Bệnh chân voi

Bệnh chân voi là bệnh lý biến chứng nguy hiểm, xảy ra khi hạch bạch huyết nhiễm phải giun chỉ. Người bệnh bị phù ở chân, viêm bộ phận sinh dục, tiểu ra màu trắng đục,... Trường hợp bệnh nhân không kiểm soát, triệu chứng trở nên nặng nề phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống, sức khỏe của người bệnh.

Tổng quan

Bệnh chân voi (Podoconiosis) biểu hiện ra bên ngoài với hình dạng phình to, thay đổi kích thước ở chân, tay hoặc bộ phận sinh dục, trong đó thường gặp nhất là phù chân. Tình trạng này xuất hiện có liên quan đến việc tắc nghẽn hạch bạch huyết do giun chỉ gây tích tụ dịch bạch huyết, kèm theo hiện tượng dày da ở vùng sưng một cách rõ rệt.

Bệnh chân voi
Bệnh chân voi là bệnh lý nguy hiểm khiến chân, tay hoặc bộ phận sinh dục của nam giới bị sưng to

Bệnh chân voi gây mất thẩm mỹ, khiến nhiều bệnh nhân tự ti, ngoài ra bệnh lý còn tác động lên sức khỏe tổng thể, ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của bệnh nhân. Do đó, ngay khi phát hiện một bộ phận trên cơ thể sưng phù bất thường bạn cần đến bệnh viện kiểm tra để được can thiệp điều trị sớm, phòng ngừa rủi ro.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh chân voi hình thành do sự xuất hiện của một loại giun chỉ có tên là Wuchereria Bancrofti. Giun chỉ xâm nhập vào cơ thể thông qua vật trung gian lây bệnh là muỗi. Bệnh chân voi hiện này là một trong những bệnh lý nhiều người mắc phải trên thế giới, mọi đối tượng đều có khả năng nhiễm phải chứng bệnh này.

Trong đó, nhóm đối tượng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt phải có khả năng mắc bệnh cao. Ngoài ra, những người sống trong môi trường độ ẩm thấp, nhiều muỗi,... là nhóm người nguy cơ có khả năng nhiễm bệnh do tỷ lệ tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh cao.

Muỗi mang ký sinh trùng gây bệnh truyền vào máu người, ấu trùng giun chỉ sẽ theo máu đến hạch bạch huyết và trú ngụ tại đây để tiếp tục phát triển. Trong vòng vài tháng đến vài năm liên tiếp bị muỗi mang mầm bệnh đốt thì người này có tỷ lệ mắc bệnh chân voi cao.

Ấu trùng trú ngụ và ủ bệnh trong thời gian từ nửa năm đến một năm sau đó trưởng thành thành giun chỉ. Chúng có khả năng làm tổn thương hạch bạch huyết của con người. Tùy vào mỗi cơ địa, trường  hợp nhiễm ấu trùng giun chỉ thực tế có thời gian ủ bệnh khác nhau, dài nhất là 7 năm kể từ khi ấu trùng lưu trú ở hạch bạch huyết.

Trong thời gian ủ bệnh, các cá thể giun chỉ tiếp tục sinh sôi thành hàng triệu cá thể mới. Ấu trùng có thể trở lại vùng máu ngoại vi, sau đó muỗi đốt và hút màu rồi tiếp tục truyền bệnh ra xung quanh. Đây là cơ chế hình thành bệnh và lây nhiễm điển hình, không chỉ xuất hiện ở bệnh chân voi mà còn với nhiều bệnh lý truyền nhiễm khác có liên quan đến muỗi như sốt xuất huyết, sốt rét,...

Nguyên nhân
Ấu trùng giun chỉ xâm nhập vào máu lưu trú ở bạch huyết do tác nhân trung gian truyền bệnh là muỗi

Mặc dù tỷ lệ lây lan mầm bệnh cao tuy nhiên không phải đối tượng nào cũng biểu hiện bệnh ra bên ngoài. Có khoảng 4% người bệnh thể hiện rõ những triệu chứng của bệnh chân voi, nhiều nhất là ở phái nam. Các bộ phận bị sưng phù thường là chân, tay hoặc thậm chí là bộ phận sinh dục.

Theo thời gian nếu không được điều trị vùng da bị tổn thương dày lên do bội nhiễm, cứng và mất thẩm mỹ. Người bệnh gặp khó khăn trong việc sinh hoạt đời sống, lao động. Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, đề nghị người bệnh nên sớm đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe, điều trị càng sớm càng tốt.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh chân voi gây ra các triệu chứng ở thể cấp và mãn tính. Tùy vào từng trường hợp triệu chứng sẽ có mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Khi nhận thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường dưới đây bạn nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ sớm:

  • Cơ thể sốt cao
  • Hạch lympho vùng bụng bị viêm
  • Sưng viêm hạch bạch huyết
  • Viêm tinh hoàn ở phái nam
  • Đọng nước tinh hoàn ở nam giới
  • Sưng bộ phận sinh dục
  • Sưng chân, tay bất thường

Người bệnh khó nhận biết bệnh chân voi trong thời gian ủ bệnh bởi lúc này cơ thể chưa có bất kỳ biểu hiện nhận biết nào. Tuy nhiên, khi số lượng giun chỉ trưởng thành nhân lên, hệ miễn dịch suy giảm dần các dấu hiệu bắt đầu xuất hiện và ngày càng rõ nét hơn khi bệnh nặng dần.

