Bệnh Viêm Buồng Trứng
Bệnh viêm buồng trứng là tình trạng buồng trứng bị nhiễm trùng do vi khuẩn, tác nhân thường gặp là lậu cầu và Chlamydia trachomatis. Tình trạng này cần được kiểm soát sớm để tránh biến chứng tắc vòi trứng, tổn thương nang noãn vĩnh viễn dẫn đến vô sinh - hiếm muộn.
Tổng quan
Viêm buồng trứng (Ovarian Inflammation) là một dạng của viêm phần phụ - tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở phần phụ bao gồm tử cung, cổ tử cung, vòi trứng và buồng trứng. Trong đó, hiện tượng viêm ở buồng trứng là tình trạng vô cùng nghiêm trọng có thể gây vô sinh nếu không được điều trị kịp thời.
Như đã biết, buồng trứng là cơ quan quan trọng đối với sức khỏe sinh lý và sinh sản ở nữ giới. Nếu tình trạng nhiễm trùng không được kiểm soát, nhiều khả năng sẽ phải cắt bỏ buồng trứng do áp xe. Bên cạnh đó, nhiễm trùng có thể lây lan sang những cơ quan khác dẫn đến một loạt các biến chứng nghiêm trọng như áp xe vòi - buồng trứng, ứ dịch vòi trứng, tắc ống dẫn trứng, vô sinh…
Bệnh viêm buồng trứng chủ yếu gặp ở nữ giới đang trong độ tuổi sinh sản. Bệnh hiếm khi gặp ở nữ giới chưa có kinh nguyệt và sau mãn kinh. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng thực tế phản ánh, tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, nữ giới cần nâng cao hiểu biết về bệnh lý này.
Phân loại bệnh
Bệnh viêm buồng trứng được chia thành 2 loại là cấp tính và mãn tính:
Viêm buồng trứng cấp tính
Viêm buồng trứng cấp tính đặc trưng bởi triệu chứng rầm rộ, xuất hiện đột ngột. Vùng bụng dưới bị đau dữ dội đi kèm với các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi và sốt. Viêm buồng trứng cấp tính có tiến triển nhanh dễ gây áp xe, tắc vòi dẫn trứng nếu không được điều trị kịp thời.
Viêm buồng trứng mãn tính
Viêm buồng trứng mãn tính là tình trạng nhiễm trùng buồng trứng xảy ra trong thời gian dài. Các triệu chứng mờ nhạt hơn so với cấp tính. Bụng dưới có dấu hiệu đau âm ỉ, mức độ từ nhẹ đến nặng, khí hư ra nhiều và có mùi.
Vì triệu chứng mờ nhạt nên viêm buồng trứng mãn tính đôi khi không được phát hiện sớm, dẫn đến tắc vòi trứng và gia tăng nguy cơ vô sinh. Các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với viêm âm đạo thông thường.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh viêm buồng trứng là do sự xâm nhập của vi khuẩn. Tuy nhiên, buồng trứng là cơ quan nằm sâu ở bên trong ổ bụng nên ít bị viêm nhiễm như âm đạo. Bệnh viêm buồng trứng thường chỉ xảy ra khi có những yếu tố sau:
Không điều trị viêm âm đạo, viêm cổ tử cung
Thông thường, vi khuẩn, trùng roi… sẽ tấn công vào âm đạo và cổ tử cung gây viêm ở những cơ quan này. Nếu điều trị đúng cách, tình trạng viêm nhiễm sẽ được kiểm soát.
Ngược lại, trường hợp chủ quan không điều trị kịp thời sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn, trùng roi xâm nhập vào bên trong vùng chậu (tử cung, vòi trứng, buồng trứng). Đa phần các trường hợp bị viêm buồng trứng đều do viêm cổ tử cung không được điều trị đúng cách.
Các tác nhân gây viêm nhiễm thường gặp là lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae), Chlamydia trachomatis, Mycoplasma genitalium… Các loại vi khuẩn này đều lây nhiễm qua đường tình dục. Viêm buồng trứng hiếm khi do các vi khuẩn kỵ khí thường trú bên trong âm đạo.
Trường hợp do lậu cầu thường cấp tính, trong khi đó Chlamydia trachomatis và Mycoplasma genitalium chủ yếu gây viêm buồng trứng mãn tính.
Thực hiện nạo phá thai ở các cơ sở không đảm bảo
Viêm buồng trứng cũng có thể xảy ra sau khi nạo hút thai, đặt vòng tránh thai ở những cơ sở không đạt chất lượng. Các phòng khám nhỏ thường không đảm bảo yếu tố vô trùng dẫn đến viêm vùng chậu nói chung và viêm buồng trứng nói riêng.
