Bệnh Viêm Đài Bể Thận

Viêm đài bể thận có 2 dạng cấp và mạn tính, thể bệnh nào cũng được đánh giá nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời và loại bỏ tác nhân gây bệnh. Suy thận là biến chứng thường gặp nhất và nặng nhất là tử vong do sốc nhiễm khuẩn. Bệnh phổ biến nhất ở nữ giới trẻ tuổi đang trong độ tuổi lao động và có đời sống tình dục không sạch sẽ, thiếu an toàn. 

Tổng quan

Viêm đài bể thận (Pyelonephritis) là tình trạng nhiễm trùng tổ chức kẽ thận (đài thận, bể thận, các nhu mô thận và niệu quản) do tác nhân vi khuẩn và là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm thận.

Viêm đài bể thận là một trong những dạng nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến

Đây là một trong những bệnh lý về thận phổ biến, thường gặp ở nữ giới trẻ tuổi do đang trong độ tuổi lao động và sinh dục mạnh mẽ, nhất là liên quan đến phụ nữ mang thai. Tỷ lệ mắc viêm đài bể thận cao trong tất cả các bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu do tình trạng nhiễm trùng thường bắt đầu ở bàng quang hoặc niệu đạo đi ngược lên thận.

Bệnh thường khởi phát ở giai đoạn cấp và tiến triển dần đến giai đoạn mạn tính do các đợt triệu chứng tái phát nhiều lần. Nếu bệnh nhân chủ quan nếu không được phát hiện sớm và điều trị viêm đài bể thận kịp thời có thể gây biến chứng suy thận cấp, mạn tính nguy hiểm, đe dọa tính mạng.

Phân loại

Dựa vào tính chất, tiến triển và triệu chứng bệnh, tần suất tái phát, viêm đài bể thận được chia làm 2 dạng chính gồm:

Viêm đài bể thận được chia làm 2 dạng gồm thể cấp tính và thể mạn tính

Viêm đài bể thận cấp

Đây là 1 dạng nhiễm trùng đường tiết niệu trên phổ biến ở cả nam lẫn nữ. Vi khuẩn thường khởi phát từ:

  • Đường sinh dục ngoài hoặc đường tiết niệu, di chuyển thông qua bàng quang, niệu đạo đến đài bể thận;
  • Vi khuẩn xâm nhập thông qua đường máu do ảnh hưởng từ biến chứng nhiễm trùng huyết;

Ở thể cấp tính, các triệu chứng bệnh thường khởi phát đột ngột, ồ ạt và rõ ràng, tiến triển bệnh nhanh chóng. Nếu không điều trị kịp thời thường có nguy cơ cao phát sinh biến chứng, đe dọa tính mạng. Điều trị viêm đài bể thận chủ yếu thông qua phác đồ kháng sinh được cá nhân hóa phù hợp với từng trường hợp bệnh cụ thể.

Viêm đài bể thận mạn tính

Đa phần những trường hợp bị viêm đài bể thận mạn thường xuất hiện phổ biến ở những bệnh nhân có dị tật bẩm sinh, bất thường về mặt giải phẫu, cấu trúc thận. Bản chất của thể viêm đài bể thận mạn tính là tình trạng tổn thương tổ chức nhu mô và kẽ thận, nhiễm trùng lây lan từ đài bể thận đến thận khiến các tế bào thận bị xơ hóa.

Nếu như viêm đài bể thận cấp bộc lộ triệu chứng rõ ràng và ồ ạt, thì ở thể mạn tính bệnh lại không thể hiện ra bất kỳ triệu chứng nào hoặc rất ít, không rõ ràng, không đặc hiệu. Đặc trưng ở thể bệnh này là tính chất dai dẳng, tái phát bệnh nhiều lần, với các dấu hiệu như sốt nhẹ, đau vùng xương sườn, lưng...

Hệ lụy nguy hiểm của viêm đài bể thận mạn tính là các tổn thương thận vĩnh viễn không thể phục hồi, tiến triển suy thận sau một thời gian phát bệnh gây suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Nhóm vi khuẩn gram âm, điển hình là E Coli là tác nhân chính gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu nói chung và viêm đài bể thận nói riêng. Một số loại khác chung nhóm được các nhà khoa học phát hiện  như: Klebsiella, Proteus marabilis, Pseudomonas, Enterobacter... Ngoài ra, có khoảng 10% trường hợp bệnh viêm đài bể thận do nhiễm vi khuẩn gram dương là do vi khuẩn Staphylococcus, Enterococcus...

