Bệnh Tắc Vòi Trứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Phụ sảnTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh tắc vòi trứng xảy ra khi một hoặc cả hai ống dẫn trứng bị chít hẹp, tắc nghẽn. Tình trạng này thường do viêm phần phụ không được điều trị đúng cách. Có khá nhiều lựa chọn điều trị tùy thuộc vào số lượng vòi trứng bị chít hẹp, triệu chứng và mong muốn của bệnh nhân.

Tổng quan

Bệnh tắc vòi trứng (Blocked Fallopian Tubes) là tình trạng một trong hai vòi trứng bị chít hẹp hoặc tắc nghẽn hoàn toàn. Vòi trứng hay ống dẫn trứng là cơ quan quan trọng, nối liền giữa tử cung và buồng trứng. Chức năng của cơ quan này là dẫn trứng trưởng thành từ buồng trứng vào tử cung và vòi trứng cũng là vị trí trứng “gặp” tinh trùng để thụ tinh.

bệnh tắc vòi trứng
Bệnh tắc vòi trứng xảy ra một hoặc cả hai bên ống dẫn trứng bị tắc nghẽn, chít hẹp

Ống dẫn trứng có chiều dài khoảng 10 - 12cm nhưng chu vi chỉ bằng đầu nhỏ của một chiếc đũa. Do đó, không gian ở bên trong vòi trứng rất hạn chế. Khi bị tắc, chít hẹp, khả năng trứng và tinh trùng gặp nhau là rất thấp. Hiện nay ngoài lạc nội mạc tử cung và hội chứng đa nang buồng trứng, tắc vòi trứng cũng là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh - hiếm muộn ở nữ giới.

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ vô sinh, tắc vòi trứng còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như thai ngoài tử cung, đau vùng chậu mãn tính, giảm chất lượng đời sống tình dục… Vì mức độ nguy hiểm của bệnh, nữ giới nên nâng cao kiến thức về tắc vòi trứng để chủ động phòng ngừa và điều trị.

Phân loại bệnh

Tắc vòi trứng được chia thành hai loại là tắc vòi trứng 1 bên và tắc vòi trứng 2 bên:

Tắc vòi trứng 1 bên:

Đa phần các trường hợp mắc bệnh tắc vòi trứng chỉ bị chít hẹp, tắc nghẽn một bên ống dẫn trứng. Trường hợp này hoàn toàn có thể mang thai, vì nữ giới có đến hai buồng trứng và hai ống dẫn trứng. Nếu được điều trị, trứng và tinh trùng có thể gặp gỡ và thụ thai thành công.

Tắc vòi trứng 2 bên:

Tắc vòi trứng 2 bên là tình trạng cả hai bên vòi trứng bị tắc nghẽn, chít hẹp. Vì cả hai bên ống dẫn trứng bị tắc nên không có cơ hội để trứng và tinh trùng “gặp gỡ”. Phần lớn các trường hợp này đều bị vô sinh và chỉ có thể mang thai khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tắc ống dẫn trứng. Trong đó thường gặp nhất là viêm vòi trứng không được điều trị đúng cách. Ngoài ra, chít hẹp ống dẫn trứng cũng có liên quan đến các bệnh phụ khoa khác, thói quen vệ sinh và quan hệ tình dục bừa bãi.

Một số nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây viêm vòi trứng:

Viêm vòi trứng:

Viêm vòi trứng thường là biến chứng do viêm âm đạo, viêm cổ tử cung… không được điều trị đúng cách. Vi khuẩn vì thế xâm nhập vào vùng chậu gây viêm tử cung, buồng trứng và vòi trứng. Khi bị viêm dai dẳng, vòi trứng sẽ có hiện tượng chít hẹp và hình thành các mô sẹo gây tắc nghẽn.

nguyên nhân dẫn đến bệnh tắc vòi trứng
Viêm phần phụ hay cụ thể viêm vòi trứng là nguyên nhân phổ biến gây tắc ống dẫn trứng

Không điều trị dứt điểm các bệnh phụ khoa:

Không điều trị dứt điểm viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm cổ tử cung là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào ống dẫn trứng. Nhiễm trùng sẽ khiến cho không gian trong vòi trứng bị thu hẹp. Niêm mạc ống dẫn trứng bị phù nề, hình thành các mô sẹo và xơ hóa dần theo thời gian.

Lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục:

So với viêm âm đạo do nấm men và vi khuẩn thường trú, viêm nhiễm đường sinh dục do lậu cầu, Chlamydia, trùng roi Trichomonas viganalis… có nguy cơ gây biến chứng viêm vòi trứng cao hơn. Do đó, lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục được cho là yếu tố gia tăng nguy cơ bị tắc vòi trứng.

