Chấn thương sọ não

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Chấn thương sọ não có thể khiến người bệnh tử vong trong thời gian ngắn. Đây là một dạng chấn thương vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan đầu não, vì thế cần phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. So với các dạng chấn thương khác, tình trạng não bị tổn thương điều trị khá phức tạp, nhiều rủi ro.

Tổng quan

Chấn thương sọ não là thuật ngữ chỉ sang chấn nặng ở vùng đầu, ảnh hưởng đến hộp sọ, cấu trúc não bộ. Chấn thương sọ não được biết đến là một trong các nguyên nhân gây tử vong cao. Người bệnh có thể được cứu sống tuy nhiên khó tránh khỏi các di chứng nặng nề.

Chấn thương sọ não
Sọ não cứng, tuy nhiên cũng dễ bị tổn thương do va đập mạnh và nhiều yếu tố khác dẫn đến chân thương sọ não

Có rất nhiều yếu tố tác động gây ra vấn đề này. Chấn thương có thể đến từ các di chứng bệnh lý khác hoặc từ tác động mạnh bên ngoài va đập làm tổn thương sọ não. Nhiều trường hợp nghiêm trọng bệnh nhân bị tụ máu bầm trong não, xuất huyết não, rách mô não,... dẫn đến tử vong.

Phân loại

Dựa trên mức độ chấn thương, nguyên nhân chấn thương sọ não chuyên gia phân chia tình trạng này thành các dạng bao gồm:

Chấn thương sọ não từ nhẹ đến nặng:

  • Chấn thương nhẹ: Sang chấn diễn ra trong 30 phút hoặc vài ngày. Tình trạng chấn thương sọ não nhẹ xảy ra phổ biến, phát hiện sớm và kịp thời xử lý khắc phục đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
  • Chấn thương trung bình: Người bệnh có khả năng mất ý thức trong khoảng 30 phút, không lâu hơn 1 ngày. Tuy nhiên hiện tượng lú lẫn thường kéo dài cho đến 7 ngày.
  • Chấn thương nghiêm trọng: Bệnh nhân bất tỉnh, nếu biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Chấn thương sọ não theo triệu chứng

  • Chấn thương không triệu chứng: Không nhận thấy bất thường não bộ thông qua phim chụp CT, MRI, trong khi não bộ đã có tổn thương từ nhẹ đến nặng.
  • Chấn thương phức tạp: Có sự thay đổi trong cấu trúc não bộ thông qua xét nghiệm hình ảnh.
  • Chấn thương kín: Chiếm số lượng lớn bệnh nhân gặp phải dạng chấn thương sọ não này. Các tổn thương xảy ra bên trong, không xuyên qua sọ.
  • Chấn thương hở: Xảy ra khi não bộ bị chấn thương bởi vật nhọn như dao, đạn, kéo, mảng vỡ thủy tinh,... Hộp sọ bị vỡ, nứt, tác động trực tiếp đến mô não đe dọa tính mạng người bệnh.
  • Chấn thương do thiếu oxy: Chấn thương không phải do tổn thương hoặc các vấn đề bên ngoài mà đến từ việc não bộ bị thiếu hụt oxy trầm trọng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Chấn thương sọ não thường xảy ra do ảnh hưởng từ những yếu tố cơ học, tác động lên sọ não dẫn đến tổn thương, nứt vỡ. Những yếu tố chính kể đến như:

  • Chấn thương sọ não do té ngã, trượt chân từ trên cao rơi xuống đất,... Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng chấn thương sọ não mà nhiều người gặp phải, nhất là người già, người có xương khớp yếu,...
  • Trường hợp khác cũng có nhiều nạn nhân bị chấn thương sọ não do va chạm, tai nạn giao thông ảnh hưởng đến vùng đầu.
  • Một số trường hợp khác chấn thương do đánh nhau, bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em,... Kẻ hung ác dùng vật cứng, nhọn tác động lên vùng đầu của nạn nhân gây vỡ đầu, chấn thương sọ não.
  • Ngoài các yếu tốt kể trên, hiện tượng chấn thương sọ não có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh do gặp phải hội chứng rung lắc.
  • Một số trường hợp khác chấn thương vùng đầu khi chơi thể thao, tham gia các bộ môn đòi hỏi thể lực, sử dụng dụng cụ như bóng chày, đá bóng,... Bên cạnh đó chấn thương sọ não có thể xuất hiện sau một vụ nổ, cháy làm vùng đầu nạn nhân bị tổn thương nặng.

