Dị ứng Penicillin: Những thông tin cần biết và điều trị
Dị ứng Penicillin là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch với thuốc kháng sinh Penicillin. Penicillin vốn là một loại thuốc kê toa dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.
Nguyên nhân dị ứng Penicillin
Hệ thống miễn dịch trong cơ thể có vai trò chống lại vi khuẩn gây bệnh. Nhưng đôi khi nó lại chiến đấu với những yếu tố vô hại vì cho rằng đó là một “kẻ xâm lược”.
Dị ứng Penicillin xảy ra khi hệ thống miễn dịch quá mẫn với thuốc, nhầm lẫn rằng thuốc là một chất có hại, như thể đó virus hay vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng. Trước khi hệ thống miễn dịch trở nên quá mẫn cảm với Penicillin, bạn ít nhất đã tiếp xúc với thuốc một lần. Nếu hệ thống miễn dịch cho rằng Penicillin là chất có hại, nó sẽ hình thành một kháng thể để chống lại thuốc. Đến lần thứ hai sử dụng, các kháng thể đặc hiệu sẽ tấn công vào chất này. Hóa chất được giải phóng bởi hoạt động này là histamin gây ra các triệu chứng dị ứng.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng Penicillin
Bất cứ ai cũng có nguy cơ dị ứng với Penicillin nhưng bạn có thể có nhiều khả năng mắc phải hơn nếu:
- Có tiền sử dị ứng ví dụ như dị ứng thực phẩm, dị ứng hoa cỏ
- Phản ứng dị ứng với thuốc khác
- Tiền sử gia đình bị dị ứng, dị ứng thuốc
- Thường xuyên tiếp xúc với Penicillin, dùng liều cao, sử dụng lặp đi lặp lại hoặc dùng trong thời gian dài
- Người bệnh nhiễm HIV hoặc virus Epstein-Barr
→Xem thêm: Triệu chứng dị ứng thuốc kháng sinh và cách điều trị
Triệu chứng dị ứng Penicillin
Các dấu hiệu dị ứng Penicillin thường xuất hiện trong vòng một giờ sau khi dùng thuốc. Nhưng các phản ứng cũng có xảy ra sau vài giờ, vài ngày đến vài tuần, mặc dù ít gặp.
# Triệu chứng thường gặp
Triệu chứng thường gặp nhất, bao gồm:
- Phát ban da
- Mề đay
- Ngứa
- Sốt
- Sưng
- Khó thở, thở khò khè
- Sổ mũi
- Chảy nước mắt/mũi
- Sốc phản vệ
Trong đó, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng hiếm gặp, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, gây rối loạn chức lan rộng trong cơ thể. Sốc phản vệ bao gồm các triệu chứng:
- Co thắt đường thở, cổ họng và gây khó thở
- Buồn nôn, nôn mửa
- Tiêu chảy, đau bụng
- Chóng mặt, hoa mắt
- Mệt mỏi, yếu, mạch nhanh
- Hạ huyết áp
- Động kinh
- Mất ý thức
# Các bệnh khác từ dị ứng Penicillin
Đây là một phản ứng dị ứng ít phổ biến hơn, một số bệnh bắt nguồn từ chứng dị ứng Penicillin xuất hiện sau khoảng vài ngày đến vài tuần sau khi tiếp xúc với thuốc. Các bệnh này có thể tồn tại một thời gian sau khi bạn đã ngừng thuốc, bao gồm:
- Bệnh huyết thanh: gây sốt, phát ban, sưng, đau khớp, buồn nôn
- Thiếu máu do thuốc: các tế bào hồng cầu giảm dẫn đến mệt mỏi, khó thở, nhịp tim không đều,…
- Hội chứng DRESS (The Drug Reaction with Eosinophilia and Systemic Symptoms): dẫn đến phát ban, bạch cầu tăng cao, sưng hạch bạch huyết, tái phát nhiễm trùng viêm gan không hoạt động.
- Viêm thận: dẫn đến sốt, tiểu ra máu, nhầm lẫn, sưng toàn thân,…
Tuy nhiên, bạn cũng có thể gặp tác dụng phụ của Penicillin mà không phải là phản ứng dị ứng với thuốc. Tác dụng phụ phổ biến của các loại thuốc là buồn nôn, tiêu chảy nhẹ, đau đầu hoặc ngứa âm đạo.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Khi bắt gặp các triệu chứng dị ứng Penicillin, người bệnh cần phải thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt. Gọi cấp cứu trong trường hợp xuất hiện những phản ứng nghiêm trọng hoặc nghi ngờ sốc phản vệ,
Chẩn đoán dị ứng Penicillin
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe bằng cách đặt ra các câu hỏi về triệu chứng. Và bạn có thể phải thực hiện một số xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán thêm chính xác.