Nhóm vi khuẩn gram âm là tác nhân chính gây ra viêm đài bể thận chủ yếu thông qua con đường nhiễm trùng ngược dòng

Các loại vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể và khởi phát nhiễm trùng. Có 3 con đường chính gây nhiễm trùng như:

  • Nhiễm trùng ngược dòng: Đây là con đường lây lan gây viêm đài bể thận phổ biến nhất. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua các bộ phận dưới đường tiết niệu như bàng quang, niệu đạo, niệu quản... Sau một thời gian phát triển, số lượng vi khuẩn tăng sinh quá mức và di chuyển ngược lên thận, gây viêm đài bể thận và sâu vào các bộ phận khác trong thận;
  • Nhiễm trùng qua đường máu: Con đường nhiễm trùng này khá ít gặp nhưng lại là dạng nguy hiểm nhất. Nhiễm trùng máu đồng nghĩa với việc toàn bộ mọi cơ quan  nội tạng trong cơ thể đều có nguy cơ bị viêm, bao gồm cả thận. Tốc độ tăng sinh và lây lan của vi khuẩn trong máu cực kỳ nhanh chóng. Nếu không can thiệp điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao;
  • Nhiễm trùng qua đường hạch bạch huyết: Hệ thống hạch bạch huyết nằm rải rác khắp cơ thể con người, có nhiệm vụ bảo vệ tế bào và chống lại sự tác động hủy hoại của các tác nhân gây hại. Nếu hệ thống hạch bạch huyết bị nhiễm khuẩn, chức năng miễn dịch suy giảm tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập sang các bộ phận khác, trong đó có thận và gây viêm đài bể thận. Con đường lây lan này cũng khá hiếm gặp.

Yếu tố nguy cơ

Viêm đài bể thận là dạng nhiễm trùng đường tiết niệu có nguy cơ mắc cao ở những nhóm đối tượng sau:

Bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận hoặc các bệnh nhiễm trùng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm đài bể thận

  • Bệnh nhân mắc các bệnh có ổ viêm khu trú như viêm ruột thừa, viêm bàng quang, viêm trực tràng, viêm tuyến tiền liệt, viêm phần phụ...;
  • Người đang mắc bệnh sỏi bàng quang hoặc sỏi thận, thận đa nang hoặc có khối u bên ngoài đè ép lên niệu quản;
  • Bệnh nhân sau phẫu thuật đường tiết niệu;
  • Người mắc chứng trào ngược bàng quang tạo điều kiện cho nước tiểu di chuyển ngược dòng lên thận;
  • Sau khi thực hiện soi niệu quản - bàng quang, chụp ngược dòng (UPR);
  • Người đã từng hoặc đang đặt ống thông tiểu, phẫu thuật đặt stent niệu quản;
  • Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh lý nền mạn tính như tiểu đường, các bệnh suy giảm miễn dịch như HIV, lupus ban đỏ hệ thống...;
  • Phụ nữ mang thai nghén nặng;
  • Các chị em phụ nữ trẻ tuổi lạm dụng thuốc tránh thai;
  • Người nghiện rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tùy theo mức độ viêm nhiễm, giai đoạn và tiến triển bệnh mà các triệu chứng viêm đài bể thận được biểu hiện khác nhau.

Bệnh nhân viêm đài bể thận thường có các triệu chứng rõ rệt, ồ ạt và đột ngột trong giai đoạn cấp

