4 Giai đoạn phát triển của viêm khớp gối và cách điều trị phù hợp
Khớp gối là một trong những khớp lớn, có vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ cơ thể và cũng là khớp dễ bị sưng viêm nhất. Viêm khớp gối được chia thành 4 giai đoạn từ 1-4, với cách điều trị tùy theo từng giai đoạn.
Viêm khớp gối – các giai đoạn và cách chữa trị cho từng giai đoạn
Khớp gối là một trong những vị trí thường xảy ra viêm nhiễm, thái hóa nhất trên cơ thể do phải thực hiện cùng lúc nhiều chức năng. Viêm khớp gối cũng chính vì vậy mà trở thành bệnh lí phổ biến nhất trong các vấn đề về xương khớp. Nguyên nhân gây bệnh đã sớm được các chuyên gia xác định như sau:
- Tuổi tác: Khả năng sản sinh sụn và dịch khớp của một người sẽ giảm đáng kể khi họ già đi.
- Cân nặng: Trọng lượng của cơ thể sẽ tạo áp lực lên tất cả các khớp, đặc biệt là đầu gối.
- Giới tính: Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ bị viêm khớp gối cao hơn nam giới ở cùng độ tuổi.
- Chấn thương: Những tổn thương ở đầu gối và các vùng lân cận có thể khiến khớp gối bị viêm.
- Bệnh lý khác: Một số bệnh như viêm khớp dạng thấp, rối loạn hormone tăng trưởng v.v…cũng gây ra bệnh viêm khớp gối.
Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những giai đoạn của viêm khớp gối cùng cách điều trị tương ứng.
# Giai đoạn 1
Viêm khớp gối giai đoạn 1 dùng để chỉ sự viêm chỉ ở mức độ mới hình thành, vì vậy người bệnh sẽ khó có thể cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu. Sự hao mòn ở trong khớp lúc này khá nhỏ, đến mức không bộc lộ ra thành cơn đau.
Điều trị:
Thông thường, bác sĩ sẽ không yêu cầu bạn phải thực hiện bất cứ biện pháp điều trị nào ở viêm đầu gối giai đoạn 1. Tuy nhiên, nếu bạn có khuynh hướng gia tăng, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng một số chất bổ sung như Glucosamine, Chondroitin song song với tập các bài thể dục nhẹ nhàng nhằm làm chậm quá trình viêm khớp.
# Giai đoạn 2
Chuyển sang giai đoạn 2, viêm khớp gối đã bắt đầu được nhìn nhận như một dạng bệnh cần được điều trị (mặc dù mức độ nghiêm trọng của nó vẫn chưa cao). Để có thể xác định được bệnh nhân có đang ở giai đoạn 2 của viêm khớp gối hay không, bác sĩ sẽ chụp X-Rays đầu gối, từ đó cho thấy được sự phát triển của xương, sụn và khớp.
Lúc này, sụn ở giữa 2 đầu xương vẫn được duy trì ở kích thước bình thường, chưa có sự mất đi hoặc xẹp bớt. Đồng thời thì dịch bao hoạt dịch khớp cũng đang hoạt động ở mức đủ cho các chuyển động của khớp. Tuy nhiên, đầu gối của chúng ta đã bắt đầu có những bất thường, biểu hiện qua cảm giác.
Cụ thể, bệnh nhân sẽ cảm thấy đầu gối đau sau khi chạy bộ hoặc bị cứng khớp sau khi nghỉ ngơi thời gian dài. Cảm giác đau ở đầu gối rõ ràng hơn khi đứng lên ngồi xuống hoặc, tuy nhiên cơn đau chỉ thoáng qua chứ không dữ dội như ở các giai đoạn sau.
