Ù tai kiểu mạch đập: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
Nếu bạn thường xuyên nghe thấy âm thanh từ tai phát ra có nhịp tương tự như nhịp tim có thể bạn đã mắc phải bệnh ù tai kiểu mạch đập. Hầu hết tình trạng này đều do các vấn đề ở tuần hoàn máu gây ra.
Ù tai kiểu mạch đập là gì?
Ù tai kiểu mạch đập là tình trạng tai nghe được tiếng ồn có nhịp tương ứng với nhịp tim. Để xác định, bạn đặt tay lên tim và nhận thấy nhịp tim tương ứng với âm thanh bên trong tai.
1. Nguyên nhân gây ù tai kiểu mạch đập
Có khá nhiều nguyên nhân gây ra ù tai kiểu mạch đập nhưng nguyên nhân chủ yếu đều bắt nguồn từ vấn đề ở tuần hoàn máu.
- Tuần hoàn máu không đều: Động mạch cổ hoặc tĩnh mạch ở gần tai hẹp có thể khiến lưu lượng máu chảy về tai không đều. Khi lượng máu gặp khó khăn khi di chuyển sẽ tạo áp lực lên thành mạch và gây ra tình trạng ù tai.
- Huyết áp cao: Huyết áp cao khiến lưu lượng máu tuần hoàn trong mạch máu nhanh hơn. Tốc độ nhanh sẽ phát ra âm thanh lớn hơn máu tuần hoàn ở tốc độ trung bình. Chính vì vậy, bệnh nhân huyết áp cao thường xuyên cảm thấy bị ù tai. Khi bạn dùng rượu bia, caffeine hoặc có tâm lý căng thẳng, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn tiếng ồn này.
- Thiếu máu: Thiếu máu là tình trạng lượng hồng cầu trong cơ thể thấp. Lưu lượng máu thấp nhưng thành mạch rộng, do đó tốc độ tuần hoàn máu sẽ nhanh hơn bình thường. Điều này có thể là nguyên nhân khiến tiếng ồn xuất hiện ở tai.
- Xơ vữa động mạch: Xơ vữa động mạch khiến cholesterol và các chất béo tích tụ ở thành mạnh và làm tắc nghẽn mạch máu. Tình trạng này khiến diện tích của mạch máu nhỏ dần và làm cho máu di chuyển với áp lực cao hơn trước.
- Khối u ở đầu và cổ: Khối u ở đầu và cổ có thể va chạm với mạch máu và gây ra tiếng động ở trong tai.
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh, bởi bạn có thể gặp phải các nguyên nhân không được đề cập trong bài viết.
XEM THÊM: Nghẹt mũi ù tai có phải là dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm?
2. Chẩn đoán ù tai kiểu mạch đập
Khi nhận thấy triệu chứng ù tai xuất hiện, bạn nên chủ động bác sĩ tai mũi họng để được chẩn đoán và điều trị.
Đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng sức khỏe của bạn để dễ dàng chẩn đoán bệnh. Nếu có các vấn đề về máu hay huyết áp, bạn có khả năng cao mắc bệnh ù tai kiểu mạch đập. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm cần thiết để đáp ứng quá trình chẩn đoán.
Các xét nghiệm có thể được thực hiện bao gồm:
- Siêu âm: máy quét siêu âm sẽ sử dụng kỹ thuật Doppler để nhìn thấy lưu lượng máu trong các mạch máu ở cổ.
- Chụp cộng hưởng MRI: sử dụng sóng từ trường để chụp hình ảnh của đầu và tai. Bác sĩ có thể quan sát hình chụp MRI để xác định vấn đề mà bạn gặp phải.
- Chụp mạch cộng hưởng (MRA): MRA có thể giúp bác sĩ quan sát được các dấu hiệu bất thường ở động mạnh và tĩnh mạch.
- Các xét nghiệm khác: bác sĩ có thể yêu cầu chụp cắt lớp vi tính (CT), (CTA), chụp động mạch, xét nghiệm máu,…
Việc chẩn đoán bệnh và xác định nguyên nhân có ý nghĩa quan trọng trong quá trình điều trị. Bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân để chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
Điều trị bệnh ù tai kiểu mạch đập
Nếu nguyên nhân gây ù tai do thiếu máu, bác sĩ sẽ tiến hành truyền máu hoặc dùng thuốc sắt để thúc đẩy quá trình tạo hồng cầu. Thiếu máu là nguyên nhân dễ điều trị nhất so với các nguyên nhân khác.
Trong trường hợp bạn bị ù tai do cao huyết áp, xơ vữa động mạch bạn phải tiến hành điều trị từ nguyên nhân. Khi huyết áp được điều chỉnh ở mức cân bằng, tiếng ồn ở tai sẽ thuyên giảm dần. Một số bệnh nhân bị ù tai kiểu mạch đập phải tiến hành phẫu thuật như khối u ở đầu, cổ hoặc người bị dị tật ở động mạch, tĩnh mạch.
Đối với những người bị ù tai bất thường và không thể tìm thấy nguyên nhân, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng liệu pháp âm thanh, liệu pháp thư giãn, liệu pháp hành vi nhận thức,…
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ khuyến khích bạn luyện tập thể thao, đặc biệt là tập yoga, bơi lội. Các bộ môn này sẽ giúp máu tuần hoàn tốt, cải thiện sức khỏe và giảm tiếng ồn trong tai. Nếu bạn thường xuyên làm việc với áp lực cao, bạn nên giảm bớt khối lượng công việc và dành thời gian nghỉ ngơi. Thiếu ngủ, trầm cảm, căng thẳng có thể khiến tình trạng ù tai trở nên nghiêm trọng hơn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Hiện tượng ù tai sau sinh không được chủ quan
- Ù tai khi đi máy bay: Nguyên nhân và cách khắc phục
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!