Bệnh áp xe não

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh áp xe não là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Đặc biệt nếu không phát hiện và điều trị kiểm soát, nhiều biến chứng nặng nề có thể xảy ra khiến người bệnh tử vong trong đau đớn. Thận trọong trước những biểu hiện bất thường của cơ thể để khám chữa sớm bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng.

Tổng quan

Áp xe não là tình trạng nhiễm trùng não dẫn đến việc tích tụ các dịch mủ bên trong nhu mô não. Đây là một trong những bệnh lý vô cùng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Nguyên nhân hình thành ổ áp xe có liên quan đến các chủng khuẩn, sinh vật gây hại tấn công phá vỡ vòng bảo vệ não.

Áp xe não
Chứng áp xe não xuất hiện có thể gây biến chứng, tiên lượng xấu nếu bệnh nhân không khám chữa sớm

Nói cách khác, việc hình thành ổ áp xe là dấu hiệu cơ thể đang phản ứng lại với sự nhiễm trùng. Lúc này tại các mô não những khoang trống chứa mủ bắt đầu hình thành. Tình trạng áp xe tiến triển nhanh, nếu không phát hiện sớm người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, trong đó có hiện tượng u não.

Phân loại

Dựa vào vị trí hình thành áp xe phân chia bệnh thành các loại:

  • Áp xe ngoài màng cứng: Ổ mủ hình thành ở vùng giữa xương sọ và màng não cứng. Đa phần các trường hợp áp xe là do viêm xương chũm, viêm tai giữa,... viêm tại các vùng lân cận ảnh hưởng đến khu vực ngoài màng cứng. Một số trường hợp áp xe hậu phẫu do viêm bờ ổ khuyết, do chấn thương.
  • Áp xe dưới màng cứng: Bọc mủ xuất hiện giữa màng não cứng và bề mặt não. Ổ áp xe được bao quanh bởi một bao xơ. Nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến tình trạng viêm các vùng lân cận, chấn thương hoặc nhiễm trùng máu,...
  • Áp xe não: Các ổ áp xe bắt đầu hình thành trong trung tâm tổ chức não. Đây là trường hợp áp xe nặng nề, có khả năng gây tử vong cao.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh áp xe não có thể xuất hiện do ảnh hưởng bởi những yếu tố kể đến như:

  • Chấn thương: Ổ áp xe hình thành do ảnh hưởng bởi tình trạng chấn thương. Đặc biệt là với những trường hợp bị tác động vào vùng đầu nhưng chủ quan không khám và điều trị sớm. Cú té ngã đập đầu, bị đánh mạnh vào đầu,... có thể là nguyên nhân làm xương sọ bị vỡ, đâm vào tế bào não. Vi khuẩn tích tụ gây nhiễm trùng, hình thành ổ mủ trong não.
  • Do phẫu thuật: Một số bệnh nhân phẫu thuật nào điều trị bệnh không đảm bảo an toàn có thể bị nhiễm trùng dẫn đến tình trạng áp xe não.
  • Ảnh hưởng từ bệnh lý khác: Ngoài những trường hợp chấn thương, tình trạng áp xe còn xuất hiện do những bộ phận gần não bị viêm nhiễm. Chẳng hạn như tình trạng viêm xoang trán, viêm xoang sàng, viêm tai giữa,.... Vi khuẩn từ những bộ phận này di chuyển theo máu đến tấn công cơ quan khác. Áp xe não có thể là một trong những biến chứng mà các bệnh lý khác gây ra khi chúng không được kiểm soát đúng cách.
  • Hệ miễn dịch kém: Tình trạng nhiễm trùng máu dẫn đến áp xe não có thể do hệ miễn dịch của người bệnh kém. Đặc biệt là trường hợp bệnh nhân bị nhiễm HIV, trẻ sơ sinh, bệnh ung thư đang hóa trị, người bệnh đang điều trị bằng steroid, người bệnh vừa cấy ghép nội tạng, dùng thuốc ức chế miễn dịch,...
  • Các trường hợp khác: Áp xe não có thể liên quan đến nhiều yếu tố khác. Nhất là trường hợp viêm nhiễm trong cơ thể không được kiểm soát đúng cách. Người bệnh viêm phổi, nhiễm trùng van tim, viêm phúc mạc, viêm vùng chậu, bàng quang, nhiễm trùng xương sau tai,....

Triệu chứng và chẩn đoán

Tình trạng áp xe xuất hiện có thể gây di chứng nặng nề cho người bệnh. Có 4 giai đoạn tiến triển chính của bệnh lý này bao gồm giai đoạn viêm, giai đoạn viêm não muộn, vỡ áp xe và vỡ áp xe muộn. Vùng trung tâm mủ bắt đầu phù nề, hóa lỏng mạnh khi ổ viêm bị hoại tử. Khu vực ngoài cùng tình trạng phù nề bắt đầu lan rộng.