Điều trị:
Ngay khi nhận thấy đầu gối có những biểu hiện bất thường như trên, bạn cần đến gặp bác sĩ để thảo luận về việc chẩn đoán và kế hoạch điều trị. Một số liệu pháp khác nhau có thể được bác sĩ áp dụng để giảm đau do tình trạng viêm khớp nhẹ này gây ra. Thông thường thì ở giai đoạn 2 này, bạn vẫn chưa phải dùng thuốc để làm giảm các triệu chứng mà thay vào đó là các biện pháp sau đây:
- Giảm cân (đối với người thừa cân): Bạn cần giảm đi cân nặng của mình xuống mức bình thường để có thể giảm đi áp lực xuống khớp đầu gối. Cách giảm cân an toàn nhất là kết hợp chế độ ăn kiêng theo chỉ định của bác sĩ và tập thể dục. Chỉ cần kiên trì thực hiện, bạn sẽ cảm thấy rõ ràng không chỉ các triệu chứng của bệnh được giảm đi mà chất lượng cuộc sống của mình cũng cao hơn.
- Tập thể dục: Hãy thử các động tác nhịp điệu, đi bộ 30 phút mỗi ngày để có thể rèn luyện sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cũng như các cơ bắp xung quanh khớp. Tập thể dục đều đặn phù hợp với tất cả mọi người, giúp tăng sự ổn định và giảm sự tổn thương ở khớp một cách đáng kể.
- Bảo vệ khớp gối: Hạn chế các động tác đột ngột như đứng lên – ngồi xuống và các động tác cần lực từ đầu gối nhiều như bật cóc, chạy nâng cao đùi, ngồi xổm v.v… Bệnh nhân có thể sử dụng nẹp đầu gối để phân tán lực sang các khu vực khác, thay vì là lên đầu gối. Nẹp đầu gối có tác dụng ổn định lại khu vực, căn chỉnh lại chân và giảm áp lực lên khớp.
- Dùng thuốc giảm đau: Một số trường hợp sẽ được bác sĩ chỉ định phải dùng thuốc giảm đau (liều nhẹ). Lưu ý thực hiện song song các biện pháp ở trên với thuốc thì mới có công dụng. Loại thuốc hay được dùng là NSAID, bạn cần thảo luận với bác sĩ về các tác dụng phụ của thuốc này nếu dùng lâu dài. Vì NSAID có thể gây loét dạ dày, các tổn thương (nhỏ) ở thận và gan.
→Xem thêm: Tìm hiểu chứng viêm khớp gối do rách dây chằng đầu gối
# Giai đoạn 3
Viêm khớp gối giai đoạn 3 được xếp ở mức độ vừa phải, có nghĩa là các triệu chứng bắt đầu rõ ràng hơn rất nhiều so với 2 giai đoạn 1 và 2, nhưng vẫn chưa đến mức không thể chữa trị được.
Cụ thể , ở giai đoạn 3 là sụn xương bắt đầu cho thấy có sự phá hủy và khoảng cách giữa 2 đầu xương đã có sự thu hẹp đáng kể. Cũng chính vì vậy mà người bệnh sẽ cảm thấy đau thường xuyên khi vận động, ngay cả những vận động đơn giản nhất. Song song với đó là tình trạng cứng khớp vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy. Khớp của người bệnh sẽ bị cứng lại, không di chuyển được trong khoảng 15-20 phút gây cản trở rất lớn.
Bên cạnh cảm giác đau và cứng khớp, bệnh nhân viêm khớp gối ở giai đoạn 3 còn sẽ phải đối mặt với việc khớp bị sưng đỏ khó chịu, sờ vào thấy nóng.
Điều trị:
Ở giai đoạn này, các phương pháp điều trị không dùng thuốc gần như không còn tác dụng, chính vì vậy mà bác sĩ có thể sẽ khuyên bệnh nhân tiêm Cortisone (một Steroid được chứng minh là có khả năng giảm đau do viêm khớp). Thuốc sẽ được tiêm vào xung quanh đầu gối để có thể phát huy tác dụng tốt nhất.
Sau 2 tháng, những ảnh hưởng của mũi tiêm Cortisone sẽ dần dần biến mất, tuy nhiên thì nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng chất này lâu dài sẽ mang đến những tác dụng phụ không mong muốn.