Nạo phá thai nhiều lần:

Tắc vòi trứng là biến chứng do nạo phá thai nhiều lần và phá thai không an toàn. Khi nạo hút thai, niêm mạc vòi trứng, tử cung ít nhiều sẽ bị tổn thương. Lâu dần, tổn thương sẽ hình thành mô sẹo gây chít hẹp và tắc nghẽn ống dẫn trứng.

Viêm nhiễm các cơ quan lân cận:

Đôi khi tắc vòi trứng có thể là biến chứng do viêm nhiễm các cơ quan lân cận như viêm ruột thừa, viêm đường tiết niệu… Nếu không kiểm soát tốt nhiễm trùng, vi khuẩn có thể tấn công vào phần phụ gây viêm, tắc vòi trứng.

Không đảm bảo vô khuẩn trong thủ thuật phụ khoa:

Các thủ thuật phụ khoa như đặt vòng tránh thai, nạo phá thai, test PAP, cắt polyp cổ tử cung… cần được vô trùng để tránh biến chứng. Nếu không đảm bảo vô khuẩn, vi khuẩn có thể gây viêm phần phụ, bao gồm viêm, tắc vòi trứng.

nguyên nhân dẫn đến bệnh tắc vòi trứng
Không đảm bảo vô khuẩn trong các thủ thuật phụ khoa sẽ làm gia tăng nguy cơ bị tắc vòi trứng

Lạc nội mạc tử cung:

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng tế bào bên trong lòng tử cung phát triển ở những vị trí bất thường như cổ tử cung, buồng trứng, bàng quang, đại tràng và vòi trứng. Trường hợp phát triển ở vòi trứng có thể gây ra tình trạng chít hẹp, tăng nghẽn gây cản trở quá trình thụ thai.

Các yếu tố nguy cơ:

Ngoài những nguyên nhân kể trên, nguy cơ mắc bệnh tắc vòi trứng có thể gia tăng khi có các yếu tố thuận lợi như:

  • Cấu trúc đường sinh dục bất thường (bẩm sinh bị chít hẹp vòi trứng)
  • Quan hệ tình dục bừa bãi, không có biện pháp bảo vệ, quan hệ thô bạo
  • Vệ sinh vùng kín không đúng cách (thụt rửa quá sâu, không vệ sinh hằng ngày, lạm dụng sản phẩm làm sạch vùng kín quá mức…)
  • Không thay băng vệ sinh thường xuyên
  • Không có thói quen khám phụ khoa định kỳ dẫn đến không phát hiện viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung. Lâu dần, vi khuẩn sẽ tấn công vào bên trong phần phụ gây tắc ống dẫn trứng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Tắc ống dẫn trứng sẽ làm cản trở quá trình rụng trứng. Do đó, nếu chú ý, nữ giới có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

nguyên nhân dẫn đến bệnh tắc vòi trứng
Tắc vòi trứng sẽ gây ra các triệu chứng như đau vùng chậu, tăng tiết dịch âm đạo, rối loạn kinh nguyệt...

Các dấu hiệu nhận biết bệnh tắc vòi trứng bao gồm:

  • Đau vùng chậu
  • Ra nhiều dịch tiết âm đạo, khí hư có mùi hôi
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Rối loạn kinh nguyệt với các biểu hiện như vòng kinh quá ngắn, quá dài, chu kỳ kinh không đều, rong kinh, tắc kinh. Máu kinh bị tắc nghẽn có màu đen, mùi hôi, vón cục.
  • Trường hợp tắc vòi trứng cấp tính sẽ có các biểu hiện rõ  rệt như đau vùng chậu dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, sốt cao…
  • Vô sinh - hiếm muộn là triệu chứng thường gặp ở nữ giới bị tắc vòi trứng. Vô sinh được xác định khi không thể mang thai trong vòng 1 năm mặc dù cả hai sinh hoạt đều đặn và không sử dụng biện pháp ngừa thai.
  • Một số nữ giới bị tắc vòi trứng còn có biểu hiện rối loạn tiêu hóa thường xuyên.

