Uống thuốc liệu có chữa khỏi được bệnh thoái hóa khớp gối?
Dùng thuốc là phương pháp phổ biến trong điều trị bảo tồn thoái hóa khớp gối. Mặc dù được sử dụng rộng rãi nhưng không hẳn ai cũng hiểu mục đích của việc dùng thuốc và liệu phương pháp này có điều trị dứt điểm bệnh lý này hay không.
Uống thuốc có điều trị dứt điểm bệnh thoái hóa khớp gối?
Hầu hết bệnh nhân điều trị thoái hóa khớp gối đều phải sử dụng thuốc ở giai đoạn đầu. Việc dùng thuốc nhằm mục đích giảm đau, giảm sưng viêm và các triệu chứng do thoái hóa gây ra. Các loại thuốc này thường có hiệu quả nhanh, giúp người bệnh thoát khỏi các cơn đau âm ỉ và kéo dài.
Ngoài ra, một số loại thuốc bổ sung còn có khả năng tái tạo và phục hồi mô sụn, tế bào xương. Nhóm thuốc này không có tác dụng giảm đau, giảm sưng trực tiếp. Thuốc giúp xương khớp chắc khỏe, từ đó tăng khả năng chống chịu với những cơn đau và các triệu chứng. Vì vậy, nhóm thuốc này cần được sử dụng trong thời gian dài.
Việc dùng thuốc không thể chữa trị hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp gối. Mục đích sử dụng nhằm giảm các triệu chứng và làm chậm quá trình thoái hóa ở khớp. Hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh lý này. Việc điều trị chỉ có ý nghĩa duy trì chức năng vận động và kiểm soát mức độ tổn thương ở khớp.
Những loại thuốc điều trị thoái hóa khớp gối
1. Glucosamine Sulfat
Glucosamine là thành phần có trong các mô. Cơ thể sẽ chuyển hóa glucosamine thành proteoglycan để tái tạo mô sụn. Khi cơ thể đối mặt với quá trình thoái hóa, hàm lượng glucosamine sẽ có xu hướng suy giảm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cấu trúc của mô sụn khiến sụn khớp yếu dần và thoái hóa theo thời gian.
Thành phần này sẽ chọn lọc những tế bào sụn bị hư hại và sản xuất proteopolycan để sửa chữa những tổn thương tại các tế bào này. Hơn nữa, glucosamine còn có tác dụng ức chế enzyme suferoxid – enzyme sản sinh gốc tự do gây tổn thương khớp.
Thành phần này còn tăng sản sinh dịch nhầy, giúp giảm ma sát ở ổ khớp. Từ đó giúp người bệnh dễ dàng hơn khi vận động, tránh tình trạng cứng khớp và làm chậm quá trình thoái hóa. Vì glucosamine không có tác dụng giảm đau, sưng viêm trực tiếp nên người bệnh thường được dùng kết hợp với các loại thuốc khác. Glucosamine là nhóm thuốc bổ sung, giúp tái tạo và phục hồi mô sụn nên cần sử dụng trong một thời gian dài.
2. Chondoitin
Chondroitin là một sulfat glycosaminoglycan có trong cơ thể người. Thiếu hụt chondroitin là nguyên nhân khiến sụn khớp bị bào mòn và tổn thương.
Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân bổ sung chondroitin từ bên ngoài để thay thế cho thành phần nội sinh bị thiếu hụt. Chondroitin có tác dụng giảm sưng viêm, tái tạo sụn, ức chế quá trình tổng hợp enzyme hủy hoại sụn, bảo vệ khớp và tăng tính bền vững của collagen trong mô sụn.
Vì chondroitin là một thành phần tự nhiên trong cơ thể nên khi dùng để điều trị, cơ thể thu nạp rất tốt và hầu như không gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Tác dụng không mong muốn bạn có thể gặp phải như buồn nôn, nôn mửa, nổi mề đay, tiêu chảy,… Tuy nhiên những triệu chứng này giảm dần khi bạn ngưng sử dụng.
3. Thuốc giảm đau thông thường
Thuốc giảm đau là loại thuốc đầu tiên được sử dụng cho bệnh nhân thoái hóa khớp. Nhóm thuốc này giúp người bệnh thoát khỏi những cơn đau dai dẳng do thoái hóa khớp gây ra.
