Bệnh Viêm Lộ Tuyến Cổ Tử Cung

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Phụ sảnTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung là nguyên nhân gây ngứa vùng kín dai dẳng, khí hư ra nhiều kèm theo mùi hôi, tanh… Bệnh lý này thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, ảnh hưởng nhiều đến khả năng thụ thai và đời sống tình dục. Hiện tại, có khá nhiều lựa chọn khi điều trị và phương pháp được chỉ định sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh.

Tổng quan

Viêm lộ tuyến cổ tử cung (Cervicitis In Cervical Ectropion) xảy ra khi các tế bào bên trong cổ tử cung phát triển ra bên ngoài và bị viêm nhiễm do nấm, vi khuẩn… Lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng lành tính. Tuy nhiên, tế bào phát triển ở bên ngoài cổ tử cung sẽ khiến cho cổ tử cung bị hẹp và dễ viêm nhiễm. Nếu không điều trị, tình trạng viêm dễ tái đi tái lại và làm giảm khả năng thụ thai.

viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng tế bào bên trong cổ tử phát triển ra bên ngoài dẫn đến viêm nhiễm

Căn bệnh này gặp chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Dù không quá nguy hiểm nhưng viêm lộ tuyến cổ tử cung gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống tình dục và khả năng sinh sản.

Lộ tuyến cổ tử cung đa phần đều lành tính. Nhưng cũng có một số ít trường hợp tiến triển ác tính gây ung thư. Do đó, sau khi kiểm soát tình trạng viêm, cần phải tái khám thường xuyên để theo dõi.

Phân loại bệnh

Cổ tử cung ít khi bị viêm nhiễm do nằm ở sâu bên trong và cách cửa âm đạo từ 7,6 – 15,2 cm. Tuy nhiên, khi tế bào bên trong cổ tử cung phát triển ra bên ngoài sẽ tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm. Tùy theo mức độ lộ tuyến và phù nề, bệnh viêm lộ tuyến được chia thành các cấp độ như sau:

hình ảnh viêm lộ tuyến cổ tử cung
Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung được chia thành 3 cấp độ dựa vào phạm vi vùng cổ tử cung bị tổn thương

Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ I

Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ I là giai đoạn nhẹ với diện tích cổ tử cung bị tổn thương nhỏ hơn 0.5cm. Do tổn thương xảy ra ở phạm vi nhỏ nên gần như không có biểu hiện, triệu chứng không rõ ràng.

Ở giai đoạn đầu, có thể xuất hiện các dấu hiệu như khí hư có màu xanh, vàng hoặc màu trắng đục, mùi hôi và tanh. Vùng kín ngứa ngáy, khó chịu.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ II

Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ II được xác định khi phạm vi tổn thương dao động từ 0.5 - 1cm. Ở giai đoạn này, các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn. Ngoài các triệu chứng như cấp độ I, bệnh nhân còn có một số biểu hiện như đau, chảy máu khi quan hệ, đau bụng dưới, tiểu nhiều lần, tiểu rắt.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ III

Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ III là giai đoạn nặng nhất với phạm vi tổn thương chiếm 70% diện tích cổ tử cung. Các triệu chứng tương tự như giai đoạn II nhưng với mức độ nghiêm trọng và tần suất thường xuyên hơn. Do tế bào bên trong cổ tử cung phát triển mạnh nên phần lớn đều phải can thiệp các phương pháp xâm lấn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng lộ tuyến cổ tử cung. Tuy nhiên, hiện tượng này được cho là có liên quan đến rối loạn nội tiết và di truyền. Tế bào cổ tử cung phát triển ra bên ngoài cổ tử cung chính là điều kiện thuận lợi gây viêm nhiễm.

Thay đổi nội tiết tố

Tương tự như các bệnh phụ khoa khác, viêm lộ tuyến cổ tử cung thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trong khi đó, nữ giới chưa có kinh nguyệt và sau mãn kinh rất ít khi mắc bệnh lý này. Điều này cho thấy sự gia tăng của hormone sinh dục nữ có tham gia vào cơ chế bệnh sinh.