Chẩn đoán

Đối tượng nghi ngờ mắc bệnh chân voi được bác sĩ thăm khám bên ngoài, kiểm tra tình trạng sưng, hỏi thăm về tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình, các triệu chứng, thuốc hoặc các vấn đề cần thiết liên quan đến kết quả chẩn đoán.

Kèm theo đó, các xét nghiệm cần thiết sẽ được tiến hành bao gồm xét nghiệm máu tìm ra ký sinh trùng gây bệnh. Mẫu máu sẽ được lấy vào ban đêm, thời gian giun chỉ hoạt động mạnh mẽ. Kết quả xét nghiệm cho thấy có sự xuất hiện của chúng giúp bác sĩ chẩn đoán tình hình bệnh lý.

Ngoài ra, các phương pháp xét nghiệm khác như siêu âm, chụp X quang, sinh thiết hạch bạch huyết, xét nghiệm dịch dưỡng chấp, chụp mạch bạch huyết,... cũng được chỉ định để củng cố kết quả chẩn đoán. Dựa vào bệnh án của người bệnh bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra giải pháp điều trị hiệu quả, phù hợp và an toàn nhất cho từng bệnh nhân.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh chân voi ở giai đoạn đầu không gây nhiều triệu chứng khiến bệnh nhân chủ quan. Sau thời gian tiến triển, hạch bạch huyết bị tắc nghẽn nghiêm trọng kéo theo nhiều hệ lụy. Biểu hiện sưng phù lúc bấy giờ trở nên nặng nề hơn. Các khu vực sưng như chân, tay, bộ phận sinh dục.

Biến chứng
Người bệnh có thể gặp phải các biến chứng vô cùng nguy hiểm nếu bệnh chân to kéo dài không được điều trị

Đa số các trường hợp sưng phù một bên chân, vùng da bị ảnh hưởng dày, cứng, lan từ vùng bắp chân lên đến đùi. Điều này khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt đời sống, đi đứng khó khăn, tự ti khi tiếp xúc với người xung quanh, đời sống tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngoài ra, trường hợp viêm bộ phận sinh dục nhất là đối với nam giới khi nhiễm giun chỉ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo đó, tinh hoàn, dây thừng tinh bị viêm kèm theo biểu hiện tràn dịch màng tinh ảnh hưởng đến chất lượng đời sống tình dục, gây mất thẩm mỹ, giảm khả năng thụ thai. Đây là một trong những biến chứng vô cùng nặng nề người bệnh có thể phải đối mặt.

Bên cạnh các vấn đề kể trên, người bệnh còn bị tiểu ra dưỡng chất, một biến chứng thường gặp ở người mắc bệnh chân voi mãn tính. Lúc này nước tiểu của người bệnh có màu trắng đục như nước vo gạo, đôi khi kèm theo máu. Tình trạng tiểu ra dưỡng chất ngày càng nặng khiến bệnh nhân suy nhược cơ thể dẫn đến tử vong.

Điều trị

Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ chỉ định giải pháp can thiệp nhằm loại bỏ ký sinh trùng gây bệnh chân voi, khắc phục tổn thương giúp người bệnh phòng tránh các biến chứng nguy hiểm. Theo đó, các hướng điều trị bệnh thường được áp dụng kể đến như:

Tấn công và duy trì: 

Hai giai đoạn chính trong điều trị bệnh chân voi thuộc tiêu chuẩn quốc tế. Người bệnh được áp dụng liệu pháp phức hợp nhằm điều trị suy giảm, khắc phục triệu chứng cho bệnh nhân. Hạch bạch huyết dần được khai thông, giảm sưng và tích tụ dịch, giảm nguy cơ viêm mô tế bào, cải thiện chức năng của bộ phận bị ảnh hưởng, cải thiện chất lượng đời sống cho người bệnh.

  • Giai đoạn tấn công: Sử dụng biện pháp xoa bóp thoát hạch bạch huyết thủ công. Ngoài ra người bệnh có thể được kết hợp băng bó ngắn, hướng dẫn tập luyện tăng cường hiệu quả điều trị bệnh chân voi. Vùng da bên ngoài khu vực sưng phù được chăm sóc thận trọng, ngăn nguy cơ bội nhiễm nấm, vi khuẩn từ bên ngoài ảnh hưởng kết quả điều trị.
  • Giai đoạn duy trì: Sử dụng quần áo nén vào ban ngày, kết hợp nén về đêm nếu tình trạng bệnh nặng nề hơn. Người bệnh cũng có thể được chỉ định sử dụng các thiết bị nén, thiết bị nén tùy chỉnh, tập thể dục để duy trì hoạt động của hạch bạch huyết, giảm phù.

