Bệnh Đa U Tuỷ Xương

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG – Khoa Xương khớpGiám đốc Chuyên môn Phòng khám đa khoa Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Đa u tủy xương là một trong những bệnh lý ung thư máu ác tính ngày càng tăng cao tỷ lệ mắc trong xã hội hiện đại, chỉ đứng sau u lympho. Bệnh đặc trưng bởi sự tăng sinh các tương bào ác tính ở tủy xương và di căn sang nhiều cơ quan khác. Không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với đa u tủy xương, việc điều trị bệnh chủ yếu kéo dài sự sống cho người bệnh.

Tổng quan

Đa u tủy xương (Multiple myeioma/ Kahler's Disease) là một dạng tổn thương một dòng tế bào máu, gây tăng sinh các tế bào ác tính làm phá hủy hệ thống xương trong cơ thể, tạo thành các ổ tế bào ung thư tương bào (Plasma cells - neoplasma). Bệnh đặc trưng bởi sự tăng sinh bất thường của các tương bào non, tăng chỉ số prorein đơn dòng trong nước tiểu, huyết tương, tăng Ca++, gây đau xương, thiếu máu...

Đa u tủy xương là một dạng ung thư dòng tế bào máu thường xảy ra ở người cao tuổi

Đây là bệnh lý huyết học ác tính với tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng, đứng thứ 2 chỉ sau u lympho. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở người cao tuổi khoảng 70, người trung niên > 40 tuổi. Tỷ lệ các ca mắc mới hàng năm tại các nước phương Tây là khoảng 5,6 ca/100.000 dân, ở Trung Quốc là 4/100.000 dân. Theo thống kê tại Viện Huyết học - Truyền máu TW, bệnh đa u tủy xương chiếm 1% trong tổng số bệnh K và 13% tổng số các ca ung thư huyết học.

Nguyên nhân gây đa u tủy xương chưa được xác định rõ. Tổn thương ảnh hưởng đến những nơi hoạt động của tủy xương như xương sườn, hộp sọ, cột sống... Có nguy cơ cao phát sinh biến chứng suy thận, thiếu máu, nhiễm trùng... và dẫn đến tử vong. Đa u tủy xương là căn bệnh ung thư ác tính không có khả năng chữa khỏi. Việc điều trị chủ yếu nhằm kéo dài sự sống và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Phân loại

Bệnh đa u tủy xương được phân chia làm 5 giai đoạn gồm:

  • Thể Gammaglobulin đơn dòng chưa xác định;
  • Thể đa u tủy xương giai đoạn tiềm tàng nguy cơ cao;
  • Thể đa u tủy xương giai đoạn tiềm tàng nguy cơ thấp;
  • Thể đa u tủy xương giai đoạn hoạt động sớm;
  • Thể đa u tủy xương giai đoạn hoạt động (còn được gọi là đa u tủy);

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tương tự các bệnh ung thư nói chung, đa u tủy xương không tìm ra căn nguyên gây bệnh. Thường là trên nền tổn thương một  dòng tế bào máu (dòng tế bào sản sinh kháng thể bảo vệ cơ thể).

Sự tích lũy bất thường của các tương bào ở trong tủy xương là cơ chế chính gây ra đa u tủy xương

Nhưng theo nhiều giả thuyết, bệnh có liên quan đến một số yếu tố sau:

  • Di truyền: Bệnh đa u tủy xương không có khả năng di truyền. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu chuyên sâu đã phát hiện các tổn thương cụ thể về di truyền sinh học phân tử. Chẳng hạn như bất thường về nhiễm sắc thể số 14 với tình trạng chuyển đoạn NST t8, 21, q22 và q32;
  • Tiếp xúc với hóa chất: Những người thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất mạnh, độc hại (như xăng, dầu, nước sơn, benzene, dioxins, pesticide...), tia phóng xạ... làm tăng nguy cơ biến đổi gen, đột biến các tế bào khỏe mạnh thành tế bào ung thư ác tính, trong đó có bệnh đa u tủy xương;
  • Nhiễm virus: Có rất nhiều loại virus gây ung thư nói chung và trong số chúng có một vài loại là tác nhân khởi phát đa u tủy xương. Tuy nhiên, trường hợp này khá hiếm gặp;
  • Các yếu tố nguy cơ khác như:
    • Tính chất nghề nghiệp: thợ sơn, thợ may (da), thợ làm tóc, thợ mộc, nông dân...;
    • Tiền sử gia đình;
    • Cân nặng, thói quen ăn kiêng không khoa học;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Ung thư đa u tủy xương thường có tiến triển chậm và thường không có triệu chứng trong giai đoạn sớm. Tuy nhiên, sau vài tuần hoặc vài tháng, bệnh bắt đầu bộc phát các triệu chứng như:

Các triệu chứng đặc trưng của bệnh đa u tủy xương như mệt mỏi, gầy sút, đau đầu, hoa mắt, đau xương...