Tắc vòi trứng gây ra khá nhiều triệu chứng. Khi nhận thấy biểu hiện bất thường, nữ giới nên chủ động thăm khám để bảo vệ khả năng sinh sản và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Tương tự như các bệnh phụ khoa khác, bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng, tình trạng sinh sản, các yếu tố nguy cơ… để khoanh vùng những khả năng có thể xảy ra. Để chẩn đoán xác định tắc vòi trứng, chụp X-quang chuyên biệt (hysterosalpingogram (HSG)) sẽ được chỉ định.

nguyên nhân dẫn đến bệnh tắc vòi trứng
Nếu nghi ngờ bị tắc vòi trứng, cần thăm khám và điều trị sớm để tránh biến chứng

Với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ đặt chất cản quang vào cổ tử cung để đánh giá lòng tử cung và ống dẫn trứng. Nếu chất cản quang không thể đi qua vòi trứng, có thể xác định ống dẫn trứng đang bị tắc nghẽn, chít hẹp.

Do đường kính của vòi trứng khá nhỏ nên có 15% trường hợp dương tính giả với kỹ thuật chụp X-Quang có chất cản quang. Vì vậy, các kỹ thuật cận lâm sàng khác như siêu âm, nội soi tử cung, xét nghiệm máu… sẽ được thực hiện để có thêm dữ liệu cho công tác chẩn đoán.

Biến chứng và tiên lượng

Tắc vòi trứng là bệnh phụ khoa nguy hiểm cần được thăm khám và điều trị sớm. Những trường hợp phát hiện kịp thời có thể gia tăng tỷ lệ mang thai tự nhiên. Các triệu chứng như đau vùng chậu, rối loạn kinh nguyệt… cũng sẽ được cải thiện.

Ngược lại, nếu không điều trị đúng cách, tắc vòi trứng có thể gây vô sinh - hiếm muộn. Ống dẫn trứng có vai trò vận chuyển trứng trưởng thành xuống lòng tử cung, đây cũng là nơi để trứng và tinh trùng gặp nhau. Khi vòi trứng bị chít hẹp và tắc nghẽn, khả năng thụ thai sẽ giảm đi đáng kể. Nếu cả hai ống dẫn trứng đều bị tắc, nữ giới sẽ không thể mang thai tự nhiên.

nguyên nhân dẫn đến bệnh tắc vòi trứng
Tắc ống dẫn trứng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh - hiếm muộn ở nữ giới

Trường hợp nghiêm trọng hơn, ống dẫn trứng chỉ bị chít hẹp một phần. Lúc này, tinh trùng có thể đi vào và gặp trứng để thụ thai tạo thành hợp tử. Hợp tử có kích thước lớn hơn so với tinh trùng nên không thể di chuyển xuống lòng tử cung mà buộc phải làm tổ ở vòi trứng dẫn đến thai ngoài tử cung.

Thai ngoài tử cung là tình trạng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Trường hợp phôi thai làm tổ ở vòi ống dẫn trứng có thể gây vỡ vòi trứng, nhiễm trùng phúc mạc và tử vong.

Bản thân nữ giới bị tắc vòi trứng sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng. Chính vì vậy, cần phải khám phụ khoa định kỳ và tìm gặp bác sĩ ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường. Đặc biệt với nữ giới có ý định mang thai, nên khám tổng quát để rà soát các bệnh phụ khoa tiềm ẩn.

Điều trị

Điều trị bệnh tắc vòi trứng phụ thuộc số lượng vòi trứng bị chít hẹp và mong muốn của người bệnh. Các phương pháp được cân nhắc bao gồm:

Sử dụng thuốc

Trường hợp vòi trứng chỉ bị tắc một bên và một bên hoàn toàn khỏe mạnh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để kiểm soát viêm nhiễm. Nếu có ý định mang thai, thuốc hỗ trợ sinh sản sẽ được sử dụng để thúc đẩy phóng noãn, gia tăng tỷ lệ mang thai tự nhiên.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được cân nhắc khi cả hai bên vòi trứng đều bị tắc hoặc không có đáp ứng với điều trị bảo tồn. Mục đích của phẫu thuật là thông tắc vòi trứng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phải cắt bỏ vòi trứng nếu không thể thông tắc.

cách điều trị bệnh tắc vòi trứng
Trường hợp không có đáp ứng với điều trị bảo tồn sẽ được can thiệp ngoại khoa nhằm thông tắc ống dẫn trứng

Bơm hơi thông tắc vòi trứng

Bơm hơi thông tắc vòi trứng được thực hiện bằng cách bơm thuốc vào vòi trứng để cải thiện tình trạng chít hẹp và tắc nghẽn. Phương pháp này gây đau nhiều và hiệu quả kém nên ít được chỉ định trên lâm sàng.

Nội soi gỡ dính vòi trứng

Nội soi gỡ dính vòi trứng là can thiệp ngoại khoa được chỉ định phổ biến trong điều trị tắc ống dẫn trứng. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ thông qua nội soi để gỡ dính vòi trứng, thông tắc và loại bỏ mô sẹo. Sở dĩ nội soi gỡ dính vòi trứng được áp dụng phổ biến là nhờ vào tỷ lệ thành công cao (khoảng 85%).

