Các loại thuốc chữa đau thần kinh tọa thường được sử dụng
Cơn đau thần kinh tọa có thể được cải thiện bằng các biện pháp tự chăm sóc. Trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chữa đau thần kinh tọa để khắc phục tình trạng này.
Những loại thuốc trị đau thần kinh tọa được sử dụng phổ biến
Các loại thuốc chữa đau thần kinh tọa được chỉ định phụ thuộc vào mức độ bệnh lý, tần suất của các triệu chứng và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Trước khi dùng thuốc, bạn nên thông báo với bác sĩ các vấn đề này để được chỉ định loại thuốc thích hợp.
Việc dùng thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể chữa trị dứt điểm bệnh đau thần kinh tọa. Bệnh nhân cần kết hợp việc dùng thuốc với vật lý trị liệu, thay đổi lối sống hoặc can thiệp phẫu thuật để điều trị dứt điểm bệnh lý này.
Dưới đây là những loại thuốc chữa đau thần kinh tọa thường được sử dụng.
1. Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau là lựa chọn ưu tiên trong điều trị các bệnh lý xương khớp nói chung và đau thần kinh tọa nói riêng. Nhóm thuốc này có tác dụng chính là giảm đau và hạ sốt. So với những nhóm thuốc khác, thuốc giảm đau ít gây ra tác dụng phụ và phù hợp với nhiều đối tượng.
Thuốc giảm đau được dùng phổ biến nhất là Acetaminophen. Loại thuốc này được sử dụng cho cơn đau thần kinh tọa có mức độ nhẹ đến trung bình.
Người có tiền sử nghiện rượu, suy gan nặng nên thận trọng khi sử dụng thuốc. Acetaminophen có thể gây chóng mặt, buồn ngủ trong thời gian sử dụng. Do đó bạn nên hạn chế lái xe, vận hành máy móc hay thực hiện những hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao trong thời gian này.
2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Trong trường hợp Acetaminophen không đáp ứng được cơn đau do bệnh đau thần kinh tọa gây ra. Bạn có thể sử dụng thuốc chống viêm không steroid để cải thiện tình hình.
Nên bắt đầu với những NSAID không kê toa như Ibuprofen, Naproxen, Aspirin,…
NSAID không chỉ có tác dụng giảm đau thông thường mà còn có khả năng giảm viêm, sưng ở vị trí đau nhức. Mặc dù có tác dụng nhanh chóng nhưng NSAID lại gây ra nhiều tác dụng không mong muốn khi sử dụng.
NSAID có khả năng kích thích lên dạ dày, gây tổn thương gan và tim,… Bạn cần thông báo với bác sĩ các vấn đề sức khỏe để giảm thiểu rủi ro khi sử dụng nhóm thuốc này.
Nếu các loại NSAID không kê toa không đem lại hiệu quả như mong muốn, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để sử dụng những loại NSAID khác.
3. Thuốc giãn cơ
Co thắt cơ bắp xuất hiện do cơ bắp bị chèn ép bởi đốt sống hoặc các cơ quan xương khớp. Co thắt cơ đột ngột chính là nguyên nhân khiến cơn đau phát sinh. Ngoài ra tình trạng này xảy ra liên tục còn làm xuất hiện tình trạng cứng cơ, gây khó khăn cho người bệnh khi vận động và di chuyển.
Thuốc giãn cơ được sử dụng để làm giảm sự co thắt nhằm cải thiện cơn đau và tình trạng cứng cơ. Nhóm thuốc này được chia làm 2 loại chính:
Thuốc giãn cơ xương
Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách tạo ra tác dụng an thần nhằm ngăn chặn tín hiệu từ dây thần kinh truyền lên não. Tuy nhiên loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn NSAID hay acetaminophen.
Những loại thuốc giãn cơ xương được dùng phổ biến như:
- Carisoprodol
- Chlorzoxazone
- Methocarbamol
- Orphenadrine
- Tizanidin
Thuốc chống co thắt
Thuốc chống co thắt được sử dụng để ngăn chặn tình trạng co thắt đột ngột ở cơ bắp. Các loại thuốc chống co thắt phổ biến, bao gồm:
- Baclofen: Thuốc hoạt động bằng cách chặn tín hiệu thần kinh từ tủy sống khiến cơ bắp bị co thắt. Tác dụng phụ bạn có thể gặp phải: buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi và yếu cơ.
- Dantrolene: Thuốc hoạt động bằng cách tác động trực tiếp lên cơ bắp để làm thư giãn cơ bắp bị co cứng.
- Diazepam: Là một loại thuốc an thần. Thuốc tạo ra một chất dẫn truyền thần kinh để làm giảm sự co thắt của cơ bắp.
Nếu bạn có vấn đề về gan, tâm thần, bạn nên báo với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc giãn cơ. Trước khi chỉ định loại thuốc này, bác sĩ thường khuyến khích bạn sử dụng thuốc giảm đau hoặc NSAID để cải thiện triệu chứng.
4. Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm được sử dụng cho bệnh nhân gặp vấn đề về thần kinh. Tuy nhiên thuốc cũng được chỉ định với các cơn đau do những bệnh lý khác gây ra.
Thuốc chống trầm cảm tạo ra chất dẫn truyền thần kinh giúp người bệnh giảm cảm giác đau đớn và mệt mỏi. Các loại thuốc trầm cảm phổ biến, bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (Amitriptyline)
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (Fluoxetine, Paroxetine, Sertraline,…)
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (Duloxetine, Venlafaxine, Desvenlafaxine,…)
- Thuốc ức chế tái hấp thu norephinephrine-dopamine (Bupropion)
Trong đó thuốc chống trầm cảm ba vòng là loại thuốc được sử dụng để điều trị cơn đau thần kinh tọa và các triệu chứng do những bệnh xương khớp gây ra.
Sử dụng thuốc chống trầm cảm với NSAID làm tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày. Bạn không nên kết hợp hai loại thuốc này nếu chưa thông qua ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
5. Opioid (Thuốc giảm đau gây nghiện)
Opioid được sử dụng để giảm đau và gây mê. Thuốc hoạt động bằng cách tác động lên các thụ thể opioid – được tìm thấy trong hệ thần kinh trung ương, ngoại biên và cơ quan tiêu hóa.
Opioid được bào chế bằng thuốc phiện tự nhiên và các thành phần gây nghiện tổng hợp. Do đó thuốc chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết, đồng thời cần tuân thủ theo đúng liều lượng và tần suất được bác sĩ chỉ định.
Các loại thuốc Opioid được dùng phổ biến:
- Pethidin
- Codein
- Morphin
Thuốc có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như ngứa, buồn nôn, buồn ngủ, hưng phấn và táo bón. Sử dụng thuốc quá liều hoặc kết hợp với những loại thuốc giảm đau khác có thể gây suy hô hấp và tử vong.
Một số loại thuốc chữa đau thần kinh tọa không được đề cập trong bài viết. Chúng tôi khuyến khích bệnh nhân nên đến bệnh viện để được thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Đồng thời không có giá trị thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!