Những đối tượng có nguy cơ bị chấn thương sọ não được liệt kê bao gồm:

  • Người già, người lớn tuổi xương khớp yếu, dễ té ngã.
  • Người phải làm việc trong môi trường không đám bảo, làm việc trên cao, công an, lính cứu hỏa, người làm ngành xây dựng.
  • Trẻ sơ sinh, trẻ em chạy nhảy vui đùa ở những nơi có nhiều vật cứng.
  • Người mắc bệnh lý về thần kinh tự làm tổn thương chính mình.
  • Người nghiện rượu, người tham gia giao thông khi đầu óc không minh mẫn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Chấn thương sọ não từ nhẹ đến nặng gây ra các ảnh hưởng lên đời sống, sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên một số trường hợp đã xảy ra chấn thương nhưng bệnh nhân không có triệu chứng bất thường. Điều này khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro nguy hiểm tính mạng người bệnh.

Triệu chứng
Bệnh nhân chấn thương sọ não cần được đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt

Dưới đây là những triệu chứng tương ứng với mức độ chấn thương bạn đọc cần lưu ý:

- Trường hợp nhẹ:

Bệnh nhân bị chấn thương vùng đầu ảnh hưởng đến sọ não mức độ nhẹ gặp phải các biểu hiện không quá rõ ràng và dễ nhầm lẫn. Đối tượng gặp phải các triệu chứng dưới đây kèm theo trước đó có xảy ra va chạm, chấn thương khu vực đầu hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để kiểm tra càng sớm càng tốt:

  • Buồn nôn, nôn kèm đau đầu âm ỉ.
  • Cơ thể mệt mỏi, cảm giác buồn ngủ bất thường.
  • Chóng mặt, đi đứng không giữ được thăng bằng.
  • Bất thường về giọng nói và khả năng giao tiếp.
  • Mắt nhìn kém, ù tai, nhạy cảm hơn với ánh sáng và âm thanh.
  • Mất ý thức, choáng váng, mất phương hướng.
  • Trí nhớ kém, khả năng tập trung giảm.
  • Tâm trạng thay đổi thất thường, bồn chồn, lo lắng, ngủ không ngon giấc.

- Trường hợp trung bình - nặng:

Đối với trường hợp bệnh nhân bị chấn thương sọ não từ trung bình đến nặng nề các triệu chứng dữ dội hơn. Bệnh nhân có thể gặp phải nhiều biến chứng nếu chấn thương không được khắc phục đúng cách. Trường hợp chủ quan có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Đưa người bệnh đến bệnh viện khi nhận thấy bất thường như:

  • Người bệnh không còn ý thức, tình trạng kéo dài trong vài phút hoặc nhiều giờ.
  • Đau đầu dữ dội kèm theo cảm giác buồn nôn, nôn mửa.
  • Cơ thể bị co giật, bùng phát các cơn động kinh bất thường, hai mắt giãn to.
  • Dịch mũi chảy ra từ mũi, hoặc dịch tai chảy ra.
  • Bệnh nhân dần rơi vào hôn mê, yếu và tê tay chân, lú lẫn, nhận thức kém.
  • Tâm trạng dễ nóng giận, kích động, nói lắp.

- Trường hợp trẻ em bị chấn thương sọ não:

Ngoài những trường hợp người trưởng thành bị chấn thương sọ não do tai nạn, va đập đầu do té ngã,... thì trẻ em, trẻ sơ sinh cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ bị chấn thương sọ não cao. So với người lớn, sọ não của bé có độ cứng cáp thấp hơn, dễ bị tác động bởi ngoại lực.

Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, nếu bố mẹ không chăm sóc đúng cách, đầu bé bị va đập với vật cứng có thể dẫn đến chấn thương. Đôi khi các tổn thương xuất hiện bên trong não bộ ở mức nhẹ bố mẹ không phát hiện khiến bé đối diện với các biến chứng nguy hiểm. Trường hợp bé bị chấn thương sọ não thường có các triệu chứng bất thường kể đến như:

  • Bé bỏ bú, chán ăn, ăn không ngon miệng và thường xuyên quấy khó bất thường.
  • Trẻ khóc do đau nhức trong não bộ khi bị chấn thương không dỗ được như các trường hợp khác.
  • Em bé đột ngột ngủ li bì, gọi không chịu dậy.
  • Trẻ không còn thích vui chơi, hay ngồi một chỗ.

Nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ nếu bé có các dấu hiệu kể trên kèm theo trước đó bé bị va đập vùng đầu. Kịp thời chẩn đoán, điều trị giúp trẻ phòng ngừa các rủi ro không mong muốn ảnh hưởng sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ nhỏ.

Chẩn đoán

Cung cấp cho bác sĩ các thông tin về chấn thương như thời gian, vị trí bị tác động vùng đầu, triệu chứng bệnh nhân gặp phải,... Ngoài ra, bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu bên ngoài để chỉ định các phương án chẩn đoán mức độ chấn thương sọ não cho người bệnh.

Trong đó các biện pháp chẩn đoán hình ảnh là cách xác định vị trí, mức độ tổn thương được thực hiện phổ biến nhất. Thông qua phim chụp CT, MRI vùng đầu, các vấn đề của bệnh nhân được biểu thị rõ ràng nhờ đó giúp bác sĩ đưa ra các quyết định điều trị phù hợp, kịp thời nhất.

Biến chứng và tiên lượng

Chấn thương sọ não là một trong các vấn đề nguy hiểm có thể dẫn đến chết người nếu bệnh nhân không được phát hiện và cứu chữa kịp thời. Theo thống kê tỷ lệ người mất vì chấn thương sọ não mỗi năm tăng cao liên quan đến các vụ tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai,...

Trường hợp bệnh nhân bị tổn thương vùng đầu nghiêm trọng trong vòng vài giờ có thể tử vong. Bên cạnh đó, do đặc điểm chấn thương ở vùng não bộ khá phức tạp, điều trị đòi hỏi kỹ thuật và thiết bị hiện đại nên một số trường hợp chuyển biến xấu không ứng phó kịp thời.

Bệnh nhân may mắn được cứu sống cũng khó tránh khỏi các di chứng vĩnh viễn do chấn thương sọ não gây ra. Do đó, chuyên gia khuyến cáo những ai bị chấn thương, va chạm mạnh ở vùng đầu nên đến bệnh viện kiểm tra và điều trị sớm.

Biến chứng
Chấn thương sọ não gây ra nhiều di chứng, có khả năng đe dọa tính mạng bệnh nhân

Các di chứng có thể đeo bám người bệnh suốt đời và cũng là nguyên nhân gây ra nhiều rủi ro đối với sức khỏe, đe dọa tính mạng người bệnh. Kể đến một số vấn đề thường gặp như sau:

  • Tụ máu bầm: Va chạm mạnh khiến sọ não bị nứt, kéo theo các động mạch lớn bị đứt, rách làm máu chảy ra, tụ máu nội sọ. Tình trạng tích tụ máu bầm do chấn thương sọ não có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào bên trong não bộ. Đặc biệt nguy hiểm nếu máu tích tụ không được phát hiện và can thiệp y tế bệnh nhân có thể bị xuất huyết não.
  • Phù não: Đây là một trong những di chứng do chấn thương sọ não để lại. Tình trạng phù não ở dạng nào cũng ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
  • Tăng áp lực nội sọ: Người bị chấn thương sọ não gặp phải tình trạng tăng áp lực nội sọ. Những biểu hiện điển hình bao gồm đau đầu, nôn, phù gai thị. Người bệnh có thể tử vong nếu không được can thiệp y tế kịp thời.
  • Thoát vị não: Đây cũng là một trong những di chứng vô cùng nguy hiểm do chấn thương sọ não gây ra, khả năng tử vong cao.
  • Thiếu máu não: Ngoài các rủi ro kể trên, chấn thương vùng đầu ảnh hưởng não bộ có thể làm tổn thương mô não, dẫn đến sưng viêm, chảy máu làm mạch máu não bị chèn ép. Tình trạng này khiến não bộ không nhận được lượng máu cần thiết duy trì hoạt động của cơ quan đầu não. Bệnh nhân lúc này sẽ có các triệu chứng bất thường, nếu không khắc phục kịp thời có khả năng bị đe dọa tính mạng.

