Mề đay có lây không? Làm thế nào để ngăn ngừa?
“Xin chào bác sĩ, hiện tại tôi đang bị nổi mề đay. Vì trong nhà có trẻ con và người già nên tôi lo lắng không biết mề đay có lây không và làm thế nào để ngăn ngừa, điều trị bệnh hiệu quả nhất?”
Trần Thị Thu Hương – huongthu2305@gmail.com
Trả lời:
Xin chào bạn Thu Hương, cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi thắc mắc cho chúng tôi. Để giải đáp thắc mắc của bạn, mời bạn tham khảo bài viết sau:
Bệnh nổi mề đay có lây không?
Mề đay được đặc trưng bởi những mảng da đỏ, ngứa và phát triển thành một đường viền nổi lên da. Nó được gây ra bởi một phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể đối với những chất gây dị ứng như thực phẩm, thuốc hoặc một số tình trạng khác như nhiễm khuẩn, nhiễm virus, viêm họng do liên cầu khuẩn,…
Nổi mề đay không phải là bệnh truyền nhiễm nên nó không lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị tổn thương. Bạn vẫn có thể sử dụng chung vật dụng cá nhân, ngủ chung hoặc tiếp xúc thân mật với người bệnh mề đay mà không hề bị lây nhiễm bệnh. Chúng không truyền nhiễm vì là phản ứng dị ứng của cơ thể.
Tuy nhiên, mề đay có xu hướng tái phát và lan rộng ra các vùng da lân cận. Đồng thời, vi khuẩn, nhiễm trùng… có thể là nguyên nhân gây ra mề đay, mà những tác nhân này lại dễ truyền nhiễm. Chính vì vậy, người bệnh nên chủ động điều trị sớm bằng phương pháp phù hợp để tránh những biến chứng bội nhiễm da.
Các thể mề đay thường gặp
Mặc dù dị ứng là nguyên nhân gây mề đay phổ biến nhưng những yếu tố khác cũng góp phần gây nên tình trạng này. Hiểu được các nguyên nhân sẽ giúp giải quyết tình trạng này và ngăn chặn sự lây lan.
1. Mề đay dị ứng
Loại mề đay này hình thành là do tiếp xúc với những chất gây dị ứng, tuy nhiên mề đay dị ứng không có khả năng lây lan. Các tác nhân gây dị ứng phổ biến bao gồm:
- Thực phẩm
- Côn trùng cắn
- Thuốc
- Phấn hoa
2. Mề đay vật lý
Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, nước hoặc thời tiết quá lạnh, quá nóng cũng khiến bạn bị nổi mề đay. Nhiệt độ cơ thể sau các hoạt động thể chất đôi khi cũng gây ra phát ban.
3. Mề đay do nhiễm trùng
Một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm có thể gây nên mề đay, chẳng hạn như:
- Cảm lạnh
- Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng
- Viêm họng liên cầu khuẩn
Bản thân loại mề đay này không gây lây nhiễm nhưng các loại vi khuẩn gây bệnh lại dễ lây lan. Chúng thường lây lan qua:
- Vi trùng trong không khí do người bệnh ho hay hắt hơi
- Vệ sinh kém
- Chia sẻ thức ăn, dụng cụ ăn uống
- Tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người bệnh
- Tiếp xúc với phân
Bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng và nổi mề đay nếu bạn thuộc những đối tượng sau đây:
- Trẻ dưới 5 tuổi và người trên 65 tuổi
- Phụ nữ đang mang thai
- Hệ thống miễn dịch chưa phát triển hoặc bị ức chế
- Một vấn đề về sức khỏe ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch
4. Mề đay mãn tính vô căn
Mề đay mãn tính thường không rõ nguyên nhân. So với mề đay cấp tính thì mề đay mãn tính gây nhiều khó chịu và có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Vì các triệu chứng sẽ kéo dài hơn 6 tuần đến vài năm, thường xuyên tái phát.
Nổi mề đay khi nào cần khám bác sĩ?
Thông thường, bạn không cần điều trị mề đay, nó sẽ biến mất sau khoảng 48 tiếng kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp dị ứng hoặc nhiễm trùng nặng khiến các triệu chứng kéo dài hoặc tái phát sau vài tuần.
Người bệnh nên gọi cho bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng nguy hiểm như:
- Khò khè
- Khó thở
- Sưng cổ họng
- Khó nuốt
- Sốt
Các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây nổi mề đay bằng các cuộc kiểm tra sức khỏe và kiểm tra dị ứng. Bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra máu để xác định và loại trừ các nguyên nhân gây nổi mề đay khác. Để điều trị, bác sẽ kê đơn thuốc kháng histamine để làm giảm cảm giác ngứa ngáy. Thuốc corticosteroid đường uống được kê cho những trường hợp bị nổi mề đay nặng.
Đối với trường hợp bị nổi mề đay mãn tính, bác sĩ sẽ:
- Dùng thuốc kháng sinh để làm giảm sưng và đỏ da
- Omalizumab hay Xolair là một loại thuốc tiêm có thể ngăn chặn immunoglobin E (một chất gây ra các phản ứng dị ứng
Cách ngăn ngừa nổi mề đay
Mề đay không lây lan nhưng vi khuẩn gây nhiễm trùng dễ lây lan. Vì vậy để ngăn ngừa tình trạng này, bạn nên:
- Rửa tay thường xuyên
- Giữ vệ sinh
- Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách tiêm phòng
- Hạn chế tiếp xúc với những người đang nhiễm trùng hoặc mề đay
- Tránh những loại xà phòng chứa chất tẩy rửa quá mạnh
- Không nên mặc quần áo quá chật
Trên đây là những giải đáp xung quanh thắc mắc mề đay có lây không. Nếu như có bất cứ thắc mắc nào khác, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chi tiết.
Có thể bạn quan tâm
- Các loại thuốc chống dị ứng ngứa và những lưu ý
- Bị nổi mề đay nên kiêng những gì? [Chuyên gia tư vấn]
(ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị)
Hỏi đáp cùng chuyên gia
Bác sĩ cho em hỏi con em nổi mẩn như bị sâu róm đốt ở phần mông, lúc đầu chỉ có 1-2 cục như muỗi đốt nhưng càng gãi càng nổi mẩn và có dấu hiệu lan rộng sang chỗ khác. Nhất là buổi tối con em kêu rất ngứa Như vậy có phải bị mề đay k ạ. Em xin cảm ơn ạ