Các phương pháp điều trị viêm khớp háng phổ biến hiện nay
Sử dụng thuốc, phẫu thuật, chườm nóng/lạnh,… là những phương pháp điều trị viêm khớp háng phổ biến. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và hạn chế riêng, cần cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp nhất!
Các phương pháp điều trị viêm khớp háng phổ biến
1. Dùng thuốc
Dùng thuốc là phương pháp điều trị nội khoa phổ biến nhất. Mục đích của việc dùng thuốc là làm giảm mức độ đau đớn của các triệu chứng do bệnh lý này gây ra.
Chính vì có hiệu quả tức thời nên việc dùng thuốc không đem lại tác dụng lâu dài. Người bệnh chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết, cần tránh tình trạng lạm dụng và phụ thuộc thuốc.
Các loại thuốc thường được sử dụng trong quá trình điều trị viêm khớp háng bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Nhóm thuốc này có khả năng kháng viêm và giảm đau tại vùng khớp bị tổn thương. Không chỉ có tác dụng điều trị viêm khớp háng, NSAID còn được sử dụng để điều trị các bệnh viêm khớp mãn tính khác.
Aspirin: ngăn chặn enzyme COX và COX II, có tác dụng chống viêm và giảm đau. Tuy nhiên, thuốc có khả năng gây ra các tác dụng phụ như đau, loét dạ dày, buồn nôn,…
Diclofenac: có tác dụng giảm đau mạnh hơn aspirin nhưng các tác dụng phụ do thuốc gây ra cũng nghiêm trọng hơn (đặc biệt là tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa). Do đó bạn cần thận trọng khi sử dụng loại thuốc này.
Ibuprofen: trong trường hợp bạn gặp các tác dụng phụ về đường tiêu hóa khi sử dụng Diclofenac, bác sĩ sẽ chỉ định Ibuprofen để thay thế.
Những người có tiền sử dị ứng và mẫn cảm với các thành phần trong thuốc, loét tá tràng, suy gan nặng, phụ nữ mang thai và cho con bú tuyệt đối không sử dụng NSAID. NSAID có khả năng tương tác với nhiều loại thuốc và thực phẩm, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để hạn chế tối đa tình trạng này.
- Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau được sử dụng hầu hết trong quá trình điều trị các bệnh lý xương khớp, trong đó có bệnh viêm khớp háng. Thuốc giảm đau không có tác dụng giảm sưng viêm, chỉ tập trung vào hiệu quả giảm đau trên cơ thể.
Acetaminophen: có tác dụng giảm đau đối với các bệnh viêm khớp ớ mức độ nhẹ. Nếu bạn xuất hiện cơn đau đi kèm với biểu hiện viêm, bạn cần trao đổi với bác sĩ để dùng kết hợp với một loại thuốc khác.
Oxycodone: có tác dụng giảm cơn đau trung bình đến nặng. Oxycodone thuộc nhóm thuốc giảm đau gây nghiện. Thuốc hoạt động trong não bộ nhằm thay đổi cách cơ thể cảm nhận và phản ứng với cơn đau.
Bệnh nhân mẫn cảm với thành phần trong thuốc, người gặp các vấn đề về gan, người có tiền sử nghiện rượu tuyệt đối không sử dụng nhóm thuốc này. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng để kiểm soát những rủi ro có thể phát sinh.
- Corticosteroid
Corticosteroid là nhóm thuốc có tác dụng nhanh, được sử dụng để kiểm soát tình trạng viêm. Nhóm thuốc này gây ra nhiều tác dụng nguy hiểm, vì vậy bạn chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Corticosteroid có dạng thuốc uống và tiêm. Trong trường hợp cơn đau nặng nề, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc trực tiếp vào khớp, cơ hoặc tĩnh mạch.
Lạm dụng thuốc khiến khả năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Ngoài những loại thuốc nêu trên, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống thấp khớp, thuốc trị loãng xương và thuốc sinh học,… tùy vào triệu chứng của từng trường hợp. Sử dụng thuốc tùy tiện có thể khiến cơ thể phát sinh những tác dụng phụ nguy hiểm, do đó cần thận trọng và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong suốt thời gian điều trị. Đồng thời nên chủ động ngưng thuốc và báo với bác sĩ nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường!
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị ngoại khoa. Phương pháp này chỉ được thực hiện khi các phương pháp điều trị nội khoa không đem lại tác dụng.
Thay thế toàn bộ khớp: Phần hông bị tổn thương được loại bỏ và thay thế bằng một bộ phận nhân tạo (làm từ kim loại, gốm hoặc nhựa). Thay khớp háng là lựa chọn cuối cùng khi tổn thương ở khớp không thể khắc phục, làm cản trở chức năng vận động và gây đau đớn liên tục.
Tái tạo bề mặt hông: Đối với bệnh nhân ở độ tuổi trẻ và trung niên, tái tạo bề mặt hông được xem là giải pháp thay thế cho việc thay khớp háng toàn phần. Không giống như thay thế toàn bộ khớp háng, tái tạo bề mặt hông không yêu cầu loại bỏ đầu xương đùi và thay thế bằng khớp nhân tạo. Thay vào đó, đầu xương đùi bị tổn thương được định hình lại và bọc bằng một lớp kim loại để giảm ma sát giữa các đầu xương khi vận động.
Nội soi khớp: Nội soi khớp là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, khắc phục được những mặt hạn chế từ phương pháp mổ truyền thống. Phẫu thuật nội soi tạo vết cắt nhỏ và chính xác, giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng.
Cắt bỏ xương: Cắt bỏ xương là cuộc phẫu thuật lớn, trong đó các phần xương hông bị tổn thương được loại bỏ. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành định hình lại khớp. Phẫu thuật cắt bỏ xương chỉ phù hợp với những bệnh nhân trẻ tuổi.
Phẫu thuật khớp háng tiềm ẩn những hệ lụy nguy hiểm, vì vậy bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi bạn thực hiện phương pháp này.
3. Các phương pháp khác
Ngoài các phương pháp nêu trên, bạn có thể thực hiện những phương pháp giảm đau tại nhà để ứng phó mỗi khi cơn đau khớp xuất hiện.
Tập thể dục: là một trong những yếu tố cải thiện xương khớp nói chung và khớp háng nói riêng. Tập thể dục giúp khớp linh hoạt và tăng cường cơ bắp. Động tác kéo căng các cơ và gân bao quanh khớp có thể làm giảm cơn đau do bệnh viêm khớp háng gây ra.
Sử dụng nhiệt: Làm ấm khớp háng bằng vòi sen hoặc bồn tắm nóng có thể làm dịu cơn đau ở khớp. Tuy nhiên, không sử dụng nhiệt nếu khớp bị sưng viêm nghiêm trọng. Nhiệt độ cao có thể làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Chườm đá: Chườm túi nước đá vào khu vực khớp háng có thể làm giảm viêm và giảm đau đớn. Nếu cơn đau dữ dội, bạn nên áp dụng cách này từ 4 – 5 lần một ngày, mỗi lần kéo dài từ 10 đến 15 phút. Nên quấn một chiếc khăn xung quanh túi nước đá để tránh gây kích ứng lên da.
Dành thời gian nghỉ ngơi: nếu cơn đau xuất hiện quá thường xuyên, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi để hạn chế các tác động vật lý lên khớp háng. Từ đó làm giảm thiểu số lượng và tần suất của cơn đau và các triệu chứng khác.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Bạn nên gặp trực tiếp bác sĩ để được chỉ định phương pháp phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh lý. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm: Phác đồ điều trị viêm dạ dày ở trẻ em
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!