Điều trị

Nhanh chóng cấp cứu bệnh nhân bị chấn thương sọ não để giảm thiểu rủi ro nguy hiểm cho bệnh nhân. Các chỉ định điều trị phụ thuộc vào mức độ chấn thương, vị trí chấn thương của mỗi người. Dưới đây là cách điều trị được áp dụng:

Cấp cứu:

Bệnh nhân cần được sơ cứu tại chỗ và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ khi bị chấn thương sọ não. Các việc cần làm bao gồm cố định cột sống cổ, đặt sond dạ dày, sond tiểu, hội chẩn cấp cứu trường hợp đa chấn thương. Cụ thể:

-Cố định cột sống cổ, khai thông đường thở:

  • Hút dịch đờm ở cổ họng, mũi, loại bỏ dị vật cho bệnh nhân.
  • Đặt nội khí quản, đảm bảo không khí lưu thông tốt giúp bệnh nhân nạp đủ lượng oxy cần thiết.
  • Bóp bóng đồng thời sử dụng máy thở để kiểm soát tình trạng chảy máu.
  • Điều trị sốc tích cực, giữ HA tâm thu lớn hơn 90mgHg.
  • Kiểm soát tình trạng chảy máu bên ngoài, không dùng Gluuse 5%.

- Đặt sond dạ dày và sond tiểu trong trường hợp cần thiết khi bệnh nhân bị tai nạn, chấn thương mất kiểm soát tiêu tiểu.

- Trường hợp bệnh nhân đa chấn thương nghiêm trọng tiến hành hội chẩn chuyên khoa đưa ra giải pháp cấp cứu tối ưu, nhanh chóng.

Điều trị bảo tồn:

Tùy từng trường hợp bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp bảo tồn điều trị chấn thương sọ não. Chẳng hạn:

  • Chống phù não
  • Nạp dưỡng chất cho người bệnh
  • Sử dụng thuốc dinh dưỡng thần kinh
  • Tiếp tục theo dõi Moritor ICP

Phẫu thuật:

Phương pháp ngoại khoa được chỉ định đối với trường hợp tổn thương nặng, chấn thương do tai nạn dẫn đến nứt, vỡ sọ,... Dựa vào kết quả chẩn đoán bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn chuyên khoa và đưa ra phác đồ nhanh chóng can thiệp kéo dài tiên lượng sống cho bệnh nhân. Một số trường hợp như:

Điều trị
Tiến hành giải phẫu điều trị chấn thương sọ não cứu sống người bệnh

  • Bệnh nhân bị lún sọ: Nếu người bệnh bị lún sọ hở phải mổ để điều trị, nếu lún sọ kín không cần phẫu thuật hoặc cần phẫu thuật tùy trường hợp. Đặc biệt nếu người bệnh có dấu hiệu thần kinh bất thường, rách màng cứng, tổn thương xoang trán,.. phải tiến hành phẫu thuật. Mục đích nâng và loại bỏ mảnh sọ vỡ, đặt lại xương.
  • Xuất hiện vết thương sọ não: Chỉ định phẫu thuật nhanh chóng để tránh trường hợp vết thương sâu dẫn đến tử vong. Người bệnh được mổ loại bỏ phần xương lún, thay thế, làm sạch xoang, mở màng cứng, lấy mô não bị dập, khâu màng cứng,... Các thủ thuật y khoa được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề giỏi, nhiều kinh nghiệm bởi các tổn thương sọ não khá phức tạp, đòi hỏi người có trình độ chuyên môn cao.
  • Trường hợp máu tụ máu màng cứng: Chỉ định điều trị phẫu thuật mở da theo đường Question Mask hoặc phim CT, ngoài ra bác sĩ cũng có thể khoang sọ 1 lỗ nhằm hút máu bầm ra ngoài, giảm tải áp lực cho màng cứng. Trường hợp nặng bác sĩ phải tiến hành mở sọ để cầm máu cho bệnh nhân. Mỗi trường hợp sẽ có hướng dẫn điều trị tương ứng.
  • Trường hợp tụ máu dưới màng cứng: Tương tự với trường hợp trên, thủ thuật y khoa sẽ được thực hiện nhằm giúp bệnh nhân loại bỏ máu bầm, kéo dài tiên lượng sống tốt nhất.
  • Máu tụ bên trong não: Tình trạng nặng, rủi ro cao, chỉ định điều trị bằng biện pháp có hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân.