Loại thuốc giảm đau được sử dụng nhiều nhất là acetaminophen hay còn gọi là paracetamol. Acetaminophen được đánh giá khá an toàn và ít gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Bạn có thể gặp phải những tác dụng phụ thông thường như mệt mỏi, vàng da, đau họng, da ngứa, nổi mề đay,…
Khi sử dụng thuốc có chứa hoạt chất acetaminophen bạn không nên uống rượu bia hoặc những đồ uống có chứa cồn. Tình trạng này khiến thuốc tăng nguy cơ nhiễm độc và làm tổn thương gan. Bệnh nhân suy gan, thận nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc để hạn chế những rủi ro có thể phát sinh.
4. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Đối với những trường hợp không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường, NSAID thường được chỉ định ở liều thấp để cải thiện các triệu chứng. NSAID vừa có tác dụng giảm đau vừa có khả năng giảm sưng viêm ở khớp, tuy nhiên mặt hạn chế của nhóm thuốc này là có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.
NSAID thường gây kích thích và làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Dùng thuốc liều cao hoặc sử dụng trong thời gian dài có thể làm xuất hiện tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa. Nếu có vấn đề về dạ dày, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được sử dụng nhóm thuốc khác hoặc sử dụng kết hợp với thuốc ức chế bơm proton để hạn chế các tác dụng phụ nói trên.
Các NSAID phổ biến như:
- Ibuprofen
- Naproxen
- Aspirin
Ngoài ra, nhóm thuốc này còn làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Bạn nên trao đổi với bác sĩ những vấn đề sức khỏe mình gặp phải để lựa chọn loại thuốc thích hợp.
5. Thuốc ức chế COX-2
Thuốc ức chế COX-2 là một nhóm nhỏ của NSAID, được bào chế để giảm tác động đến dạ dày và hệ tiêu hóa. Bạn có thể cân nhắc việc sử dụng nhóm thuốc này nếu gặp các tác dụng phụ khi sử dụng NSAID thông thường.
Các loại thuốc ức chế COX-2 phổ biến như:
- Meloxicam
- Nimesulide
- Celecoxib
Tác dụng phụ thường gặp nhất của nhóm thuốc này là đau đầu, khó tiêu, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn,…
6. Thuốc giảm đau gây nghiện
Thuốc giảm đau gây nghiện (opioid) được sử dụng khi bệnh nhân đau xương khớp dữ dội và kéo dài. Nhóm thuốc này sử dụng hoạt chất có trong thuốc phiện nhằm làm gián đoạn tín hiệu đau từ khớp lên não. Mặc dù opioid có khả năng giảm đau mạnh mẽ nhưng loại thuốc này gây ra nhiều tác dụng phụ và có thể gây nghiện.
Opioid ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương nên có thể làm giảm khả năng tập trung, quan sát,… Trong thời gian dùng thuốc, bạn nên hạn chế lái xe, vận hành máy móc hoặc thực hiện những hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao.
Các opioid được dùng phổ biến như:
- Propoxyphen
- Hydrocodone
- Oxycodone
7. Corticosteroid
Corticosteroid dành cho bệnh nhân thoái hóa khớp thường được dùng ở dạng tiêm. Thuốc được chỉ định khi các loại thuốc uống không đem lại hiệu quả.
Tiêm corticosteroid có tác dụng giảm sưng viêm và giảm đau nhanh chóng. Việc tiêm corticosteroid phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Lạm dụng loại thuốc này khiến hệ miễn dịch suy giảm và gây ra các biến chứng nguy hiểm.
8. Tiêm Hyaluronat sodium
Hyaluronat sodium được tiêm trực tiếp vào khớp để giảm tình trạng khô, cứng khớp. Loại thuốc này còn có khả năng ức chế sự phân hủy của protein trong sụn, đồng thời kết nối các proteoglycan để tăng sản sinh tế bào sụn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- Điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn và những điều cần lưu ý
- Lý do người bị thoái hóa khớp gối nên hạn chế đi bộ, chạy bộ nhiều
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!