Dị ứng mãn tính là gì? Những thông tin bạn nên ghi nhớ
Dị ứng là hiện tượng hệ miễn dịch phản ứng quá mức với với những chất được xem là vô hại (phấn hoa, bụi, khói, thức ăn…). Đây là một bệnh lý về da mạn tính thường gặp với các triệu chứng đặc trưng là: ngứa da, da nổi mẩn đỏ, phù nề,…
Dị ứng mãn tính là gì?
Dị ứng là bệnh mãn tính phổ biến. Rối loạn hệ thống miễn dịch là nguyên nhân cốt lõi gây bệnh. Đây là hiện tượng cơ thể nhầm một chất vô hại trong môi trường xung quanh là chất có hại, đe dọa sức khỏe nên để giải phóng kháng thể IgE và tế bào bạch cầu lympho B để tấn công chúng. Điều này dẫn đến việc giải phóng Histamine, hình thành nên phản ứng dị ứng. Bệnh có tính chất kéo dài, thường xuyên tái phát.
Nguyên nhân gây dị ứng mãn tính
Một số chất gây kích hoạt phản ứng dị ứng mãn tính gồm:
- Các chất dị ứng trong không khí: phấn hoa, nấm mốc, vẩy da động vật, mạt phấn, mạt bụi…
- Thực phẩm: hạt đậu phộng, đậu nành, lúa mì, cá, trứng, sữa, hải sản…
- Côn trùng đốt: kiến, ong…
- Các loại thuốc, đặc biệt là nhóm kháng sinh như penicillin.
- Mủ cao su hoặc một số chất khác khi chạm vào có thể gây dị ứng lên da.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị dị ứng bao gồm:
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh hen suyễn, dị ứng như nổi mề đay, sốt cỏ khô, chàm… Theo một số khảo sát, trong gia đình có bố hoặc mẹ bị dị ứng, khả năng con bị dị ứng lên đến 33%. Nếu cả bố và mẹ đều bị dị ứng, khả năng con mắc bệnh lên đến 70%.
- Người từng mắc bệnh hen suyễn hay dị ứng.
Triệu chứng của bệnh dị ứng mãn tính
Tùy thuộc vào chất gây dị ứng, mức độ ảnh hưởng của bệnh lên đường thở, xoang, hệ tiêu hóa, hô hấp không giống nhau. Các phản ứng có thể ở mức nhẹ đến nặng. Trong một số trường hợp, dị ứng có thể gây sốc phản vệ, đe dọa đến tính mạng. Cụ thể:
Sốt cỏ khô (viêm mũi dị ứng) có thể gây ra:
- Hắt xì
- Ngứa mũi, mắt hoặc miệng
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi
- Chảy nước mắt, mắt đỏ hoặc sưng (viêm kết mạc)
Dị ứng thực phẩm có thể gây:
- Ngứa trong miệng
- Sưng môi, lưỡi, mặt hoặc cổ họng
- Phát ban, nổi mề đay
- Sốc phản vệ
Dị ứng côn trùng gây nên:
- Sưng, phù tại khu vực bị chích
- Ngứa, nổi mề đay khắp cơ thể
- Ho, tức ngực, khó thở, thở khò khè
- Sốc phản vệ
Dị ứng thuốc gây:
- Phát ban, nổi mề đay
- Ngứa da
- Sưng mặt
- Khò khè
- Sốc phản vệ
Viêm da dị ứng (tình trạng da bị dị ứng) có thể gây nên:
- Ngứa da
- Da ửng đỏ
- Tróc vảy da
*** Một số loại dị ứng như dị ứng do côn trùng đốt, dị ứng thực phẩm có thể gây phản ứng nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ, ca cấp tính gây nguy hiểm đến tính mạng. Người bị sốc phản vệ xuất hiện các triệu chứng:
- Mất ý thức
- Tụt huyết áp
- Khó thở
- Phát ban
- Mê sảng
- Mạch nhanh, yếu
- Buồn nôn, ói mửa
Biện pháp khắc phục bệnh dị ứng mãn tính
Dị ứng mãn tính thường xuyên tái đi phát lại khi gặp tác nhân dị ứng. Việc điều trị bệnh triệt để còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người thậm chí phải chung sống với bệnh cả đời.
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của dị ứng, bạn sẽ được chỉ định một số phương pháp điều trị sau:
1. Tránh xa tác nhân gây dị ứng
Hầu hết, mọi người không xuất hiện triệu chứng dị ứng cho đến khi đạt đến “ngưỡng dị ứng” nhất định. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ bị rối loạn, các phản ứng dị ứng được kích hoạt. Biện pháp quan trọng ngay lúc này là tránh xa các tác nhân kích hoạt bệnh.
