Đau lưng ở trẻ em: Mẹ đã biết gì về chứng bệnh này
Khi thấy trẻ than phiền về chứng đau lưng, các bậc phụ huynh đều lo lắng rằng có một vấn đề nghiêm trọng hơn đang xảy ra. Tuy nhiên, đại đa các trường hợp đau lưng ở trẻ em thường do ngồi học sai tư thế, vận động không đúng cách gây chấn thương các cơ dọc theo hai bên sống lưng. Sử dụng thuốc giảm đau kết hợp điều chỉnh tư thế sinh hoạt hàng ngày có thể giúp trẻ khắc phục được chứng bệnh này.
Trẻ em bị đau lưng có dấu hiệu như thế nào?
Nhiều người cho rằng đau lưng chỉ xảy ra ở người lớn, nhưng trên thực tế căn bệnh này còn ảnh hưởng đến cả trẻ nhỏ. Bệnh đau lưng ở trẻ em thường có các biểu hiện sau:
- Cơn đau ở lưng xuất hiện vào ban đêm khiến con bạn thức giấc
- Triệu chứng đau xuất hiện rõ nét sau khi nghỉ ngơi hoặc khi trẻ vận động mạnh
- Đau có thể lan xuống chân kèm theo cảm giác tê yếu
- Đi lại khó khăn, dáng đi cong vẹo
- Có dấu hiệu bất thường ở bàng quang và ruột
- Triệu chứng toàn thân: Khó chịu, nóng sốt về chiều, có cảm giác ớn lạnh trong người, sụt cân
Tình trạng đau lưng ở trẻ em có thể chỉ diễn ra trong vài ngày rồi biến mất hoặc cũng có khi kéo dài đến vài tuần nếu do một vấn đề nghiêm trọng gây ra. Cha mẹ nên đưa con đi khám để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh một cách rõ ràng, từ đó có biện pháp khắc phục bệnh đúng đắn cho trẻ.
Nguyên nhân gây đau lưng ở trẻ em
Bệnh đau lưng ở trẻ em có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
- Bé tập luyện thể thao, vận động quá mức gây căng cơ và các dây chằng xung quanh cột sống.
- Ngồi học sai tư thế, mang ba lô quá nặng cũng khiến trẻ em bị đau lưng, cong vẹo cột sống
- Gãy xương cột sống: Tình trạng này thường xảy ra khi trẻ bị té ngã, tai nạn, chấn thương khi chơi thể thao hoặc do thực hiện động tác cúi gập nhiều lần. Khi bị gãy xương cột sống bé có thể bị đau lưng nghiêm trọng kèm theo cảm giác tê, yếu các cơ ở cánh tay hoặc chân
- Thoát vị đĩa đệm: Trẻ nhỏ phải lao động nặng nhọc, trẻ bị béo phì hoặc gặp bất thường trong cấu trúc của đĩa đệm đều có thể mắc căn bệnh này và gặp phải những cơn đau lưng kéo dài.
- Cột sống, đĩa đệm bị nhiễm trùng: Trẻ nhỏ mới biết đi hoặc các bé trong lứa tuổi thanh thiếu niên có khả năng bị nhiễm trùng đĩa đệm và cốt sống nhiều nhất. Đau lưng là dấu hiệu cảnh báo điển hình của các vấn đề này.
- U cột sống hoặc u tủy sống: Các khối u dù là lành tính hay ác tính đều có thể khiến trẻ bị đau lưng dữ dội.
Cách chẩn đoán bệnh đau lưng ở trẻ em
Để chẩn đoán bệnh đau lưng ở trẻ, bác sĩ có thể áp dụng các kỹ thuật sau:
– Kiểm tra thể chất của trẻ:
Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về sức khỏe tổng thể của con bạn cũng như các câu hỏi liên quan cụ thể đến chứng đau lưng. Chẳng hạn như:
- Cơn đau của bé bắt đầu xuất hiện từ khi nào?
- Các hoạt động của bé trước khi cơn đau lưng diễn ra?
- Vị trí đau của bé?
- Điều gì khiến cơn đau thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn.
- Ngoài đau lưng, con bạn còn các dấu hiệu nào khác không, chẳng hạn như sốt, mất ngủ, giảm cân…
Bước tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra đường cong cột sống và sờ nắn từng đốt sống để xác định vị trí đau. Trẻ cũng có thể được yêu cầu đi lại, cúi về phía trước, lùi lại hoặc di chuyển sang hai bên để kiểm tra dáng đi, sức mạnh đôi chân cũng như phản xạ cảm giác của trẻ.
– Xét nghiệm:
Một số xét nghiệm sau có thể được thực hiện nhằm đánh giá tính linh hoạt và sức mạnh của cột sống:
- Chụp X-quang: Phim chụp X-quang có thể giúp quan sát sự liên kết xương, biến dạng, gãy xương, một số khối u, nhiễm trùng hoặc các rối loạn xương khác.