Ban đầu, tình trạng viêm nhiễm chỉ xảy ra ở vùng nhỏ bên trong tử cung hoặc cổ tử cung. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm, vi khuẩn có thể lây lan sang vòi trứng và buồng trứng dẫn đến viêm nhiễm lan rộng.
Biến chứng của viêm phúc mạc
Phúc mạc là cơ quan bao bọc các cơ quan ở hố chậu và ổ bụng. Khi một trong những cơ quan bị nhiễm trùng, vi khuẩn có thể lây nhiễm ra ngoài phúc mạc. Vì phúc mạc là bộ phận bao phủ toàn bộ vùng hố chậu nên vi khuẩn có thể lây sang phần phụ gây viêm buồng trứng.
Các yếu tố nguy cơ
Ngoài hai nguyên nhân chính trên, nguy cơ mắc bệnh viêm buồng trứng gia tăng đáng kể khi có những yếu tố như:
- Tiền sử bị viêm vùng chậu
- Quan hệ tình dục không an toàn, nhiều bạn tình
- Vệ sinh vùng kín không đúng cách, thụt rửa sâu - đặc biệt là trong thời gian hành kinh
Viêm buồng trứng thường gặp ở nữ giới dưới 35 tuổi, đặc biệt là những người có đời sống thấp, thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và không biết cách bảo vệ bản thân khi quan hệ tình dục. Đây là điều kiện làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa nói chung và viêm buồng trứng nói riêng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Khi vòi trứng bị viêm, vùng chậu sẽ xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Triệu chứng gặp phải có sự khác biệt tùy vào viêm buồng trứng cấp tính hay mãn tính.
Các triệu chứng của bệnh viêm buồng trứng cấp tính:
- Vùng bụng dưới có dấu hiệu đau dữ dội, đau nhói từng cơn hoặc đau liên tục
- Rối loạn kinh nguyệt (kinh nguyệt không đều, rong kinh, đau bụng kinh dữ dội…)
- Mệt mỏi, sốt
- Ra khí hư màu vàng
- Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, chán ăn
Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm buồng trứng mãn tính:
- Bụng dưới đau tức, thường đau nhẹ nhưng đôi khi gia tăng về mức độ (nhất là trong giai đoạn hành kinh, cơ thể mệt mỏi).
- Máu kinh ra nhiều, thường có màu đen và bị vón cục
- Đôi khi chảy máu âm đạo bất thường
- Khí hư ra nhiều, mùi và màu bất thường
- Đau khi quan hệ
- Khó tiểu
Mức độ triệu chứng còn phụ thuộc vào tác nhân trực tiếp. Viêm âm đạo do Mycoplasma genitalium và Chlamydia trachomatis thường ít đau, triệu chứng khá mờ nhạt. Trong khi đó, viêm âm đạo do lậu cầu thường gây đau dữ dội, các triệu chứng có mức độ nặng và dễ nhận biết.
Nữ giới trong độ tuổi sinh sản cần chú ý đến cơn đau dữ dội hoặc âm ỉ ở bụng dưới (ngoại trừ thời gian hành kinh). Nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường, nên thăm khám sớm để phát hiện sớm viêm buồng trứng. Tránh viêm nhiễm lan rộng gây tắc vòi trứng và vô sinh.
Các bác sĩ có thể khoanh vùng khả năng viêm vùng chậu khi có các dấu hiệu như tuổi sinh sản, vùng chậu đau dữ dội, ra dịch âm đạo… Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám bụng dưới để xác định nguy cơ viêm buồng trứng.
Các kỹ thuật được sử dụng trong chẩn đoán bệnh viêm buồng trứng:
- Thử thai: Thử thai được thực hiện nhằm loại trừ mang thai ngoài tử cung.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu ở nữ giới bị viêm buồng trứng nhận thấy số lượng bạch cầu gia tăng. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện các kỹ thuật khác để xác định vị trí viêm nhiễm.
- Xét nghiệm nước tiểu: Trường hợp có triệu chứng tiểu khó sẽ được làm xét nghiệm nước tiểu. Kết quả từ xét nghiệm này có thể loại trừ khả năng bị viêm bàng quang.
- PCR cổ tử cung: PCR cổ tử cung được thực hiện để xác định tác nhân gây bệnh. Xét nghiệm này có độ nhạy đến 99%, giúp phát hiện vi khuẩn Chlamydia trachomatis và lậu cầu. Tuy nhiên, một số trường hợp chỉ bị viêm buồng trứng mà không hề bị viêm nhiễm ở cổ tử cung.