Ngoài ra, phẫu thuật còn được áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân bị tụ máu hố sau, cần thiết phải mở sọ giải áp. Can thiệp ngoại khoa sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi tổn thương sọ não tương đối phức tạp, khó điều trị. Bệnh nhân cần được cấp cứu tại bệnh viện lớn, có bác sĩ chuyên môn cao, kinh nghiệm để tăng hiệu quả điều trị, cứu sống bệnh nhân.

Phòng ngừa

Chấn thương sọ não có thể xảy ra với bất kỳ ai từ người lớn đến trẻ nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân gây chấn thương, trong đó phổ biến nhất là các trường hợp tai nạn, té ngã ảnh hưởng đến vùng đầu. Dựa trên yếu tố nguy cơ cao, bạn nên chủ động phòng tránh chấn thương sọ não, một số lưu ý:

  • Thực hiện các biện pháp phòng hộ an toàn lao động đối với các đối tượng phải làm việc trên cao, nhiều rủi ro.
  • Chủ động bảo vệ vùng đầu bằng cách đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông, chơi thể thao hoặc các môn thể dục, vận động trên những địa hình hiểm trở.
  • Tập luyện thể dục, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho cơ thể. Đồng thời bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu để có một sức khỏe tốt nhất.
  • Khi có các biểu hiện chóng mặt, đau đầu cần ngồi, nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại để tránh trường hợp té ngã, chấn thương.
  • Đối với người đang sử dụng thuốc điều trị có tác dụng phụ buồn ngủ, đau đầu, chóng mặt,... không nên điều khiển máy móc hoặc tham gia giao thông.
  • Đối với người già, người xương khớp yếu cần sự hỗ trợ của người thân khi đi đứng, hạn chế nguy cơ trượt té ngã ảnh hưởng đến vùng não bộ.
  • Trẻ em vui chơi có sự giám sát của gia đình, không cho bé tự chơi ở nơi có nhiều vật cứng, nhọn. Trường hợp trẻ sơ sinh cần chăm sóc đúng cách, tránh các tác động gây ảnh hưởng đến vùng đầu của bé.

Những câu hỏi quan trọng khi khám

1. Các xét nghiệm nào cần thực hiện để chẩn đoán chấn thương sọ não?

2. Tình trạng chấn thương sọ não của người thân tôi nguy hiểm không?

3. Người nhà của tôi bị chấn thương sọ não ở mức độ nào? Tiên lượng bao nhiêu?

4. Khi nào cần can thiệp phẫu thuật chấn thương sọ não?

5. Người nhà của tôi cần sử dụng thuốc gì? Dùng trong bao lâu?

6. Người thân của tôi có thể gặp các rủi ro gì khi phẫu thuật chấn thương sọ não?

7. Trong thời gian điều trị tôi nên làm gì để chăm sóc người thân tốt nhất?

8. Bao lâu tôi cần đưa người nhà đến tái khám?

9. Các di chứng người thân của tôi gặp phải khi bị chấn thương sọ não là gì?

Chấn thương sọ não là một dạng chấn thương nặng, xảy ra ở vùng đầu là cơ cơ quan vận hành của cơ thể. Tổn thương xuất hiện với mức độ nặng, phức tạp và khó điều trị, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn, tay nghề giỏi. Trường hợp cấp cứu chậm trễ bệnh nhân chấn thương nặng có khả năng tử vong trong thời gian ngắn.