- Chụp cắt lớp vi tính ( CT Scan ): Cung cấp hình ảnh 3 chiều giúp phát hiện gãy xương hoặc những thay đổi trong cấu trúc cột sống.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Rất hữu ích để đánh giá các mô mềm như tủy sống, rễ thần kinh và đĩa đệm và các nguyên nhân gây đau lưng ở trẻ em có liên quan đến thần kinh.
- Quét xương: Kỹ thuật này có thể giúp tìm các khu vực viêm, nhiễm trùng, khối u hoặc gãy xương không hiển thị tốt trên các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác.
- Xét nghiệm máu: Thường bao gồm công thức máu toàn phần (CBC), tốc độ máu lắng (ESR) và protein phản ứng C (CRP). Máu của trẻ sẽ được đem vào phòng thí nghiệm để kiểm tra nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ bị đau lưng do viêm và nhiễm trùng.
Phương pháp điều trị bệnh đau lưng ở trẻ em?
Việc điều trị đau lưng cho trẻ thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cho bé. Đối với những trẻ bị đau lưng do căng cơ dây chằng cột sống, cơn đau thường được giải quyết sau một thời gian nghỉ ngơi và điều chỉnh tư thế vận động cho phù hợp. Trẻ có thể được chỉ định các thuốc chống viêm không steroid ( như Ibuprofen hoặc Naproxen) kết hợp chườm đánh lạnh để giảm sưng đau.
Thuốc kháng sinh thường được bác sĩ khuyến nghị nếu nguyên nhân gây đau lưng ở trẻ em được xác định là do nhiễm trùng cột sống hoặc đĩa đệm. Trẻ có thể được dùng thuốc theo đường tiêm tĩnh mạch, ít nhất là cho đến khi triệu chứng nhiễm trùng được cải thiện.
Hiếm khi trẻ em bị đau lưng cần dùng đến phẫu thuật để điều trị. Phương pháp này chỉ được thực hiện khi:
- Bé bị vẹo hoặc biến dạng cột sống nghiêm trọng
- Trẻ bị gãy xương, trượt đốt sống thể nặng
- Đĩa đệm bị thoát vị và chèn ép vào tủy sống, thần kinh khiến trẻ bị đau lưng kéo dài, tê yếu tay chân và có nguy cơ gặp nhiều biến chứng khác
- Trẻ bị u cột sống, bao gồm cả khối u lành tính hoặc ác tính
ĐỌC NGAY: Mách bạn 12 cách chữa đau lưng tại nhà hiệu quả nên thử
Ngoài ra để sớm khắc phục được chứng đau lưng cho trẻ, trong sinh hoạt hàng ngày cha mẹ cần chú ý:
+ Nhắc nhở bé tập thể dục hàng ngày. Tránh các bộ môn vận động mạnh gây căng thẳng cho cơ lưng như bóng rổ, cử tạ, võ thuật… Thay vào đó, trẻ có thể đi bộ, bơi lội hoặc tham gia một chương trình tập vật lý trị liệu để được chuyên gia hướng dẫn các bài tập phù hợp.
+ Thường xuyên massage, xoa bóp lưng cho con để bé dễ chịu hơn.
+ Hướng dẫn bé ngồi học đúng tư thế để không bị cong vẹo cột sống
+ Tránh để bé phải mang ba lô, cặp sách quá nặng
+ Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ cho bé. Hạn chế thêm đồ béo, xúc xích, các thức ăn nhanh, đồ ngọt vào trong thực đơn khiến bé bị thừa cân, làm tăng gánh nặng cho cột sống. Mẹ nên tập cho con ăn nhiều rau xanh, trái cây và bổ sung các thực phẩm tốt cho sự phát triển xương khớp của trẻ như: Thức ăn giàu canxi ( tôm, cua, cá hồi, nước cam, các loại đậu…) hay thực phẩm giàu vitamin D ( sữa, sò, cá, ngũ cốc, trứng, nấm…)
Trên đây là những thông tin các bậc phụ huynh cần nắm rõ về chứng đau lưng ở trẻ em. Tình trạng này có thể xuất phát từ các vấn đề y tế nghiêm trọng. Do vậy bạn không nên chủ quan khi thấy con mình bị đau lưng kéo dài, đặc biệt là khi trẻ còn bị kèm theo sốt, sụt cân, giảm khả năng vận động. Hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ để được điều trị ngay.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- 10 bài tập yoga dành cho người đau lưng hiệu quả dễ thực hiện
- Đau lưng khi mang thai: Nên làm gì để khắc phục?
Hỏi đáp cùng chuyên gia
Cho e hỏi, con e 11m biết đi lúc 10m, gần đây e thấy bé khi đi bé hay ưỡn ngực lên lưng cong theo về đằng trước ngực. K biết bé nhà e có bị sao k ạ