  • Triệu chứng viêm đài bể thận cấp tính: Các triệu chứng viêm đài bể thận thường bộc phát rõ ràng và đột ngột gồm:
    • Sốt cao, có khi lên đến 40 độ C và tái sốt thường xuyên;
    • Môi khô khốc, nứt nẻ, lưỡi trắng bẩn dù đã súc miệng, cạo lưỡi mỗi ngày;
    • Tiểu rát, tiểu buốt, nước tiểu có mùi và màu bất thường, lẫn máu hoặc mủ;
    • Mệt mỏi, cơ thể thiếu sức sống và kiệt quệ sức khỏe sau một thời gian ngắn;
    • Đau vùng hông hoặc hố sườn sau lưng;
    • Đau tức vùng bụng dưới, kèm theo buồn nôn, nôn ói, chán ăn;
  • Triệu chứng viêm đài bể thận mạn tính: Các triệu chứng chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng tái phát thường xuyên. Đặc trưng với các triệu chứng sau:
    • Chỉ số huyết áp tăng cao đột ngột;
    • Chân tay xanh xao, run rẩy, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, niêm mạc nhợt nhạt...;
    • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, đau thắt lưng kèm theo thiếu máu nhẹ;
    • Ở giai đoạn viêm đài bể thận nặng có thể kèm theo phù nặng do cơ thể tích nước (một trong những dấu hiệu của suy thận);

Chẩn đoán 

Dựa vào đặc điểm khác biệt về triệu chứng ở mỗi giai đoạn khác nhau mà bác sĩ sẽ đưa ra những đánh giá sơ bộ về vấn đề sức khỏe mà người bệnh đang mắc phải và kết hợp với các thăm khám lâm sàng hoặc xét nghiệm cận lâm sàng. Cụ thể như sau:

Xét nghiệm nước tiểu là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán xác định viêm đài bể thận

Chẩn đoán xác định

  • Viêm đài bể thận cấp: Gồm tam chứng cổ định sau:
    • Hội chứng nhiễm trùng;
    • Đau lưng;
    • Rối loạn tiểu tiện;
  • Viêm đài bể thận mạn tính: Gồm các triệu chứng như:
    • Bệnh nhân có tiền sử viêm đài bể thận nhiều lần;
    • Có dấu hiệu của suy thận như phù, thiếu máu, tăng ure máu và tăng huyết áp;
    • Hình ảnh siêu âm thận và chụp X quang cho thấy hình ảnh thận teo nhỏ lại;

Một số kỹ thuật chẩn đoán viêm đài bể thận được áp dụng phổ biến như:

  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Xét nghiệm sinh hóa máu;
  • Cấy vi khuẩn niệu và máu;
  • Chẩn đoán hình ảnh như chụp CT, MRI, X quang, siêu âm...;
  • Xạ hình chức năng thận;

Chẩn đoán phân biệt

Phân biệt viêm đài bể thận với các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự để xây dựng phác đồ xây dựng phù hợp.

  • Phân biệt viêm đài bể thận cấp với đợt cấp của viêm đài bể thận mạn;
  • Phân biệt viêm đài bể thận mạn với các giai đoạn tiềm ẩn của:
    • Đái tháo đường, chứng đái nhạt...;
    • Chứng thận teo bẩm sinh;
    • Viêm thận bể kẽ do hiện tượng tăng acid uric máu;

Biến chứng và tiên lượng

Viêm đài bể thận là một trong những dạng của nhiễm trùng đường tiết niệu do viêm nhiễm ngược dòng. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, nguyên nhân, giới tính, tình trạng sức khỏe... mà những hệ lụy của bệnh sẽ khác nhau. Chẳng hạn như:

Viêm đài bể thận có khả năng gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời và đúng cách

  • Tăng nguy cơ sảy thai, sinh non do nhiễm trùng nặng đối với phụ nữ mang thai;
  • Tắc vòi trứng ở nữ giới hoặc viêm ống dẫn tinh, viêm tinh hoàn, viêm túi tinh gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản;
  • Suy giảm chất lượng đời sống tình dục do viêm đài bể thận là hậu quả của viêm đường tiết niệu, gây tiểu rát, buốt, ra máu, gây đau rát khi quan hệ và ảnh hưởng không nhỏ đến cảm xúc, sự hưng phấn của người bệnh;
  • Tăng nguy cơ gây ra các bệnh lý lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, sùi mào gà...;
  • Những trường hợp không điều trị viêm đài bể thận giai đoạn cấp kịp thời, có thể khởi phát các biến chứng nhiễm trùng lan rộng như:
    • Áp xe quanh thận;
    • Nhiễm trùng máu;
    • Viêm ống thận cấp;
    • Hoại tử mô nhú thận;
    • Suy thận cấp và mạn tính;
    • ...