- Xét nghiệm da: bác sĩ hoặc y tá sẽ tiêm một lượng nhỏ Penicillin vào da. Nếu phản ứng dương tính với xét nghiệm, các vết sưng đỏ, ngứa sẽ xuất hiện. Một kết quả dương tính đồng nghĩa với việc bạn có khả năng dị ứng Penicillin cao. Còn kết quả âm tính cho thấy bạn không bị dứng Penicillin, tuy nhiên kết quả âm tính khó diễn giải vì một số phản ứng thuốc không thể được phát bằng xét nghiệm da.
- Thử nghiệm tăng liều: nếu chẩn đoán dị ứng Penicillin chưa chắc chắn, bác sĩ có thể chỉ định thử nghiệm tăng liều. Kiểm tra này được thực hiện bắt đầu với một liều nhỏ rồi tăng dần đến liều mong muốn, tối đa năm liều Penicillin. Nếu bạn đạt đến liều điều trị mà không có phản ứng, bác sĩ sẽ kết luận rằng bạn không bị dị ứng Penicillin. Còn nếu bạn bị dị ứng Penicillin, bác sĩ có thể đề nghị thử nghiệm tăng liều với một số loại Penicillin hoặc cephalosporin. Điều này cho phép bác sĩ của bạn xác định được loại kháng sinh an toàn để sử dụng.
Điều trị dị ứng Penicillin
Điều trị dị ứng Penicillin có thể được chia thành:
- Điều trị triệu chứng dị ứng
- Giải mẫn cảm với Penicillin
# Điều trị triệu chứng dị ứng Penicillin
Để điều trị dị ứng Penicillin, một số can thiệp sau sẽ được thực hiện:
- Ngừng thuốc là bước đầu tiên trong điều trị cần được thực hiện khi bác sĩ đã xác định rằng bạn bị dị ứng thuốc Penicillin.
- Thuốc kháng histamin kê toa hoặc không kê toa như diphenhydramine (Benadryl), được sử dụng để ngăn chặn các hóa chất mà hệ thống miễn dịch giải phóng trong phản ứng dị ứng.
- Sử dụng Corticosteroid đường uống hoặc tiêm để điều trị viêm do phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
- Điều trị sốc phản vệ bằng cách tiêm epinephrine ngay lập tức, đồng thời chăm sóc tại bệnh viện để duy trì huyết áp và hỗ trợ hô hấp.
# Giải mẫn cảm với thuốc
Nếu không có bất cứ phương pháp điều trị bằng thuốc kháng sinh nào được lựa chọn, bác sĩ có thể đề nghị giải mẫn cảm thuốc. Với phương pháp điều trị này, người bệnh nhận được một liều nhỏ và dần dần tăng lên liều lớn hơn cứ sau khoảng 15 đến 30 phút trong vài giờ hoặc vài ngày. Nếu bạn đạt được liều lượng mong muốn mà không có phản ứng dị ứng, bạn có thể tiếp tục điều trị.
Điều quan trọng của phương pháp điều trị này là người bệnh phải dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn để duy trì khả năng chịu đựng trong suốt quá trình điều trị. Nếu bạn cần dùng Penicillin trong tương lại, bạn sẽ cần phải lặp lại phương pháp điều trị giải mẫn cảm.
Trong suốt quá trình điều trị giải mẫn cảm, người bệnh sẽ được theo dõi cẩn thận để can thiệp, hỗ trợ kịp thời để điều trị các phản ứng. Mặc dù có hiệu quả khá lớn nhưng giải mẫn cảm hiếm khi được áp dụng nếu tình trạng dị ứng Penicillin nghiêm trọng, đe dọa tính mạng trong quá khứ.
Phòng ngừa dị ứng Penicillin
Cách tốt nhất để tránh dị ứng Penicillin là không nên dùng thuốc. Ngoài ra, bạn hãy lưu ý một số vấn đề dưới đây để bảo vệ bản thân:
- Chắc chắn rằng dị ứng Penicillin hoặc dị ứng thuốc kháng sinh khác được đề cập trong hồ sơ y tế của bạn. Đồng thời luôn thông báo cho bác sĩ, chuyên gia y tế của bạn về tình trạng dị ứng.
- Trong trường hợp dị ứng gây ra sốc phản vệ hoặc các phản ứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê toa một ống tiêm epinephrine tự tiêm cùng dụng cụ kim tiêm. Bác sĩ chuyên môn sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng.
Dị ứng Penicillin có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, do đó nên lưu ý khi sử dụng, nếu bắt gặp triệu chứng khác thường thì nên thông báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp y tế kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
- Hướng Dẫn Cách Xử Lý Khi Bị Dị Ứng Thuốc Tại Nhà [Đúng Cách]
- Dị ứng Paracetamol: Nguyên nhân và những điều cần lưu ý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!