Sử dụng thuốc tránh thai

Một số nghiên cứu cho thấy, sử dụng thuốc tránh thai có thể gây viêm lộ tuyến cổ tử cung. Loại thuốc này làm thay đổi nồng độ hormone, từ đó có thể kích thích tế bào bên trong cổ tử cung phát triển ra bên ngoài.

nguyên nhân viêm lộ tuyến cổ tử cung
Sử dụng thuốc tránh thai làm thay đổi hormone và gia tăng nguy cơ bị viêm lộ tuyến

Mang thai

Khi mang thai, hormone sinh dục nữ có sự thay đổi đáng kể. Điều này có thể khiến các tế bào bên trong cổ tử cung phát triển ra bên ngoài.

Các yếu tố gia tăng viêm nhiễm

Hiện tượng lộ tuyến cổ tử cung là điều kiện khiến cho cổ tử cung dễ bị viêm nhiễm hơn bình thường. Đặc biệt là khi có các yếu tố sau:

  • Vệ sinh vùng kín kém hoặc không đúng cách (thụt rửa quá sâu)
  • Sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ có độ pH quá cao hoặc do sử dụng quá nhiều lần (nhiều hơn 1 lần/ ngày)
  • Phá thai thường xuyên gây tổn thương biểu mô cổ tử cung
  • Tác dụng phụ của các phương pháp tránh thai như dùng thuốc, đặt vòng…
  • Quan hệ tình dục thô bạo
  • Chế độ ăn nhiều đường, thức ăn nhiều gia vị, cay nóng… làm thay đổi pH trong âm đạo. Từ đó tạo điều kiện để nấm phát triển gây viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung khiến âm đạo tiết nhiều dịch hơn bình thường (ngoài thời gian rụng trứng). Khí hư nhiều, mùi hôi, tanh được xem là triệu chứng điển hình của bệnh lý này. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng hoàn toàn không có biểu hiện.

nguyên nhân viêm lộ tuyến cổ tử cung
Triệu chứng điển hình của bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung là khí hư nhiều, mùi hôi tanh khó chịu

Các triệu chứng của bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung bao gồm:

  • Khí hư nhiều, màu trắng đục, xanh hoặc màu vàng rất hôi tanh
  • Đau và chảy máu sau khi giao hợp
  • Xuất huyết âm đạo bất thường (không trong kỳ kinh)
  • Rối loạn kinh nguyệt (vòng kinh không đều, rong kinh)
  • Ngứa ngáy vùng kín
  • Các triệu chứng của viêm lộ tuyến cổ tử cung sẽ gây ra một số biểu hiện thứ phát như khó chịu, mệt mỏi, giảm ham muốn

Nếu nghi ngờ bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, cần thăm khám sớm để được điều trị triệt để. Trường hợp phát hiện ở giai đoạn I sẽ có cơ hội chữa khỏi dứt điểm. Thời gian và chi phí điều trị cũng sẽ được giảm thiểu đáng kể.

Chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung bao gồm khám lâm sàng (thu thập triệu chứng, hỏi về các loại thuốc, thủ thuật phụ khoa đã từng thực hiện…) và cận lâm sàng (siêu âm đầu dò, xét nghiệm dịch âm đạo, sinh thiết, PAP). Thông qua các bước, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ lộ tuyến cổ tử cung.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm lộ tuyến cổ tử cung không phải bệnh lý quá nguy hiểm. Các trường hợp thăm khám sớm và điều trị tích cực đều có tiên lượng tốt. Khả năng sinh sản ít bị ảnh hưởng, hoàn toàn có thể mang thai tự nhiên.

