Bệnh Viêm Âm Đạo

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Phụ sảnTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh viêm âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của nấm và các loại vi khuẩn kỵ khí thường trú. Tuy nhiên, bệnh cũng có liên quan đến các tác nhân lây nhiễm qua đường tình dục. Nguyên nhân đa dạng tạo nên hình thái bệnh, chẩn đoán và điều trị khác nhau.

Tổng quan

Viêm âm đạo (Vaginitis) là bệnh phụ khoa rất phổ biến ở nữ giới. Bệnh xảy ra khi vùng âm đạo bị sưng viêm dẫn đến tăng tiết dịch kèm theo nóng rát, ngứa ngáy, khó chịu. Viêm âm đạo thường liên quan đến các loại nấm men thường trú, đôi khi do vi khuẩn và trùng roi.

Trong một số trường hợp, viêm âm đạo còn do dị ứng, kích ứng với bao cao su, chất diệt tinh trùng, sản phẩm vệ sinh vùng kín… Một vài yếu tố thuận lợi như suy giảm miễn dịch, tác dụng phụ của kháng sinh toàn thân, ảnh hưởng của các bệnh rối loạn chuyển hóa sẽ khiến cho bệnh tiến triển dai dẳng, tái đi tái lại.

viêm âm đao la gi
Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo, đôi khi cả âm hộ bị viêm kèm theo tăng tiết dịch, ngứa ngáy, khó chịu

Theo thống kê, phụ nữ sẽ bị viêm âm đạo ít nhất một lần trong đời. Nếu chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng viêm cùng với các triệu chứng cơ năng sẽ được kiểm soát. Ngược lại, viêm âm đạo có thể tiến triển nặng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài.

Bên trong âm đạo có nhiều chủng vi trùng và nấm men. Tuy nhiên ở trạng thái bình thường, các vi trùng, nấm men này hoàn toàn không gây ra bệnh. Chỉ khi có sự thay đổi về độ pH âm đạo hoặc gia tăng glucose, các tác nhân này mới phát triển gây ra viêm âm đạo. Đây là lý do nữ giới cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau khi điều trị để tránh tình trạng tái phát nhiều lần.

Phân loại bệnh

Viêm âm đạo là tình trạng phổ biến nhất trong các loại viêm nhiễm đường sinh dục ở phụ nữ. Dựa vào căn nguyên, bệnh được chia thành 2 loại sau:

Viêm âm đạo do nhiễm trùng

Viêm âm đạo do nhiễm trùng là tình trạng niêm mạc âm đạo bị viêm do sự tấn công của nấm men, vi khuẩn kỵ khí, trực khuẩn gram âm... Hoặc cũng có thể là các loại vi khuẩn, ký sinh trùng lây nhiễm qua đường tình dục.

Viêm âm đạo không nhiễm trùng

Viêm âm đạo không nhiễm trùng là hiện tượng niêm mạc âm đạo bị viêm, tăng tiết dịch do các nguyên nhân không nhiễm trùng như dị ứng, kích ứng. Tình trạng này thường bắt nguồn từ thói quen vệ sinh vùng kín không cách, dị ứng với thành phần có trong bao cao su, chất diệt tinh trùng…

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm âm đạo là do nấm, vi khuẩn và trùng roi âm đạo (Trichomonas vaginalis). Một số ít trường hợp có thể xảy ra do những nguyên nhân khác. Các nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm âm đạo bao gồm:

Vi khuẩn

Khoảng 22 - 50% trường hợp bị viêm âm đạo là do vi khuẩn. Tác nhân gây bệnh thường là các loại vi khuẩn thường trú trong cơ thể như E. coli, tụ cầu vàng, vi khuẩn đường ruột hoặc một số vi khuẩn do lây nhiễm như liên cầu đường huyết beta.

Đôi khi viêm âm đạo có thể xảy ra do sự gia tăng, phát triển của vi khuẩn kỵ khí (Bacterial vaginosis). Các loại vi khuẩn này sinh sống trong môi trường âm đạo. Tuy nhiên, do độ pH âm đạo thay đổi, vi khuẩn có thể sinh sôi gây viêm niêm mạc kèm theo tăng dịch tiết, ngứa ngáy… Vi khuẩn kỵ khí gây viêm âm đạo thường là Mycoplasma hominis, Gardnerella vaginalis, Mobiluncus, Bacteroid species…

nguyên nhân viêm âm đạo
Vi khuẩn là tác nhân phổ biến nhất gây bệnh viêm âm đạo

Viêm âm đạo còn có thể do các loại vi khuẩn lây nhiễm qua đường tình dục như lậu cầu, Chlamydia, Mycoplasma Genitalium… Trường hợp viêm âm đạo do các chủng vi khuẩn này thường đi kèm với tình trạng tiểu ra máu, tiểu khó, tiểu buốt.

Viêm âm đạo do vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến. Tuy nhiên, có rất nhiều chủng vi khuẩn gây bệnh, trong đó có thể phân loại thành 3 nhóm là vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn lây nhiễm qua đường tình dục và vi khuẩn thông thường.