Phương pháp phẫu thuật:

Phương pháp can thiệp ngoại khoa dành cho đối tượng tổn thương nặng nề. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật nhằm cắt bỏ hoặc gỡ rối, hút dịch, mỡ tại các mô dư thừa. Áp dụng khi người bệnh gặp khó khăn đi lại, sinh hoạt đời sống bị cản trở do tình trạng sưng phù gây ra.

Điều trị
Phẫu thuật điều trị bệnh đối với các trường hợp nặng, sưng phù ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống, sức khỏe bệnh nhân

Bác sĩ cũng có thể chỉ định giải pháp tái tạo hạch bạch huyết vi phẫu cho bệnh nhân. Theo đó, bạch huyết bị tổn thương sẽ được loại bỏ, ghép hạch bạch huyết,... Vi phẫu bệnh chân voi vẫn còn là phương án điều trị mới, đang được chú ý, nghiên cứu và phát triển hoàn thiện hơn.

Sử dụng thuốc:

Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự lây lan ký sinh trùng cho người khác, chúng không có khả năng loại bỏ ký sinh trùng gây bệnh một cách tuyệt đối. Thuốc chống ký sinh trùng bao gồm Diethylcarbamazine, Ivermectin, Albendazole, Doxycycline,... Ngoài ra thuốc kháng histamin, giảm đau, kháng sinh cũng được kê đơn nhằm kiểm soát triệu chứng cho bệnh nhân.

Người bệnh sẽ được hướng dẫn các vệ sinh, chăm sóc da nhằm tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, nấm từ bên ngoài. Phát hiện càng sớm và điều trị bằng biện pháp phù hợp giúp người bệnh chân voi sớm kiểm soát bệnh, phòng ngừa rủi ro biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống.

Phòng ngừa

Bệnh chân voi hình thành do muỗi mang mần bệnh đốt và truyền vào trong máu con người. Người nhiễm ký sinh trùng sẽ có thời gian ủ bệnh từ 6-12 tháng, trong thời gian này ấu trùng tiếp tục sinh sôi, phát triển. Khi bệnh chuyển biến nặng không được khắc phục điều trị phát sinh các biến chứng nguy hiểm.

Chính vì thế, mỗi người dân nên chủ động trong việc phòng tránh bệnh lý này. Các lưu ý phòng ngừa như:

  • Chủ động tránh bị muỗi đốt, bởi muỗi là trung gian gây bệnh truyền nhiễm chính. Không chỉ bệnh chân voi, muỗi còn làm lây lan các bệnh lý khác, đặc biệt là một số dịch bệnh nguy hiểm tính mạng người bệnh.
  • Ngủ mùng ngay cả ban ngày, chủ động bảo vệ sức khỏe nhất là đối với trẻ nhỏ. Cho bé ngủ mùng, hạn chế bị muỗi đốt để tránh rủi ro nhiễm phải ấu trùng gây bệnh chân voi.
  • Sử dụng sản phẩm phun xịt, diệt muỗi, mặc quần áo dài tay vào ban đêm, tránh đi tới những nơi rậm rạp, bụi cây có nhiều muỗi.
  • Vệ sinh khu vực quanh nhà, nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ, đổ nước tù đọng trong các tô, xô, chậu để ngoài trời để tránh rủi ro muỗi đẻ trứng.
  • Thăm khám sức khỏe ngay khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường.
  • Xây dựng đời sống lành mạnh, ăn uống khoa học để năng cao đề kháng của cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây hại.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi có thể phát hiện bệnh chân voi qua các triệu chứng nào?

2. Nguyên nhân nào khiến tôi mắc bệnh chân voi?

3. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh chân voi?

4. Trường hợp tôi không điều trị gặp các biến chứng gì?

5. Tôi có thể chữa bệnh chân voi bằng thuốc không?

6. Phẫu thuật trị bệnh chân voi thực hiện khi nào?

7. Tôi có khả năng gặp phải rủi ro gì khi phẫu thuật?

8. Bệnh chân voi có tái phát sau điều trị không?

9. Tôi cần làm gì để bảo vệ người thân khỏi bệnh chân voi?

Bệnh chân voi là một trong những bệnh lý truyền nhiễm do muỗi gây ra. Bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng từ nhẹ đến nặng nề, trường hợp không kiểm soát bệnh có khả năng biến chứng nghiêm trọng. Do đó, ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường như sưng, đau, viêm nhiễm bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ. Phát hiện sớm, can thiệp điều trị phòng tránh rủi ro cho sức khỏe.