- Kiểm tra dịch tiết tử cung: Bên cạnh xét nghiệm PCR, kiểm tra dịch tiết tử cung cũng được thực hiện để xác định có mủ. Sau đó, tiến hành soi tươi hoặc nhuộm gram để xác định vi khuẩn.
- Siêu âm: Siêu âm vùng chậu là kỹ thuật quen thuộc trong chẩn đoán các bệnh phụ khoa. Hình ảnh từ siêu âm cho thấy buồng trứng và đôi khi là cả vòi trứng, tử cung có hiện tượng viêm, sưng. Ngoài ra, kỹ thuật này còn giúp phát hiện hoặc loại trừ áp xe vòi trứng, buồng trứng, xoắn buồng trứng…
- Nội soi ổ bụng: Các kỹ thuật trên có thể không mang lại giá trị chẩn đoán. Nếu nghi ngờ bị viêm buồng trứng, bác sĩ có thể yêu cầu nội soi ổ bụng để quan sát rõ hơn tình trạng vòi trứng, buồng trứng.
Biến chứng và tiên lượng
So với viêm âm đạo và viêm cổ tử cung, viêm phần phụ có mức độ nghiêm trọng hơn. Vì vậy, viêm ở buồng trứng hoặc vòi trứng, tử cung đều cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng.
Buồng trứng chịu trách nhiệm sản xuất hormone sinh dục, phóng noãn trong mỗi chu kỳ. Tình trạng viêm nhiễm có thể khiến noãn bị hư tổn, gia tăng tỷ lệ vô sinh. Nhiều trường hợp buồng trứng bị hoại tử và phải cắt bỏ do không điều trị viêm nhiễm kịp thời.
Viêm buồng trứng có thể dẫn đến những biến chứng như:
Hội chứng Fitz Hugh Curtis
Hội chứng Fitz Hugh Curtis là biến chứng hiếm gặp ở những trường hợp bị viêm phần phụ, bao gồm cả viêm buồng trứng. Tình trạng viêm nhiễm không được kiểm soát có thể dẫn đến viêm quanh gan và dính bao gan với phúc mạc.
Hội chứng Fitz Hugh Curtis thường xảy ra do viêm buồng trứng do lậu cầu và vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Biểu hiện của hội chứng này là đau ở vùng hạ sườn phải, mức độ đau tăng lên khi thay đổi tư thế, hắt hơi, ho. Đi kèm với ra mồ hôi trộm, rét run, sốt, buồn nôn, đau đầu và mệt mỏi.
Áp xe vòi trứng - buồng trứng
Viêm buồng trứng không được điều trị làm gia tăng biến chứng áp xe vòi trứng - buồng trứng. Áp xe là tổ chức mủ chứa tế bào chết, vi khuẩn, tế bào bạch cầu. Ổ áp xe lớn có thể vỡ khiến nhiễm trùng lan rộng, thậm chí gây vỡ và tắc vòi trứng. Nặng hơn là sốc nhiễm khuẩn dẫn đến tử vong.
Ứ dịch vòi trứng
Ứ dịch vòi trứng là một trong những biến chứng của bệnh viêm buồng trứng. Tình trạng viêm nhiễm buồng trứng có thể gây ra hiện tượng ứ dịch ở ống dẫn trứng. Nếu không được xử lý kịp thời, vòi trứng có thể bị tắc hoàn toàn làm giảm tỷ lệ mang thai tự nhiên.
Biến chứng khác
Viêm phần phụ nói chung và viêm buồng trứng nói riêng còn có thể gây ra nhiều biến chứng khác:
- Đau vùng chậu mãn tính
- Gia tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung
- Vô sinh - hiếm muộn
Viêm buồng trứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của nữ giới, đôi khi đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, nữ giới trong độ tuổi sinh sản tuyệt đối không được chủ quan trước các dấu hiệu bất thường như bụng dưới đau đột ngột, đau khi quan hệ, ra máu bất thường, máu kinh chuyển sang màu nâu…
Điều trị
Viêm buồng trứng nếu được phát hiện sớm có thể kiểm soát bằng kháng sinh. Tuy nhiên nếu để viêm nhiễm kéo dài làm xuất hiện biến chứng tắc vòi trứng, hoại tử buồng trứng, áp xe… phẫu thuật sẽ được cân nhắc thực hiện.
Các phương pháp điều trị được xem xét trong điều trị bệnh viêm buồng trứng:
Kháng sinh
Viêm buồng trứng chủ yếu là do vi khuẩn, hiếm khi là tình trạng tự miễn như các cơ quan khác. Trước khi chỉ định kháng sinh, bác sĩ sẽ yêu cầu nhuộm gram hoặc soi tươi. Tùy vào tác nhân gây viêm buồng trứng (Chlamydia trachomatis, lậu cầu), kháng sinh nhạy cảm nhất sẽ được sử dụng.