Triệu chứng
Nhận biết triệu chứng áp xe não để kịp thời điều trị kéo dài tiên lượng sống

Theo đó, khi vùng hoại tử dân lan rộng ra khu vực xung quanh, các tế bào viêm bắt đầu tích tụ dịch mủ. Mạch máu bắt đầu vận chuyển máu đến bổ sung vào vách ngăn, giúp chặn ổ mủ lan rộng. Từ đó, một vòng vây được hình thành, người ta gọi hiện tượng này là bão áp xe.

Triệu chứng

Tình trạng áp xe não khá nguy hiểm, nếu các triệu chứng không được phát hiện và can thiệp kiểm soát có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, đặc biệt rủi ro đe dọa tính mạng bệnh nhân. Do đó bạn cần lưu ý khi gặp phải các triệu chứng:

  • Sốt kèm theo hiện tượng đau nhức đầu là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh áp xe não.
  • Một số vấn đề bất thường ở hệ thần kinh xuất hiện, chẳng hạn như không nhận định được phương hướng, giao tiếp kém, nói chuyện khó khăn, hay quên trước, quên sau, đi lại không được bình thường,...
  • Ớn lạnh, buồn nôn, nôn, đôi khi co giật, khả năng vận động kém.
  • Người bệnh đôi khi mất dần khả năng vận động khi tình trạng áp xe nghiêm trọng hơn.
  • Cổ cứng, không cử động được như bình thường, tâm lý thay đổi, hành vi cũng trở nên lệch lạc không như bình thường.
  • Bệnh nhân áp xe não có triệu chứng nhạy cảm với ánh sáng, khả năng phản xạ kém.
  • Nhạy cảm hơn, đặc biệt đối với trẻ em bị áp xe não sẽ có những dấu hiệu nặng nề, chuyển biến nhanh hơn người lớn do cơ thể có hệ miễn dịch, đề kháng kém.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh áp xe não thông qua các triệu chứng lâm sàng. Theo đó, người bệnh sẽ bị sốt 2-3 tuần đầu kèm theo tình trạng đau nhức đầu liên quan đến hội chứng nhiễm khuẩn kéo dài. Trường hợp bệnh ngày càng nặng hơn các biểu hiện cũng xuất hiện với tần suất dày đặc và trở nên nặng nề hơn.

Cơn đau đầu kèm theo hiện tượng lơ mơ, kích thích, ngủ gà... Ngoài ra dựa trên những biểu hiện mà bệnh nhân đang mắc phải, bác sĩ sẽ nhận định hội chứng đang diễn ra trong cơ thể người bệnh. Sau khi đã nhận định bước đầu thông qua dấu hiệu lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng được tiến hành để củng cố chẩn đoán chính xác hơn.

Cụ thể:

  • Thực hiện thủ thuật soi đáy mắt, xuất hiện phù gai thị từ 60% đến 70%.
  • Xét nghiệm công thức máu phát hiện có sự gia tăng bất thường bạch cầu đa nhân trung tính, tăng tốc độ lắng máu, fallot 4.
  • Thực hiện chọc dò dịch não tủy.
  • Xét nghiệm hình ảnh thông qua chụp cắt lớp điện toán. Mục đích nhằm xác định ổ áp xe, kích thước và hình dáng vị trí viêm.

Dựa trên kết quả chẩn đoán, phác đồ điều trị sẽ được chỉ định giúp bệnh nhân kiểm soát ổ áp xe, ngăn tình trạng lan rộng viêm nhiễm, biến chứng. Người bệnh nên thăm khám ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường để được khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh áp xe não có rủi ro phát sinh biến chứng cao, đặc biệt là nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh. Đây là bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm, các trường hợp phát hiện chậm, điều trị không đúng cách có thể dẫn đến:

Biến chứng
Bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng

  • Di chứng nhiễm trùng: Người bệnh gặp phải các triệu chứng khó chịu, đặc biệt là tình trạng cơ thể bị sốt cao trên 39 độ C. Đây là biến chứng xảy ra khi áp xe đã bước sang thời kỳ lan tỏa.
  • Tăng áp lực nội sọ: Cơn đau âm ỉ bắt đầu trở nên dữ dội và kéo dài. Các vùng lân cận ổ áp xe cũng bắt đầu có dấu hiệu đau nhức. Đặc biệt cơn đau ngày càng nặng vào ban đêm hoặc khi người bệnh đột ngột thay đổi tư thế.
  • Liệt dây thần kinh não: Đây là một trong những biến chứng có thể xảy ra do áp xe não gây ra. Cơn động kinh đột ngột xuất hiện, dây thần kinh sọ não bị liệt, liệt nửa người, liệt tứ chi,...
  • Viêm màng não mủ: Đây là một trong những biến chứng điển hình của bệnh. Mủ xuyên qua màng bao bọc thấm vào khoang dưới nhện của não, sau đó bắt đầu lan rộng dẫn đến tình trạng viêm màng não mủ. Tình trạng này xảy ra thường tại các vùng áp xe hình thành sát vỏ não hoặc khu vực thất bên, dưới màng cứng.
  • Vỡ ổ áp xe: Có thể nói đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh áp xe não. Người bệnh có khả năng tử vong nhanh khi ổ áp xe vỡ, nhiễm trùng lan rộng. Người bệnh có diễn biến lâm sàng nặng, hệ hô hấp và hệ tim mạch bị rối loạn, tiên lượng sống ngắn.
  • Tụt kẹt não: Di chứng xảy ra khi ổ áp xe có vỏ dày bắt đầu bành trướng bên trong hộp sọ. Chúng phát triển như một khối u ác tính lấn át các cơ quan khác dẫn đến hiện tượng tụt kẹt não. Đây cũng là biến chứng nghiêm trọng có tỷ lệ tử vong cao, tiên lượng thấp.

Điều trị

Tùy tình hình sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp can thiệp phù hợp. Các phương án được thực hiện:

Điều trị nội khoa

Chỉ định sử dụng thuốc trong điều trị áp xe não:

  • Thuốc kháng sinh: Chỉ định loại kháng sinh có tính khuếch tán cao. Liều dùng cân nhắc, một số trường hợp cần thiết sử dụng liều dài hạn theo hướng dẫn. Sử dụng dạng tiêm trong 6-8 tuần đến khi kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng chuyển sang dạng uống. Các loại có thể được kết hợp như Vancomycin, Metronidazole, Clidamiycin,...
  • Thuốc diệt nấm: Chỉ định trong trường hợp áp xe có liên quan đến nấm Amphotericun B, Sulfadiazin + Pyrimethamine.
  • Thuốc corticoid: Chỉ định cho bệnh nhân xuất hiện hiệu ứng khối. Thuốc tác dụng mạnh, tuy nhiên có khả năng làm giảm công dụng thuốc kháng sinh và gây áp lực cho hệ miễn dịch. Do đó thuốc thường được dùng ngắn ngày. Tiêm Dexamethasone 8mg-10mg mỗi 4-6 tiếng một lần, dùng trong 3-5 ngày.
  • Thuốc chống động kinh: Dùng cho bệnh nhân có triệu chứng co giật. Thời gian sử dụng kéo dài cho đến khi áp xe biến mất.

Dùng thuốc điều trị áp xe não cho người bị viêm não, áp xe kích thước nhỏ, áp xe nhiều ổ nhỏ, vị trí khó tiếp cận bằng biện pháp ngoại khoa (thân não, vùng trung tâm), người thể trạng kém không điều trị xâm lấn.

Dùng thuốc theo phác đồ, không nên lạm dụng. Trong thời gian điều trị bằng thuốc khó xác định được tình trạng áp xe có được kiểm soát hay chưa. Do đó người bệnh cần kết hợp CT 1-2 tuần/lần. Tuy nhiên người bệnh sẽ phải chịu chi phí cao cho việc xét nghiệm và nằm viện.

Điều trị ngoại khoa

Trường hợp bệnh nhân không đáp ứng điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc can thiệp ngoại khoa để kéo dài tiên lượng sống cho người bệnh. Các biện pháp ngoại khoa được áp dụng bao gồm phẫu thuật, chọc hút ổ áp xe, dẫn lưu,... Cụ thể:

Chọc hút ổ áp xe:

Phương pháp được thực hiện phổ biến nhất trong các biện pháp ngoại khoa chữa áp xe não. Việc chọc hút ổ áp xe, loại bỏ dịch mủ không ảnh hưởng đến tổ chức não khỏe mạnh. Áp dụng cho những trường hợp bị áp xe có ổ dịch lớn, sâu bên trong, ổ áp xe phân thành nhiều ngăn và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã trở nặng.

Điều trị
Chọc hút dịch ổ áp xe não cho bệnh nhân

Tuy nhiên, việc chọc hút có thể không loại bỏ hoàn toàn được dịch mủ, việc sót lại dịch, loại bỏ ổ viêm không hoàn toàn có thể gây tái phát áp xe não. Bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể hơn các trường hợp có thể xảy ra và giải pháp khắc phục cho người bệnh trước khi tiến hành chọc hút ổ áp xe.