  • Giai đoạn khởi phát:
    • Mệt mỏi
    • Kém ăn
    • Gầy sút
    • Suy nhược cơ thể
    • Đau đầu
    • Đau khớp và đau xương nhẹ như xương cột sống, xương sườn...
  • Giai đoạn toàn phát:
    • Bệnh nhân rơi vào trạng thái suy kiệt toàn thân;
    • Đau nhức dữ dội cột sống thắt lưng;
    • Đau xương;
    • Đau xương ức, xương sọ;
    • Khuyết xương do tình trạng mất chất vôi tạo thành hình bầu dục, khuyết tròn (hay còn gọi là ổ khuyết xương hình tổ ong hoặc sâu);
    • Cơn đau có tính chất tăng dần theo thời gian và không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường;
    • Thiếu máu;
    • Bầm tím;
    • Tăng canxi máu;
    • Suy thận;
    • Nhiễm trùng vì không còn bất kỳ 1 globulin miễn dịch nào khỏe mạnh bình thường;
    • Siêu âm có thể thấy lách to (15%), gan to (40%) bất thường và gãy xương tự phát;

Chẩn đoán

Với các triệu chứng bệnh không đặc hiệu vừa nêu trên, chưa đủ để đưa ra chẩn đoán kết luận bệnh đa u tủy xương. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của bác sĩ chuyên khoa huyết học, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu máu để mang đi làm xét nghiệm, phân tích đầy đủ. Bao gồm các tiêu chuẩn hình thành cơ chế bệnh sinh của các rối loạn sau:

  • Thiếu máu thứ phát: do nhiều nguyên nhân như suy thận, ức chế quá trình tạo máu do tăng bài tiết các cytokin, tăng sinh lượng lớn tương bào gây chèn ép quá trình tạo máu...
  • Rối loạn máu ngoại vi: thiếu máu, giảm tiểu cầu, bạch cầu, rối loạn chức năng đông máu, tăng số lượng đơn dòng máu tương bào, tăng các tế bào plasma, tăng độ nhớt của máu;
  • Thay đổi cấu tạo các thành phần trong huyết tương: tăng protein, tăng lượng Ig đơn dòng, tăng lượng y-globulin, giảm albumin, giảm Ig đơn thuần, tăng protein C, p2 microglobulin, IL-6;

Chẩn đoán đa u tủy xương thông qua xét nghiệm phân tích các tế bào máu

Đồng thời, kết hợp thực hiện một số kỹ thuật y tế sau để đảm bảo tính chính xác đối với bệnh đa u tủy xương.

  • Xét nghiệm đánh giá chức năng thận;
  • Đo nồng độ canxi;
  • Kiểm tra protein bất thường trong máu;
  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Chụp X quang, CT Scan hoặc MRI xương;
  • Đo điện quang;
  • Làm tủy đồ giúp giúp phát hiện tình trạng giảm sinh tủy, tăng lượng tương bào trong tủy xương;
  • Xét nghiệm miễn dịch;
  • Sinh thiết tủy (nếu tất cả các biện pháp trên không hiệu quả);
  • Xét nghiệm gen phát hiện các rối loạn nhiễm sắc thể gây đa u tủy xương;

Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt rõ ràng giữa bệnh ung thư đa u tủy xương với các bệnh lý có biểu hiện tương tự dễ nhầm lẫn như:

  • Lao xương: Đây là bệnh rất dễ nhầm lẫn với bệnh đa u tủy xương. Giống nhau ở các biểu hiện như sốt, thiếu máu, sụt cân. Chẩn đoán xác định cho kết quả tăng tương bào nhưng lại không tăng chỉ số protein đơn dòng, chỉ số các Ig bình thường;
  • Hội chứng tăng sinh tủy: đặc trưng bởi các biểu hiện như đa hồng cầu, CML, tăng tiểu cầu... nhưng đều không tăng tương bào và protein đơn dòng;
  • Suy tủy/ Rối loạn sinh tủy: Thường chỉ giảm sinh tủy 1 hoặc 2 dòng, suy tủy mỡ hóa, không có dấu hiệu tăng tương bào và cũng không bị khuyết xương;
  • Ung thư di căn tủy: Kết quả sinh thiết tủy giúp chẩn đoán phân biệt đa u tủy xương với ung thư di căn tủy, vì bản chất của các tế bào di căn không phải tương bào;

