Lập kế hoạch chăm sóc người bệnh loét dạ dày tá tràng
Chăm sóc người bệnh loét dạ dày tá tràng đúng cách có thể là một bước quan trọng trong việc chữa lành niêm mạc dạ dày, ngăn ngừa viêm nhiễm và chống lại nhiễm trùng H.pylori. Hơn nữa, lập kế hoạch chăm sóc người bệnh loét dạ dày tá tràng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc điều trị, nhất là trong khoản tiết kiệm thời gian và tăng mức độ hiệu quả của việc điều trị.
Chăm sóc người bệnh loét dạ dày tá tràng
Nhận biết được các nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày tá tràng sẽ giúp bác sĩ đưa ra liệu trình điều trị cụ thể cho bệnh nhân. Song song với việc chẩn đoán và sử dụng thuốc, các bác sĩ có thể đưa ra các lời khuyên về phương pháp kiểm soát bệnh tại nhà. Hãy tham khảo những gợi ý dưới đây và thảo luận thêm với bác sĩ điều trị để có một chế độ chăm sóc phù hợp nhất.
1. Ăn kiêng và viêm dạ dày
Mặc dù không có chế độ ăn uống cụ thể để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, thế nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra hiệu quả cải thiện sức khỏe của các loại thực phẩm cụ thể.
Dựa trên các kết quả điều tra, thực phẩm mặn, cay và béo có thể làm thay đổi sức khỏe của niêm mạc dạ dày. Tương ứng, chế độ ăn nhiều muối có thể khiến tế bào của dạ dày dễ bị nhiễm vi khuẩn H.pylori hơn thông thường. Do đó, một chế độ ăn kiêng hợp lí sẽ cần thiết trong kế hoạch chăm sóc người bệnh loét dạ dày tá tràng.
# Nhóm thực phẩm nên loại bỏ
Một số bệnh nhân khi bị loét cũng đồng thời mắc phải căn bệnh trào ngược axit. Thực phẩm được đưa vào cơ thể có thể ảnh hưởng đến cơ thắt thực quản dưới, làm axit dạ dày trào ngược đến thực quản. Để giảm thiểu tình trạng này, cũng như giúp cho mức độ viêm loét giảm bớt, bạn cần phải tránh/ hạn chế các nhóm thực phẩm như:
- Cà phê hoặc các đồ uống chứa caffein: caffein sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị kích thích, thậm chí là căng thẳng. Sự căng thẳng sẽ làm tình trạng loét trở nên nghiêm trọng hơn.
- Đồ uống có gas: nước ngọt, soda
- Socola
- Ớt, tiêu hoặc các gia vị có tính cay
- Thực phẩm chiên
- Thực phẩm có lượng muối cao
- Đồ hộp
- Thực phẩm có tính axit như chanh, cam, cà chua.
- Rượu
Lưu ý rằng không phải mọi thực phẩm đều gây ra tình trạng loét giống nhau đối với mọi người bệnh. Thay vào đó, bạn nên theo dõi xem liệu rằng thực phẩm nào mới chính là tác nhân gây ra các triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng trở nên tồi tệ hơn. Từ đó đưa ra biện pháp giảm thiểu và loại bỏ đi trong khẩu phần ăn của mình.
# Bổ sung thêm
Vì vi khuẩn H.pylori được biết đến là một trong những nguyên nhân quan trọng của sự hình thành vết loét, việc bổ sung thêm các loại thực phẩm có tác dụng chống nhiễm trùng trở nên rất cần thiết. Chúng sẽ là “trợ lý đắc lực” bên cạnh việc dùng thuốc kháng sinh và thuốc ngăn chặn axit được bác sĩ khuyên dùng để điều trị loét.
Chúng là:
- Nhóm thực phẩm chống viêm: trà xanh, cam thảo, gừng, nghệ,…
- Nhóm thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: việt quất, dâu tây, bơ, giấm táo
- Nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng (đặc biệt là vitamin B): rau chân vịt, cải bó xôi, bông cải xanh, ớt chuông,…
- Nhóm thực phẩm lên men hữu cơ: sữa chua, dưa cải bắp. kim chi
Những lợi ích mà nhóm thực phẩm này hứa hẹn mang lại nằm ở việc tăng cường sức khỏe và kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Chúng sẽ giúp chống lại nhiễm trùng và giảm viêm nhiễm hiệu quả hơn. Đồng thời, cung cấp đủ chất dinh dưỡng sẽ thúc đẩy khả năng chữa lành bệnh của việc điều trị.
# Khẩu phần ăn thân thiện với loét dạ dày tá tràng
Bên cạnh mối quan tâm tăng giảm các nhóm thực phẩm lành mạnh, việc xây dựng một thực đơn dinh dưỡng là điều hết sức cần thiết. Một chế độ ăn tốt sẽ chứa đựng đủ các nhóm: tinh bột, protein, chất xơ, vitamin và khoáng,… Đồng thời, chế biến đơn giản, ít dầu mỡ và gia vị sẽ tốt hơn vì giữ được đầy đủ các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Tất nhiên chúng sẽ được cân đối và thay đổi liên tục để tăng thêm sự phong phú và ngon miệng cho người bệnh.
Ngoài ra, bổ sung các loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa có thể thay đổi bằng cách chế biến sang dạng lỏng, mềm, dễ tiêu hóa. Các loại trà mật ong, trà thảo mộc hoặc nước ép trái cây, sinh tố sẽ là một gợi ý hay cho bạn.