Cắt và nối ống dẫn trứng

Trường hợp không thể gỡ dính vòi trứng, bác sĩ sẽ cắt bỏ đoạn ống dẫn trứng đó. Sau đó, sẽ nối ống dẫn trứng để đảm bảo đường đi của trứng. Phương pháp này mang lại hiệu quả khá cao nhưng chỉ được áp dụng nếu đoạn ống dẫn trứng bị tắc, chít hẹp không quá dài.

Cắt toàn bộ ống dẫn trứng

Cắt toàn bộ ống dẫn trứng được thực hiện để loại bỏ một hoặc cả hai vòi trứng. Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp tắc một hoặc hai vòi trứng, mang thai ngoài tử cung. Cắt vòi trứng đồng nghĩa với việc không thể mang thai tự nhiên. Dù vậy, các biện pháp hỗ trợ sinh sản sẽ giúp ích đáng kể.

Các biện pháp hỗ trợ sinh sản

Tắc vòi trứng là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ mang thai tự nhiên giảm đi đáng kể. Do đó, trường hợp muốn có thai sẽ cần can thiệp các biện pháp hỗ trợ sinh sản như:

Bơm tinh trùng vào tử cung (IUI)

IUI được thực hiện với nữ giới bị tắc một bên vòi trứng. Phương pháp này sẽ lọc lấy tinh trùng của người chồng, sau đó bơm vào tử cung của người vợ vào thời điểm có tỷ lệ thụ thai cao (trước thời điểm rụng trứng khoảng 12 - 24 giờ). Với sự hỗ trợ của IUI, tinh trùng và trứng có thể gặp gỡ, thụ thai.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là biện pháp tốt nhất cho phụ nữ bị tắc vòi trứng. Để tăng số lượng phôi, nữ giới cần dùng một số loại thuốc hỗ trợ sinh sản. Sau khi trứng trưởng thành, bác sĩ sẽ lấy trứng và tinh trùng cho kết hợp bên trong ống nghiệm.

Đợi đến thời điểm thích hợp, phôi được chuyển vào lòng tử cung để làm tổ và phát triển. Nếu thành công, thai nhi sẽ phát triển thuận lợi và chào đời.

Phòng ngừa

Tắc vòi trứng hoàn toàn có thể phòng ngừa. Tình trạng tắc nghẽn, chít hẹp ống dẫn trứng đa phần là do viêm nhiễm vùng chậu. Căn nguyên sâu xa là do các loại vi khuẩn, ký sinh trùng lây nhiễm qua đường tình dục. Vì vậy, có thể phòng ngừa bệnh tắc vòi trứng thông qua các biện pháp sau:

tắc ống dẫn trứng
Sử dụng bao cao su khi quan hệ để phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục và tránh có thai ngoài ý muốn

  • Điều trị dứt điểm các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung.
  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp bảo vệ để tránh lây nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng từ đối tác.
  • Chú ý vệ sinh vùng kín, thay băng vệ sinh thường xuyên trong thời gian hành kinh. Tuyệt đối không quan hệ tình dục khi đang có kinh nguyệt.
  • Nếu có ý định nạo phá thai, cần thực hiện ở các bệnh viện uy tín. Không nạo hút ở những phòng khám nhỏ, không đủ trình độ và cơ sở vật chất.
  • Phòng ngừa có thai ngoài ý muốn bằng cách sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai hằng ngày.
  • Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Đặc biệt là trong trường hợp khó đậu thai từ 3 - 6 tháng.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh tắc vòi trứng có cần phải thăm khám?

2. Những xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán bệnh tắc vòi trứng?

3. Tắc vòi trứng nên điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật?

4. Bị bệnh tắc vòi trứng có thể mang thai tự nhiên hay không?

5. Tỷ lệ mang thai khi bị tắc vòi trứng?

6. Khi nào nên thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản khi bị tắc vòi trứng?

7. Phụ nữ bị tắc vòi trứng cần lưu ý gì khi sinh hoạt, chăm sóc?

8. Bị tắc vòi trứng có cần phải tái khám? Khi nào cần thiết?

Bệnh tắc vòi trứng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh - hiếm muộn ở nữ giới. Bệnh cần được điều trị sớm để tránh nguy cơ tắc kinh, thai ngoài tử cung, giảm chức năng sinh sản. Điều trị sớm, tích cực sẽ giúp gia tăng hiệu quả, đồng thời tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian đáng kể.