Biến chứng và tiên lượng

Đa u tủy xương là bệnh ung thư máu ác tính nguy hiểm, dễ gây biến chứng và có nguy cơ tử vong cao. Một số biến chứng thường gặp như:

Bệnh nhân đa u tủy xương thường có nguy cơ cao bị suy thận nặng

  • Nhiễm khuẩn: Thường là nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm khuẩn phổi;
  • Tổn thương hệ thần kinh: Thường xảy ra ở khoảng 40% ca mắc đa u tủy xương, tăng nguy biến chứng cơ liệt các dây thần kinh sọ, rối loạn tâm thần hoặc liệt vĩnh viễn 2 chi dưới;
  • Tai biến máu: Gây biến chứng chảy máu, suy tủy hoặc tăng acid uric quá mức do suy thận hoặc điều trị bằng hóa trị liệu;
  • Tổn thương thận: Thường gặp là biến chứng bệnh thận trụ do đa u tủy xương. Đặc trưng với tình trạng xơ hóa các tổ chức kẽ thận và teo ống thận. Điển hình trong các bệnh cảnh như xơ hóa cầu thận dạng hạch, hoại tử ống thận cấp, lắng đọng canxi trong tổ chức kẽ thận, viêm cầu thận tăng sinh...;
  • Suy thận mạn: Tổn thương thận kéo dài gây mất nước, tăng canxi máu, nhiễm khuẩn hoặc lạm dụng quá mức các loại thuốc độc cho thận trong quá trình điều trị đa u tủy xương gây biến chứng suy thận mạn. Đây cũng là bệnh lý ác tính nguy hiểm, bệnh nhân vừa phải hóa trị liệu đối với bệnh đa u tủy xương vừa phải điều trị suy thận bằng kháng sinh hoặc lọc huyết tương;

Cũng như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư máu đa u tủy xương không thể chữa khỏi được. Việc điều trị y tế nhằm mục đích cải thiện giảm bớt mức độ triệu chứng, giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân và nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo thống kê của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, bệnh nhân ung thư đa u tủy xương có thời gian sống trung bình là 5.5 năm hoặc lâu hơn.

Đây chỉ là con số ước tính, thời gian sống lâu hay ngắn còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn phát hiện bệnh, mức độ di căn, có bất thường gen hay không, mức độ đáp ứng điều trị, kết quả đánh giá chức năng thận, tuổi tác và thể trạng sức khỏe...

Điều trị

Phác đồ điều trị đa u tủy xương đang được ứng dụng phổ biến hiện nay và cho kết quả khá tốt đó là:

Điều trị đặc hiệu

Tùy từng giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng biện pháp phù hợp:

# Điều trị đa u tủy xương giai đoạn sớm 

Các triệu chứng của bệnh trong giai đoạn sớm thường mờ nhạt nên rất khó phát hiện và cũng không nhất thiết phải điều trị ngay. Nếu vô tình phát hiện bệnh thông qua tầm soát ung thư, bệnh nhân sẽ được theo dõi tiến triển bệnh thường xuyên thông qua các đợt kiểm tra định kỳ, thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu.

# Điều trị đa u tủy xương có triệu chứng 

Chỉ điều trị khi bệnh tiến triển nặng với các triệu chứng rõ ràng. Dựa vào kết quả chẩn đoán mức độ bệnh, tiến hành điều trị bằng các biện pháp sau:

1. Dùng thuốc

Phác đồ thuốc điều trị đa u tủy xương thường kết hợp từ 2 - 3 loại thuốc khác nhau gồm:

Điều trị đa u tủy xương bằng thuốc nhắm trúng đích, điều chỉnh miễn dịch, thuốc kháng thể đơn dòng... dạng uống hoặc dạng tiêm truyền tĩnh mạch