Thủ thuật được thực hiện bao gồm:

  • Khoang một lỗ xương rộng từ 2cm đến 3cm để mở màng não cứng.
  • Tiến hành dùng một mũi kim dài 10 - 15cm, đường kính 1mm chọc áp xe lấy dịch mủ ra bên ngoài.
  • Dịch mủ sau khi đã được loại bỏ, dung dịch kháng sinh được bơm vào bên trong nhằm loại bỏ vi khuẩn hoàn toàn.
  • Rút kim, đóng vết mổ.

Người bệnh được theo dõi từ 3-5 ngày sau khi chọc hút. Nếu kiểm tra phát hiện vẫn còn áp xe, bác sĩ sẽ chỉ định chọc hút qua da thêm 2-3 lần để hoàn toàn loại bỏ áp xe. Song song với điều trị chọc hút, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh.

Dẫn lưu ổ áp xe:

Phương pháp dẫn lưu ổ áp xe được thực hiện cho trường hợp áp xe ngoài màng não và áp xe dưới màng não, ổ áp xe lớn, sâu hoặc nông. Thủ thuật thực hiện:

  • Mở xương hộp não đường kính khoảng 3-4cm.
  • Mở màng não cứng, tiếp cận ổ áp xe và hút dịch ra ngoài.
  • Dùng dung dịch NaCl 9% pha kháng sinh tỷ lệ chuẩn rửa sạch lại vùng đã hút dịch.
  • Dẫn lưu ổ mủ bằng ống đặt nối bình đựng vô trùng, bình kín.
  • Mỗi ngày thực hiện bơm rửa ổ áp xe 1 lần, thực hiện trong 1 tuần đến 10 ngày đến khi kiểm tra ổ áp xe được được loại bỏ hoàn toàn.

Loại bỏ bọc áp xe:

Phương pháp có hiệu quả cao nhất tuy nhiên khi thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi, quá trình xâm lấn có rủi ro ảnh hưởng đến các mô lành xung quanh, vết mổ lớn và rủi ro thủng vỡ áp xe trong lúc thực hiện dẫn đến viêm nhiễm lan rộng não bộ.

Bác sĩ cân nhắc tiến hành loại bỏ bọc áp xe cho đối tượng áp xe với bao xơ chắc chắn, vị trí nằm không sâu trong tổ chức não. Tiến hành theo các bước chuẩn y khoa, không thực hiện tại các cơ sở không đảm bảo an toàn.

Phòng ngừa

Phòng ngừa áp xe não với một số lưu ý chính:

  • Chủ động điều trị các bệnh lý khu vực não bộ, viêm nhiễm trên cơ thể,... tránh trường hợp tác nhân gây hại vào máu di chuyển lên não dẫn đến viêm nhiễm và hình thành ổ áp xe.
  • Chủ động thay đổi thói quen sống lành mạnh hơn, vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày. Chăm sóc và chú ý điều trị các vấn đề răng miệng để tránh viêm nhiễm lan rộng ảnh hưởng đến não bộ.
  • Đặc biệt đối tượng bị viêm xoang cần điều trị kiểm soát sớm, đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có chỉ dẫn phù hợp.
  • Ăn uống đều độ, bổ sung cho cơ thể các thực phẩm lành mạnh, không ăn nhiều đồ cay nóng, dầu mỡ,... Đặc biệt nên hạn chế rượu bia, thuốc lá, đồ uống chứa chất kích thích.
  • Điều trị bệnh đang mắc phải nhất là các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch. Đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn trực tiếp.

Những câu hỏi quan trọng khi khám

1. Tình trạng áp xe não của tôi đang ở mức độ nào? Tiên lượng sống bao lâu?

2. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm gì?

3. Sử dụng thuốc có chữa khỏi áp xe não không? Tác dụng phụ như thế nào?

4. Nếu không sử dụng thuốc tôi sẽ gặp vấn đề gì?

5. Khi nào tôi cần phẫu thuật điều trị áp xe não?

6. Trong thời gian điều trị tôi cần làm gì để bệnh được kiểm soát tốt nhất?

7. Tôi phải nằm viện trong bao lâu? Chi phí như thế nào?

Áp xe não là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, nếu không được phát hiện kiểm soát có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Không nên chủ quan trước những biểu hiện bất thường của cơ thể. Bạn đọc nên chủ động đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy bản thân hoặc người thân có những biểu hiện nghi ngờ. Điều trị càng sớm giúp bệnh nhân kéo dài tiên lượng sống tốt nhất.