Điều trị

Nguyên tắc điều trị viêm đài bể thận chủ yếu là loại bỏ vi khuẩn thông qua phác đồ kháng sinh phù hợp với kết quả cấy vi khuẩn. Cụ thể phác đồ điều trị ở từng thể bệnh gồm 2 phương pháp chính sau:

1. Dùng thuốc 

# Thuốc kháng sinh 

Hầu hết bệnh nhân viêm đài bể thận đều đáp ứng tốt với phác đồ điều trị bằng phác đồ thuốc kháng sinh. Thuốc có tác dụng ức chế sự phát triển lây lan và loại bỏ ổ vi khuẩn. Phác đồ cụ thể khi điều trị ngoại trú và nội trú như sau:

Phác đồ thuốc kháng sinh phù hợp là phương pháp điều trị chính có hiệu quả đối với hầu hết các trường hợp viêm đài bể thận

  • Đối với bệnh nhân ngoại trú: Thường được chỉ định sử dụng cho những bệnh nhân mắc viêm đài bể thận không có biến chứng. Chủ yếu dùng thuốc uống, điển hình với các loại sau:
    • Amoxicillin: liều khuyến cáo 250 - 500mg, dùng 3 - 6 viên x 3 lần/ ngày hoặc 4 viên x 2 lần/ ngày;
    • Amoxicillin + Acid Clavulanic: Đây là thuốc ức chế beta - lactamase, loại thường dùng là Augmentin liều khuyến cáo 500mg, dùng 3 viên x 3 lần/ ngày;
    • Trimethoprim - sulfamethoxazol: Loại thường dùng là Biseptol liều khuyến cáo 480mg, dùng 4 viên x 2 lần/ ngày, cách nhau 12 giờ;
    • Cephalosporin thế hệ II hoặc III: Điển hình là Zinnat 250mg, uống 2 viên x 2 lần/ ngày, cách nhau 12 giờ;
    • Nhóm thuốc Fluoroquinolone:
      • Norfloxacin 400mg, 2 viên x 2 lần/ ngày;
      • Ciprofloxacin 250 - 500mg, 2 viên x 2 lần/ ngày;
      • Ofloxacin 200mg, 2 viên x 2 lần/ ngày;
  • Đối với bệnh nhân nội trú: Bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú khi có biến chứng nhiễm trùng nặng, không đáp ứng điều trị ngoại trú và không có các chẩn đoán rõ ràng về bệnh. Dùng kháng sinh trong giai đoạn này chủ yếu dùng dưới dạng tiêm để đạt hiệu quả tốt nhất.
    • Nhóm thuốc Aminoglycoside tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, thường dùng là loại Gentamicin hoặc Tobramicin kết hợp với amoxicillin;
    • Nhóm Cephalosporin thế hệ II hoặc III, loại thường dùng là Cefuroxime (Zinnat) hoặc Cefaclor tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp;
    • Ciprofloxacin hoặc Ofloxacin truyền tĩnh mạch 2 lần/ ngày;

Trường hợp viêm đài bể thận nặng có thể chuyển sang dùng thuốc kháng sinh dạng tiêm truyền với liều phù hợp do bác sĩ chỉ định

# Các loại thuốc khác

Kết hợp bù dịch truyền nước, cân bằng các chất điện giải khi cần thiết nhằm hỗ trợ điều trị viêm đài bể thận

  • Thuốc huyết áp: Bệnh nhân viêm đài bể thận nặng có biến chứng suy thận thường bị cao huyết áp. Nguyên nhân là do hệ thống động mạch thận bị thu hẹp quá mức gây cản trở tuần hoàn máu. Nên bệnh nhân thường sẽ sử dụng kết hợp với thuốc chống huyết áp để cải thiện chỉ số huyết áp ổn định;
  • Thuốc giảm đau chống co thắt nhằm cải thiện cơn đau dữ dội ở vùng bụng dưới và lưng thận. Các loại thường dùng như Buscopan, Nospa, Baralgin...;
  • Thuốc kháng viêm hỗ trợ giảm viêm nhiễm, loại thường dùng là Nitrofurantoin liều 50 - 100mg/ mỗi 6 tiếng;

Kết hợp bù dịch qua đường truyền tĩnh mạch hoặc đường uống, nhất là đối với bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nhằm duy trì lượng nước tiểu và lưu lượng máu qua động mạch ổn định.