  • Thuốc nhắm trúng đích:
    • Hay còn gọi là liệu pháp đích, là phương pháp mới trong điều trị bệnh ung thư nói chung và đa u tủy xương nói riêng. Loại thuốc này được nghiên cứu với khả năng chỉ tác động đến các tế bào ung thư mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh;
    • Đối với bệnh đa u tủy xương, thuốc trực tiếp phá vỡ thành protein hoặc liên kết với các tế bào u tủy và tiêu diệt chúng;
    • Loại thuốc được sử dụng nhất phổ biến hiện nay là thuốc ức chế enzyme proteasome (như Carfilzomib (Kyprolis), Bortezomib (Velcade), ixazomib (Ninlaro)) hoặc thuốc ức chế histone deacetylase - DHAC (Panobinostat (Farydak)) điều trị đa u tủy xương thể tái phát. Thường kết hợp với thuốc điều chỉnh miễn dịch để tăng hiệu quả.
  • Thuốc kháng thể đơn dòng: Điển hình như Daratumumab (Darzalex), Elotuzumab (Empliciti).. có cơ chế hoạt động bằng cách đánh trực tiếp đến các tế bào u tủy xương và tiêu diệt chúng. Thuốc được dùng dạng tiêm dưới da bụng hoặc tiêm tĩnh mạch.
  • Thuốc điều chỉnh miễn dịch: Sau khi kết thúc liệu trình dùng thuốc ức chế proteasome, bệnh nhân đa u tủy xương sẽ dùng đến thuốc điều chỉnh miễn dịch nhằm kiểm soát mức độ phát triển và di căn của các tế bào u tủy sang các cơ quan khác. Các loại thường dùng là Lenalidomide, Thalidomide...
  • Thuốc sinh học: Nhóm thuốc này thường được điều chế dưới dạng tiêm truyền tĩnh mạch, có tác dụng kích thích tăng cường sức mạnh hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nhờ đó giúp phát hiện, tiêu diệt và loại bỏ các tế bào ung thư.
  • Thuốc Teclistamab-cqyv:
    • Đây là loại thuốc mới và được đưa vào điều trị đa u tủy xương cho người lớn trong thời gian gần đây. Thuốc chứa kháng thể đặc hiệu kép giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch bằng cách liên kết với các thụ  thể trên bề mặt tế bào T;
    • Các nghiên cứu cho thấy thuốc có khả năng đáp ứng tốt trong điều trị đa u tủy xương tái phát, trước đây đã từng điều trị bằng các loại thuốc truyền thống;
    • Thuốc dùng dạng tiêm dưới da và được cảnh báo một số tác dụng phụ như nhiệt miệng, buồn nôn, đau đầu, tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp trên, dị ứng, nhiễm độc thần kinh, nhiễm độc thai nhi...;
  • Thuốc Corticosteroids: Thuốc này thường được chỉ định dùng hỗ trợ điều trị đa u tủy xương. Dùng kết hợp với các nhóm thuốc kể trên, tùy mức độ bệnh mà có thể dùng thuốc uống hoặc dạng tiêm truyền.
  • Một số thuốc khác:
    • Thuốc kháng ung thư thế hệ mới (Bortezomib);
    • Thuốc tiêm cải thiện chất lượng tế bào máu;
    • Thuốc chống hủy xương giúp giảm triệu chứng đau xương, loãng xương (Biphosphanates);
    • Thuốc giảm đau;
    • Thuốc kháng sinh;
    • Thuốc chống viêm Steroid (Prednisone hoặc Dexamethasone);
    • ...

Bất kỳ loại thuốc điều trị đa u tủy xương nào cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, từ đơn giản đến phức tạp. Do đó, hãy thận trọng tuân thủ các chỉ định dùng thuốc và thường xuyên thăm khám để thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra chức năng gan, thận để xử lý sớm các bất thường.

2. Xạ - hóa trị liệu 

Xạ trị và hóa trị là 2 liệu pháp hiệu quả được áp dụng phổ biến trong điều trị các bệnh ung thư nói chung, trong đó có đa u tủy xương.

Xạ trị và hóa trị là 2 liệu pháp điều trị đa u tủy xương với hiệu quả cao

  • Xạ trị: Sử dụng nguồn năng lượng tia X mức độ cao để chiếu trực tiếp vào tủy sống hoặc toàn bộ cơ thể tùy theo giai đoạn bệnh. Tia X sẽ giúp tiêu diệt các tế bào ung thư, giảm đau xương và làm chậm tiến triển bệnh.
  • Hóa trị: Là liệu pháp truyền thuốc liều cao vào cơ thể nhằm mục đích ức chế sự tăng sinh và nhân đôi hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư. Dạng truyền phổ biến là qua tĩnh mạch cánh tay hoặc bàn tay. Một số trường hợp cũng có thể dùng thuốc dạng viên. Các loại thuốc hóa trị thường dùng như:
    • Cyclophosphamide (Cytoxan, Neosar);
    • Etoposide (Toposar, VePesid);
    • Carmustine (BiCNU);
    • Doxorubicin (Adriamycin, Doxil);
    • Cisplatin (Platinol);
    • Melphalan (Alkeran);
    • Bendamustin (Bendeka);