Nếu không điều trị, tình trạng lộ tuyến cổ tử cung sẽ phát triển theo thời gian. Cổ tử cung bị thu hẹp khiến cho tỷ lệ tinh trùng đi vào lòng tử cung giảm đáng kể. Qua đó gia tăng nguy cơ vô sinh - hiếm muộn và phần lớn đều phải can thiệp các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

biểu hiện viêm lộ tuyến cổ tử cung
Viêm lộ tuyến cổ tử cung không được điều trị sẽ làm hẹp cổ tử cung gây ra tình trạng khó mang thai, vô sinh - hiếm muộn

Không chỉ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, viêm lộ tuyến cổ tử cung còn tăng nguy cơ ung thư - nhất là khi hiện tượng viêm tái đi tái lại nhiều lần. Nếu không kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, vi khuẩn có thể xâm nhập sâu gây viêm tắc vòi trứng, hẹp vòi trứng. Các biến chứng này đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản, tỷ lệ mang thai tự nhiên gần như bằng 0.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai sẽ làm gia tăng các biến chứng thai kỳ như sinh non, chửa ngoài dạ con, sảy thai, vỡ ối sớm… Tình trạng viêm nhiễm ở mẹ cũng gia tăng các vấn đề sức khỏe ở thai nhi. Do đó, cần phải điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung đúng cách để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Phụ nữ bị viêm lộ tuyến cổ tử cung còn có chất lượng đời sống tình dục thấp. Nguyên nhân là do giảm ham muốn, đau, chảy máu khi giao hợp. Hơn nữa, âm đạo ra nhiều khí hư có mùi hôi, tanh cũng khiến nữ giới tự ti, lo lắng khi gần gũi với bạn đời.

Điều trị

Có khá nhiều phương pháp điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung. Phương pháp được chỉ định sẽ phụ thuộc vào mức độ lộ tuyến và tình trạng sức khỏe (có mang thai hay không). Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, lựa chọn ưu tiên vẫn luôn là điều trị bằng thuốc.

Các lựa chọn trong điều trị bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung:

Ngừng thuốc tránh thai

Trường hợp đang sử dụng thuốc tránh thai, nên ngừng khi điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung. Có thể thay thế bằng các phương pháp tránh thai không làm ảnh hưởng đến nội tiết như dùng bao cao su.

Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc thường được chỉ định cho viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ nhẹ. Thuốc thường dùng ở dạng đặt để giảm viêm, tiêu diệt nấm, vi khuẩn. Loại thuốc được sử dụng sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể.

Các thủ thuật xâm lấn

Trường hợp tế bào bên trong cổ tử cung phát triển gây hẹp cổ tử cung sẽ được cân nhắc các thủ thuật xâm lấn. Mục tiêu của các thủ thuật này là phá hủy tổn thương ở cổ tử cung, từ đó sẽ giúp cổ tử cung mở rộng. Tinh trùng vì thế có thể đi vào lòng tử cung để “gặp gỡ” trứng.

biểu hiện viêm lộ tuyến cổ tử cung
Các thủ thuật ít xâm lấn như đốt điện, áp lạnh, đốt laser... sẽ giúp loại bỏ tế bào bệnh ở vùng cổ tử cung

Các thủ thuật xâm lấn được cân nhắc trong điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung:

Đốt điện:

Đốt điện sử dụng nhiệt độ cao để phá hủy tế bào ở cổ tử cung. Dưới tác động của nhiệt, tế bào sẽ bị hoại tử và bong ra dần. Khi can thiệp đốt điện, bác sĩ sẽ phải xác định độ dày của lộ tuyến cổ tử cung, tránh trường hợp đốt quá sâu sẽ để lại sẹo gây hẹp cổ tử cung.

Đốt laser:

Đốt laser sử dụng tia laser CO2 nhằm phá hủy biểu mô cổ tử cung. So với đốt điện, đốt laser ít gây đau và mức độ xâm lấn thấp hơn. Phương pháp này thường được áp dụng cho những trường hợp viêm lộ tuyến cổ tử cung nặng, phạm vi tổn thương rộng.

Sử dụng sóng cao tần RFA:

Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng sóng cao tần RFA là phương pháp cải tiến có nhiều ưu điểm so với các phương pháp cũ. Phương pháp này dùng sóng cao tần 3.8 MHz nhằm làm gãy cấu trúc phân tử của tế bào. Đồng thời sản sinh ra dòng điện để cắt bỏ tế bào bệnh, bình thường hóa giải phẫu cổ tử cung.

