Viêm phế quản ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Viêm phế quản ở trẻ em là bệnh lý đường hô hấp khá phổ biến ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi. Bệnh nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến viêm tai giữa và viêm phổi, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của trẻ.
I. Viêm phế quản là gì?
Theo Benjamin T. Kopp, MD, MPH (giảng viên khoa y tại Bệnh viện Quốc gia trẻ em ở Columbus, Ohio) cho biết, viêm phế quản tiếng anh gọi là bronchitis. Là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng các đường dẫn khí lớn đến phổi. Viêm phế quản thường kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn và được gây ra bởi một loại vi rút.
Viêm phế quản ở trẻ em có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Các triệu chứng cấp tính thường xuất hiện nhanh chóng và có thể nghiêm trọng nhưng nó chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn, thường không quá vài tuần. Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp tính ở trẻ em có thể là do vi rút tấn công trực tiếp qua ống phế quản hoặc do lây nhiễm qua đường hô hấp. Ngoài ra, viêm phế quản cấp ở trẻ em cũng có thể là do nhiễm trùng một loại vi khuẩn. Đối với viêm phế quản mãn tính ở trẻ em, triệu chứng bệnh thường gặp từ nhẹ đến nặng nhưng chúng kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm.
II. Triệu chứng nhận biết trẻ bị viêm phế quản
Sau khi tiếp xúc với vi rút gây bệnh, khoảng sau 24 – 72 giờ trẻ mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bệnh đầu tiên. Và một trong những dấu hiệu dễ dàng nhận biết viêm phế quản ở trẻ em đó là tình trạng trẻ ho khan và chảy nước mũi.
Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như:
- Sốt nhẹ.
- Đau đầu.
- Viêm họng.
- Cơ thể mệt mỏi.
- Thở khò khè, đôi khi cảm thấy khó thở.
- Đau và cảm thấy căng tức ở ngực.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Khi trẻ bị cảm lạnh và bắt đầu ho, sổ mũi, cha mẹ nên điều trị dứt điểm triệu chứng này sớm nhất có thể, tránh biến chứng không mong muốn về sau. Bên cạnh đó, trong trường hợp trẻ có biểu hiện khó thở hay thở nhanh, không ăn uống, da tái, nôn,… mẹ nên đưa con đến ngay bệnh viện.
Ngoài ra, trong một số trường hợp ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ đẻ non hoặc dưới 2 tháng tuổi, bệnh thường rất nặng nhưng các biểu hiện viêm phế quản ở trẻ em thường rất sơ sài, không rõ ràng. Do đó, khi thấy con bị sụt cân, bú kém hoặc nôn trớ hay tiêu chảy, khó thở,… cha mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay.
III. Nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ em
Ở trẻ em, viêm phế quản thường do vi rút gây ra. Điển hình là vi rút influenza, virus hợp bào hô hấp (Respiratory syncytial – RSV), virus adeno (gây co thắt phế quản và phổi dẫn đến hoại tử phổi) và vi rút gây cúm, virus parainfluenza (gây viêm đường hô hấp dưới và trên), vi rút sởi.
Bên cạnh đó, viêm phế quản ở trẻ em cũng có thể là do nhiễm trùng khuẩn hoặc do dị ứng với dị nguyên bên ngoài. Mặt khác, khói bụi, khói thuốc lá cũng là tác nhân khiến trẻ bị viêm phế quản.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Nguy cơ mắc bệnh ở trẻ có thể tăng cao bởi các yếu tố sau:
- Tuổi tác: Đối tượng dễ mắc bệnh viêm phế quản thường nằm trong nhóm tuổi từ 18 – 24 tháng.
- Hệ miễn dịch bị suy giảm, đồng thời trẻ có cha hoặc mẹ bị bệnh hen suyễn.
IV. Điều trị và phòng ngừa viêm phế quản ở trẻ em
Một trong những nguyên tắc quan trọng trong việc điều trị viêm phế quản ở trẻ em là giữ ấm cho trẻ. Đồng thời, cha mẹ nên làm sạch đường phế quản cho trẻ để loại bỏ đờm ra khỏi cuống phổi, giúp trẻ dễ thở hơn. Cha mẹ có thể cho con đi tập vật lý trị liệu hô hấp hay đi hút đờm nếu bé bị nghẹt đờm.
Tuyệt đối, không cho trẻ uống thuốc chống ho hay bất kỳ loại kháng sinh nào khi không có sự chỉ định của chuyên viên y tế. Bên cạnh đó, viêm phế quản do vi rút gây nên, kháng sinh thường không mang lại lợi ích điều trị. Thuốc kháng sinh chỉ thực sự được khuyến cáo dùng khi bệnh của con trẻ là do vi khuẩn gây ra.
Cha mẹ có thể cân nhắc sử dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà để giảm bớt các triệu chứng bệnh ở con như:
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều. Khi con ngủ, phụ huynh nên dùng một chiếc gối kê cao đầu để trẻ dễ thở hơn.
- Cho bé uống nhiều nước. Việc uống đủ nước sẽ giúp làm giảm tình trạng đường hô hấp bị tắc nghẽn, giúp dịch đờm loãng ra và dễ dàng bị tống ra ngoài. Đồng thời, nước giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước, giúp niêm mạc họng và mũi ẩm, giảm ngứa ngáy.
- Nếu không khí trong nhà quá khô, cha mẹ nên sử dụng máy tạo ẩm để làm ẩm và ấm không khí, giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phụ huynh nên vệ sinh máy hàng ngày, tránh tình trạng vi rút tích tụ và lây bệnh qua đường không khí.
- Ngoài ra, cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi và họng cho trẻ hàng ngày.
- Để giảm sốt cho con, mẹ có thể dùng một vài loại thuốc giảm đau, hạ sốt không theo toa ibuprofen và acetaminophen. Tuy nhiên, nên dùng với liều lượng thích hợp, đặc biệt không dùng aspirin cho con trẻ.
- Có thể dùng mật ong pha với nước ấm hoặc cho con uống trực tiếp để làm giảm triệu chứng ho. Bên cạnh đó, nguyên liệu tự nhiên này còn giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, chống lại tác nhân gây bệnh. Nhưng mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong, bởi chúng có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh, cha mẹ nên rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng xà phòng khử khuẩn. Đồng thời, đảm bảo chế độ ăn đầu đủ dưỡng chất cho trẻ. Thường xuyên tiêm phòng vắc xin cảm cúm cho trẻ để chống lại tác nhân gây viêm phế quản.
Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay điều trị y khoa từ chuyên viên y tế. Vì vậy, nếu có bất cứ câu hỏi thắc mắc về bệnh, hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!