2. Dùng thuốc khắc phục dị ứng mạn tính
Người bị dị ứng mãn tính có thể áp dụng những phương pháp sau để cải thiện triệu chứng, gồm:
Thuốc xịt mũi:
- Thuốc xịt steroid: Thuốc có tác dụng giảm viêm, chất nhầy ứ đọng trong mũi do dị ứng. Một số thuốc xịt mũi steroid gồm: Rhinocort (budesonide), Ciclesonide (Omnaris, Zetonna), Flunisolide. Thuốc an toàn cho người lớn, một số loại trẻ em có thể dùng được. Tác dụng phụ của thuốc chủ yếu là nóng rát mũi, chảy máu cam, đau đầu…
- Thuốc xịt kháng Histamine: như Astelin (azelastine), Patanase (olopatadine) có thể ngăn ngừa ngứa mũi, nghẹt mũi, và xoang nhờ cơ chế ức chế quá trình giải phóng Histamine.
- Nước muối sinh lý: Nước muối chứa chất sát trùng, có tác dụng làm mềm chất nhầy, tránh tình trạng tắc nghẽn xoang, sát khuẩn.
Thuốc chống dị ứng
Bên cạnh các loại thuốc làm giảm triệu chứng bệnh liên quan đến xoang, người bị dị ứng mãn tính có thể được chỉ định một số chất làm giảm phản ứng cơ thể với chất gây dị ứng. Các loại thuốc thuộc nhóm trên gồm:
- Thuốc kháng Histamine: Allegra (fexofenadine), Azelastine (Astelin, Astepro), Benadryl (diphenhydramine), Clarinex (desloratadine), Loratadine (Claritin, Alavert), Dimetane (brompheniramine), Emadine (emedastine) Thuốc bôi (clemastine), Zyrtec (cetirizine)… Cần lưu ý nhóm thuốc trên có gây một số tác dụng phụ là: buồn ngủ, chóng mặt, khô miệng, cổ, đau dạ dày…
- Chất ổn định tế bào Mast: Thuốc có tác dụng ngăn chặn hệ thống miễn dịch giải phóng (histamine, leukotriene) kích hoạt phản ứng dị ứng của mắt (viêm kết mạc dị ứng) hoặc mũi. Các loại thuốc thuộc nhóm trên gồm: Alomide (lodoxamide) nhỏ mắt, Alocril (nedocromil) nhỏ mắt, Nasalcrom (cromolyn natri) xịt mũi.
- Steroid: Thuốc giảm triệu chứng ở mũi, phổi, da. Một số loại thuộc nhóm trên phổ biến là: Prednisone.
- Epinephrine: Epinephrine được dùng để khắc phục chứng sốc phản vệ – một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, thường xuất hiện sau khi ăn phải thực phẩm dị ứng, côn trùng đốt…, gây đe dọa tính mạng.
3. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là cách điều trị bệnh dị ứng bằng cách cho cơ thể người bệnh tiếp xúc với chất dị ứng để “cơ thể làm quen”. Liệu pháp miễn dịch có thể được dùng dưới dạng tiêm hoặc thuốc chống dị ứng.
Cách phòng ngừa bệnh dị ứng mãn tính bùng phát
Áp dụng biện pháp phòng dị ứng mãn tính là cách giúp kiểm soát bệnh ngay từ đầu.
- Giặt chăn ga, gối nệm thường xuyên: Việc tiếp xúc với mạt bụi có thể kích hoạt phản ứng dị ứng. Cần chủ động vệ sinh để loại bỏ tác nhân gây dị ứng.
- Hạn chế nấm mốc: Giảm thiểu nấm mốc tối đa bằng cách dùng giấy dán tường, gạch ốp tường nhà tắm, mở quạt gió, thường xuyên giặt giũ rèm. Đối với tầng hầm, nên dùng máy hút ẩm thường xuyên.
- Sử dụng bộ lọc không khí HEPA: Bộ lọc được các chuyên gia đánh giá cao vì có thể hút được những hạt rất nhỏ trong không khí mà các loại bộ lọc khác không làm được.
- Tránh ăn những thực phẩm tăng nguy cơ dị ứng.
- Loại bỏ phấn hoa: Sau khi đi ngoài trời, nên cởi giày, tắm, thay quần áo để tránh phấn hoa bám vào người. Hạn chế phơi đồ ngoài trời…
Trên đây là một số thông tin tổng quan về bệnh dị ứng mãn tính, người đọc có thể tham khảo. Nếu có bất kì thắc mắc, nên liên hệ với người có chuyên môn để được giải đáp chính xác.
Những thông tin trên đây chỉ mang tính tham khảo Thuocdantoc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán và điều trị y khoa.
Tham khảo thêm: Bị dị ứng nên ăn gì và không nên ăn gì?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!