Trong trường hợp NSAID hoặc Acetaminophen không còn đạt đến độ hiệu quả cao thì các thuốc giảm đau dùng theo toa như Codeine và Oxycodone sẽ làm giảm các triệu chứng thường gặp ở viêm khớp gối giai đoạn 3. Trên cơ sở sử dụng ngắn hạn thì các loại thuốc này có thể sử dụng để điều trị cơn đau từ trung bình đến nặng.
Tác dụng phụ của những loại thuốc giảm đau trên bao gồm buồn nôn, thường xuyên buồn ngủ và cảm giác mệt mỏi. Vì vậy dù mang đến hiệu quả nhanh chóng nhưng thuốc giảm đau không được các bác sĩ khuyến cáo sử dụng lâu dài.
Nếu tình trạng của bệnh nhân không được cải thiện đáng kể sau khi dùng các loại thuốc trên thì bác sĩ sẽ dùng đến trị liệu bằng tiêm chất nhờn bôi trơn khớp. Theo đó, Axit hyaluronic sẽ được tiêm trực tiếp vào đầu gối với liều lượng gia giảm theo từng đối tượng. Thông thường, bác sĩ sẽ tiêm từ 1-5 lần Axit hyaluronic, mỗi lần tiêm cách nhau 1 tuần.
Trên thực tế, việc tiêm chất nhờn cho khớp không cho ra hiệu quả ngay lập tức. Do đó sẽ mất vài tuần để bệnh nhân có thể cảm nhận được trọn vẹn hiệu quả của cuộc điều trị và mất đến vài tháng để hoàn thành điều trị. Tuy vậy, không phải người bệnh nào cũng đáp ứng được với phương pháp này.
# Giai đoạn 4
Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối của viêm khớp gối, hay nói cách khác đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất. Người bệnh lúc này thường xuyên bị đau khớp gối một cách dữ dội, sự di chuyển gần như không còn có thể như người bình thường.
Rõ ràng là vì không gian giữa 2 đầu xương đã giảm đi đáng kể do lớp sụn bị phá hủy, song song với đó là chất dịch ở bao dịch khớp đã không còn có thể sản sinh thêm khiến cho sự ma sát tăng cao. Khớp gối cứng lại, dẫn đến bất động, đau đớn. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể bị biến dạng khớp gối và khả năng hồi phục hoàn toàn là khá thấp.
Điều trị:
Dưới đây là các phương pháp can thiệp giúp giảm thiểu những hậu quả của viêm khớp gối giai đoạn cuối:
- Phẫu thuật tái tạo xương (phẫu thuật cắt xương): Một lựa chọn tốt cho người bị viêm khớp gối nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt xương trên hoặc dưới đầu gối để có thể rút ngắn nó lại, từ đó giảm đi sự ma sát. Phẫu thuật này phù hợp ở bệnh nhân trẻ tuổi, hiệu quả mang lại là sự giảm áp lực xuống khớp gối.
- Thay thế toàn bộ khớp gối: Biện pháp cuối cùng cho các bệnh nhân bị viêm khớp gối giai đoạn 4. Để thực hiện, bác sĩ sẽ loại bỏ khớp gối đã bị hư hỏng và thay vào đó bằng khớp gối nhân tạo (bằng nhựa hoặc kim loại). Tác dụng phụ của loại phẫu thuật này là nguy cơ nhiễm trùng tại vết mổ. Thời gian phục hồi kéo dài vài tuần đến vài tháng, đầu gối nhân tạo có tuổi thọ khá cao.
Tìm hiểu về các giai đoạn của viêm khớp gối là một việc rất cần thiết, nó giúp bạn tránh được từ xa các rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, những thông tin trên chỉ mang tính tham khảo, hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn muốn biết thêm chi tiết về điều trị viêm khớp gối.
Có thể bạn quan tâm:
- Tổng hợp các loại thuốc giảm đau viêm khớp gối
- 7 triệu chứng viêm khớp gối ai cũng phải biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!