3. Ghép tủy/ tế bào gốc 

Sau đợt truyền hóa chất liều cao tiêu diệt các tế bào ung thư, bệnh nhân sẽ phải tiến hành ghép tủy mới hoặc cấy tế bào gốc. Thủ thuật này nhằm loại bỏ các tế bào ung thư trong tủy xương, thay bằng các tế bào gốc có khả năng tạo máu, tạo thành các hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu khỏe mạnh, có khả năng miễn dịch tốt.

Nguồn tủy hoặc tế bào gốc được sử dụng thay thế có thể được hiến tặng hoặc lấy từ chính cơ thể bệnh nhân (tế bào gốc tự thân). Phương pháp này thường chỉ áp dụng cho những bệnh nhân còn đủ sức khỏe, thường < 65 tuổi.

Các biện pháp điều trị hỗ trợ 

Ngoài các biện pháp điều trị chuyên sâu, cần kết hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ sau để cải thiện tiến triển bệnh và giảm sự khó chịu cho bệnh nhân ung thư đa u tủy xương:

Bệnh nhân đa u tủy xương cần được chăm sóc tích cực trong ăn uống, nghỉ ngơi và vệ sinh chống nhiễm trùng

  • Truyền dịch nhằm bảo vệ chức năng thận;
  • Truyền máu khối hồng cầu, khối tiểu cầu;
  • Tiến hành lọc thận đối với những trường hợp ung thư đa u tủy xương gây tổn thương thận kéo dài;
  • Giữ vệ sinh thân thể và khu vực sinh hoạt sạch sẽ, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng;
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ đủ giấc, không thức khuya, không nên làm việc hoặc thực hiện các hoạt động quá sức để tránh tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch;
  • Tập thể dục hàng ngày, vận động tích cực bằng những bài tập, bộ môn thể thao vừa sức, phù hợp với tình trạng sức khỏe;
  • Có chế độ ăn uống chuyên biệt dành cho bệnh nhân ung thư, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng vừa không gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh. Thận trọng khi bổ sung vitamin C, không quá 1000mg/ngày để tránh gây suy giảm chức năng thận;
  • Bệnh nhân mắc ung thư đa u tủy xương thường có các biểu hiện về suy giảm tinh thần, lo lắng, bất an, sợ hãi. Do đó, hãy trao đổi nhiều hơn với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được hỗ trợ các biện pháp kiểm soát cảm xúc;

Phòng ngừa

Hầu hết các bệnh ung thư nói chung và ung thư máu đa u tủy xương nói riêng thường không xác định được nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, bệnh có liên quan đến yếu tố gen nên đối với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh phải thường xuyên thăm khám định kỳ và tầm soát sàng lọc nguy cơ mắc bệnh.

Đồng thời, xây dựng lối sống, thói quen ăn uống và môi trường sinh hoạt khoa học, tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, thừa cân, béo phì, viêm khớp dạng thấp... Tránh tiếp xúc với các loại hóa chất mạnh làm tăng nguy cơ ung thư máu.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh đa u tủy xương có phải bệnh ung thư không? Là dạng ung thư gì?

2. Những dấu hiệu nào cho thấy tôi mắc bệnh đa u tủy xương?

3. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán đa u tủy xương?

4. Nguyên nhân tại sao tôi mắc đa u tủy xương?

5. Tôi có thể gặp phải biến chứng gì khi mắc bệnh đa u tủy xương?

6. Bệnh đa u tủy xương có chữa khỏi được không? Tiên lượng đối với tình trạng của tôi?

7. Điều trị đa u tủy xương bằng phương pháp nào tốt nhất?

8. Tôi nên xạ trị, hóa trị hay phẫu thuật để chữa đa u tủy xương?

9. Những rủi ro và lợi ích liên quan đến các chỉ định y tế điều trị đa u tủy xương?

10. Thời gian sống sau điều trị đa u tủy xương là bao lâu?

Cũng như nhiều căn bệnh ung thư khác, đa u tủy xương có tiến triển nhanh chóng, không thể chữa khỏi và dễ phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân mắc đa u tủy xương không được chủ quan, nên thăm khám sớm và điều trị tích cực vằng các biện pháp phù hợp để giúp kéo dài sự sống.