Ưu điểm của sóng cao tần RFA là không để lại sẹo, không chảy máu và ít đau. Độ chính xác cao, không gây tổn thương các mô lành tính. Nhờ vậy, tốc độ phục hồi được rút ngắn, không phải kiêng cữ và nghỉ dưỡng quá lâu.

Phương pháp áp lạnh:

Phương pháp áp lạnh được áp dụng khá phổ biến trong điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa nitơ lỏng vào bên trong cổ tử cung thông qua đầu dò. Nitơ lỏng được áp sát vào vùng lộ tuyến khiến cho các tế bào bị đông lạnh, sau đó hoại tử và bong dần ra.

Khi các tế bào bệnh được loại bỏ, cổ tử cung sẽ trở lại bình thường. Từ đó làm giảm tình trạng khí hư, xuất huyết âm đạo ngoài thời gian hành kinh. Thủ thuật này chỉ mất khoảng 1 - 2 phút thực hiện, hiệu quả cao và đặc biệt an toàn trong thời gian mang thai.

Sử dụng nitrat bạc"

Bôi nitrat bạc lên cổ tử cung sẽ giúp cầm máu, tránh tình trạng xuất huyết bất thường. Ưu điểm của thủ thuật này là cầm máu nhanh và không phải gây tê/ gây mê.

Phẫu thuật

Nếu như các thủ thuật ít xâm lấn không mang lại hiệu quả, phẫu thuật sẽ được chỉ định. Hiện tại, phẫu thuật bằng dao LEEP là phương pháp có hiệu quả với viêm lộ tuyến cổ tử cung.

điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung
Phẫu thuật bằng dao Leep được chỉ định khi tình trạng lộ tuyến nặng gây viêm dai dẳng và hẹp cổ tử cung

Dao LEEP thực chất là vòng tròn chứa điện với điện thế thấp, được sử dụng để loại bỏ tế bào lộ tuyến cổ tử cung. Sau khi loại bỏ, cổ tử cung sẽ trở về trạng thái bình thường. Các triệu chứng như xuất huyết, khí hư ra nhiều, mùi hôi… cũng được kiểm soát.

Phòng ngừa

Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể phòng ngừa bằng một số biện pháp sau:

  • Ưu tiên dùng bao cao su thay vì các biện pháp ngừa thai nội tiết.
  • Giữ vệ sinh vùng kín, nhất là trước và sau khi quan hệ.
  • Chỉ dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ 1 lần/ ngày và nên rửa bằng nước lạnh nếu cần. Không nên lạm dụng các sản phẩm vệ sinh vùng kín quá mức.
  • Chỉ làm sạch bên ngoài vùng kín, không thụt rửa sâu vào bên trong.
  • Hạn chế căng thẳng, tránh thức khuya, kiêng thuốc lá và rượu bia.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế đường, thức ăn cay nóng và nhiều gia vị.
  • Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy với một bạn tình.
  • Khám phụ khoa 1 - 2 lần/ năm. Với nữ giới bị lộ tuyến cổ tử cung, cần tái khám 6 tháng/ lần để theo dõi.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung?

2. Bị viêm lộ tuyến cổ tử cung có đáng lo ngại?

3. Có nhất thiết phải điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung khi không có triệu chứng?

4. Khả năng mang thai khi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung là bao nhiêu?

5. Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung tốn bao nhiêu? BHYT có chi trả?

6. Nên dùng thuốc hay đốt lộ tuyến cổ tử cung?

7. Có cần kiêng quan hệ khi điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung?

8. Làm sao để phòng ngừa viêm lộ tuyến cổ tử cung tái phát?

Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu nghi ngờ mắc căn bệnh này, cần thăm khám để được điều trị, tránh biến chứng vô sinh - hiếm muộn, viêm tắc vòi trứng… Lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng dễ tái phát nên song song với điều trị, cần có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.