Ngoài ra, kháng sinh cũng có thể được chỉ định ngay cả khi chưa có chẩn đoán chính xác vì một số lý do khách quan. Trong trường hợp này, vùng chậu sẽ được theo dõi để đánh giá liệu các triệu chứng có thuyên giảm hay không.
Phác đồ điều trị bằng đường tĩnh mạch:
Phác đồ A:
- Cefotetan 2g đường tĩnh mạch mỗi 12 giờ hoặc Cefoxitin 2g đường tĩnh mạch mỗi 6 giờ
- Kết hợp với Doxycycline 100mg đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch mỗi 12 giờ.
Phác đồ B:
- Clindamycin 900mg đường tĩnh mạch mỗi 8 giờ
- Kết hợp với Gentamicin 2mg/kg tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Sau liều tấn công, có thể giảm 1,5 mg/kg mỗi 8 giờ.
Phác đồ thay thế:
- Ampicillin/Sulbactam 3g tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ
- Kết hợp với Doxycycline 100mg uống/ tiêm tĩnh mạch mỗi 12 giờ
Phác đồ điều trị bằng đường tiêm bắp/ đường uống:
Phác đồ A:
- Ceftriaxone 250mg tiêm bắp một liều duy nhất
- Kết hợp với Doxycycline 100mg uống 2 lần/ngày trong vòng 14 ngày
- Trường hợp cần thiết có thể dùng kèm Metronidazole 500mg uống 2 lần/ngày trong 14 ngày
Phác đồ B:
- Cefoxitin 2g tiêm bắp một liều duy nhất + Probenecid 1g đường uống một liều duy nhất được dùng cùng lúc
- Kết hợp với Doxycycline 100mg uống 2 lần/ngày trong vòng 14 ngày
- Trường hợp cần thiết có thể dùng kèm Metronidazole 500mg uống 2 lần/ngày trong 14 ngày
Hiện nay, ngoài phác đồ A và B còn có phác đồ C, D, E F tùy vào tỷ lệ kháng kháng sinh trong cộng đồng. Bác sĩ sẽ dùng kinh nghiệm và dựa vào kết quả xét nghiệm để chọn phác đồ phù hợp.
Trường hợp đã xuất hiện biến chứng áp xe vòi trứng - buồng trứng sẽ phải điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch trong thời gian dài.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định khi áp xe vòi trứng - buồng trứng có kích thước lớn, nghi ngờ vỡ. Ổ mủ cần được dẫn lưu kịp thời để tránh nhiễm trùng lan rộng.
Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ dịch ứ ở vòi trứng. Hầu hết các ca phẫu thuật được chỉ định cho bệnh nhân viêm buồng trứng đều được thực hiện với mục đích bảo tồn khả năng sinh sản.
Phòng ngừa
Bệnh viêm buồng trứng là tình trạng khá hiếm gặp nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và tác dụng phụ nghiêm trọng. Nữ giới trong độ tuổi sinh sản nên nâng cao hiểu biết về bệnh lý để có thể chủ động phòng ngừa.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm buồng trứng:
- Quan hệ tình dục an toàn là biện pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa viêm buồng trứng và các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Khi quan hệ, nên sử dụng bao cao su và chung thủy với 1 bạn tình.
- Khám phụ khoa định kỳ 1 năm/ lần để phát hiện sớm các vấn đề bất thường.
- Nếu bị viêm âm đạo, viêm cổ tử cung hoặc mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, cần điều trị tích cực để tránh nhiễm trùng lây lan.
- Thực hiện nạo hút thai, cấy vòng tránh thai ở những cơ sở uy tín.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách, không thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo.
- Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh để duy trì sự cân bằng của hệ vi sinh bên trong âm đạo.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi thường xuyên đau bụng dưới dữ dội liệu có phải là bị viêm buồng trứng?
2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh viêm buồng trứng?
3. Viêm buồng trứng có phải là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục?
4. Có cần điều trị cho cả đối tác? Thời gian bao lâu?
5. Bị viêm buồng trứng có ảnh hưởng đến khả năng mang thai?
6. Tôi có cần điều trị tại bệnh viện hay có thể điều trị tại nhà?
7. Bị viêm buồng trứng cần lưu ý gì khi sinh hoạt, chăm sóc?
Bệnh viêm buồng trứng là tình trạng tương đối hiếm gặp hơn so với các dạng viêm phần phụ khác. Dù vậy, nữ giới không nên chủ quan khi gặp phải bệnh lý này. Cần chú ý biểu hiện đau bụng dưới, sốt, buồn nôn, ra nhiều khí hư… để thăm khám và điều trị kịp thời.