Lưu ý:

  • Phụ nữ mang thai viêm đài bể thận cần hết sức thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc kháng sinh;
  • Bệnh nhân viêm đài bể thận tái phát nhiều lần nên có phác đồ kháng sinh dự phòng tái phát ngay từ sớm;

2. Can thiệp ngoại khoa

Bệnh nhân viêm đài bể thận cấp vô niệu do tắc nghẽn thận hoặc biến chứng sốc nhiễm khuẩn cần được cấp cứu xử lý tắc nghẽn càng sớm càng tốt nhằm giảm nguy cơ tử vong. Phương pháp can thiệp ngoại khoa được áp dụng phổ biến nhất là:

  • Phẫu thuật loại bỏ sỏi trong trường hợp có sỏi thận;
  • Lọc máu trong trường hợp nhiễm trùng huyết;
  • Phẫu thuật loại bỏ 1 bên thận và ghép thận mới để duy trì sự sống;

Phòng ngừa

Những hậu quả khó lường của viêm đài bể thận rất nguy hiểm, thậm chí bệnh nhân có thể tử vong bất kỳ lúc nào nếu không điều trị kịp thời. Do đó, ngoài tiếp nhận phác đồ điều trị tích cực, còn một cách để bạn thoát khỏi những biến chứng này đó là duy trì một lối sống khoa học và lành mạnh để dự phòng tái phát hoặc giảm nguy cơ mắc phải.

Duy trì lối sống khoa học về ăn uống, tập luyện và vệ sinh giúp phòng ngừa viêm đài bể thận cùng các bệnh lý viêm đường tiết niệu khác

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, ưu tiên bổ sung những loại thực phẩm tốt cho chức năng thận, nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể chống lại bệnh tật.
  • Bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, hỗ trợ thận hoạt động năng suất trong việc lọc thải độc tố. Trung bình 1.5 - 2 lít/ngày đối với trẻ và 2 - 3 lít/ ngày đối với người trưởng thành.
  • Đi tiểu ngay khi cơ thể có nhu cầu để giảm thiểu áp lực cho bàng quang và hạn chế nguy cơ tích tụ, lắng đọng nước tiểu hình thành sỏi thận.
  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày, nhất là với chị em nên sử dụng dung dịch vệ sinh chuyên dụng, rửa nhẹ nhàng, không thụt rửa sâu.
  • Quan hệ tình dục an toàn, nhẹ nhàng và vệ sinh sạch sẽ cả trước lẫn sau khi quan hệ, sử dụng bao cao su.
  • Tránh ngâm mình xuống ao hồ sông suối hoặc những vùng nước bẩn, ô nhiễm nặng để giảm nguy cơ viêm nhiễm khởi phát viêm đài bể thận cũng như các bệnh lý đường tiết niệu khác.
  • Thực hiện lối sống khoa học, ngủ nghỉ đúng giờ giấc, tránh thức khuya, tập thể dục hàng ngày, giữ tinh thần vui vẻ, tích cực...
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ, thực hiện tầm soát các bệnh lý nhiễm trùng thường gặp nếu nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ cao để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1.  Tôi bị tiểu rát buốt, đau lưng, hông, sốt cao là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm đài bể thận là gì?

3. Bị viêm đài bể thận có gây suy thận không?

4. Tiên lượng mức độ bệnh viêm đài bể thận có nguy hiểm không?

5. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm đài bể thận?

6. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với trường hợp bệnh viêm đài bể thận của tôi?

7. Dùng thuốc kháng sinh trị viêm đài bể thận có hiệu quả không?

8. Nếu dùng thuốc có tác dụng phụ tôi cần làm gì để xử lý?

9. Điều trị viêm đài bể thận ngoại trú hay nội trú?

10. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe hỗ trợ điều trị viêm đài bể thận?

Hầu hết các trường hợp phát hiện viêm đài bể thận đều đáp ứng tốt với phác đồ điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, những hệ lụy của bệnh cũng rất đáng lo ngại nếu không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả. Do đó, hãy thăm khám sớm để điều trị kịp thời và chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để giảm nguy cơ mắc các bệnh đường tiết niệu cũng như bảo vệ sức khỏe.