2. Điều trị bằng thuốc
Đi cùng với chế độ ăn uống chính là sự lựa chọn điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng bằng thuốc. Chẩn đoán và phương hướng điều trị chính xác sẽ tập trung vào hướng tiêu diệt nhiễm trùng (khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn H.pylori) và làm giảm axit trong dạ dày.
Những phương pháp thường được khuyến nghị cho loét dạ dày tá tràng là:
- Loại bỏ thuốc giảm đau không steroid: bởi chúng được xem là nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng rất phổ biến.
- Phác đồ “liệu pháp ba” hoặc “liệu pháp kép” khi vết loét do H.pylori gây ra.
- Bổ sung các loại thuốc chặn axit, thuốc kháng axit, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng và thuốc vitamin.
ĐỌC NGAY: Những Nhóm Thuốc Dùng Trong Điều Trị Viêm Loét Dạ Dày Tá Tràng Và Lưu Ý
#Liệu pháp ba
Đây là sự kết hợp của bismuth subsalicylate (ví dụ Pepto-Bismol ) và kháng sinh tetracycline và metronidazole có hiệu quả ở 80% -95% người và là tiêu chuẩn điều trị hiện nay. Tất cả được uống dưới dạng thuốc viên. Bismuth subsalicylate và tetracycline phải được uống 4 lần một ngày và metronidazole 3 lần một ngày.
#Liệu pháp kép
Nó bao gồm 2 loại kháng sinh, amoxicillin và metronidazole, cả hai được uống dưới dạng thuốc 3 lần một ngày. Đồng thời bác sĩ có thể thêm một loại thuốc ức chế bơm proton (PPI) để giảm sự tăng trưởng của dịch axit.
Dùng thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày có thể chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn (7-14 ngày). Khi xuất hiện những dấu hiệu không tương thích hoặc việc điều trị không hiệu quả, bác sĩ sẽ tiến hành áp dụng phác đồ điều trị vi khuẩn Hp kháng thuốc khác để phù hợp hơn. Ở trường hợp bện nặng, có thể cần phải tiến hành phẫu thuật.
3. Chăm sóc tại nhà
Hầu hết khi tiến hành chăm sóc bệnh nhân loét dạ dày tá tràng đúng cách, các vết loét có thể điều trị được hoàn toàn. Vì vậy bạn nên lưu ý đến những vấn đề sau:
Thứ nhất, chú ý đến việc ăn và uống. Hãy sử dụng một bảng ghi chép để đánh dấu lại các loại thực phẩm đã được sử dụng. Việc này giúp bạn khi bệnh tái phát có thể nhanh chóng tìm ra đâu là nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng. Người bệnh không nên ăn trước khi ngủ và không ăn quá no sẽ tốt hơn cho sự hoạt động của dạ dày. Bạn có thể lựa chọn cách chia 5-6 bữa ăn nhỏ thay vì ăn 3 bữa lớn một ngày để tăng khả năng chịu đựng của dạ dày.
Thứ hai, bổ sung nước. Nước là một lựa chọn tuyệt vời cho dạ dày của bạn trong bất kỳ tình huống nào. Đặc biệt nên uống một lượng nước vừa đủ trước khi ăn và sau khi ăn 30 phút để cải thiện chức năng của hệ đường ruột.
Thứ ba, tạm biệt thuốc lá và rượu. Không chỉ riêng với bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, thuốc lá – rượu bia có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như gan, thận, tim mạch, huyết áp,…
Thứ tư, giảm căng thẳng. Căng thẳng cảm xúc sẽ làm kích hoạt sản xuất axit dạ dày, từ đó làm nặng thêm các triệu chứng viêm loét. Bạn có thể học cách giải tỏa căng thẳng bằng việc chơi thể thao, làm những điều mình thích hoặc đến gặp bác sĩ tâm lý để được giúp đỡ. Mặt khác, hãy để cho dạ dày và cơ thể nghỉ ngơi trong giấc ngủ sâu 6-8 giờ mỗi ngày, tránh thức quá khuya.
Thứ năm, tìm hiểu đúng về thực phẩm. Ăn đúng loại thực phẩm sẽ đem lại hiệu quả trong việc làm giảm chứng loét và loại bỏ vi khuẩn H.pylori. Tuy nhiên tránh việc kiêng khem quá mức mà nên điều hòa các loại ở một mức độ vừa phải, hợp lý.
Thứ sáu, đừng từ bỏ việc điều trị. Rất nhiều người không hề kiên trì với việc sử dụng thuốc và tái khám định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ. Điều này có thể sẽ khiến tình trạng viêm loét thêm trầm trọng và việc điều trị trở nên vô nghĩa. Nhất là đối với điều trị kháng sinh H.pylori bằng thuốc, tự ý ngừng liệu trình sẽ làm cơ thể sinh ra kháng kháng sinh, khiến việc điều trị trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Nói cách khác, phải tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ cho đến khi xác nhận rằng vết loét đã được điều trị khỏi hoàn toàn.
Trên đây là những thông tin cơ bản về kế hoạch chăm sóc người bệnh loét dạ dày tá tràng. Bạn có thể liên hệ để hỏi thêm bác sĩ để có những gợi ý thích hợp nhất. ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
THAM KHẢO THÊM
- Cách dùng kháng sinh điều trị viêm loét dạ dày tá tràng an toàn
- Cơ chế stress gây nên bệnh loét dạ dày tá tràng: Nhận biết để ngăn ngừa
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!