẩy da để tìm dị nguyên. Ngoài ra, các xét nghiệm cận lâm sàng khác cũng có thể được chỉ định, nhất là khi dị ứng thời tiết đi kèm với các bệnh lý như viêm da cơ địa, bệnh nổi mề đay, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh dị ứng thời tiết là tình trạng khá phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Thực tế, dị ứng có thể bùng phát vào bất cứ thời điểm nào trong năm từ mùa xuân, hạ, thu cho đến đông. Tuy nhiên, giai đoạn thu đông và đầu xuân là thời điểm bệnh bùng phát mạnh mẽ nhất.
Nhìn chung, đa số các trường hợp bị dị ứng thời tiết thường không quá nghiêm trọng. Các biểu hiện hô hấp và ngoài da có thể thuyên giảm sau khoảng vài ngày đến vài tuần. Trong trường hợp nhẹ, có thể dùng thuốc không kê toa, nghỉ ngơi và chăm sóc hợp lý.
Dị ứng thời tiết hiếm khi gây sốc phản vệ như dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, ở người bị hen phế quản, tiếp xúc với một số loại nấm mốc và phấn hoa có thể dẫn đến sốc phản vệ - phản ứng dị ứng nghiêm trọng gây hạ áp, nghẹt thở, tử vong.
Nếu nhận thấy cổ họng phù nề, khó thở, lâng lâng… cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Người bị hen phế quản thường được khuyến khích mang theo Epinephrine bên mình để phòng ngừa sốc phản vệ, co thắt phế quản khi tiếp xúc với dị nguyên.
Dị ứng thời tiết hiếm khi đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh lý này như nổi mề đay, phát ban dai dẳng, ngứa, sổ mũi… sẽ gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Trong thời gian bị dị ứng, chất lượng giấc ngủ, hiệu suất lao động, học tập sẽ giảm sút rõ rệt. Ngoài ra, mề đay, phát ban xuất hiện trên diện rộng còn ảnh hưởng đến ngoại hình, yếu tố thẩm mỹ.
Điều trị
Hiện tại, điều trị dị ứng thời tiết chủ yếu là cách ly với dị nguyên và sử dụng thuốc làm giảm triệu chứng. Vì thời tiết là yếu tố không thể kiểm soát nên cần kết hợp với chăm sóc, nâng đỡ cơ thể nhằm tăng cường sức đề kháng.
Nghỉ ngơi, chăm sóc đúng cách
Nếu bị dị ứng thời tiết nhẹ, bạn có thể cải thiện bằng cách nghỉ ngơi và thực hiện một số biện pháp chăm sóc. Sau khoảng vài ngày, biểu hiện ngoài da và trên hệ hô hấp sẽ thuyên giảm dần.
Chế độ nghỉ ngơi, chăm sóc khi bị bệnh dị ứng thời tiết:
- Nên nghỉ ngơi 1 - 3 ngày để giảm sự nhạy cảm của hệ miễn dịch với các yếu tố từ thời tiết. Tránh làm việc nặng, căng thẳng trong thời gian dị ứng thời tiết bùng phát.
- Uống đủ 2 lít nước/ ngày, tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây để nâng đỡ thể trạng.
- Sử dụng đồ uống chứa cồn, hút thuốc lá, cà phê… có thể khiến các triệu chứng dị ứng thời tiết phát triển nhanh. Vì vậy, nên tránh các thói quen trên trong thời gian điều trị.
- Giữ nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định. Trời nóng nên tắm rửa thường xuyên, mặc trang phục có chất vải mỏng nhẹ, thoáng. Trời lạnh nên giữ ấm, đặc biệt là vùng cổ.
- Vào thời tiết lạnh, nên dưỡng ẩm hằng ngày để củng cố hàng rào bảo vệ da. Thói quen này sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của dị nguyên qua da, từ đó hạn chế biểu hiện phát ban, mề đay, chàm.
- Chú ý vệ sinh tai mũi họng để loại bỏ dị nguyên ở niêm mạc hô hấp. Biện pháp này giúp làm giảm nồng độ dị nguyên trong cơ thể, từ đó có thể cải thiện triệu chứng và hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị.
Tránh dị nguyên
Rất khó có thể xác định được tác nhân gây dị ứng thời tiết. Theo thống kê, phấn hoa, nấm mốc và sự thay đổi nhiệt độ đột ngột là dị nguyên thường gặp. Giống như các bệnh dị ứng khác, cách ly với dị nguyên là biện pháp hiệu quả giúp kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa bệnh tái phát.
Đối với bệnh dị ứng thời tiết, có thể tránh dị nguyên thông qua các biện pháp sau:
- Vào mùa thu đông và đầu xuân, có rất nhiều phấn hoa trong không khí. Nên đeo khẩu trang và mặc quần áo dài tay khi ra ngoài.
- Đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người và rửa tay, súc họng, rửa mũi sau khi về nhà để loại bỏ nấm mốc, phấn hoa.
- Sử dụng máy lọc không khí để giảm các tác nhân dị ứng.
- Hạn chế ra ngoài vào những ngày thời tiết nhiều gió, nhiệt độ thay đổi đột ngột.
Sử dụng thuốc
Dị ứng thời tiết gây ra khá nhiều triệu chứng như phát ban, mề đay, chàm, hắt hơi, ngứa mũi, sổ mũi… Thuốc kháng histamin thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng này. Trường hợp đáp ứng kém hoặc triệu chứng bùng phát mạnh sẽ được cân nhắc các loại thuốc khác.
Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh dị ứng thời tiết:
Thuốc kháng histamin H1:
Thuốc kháng histamin H1 được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh dị ứng như mề đay, dị ứng thời tiết, viêm mũi dị ứng. Hiện nay, thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2 được ưu tiên sử dụng vì ít có tác dụng an thần, gây ngủ. Các loại thuốc thông dụng bao gồm Fexofenadin, Loratadin, Cetirizin.
Thuốc chống viêm corticoid:
Trường hợp dị ứng thời tiết gây nổi mề đay nhiều, phát triển nhanh kèm theo ho nhiều, thở khò khè sẽ được cân nhắc dùng thuốc chống viêm corticoid. Các loại thuốc thông dụng bao gồm Prednisolone, Methylprednisolone.
Vì tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nên corticoid chủ yếu được dùng ngắn ngày trong những trường hợp thật sự cần thiết. Trường hợp nghẹt mũi nhiều có thể dùng corticoid dạng hít, nhỏ mũi.
Thuốc bảo vệ tế bào mast:
Thuốc bảo vệ tế bào mast được sử dụng để ngăn IgE gắn vào tế bào mast tạo thành tổ hợp kháng thể - kháng nguyên. Với cơ chế này, thuốc giúp ngăn chặn giải phóng histamin và các chất hóa học trung gian. Thuốc có thể được dùng ở đường uống (Cromolyn), nhỏ mắt (Lodoxamide, Ketotifen, Nedocromil…) và nhỏ mũi (Azelastine, Cromolyn).
Các loại thuốc được sử dụng chỉ có thể giải quyết cơ bản triệu chứng của dị ứng thời tiết. Cách tốt nhất để điều trị bệnh lý này hoàn toàn là cách ly với dị nguyên. Vì vậy, bắt buộc phải sử dụng thuốc kết hợp với chăm sóc hợp lý.
Phòng ngừa
Tương tự như các bệnh dị ứng khác, có thể phòng ngừa dị ứng thời tiết bằng cách tránh tiếp xúc với dị nguyên. Tác nhân gây dị ứng trong trường hợp này khá đa dạng, khó xác định và kiểm soát. Dù vậy, thực hiện những biện pháp sau sẽ giúp ích đáng kể trong phòng ngừa bệnh dị ứng thời tiết:
- Đeo khẩu trang, mặc quần áo dài tay để tránh hít phải phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc.
- Một số virus gây viêm nhiễm đường hô hấp có thể là yếu tố kích hoạt dị ứng thời tiết bùng phát. Do đó, cần đeo khẩu trang và thực hành rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.
- Suy giảm hệ miễn dịch là điều kiện thuận lợi để các bệnh dị ứng bùng phát. Để phòng ngừa bệnh, cần tăng cường sức đề kháng bằng cách tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý và xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng.
- Hạn chế trồng các loại cây có hoa trong nhà.
- Khi thời tiết thay đổi, không khí có nhiều phấn hoa, nên đóng kín cửa sổ và sử dụng thêm máy lọc không khí để hạn chế dị ứng.
- Vệ sinh không gian sống thường xuyên để loại bỏ mạt bụi, nấm mốc…
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Cần thực hiện các xét nghiệm nào khi nghi ngờ bị dị ứng thời tiết?
2. Có thể tự điều trị dị ứng thời tiết bằng thuốc không kê toa hay không?
3. Dị ứng thời tiết kéo dài bao lâu? Có tự khỏi?
4. Nên sử dụng loại thuốc nào để cải thiện dị ứng thời tiết?
5. Khi bị dị ứng thời tiết cần kiêng những gì?
6.D ị ứng thời tiết tái đi tái lại phải làm sao?
Bệnh dị ứng thời tiết dù không nguy hiểm nhưng gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống, đặc biệt là giấc ngủ và hiệu suất lao động - học tập. Khi mắc bệnh lý này, ngoài điều trị tích cực, cần phải chủ động phòng ngừa để ngăn ngừa tái phát.