Nấm men

Ngoài vi khuẩn, nấm men cũng là nguyên nhân khá phổ biến gây ra bệnh viêm âm đạo. Khoảng 7 - 39% trường hợp bị viêm âm đạo do Candida albicans. Loại nấm này có hình bầu dục hoặc hình cầu sinh sống tự nhiên trong hệ tiêu hóa và âm đạo. Ở trạng thái bình thường, nấm không gây ra bất cứ triệu chứng nào.

Do một vài yếu tố, môi trường bên trong âm đạo thay đổi làm nấm Candida albicans phát triển đột ngột gây viêm âm đạo. Viêm âm đạo do nấm ít gây ra biến chứng nhưng dễ tiến triển dai dẳng, tái phát nhiều lần nếu không chủ động phòng ngừa.

Trùng roi Trichomonas vaginalis

Ngoài nấm và vi khuẩn, ký sinh trùng cũng là nguyên nhân gây viêm âm đạo. Trong đó, Trichomonas vaginalis là tác nhân thường gặp nhất. Loại ký sinh trùng này thường lây nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn. Tỷ lệ lây truyền Trichomonas vaginalis rất cao với 70% trường hợp lây nhiễm chỉ sau một lần giao hợp.

bệnh viêm âm đạo
Quan hệ tình dục không an toàn là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm âm đạo

Ngoài nguyên nhân trực tiếp, nguy cơ mắc bệnh cũng gia tăng khi có các yếu tố thuận lợi như:

  • Đặt dụng cụ tránh thai
  • Âm đạo, âm hộ thường xuyên ẩm ướt (vệ sinh kém, mặc quần lót có chất liệu dày, cứng, khó thấm hút, nhiệt độ cơ thể cao, mặc quần lót còn ướt…)
  • Vệ sinh vùng kín không đúng cách (lạm dụng dung dịch vệ sinh vùng kín quá mức, thụt rửa sâu, vệ sinh từ sau ra trước khiến vi khuẩn từ hậu môn, niệu đạo đi vào bên trong âm đạo…)
  • Sử dụng kháng sinh phổ rộng, kéo dài gây rối loạn hệ vi sinh bên trong âm đạo
  • Nhiễm HIV
  • Suy giảm miễn dịch do căng thẳng, tiểu đường, suy nhược…
  • Rối loạn chuyển hóa (rối loạn chuyển hóa sắt, rối loạn chuyển hóa tuyến giáp, tiểu đường…)
  • Các yếu tố làm gia tăng/ sụt giảm hormone estrogen như mang thai, mãn kinh, sử dụng thuốc tránh thai kết hợp, can thiệp liệu pháp hormone…
  • Quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ thô bạo, sử dụng đồ chơi tình dục gây tổn thương, kích ứng niêm mạc âm đạo…

Viêm âm đạo có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ đã quan hệ tình dục và nữ giới sau mãn kinh. Nữ giới dưới 18 tuổi chưa hoạt động tình dục ít mắc phải bệnh lý này.

Triệu chứng và chẩn đoán

Viêm âm đạo có triệu chứng khá rõ rệt. Dấu hiệu đầu tiên là tăng tiết dịch âm đạo bất thường kèm theo ngứa ngáy, nóng rát. Tùy theo nguyên nhân cụ thể, triệu chứng sẽ có sự khác biệt về mức độ và biểu hiện lâm sàng.

nguyên nhân bệnh viêm âm đạo
Viêm âm đạo đặc trưng bởi triệu chứng tăng tiết dịch bất thường, vùng kín ngứa, nóng rát, xung huyết...

Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm âm đạo bao gồm:

  • Tăng tiết dịch âm đạo bất thường (không phải trong thời kỳ rụng trước và trước kinh nguyệt).
  • Huyết trắng thường có màu trắng đục mùi hôi tanh, đôi khi có lẫn mủ
  • Ngứa ngáy âm hộ
  • Đau ở bên trong âm đạo
  • Có cảm giác kích thích, ngứa ngáy, nóng rát
  • Đau khi quan hệ
  • Tiểu rát, tiểu nhiều lần
  • Bên ngoài môi bé, môi lớn có thể bị đỏ và phù nề
  • Chảy máu âm đạo nhẹ

Triệu chứng của bệnh viêm âm đạo có sự khác biệt tùy theo nguyên nhân. Cụ thể như sau:

Viêm âm đạo do vi khuẩn:

  • Triệu chứng điển hình là huyết trắng ra nhiều, tanh mùi cá (đặc biệt rõ rệt sau khi giao hợp).
  • Nếu do tạp khuẩn sẽ đi kèm với hiện tượng âm hộ xung huyết, ngứa, đỏ, khí hư có màu trắng, đôi khi có màu vàng và có lẫn ít máu.
  • Trường hợp do vi khuẩn thường trú (các chủng vi khuẩn kỵ khí sinh sống trong âm đạo) sẽ có biểu hiện đặc trưng là âm hộ - âm đạo ngứa, khó chịu..
  • Viêm âm đạo do các loại vi khuẩn lây nhiễm qua đường tình dục thường gây đau khi giao hợp, ngứa rát, ra nhiều khí hư có mùi hôi. Kèm theo là tiểu ra máu, khó tiểu, tiểu buốt và tiết dịch niệu đạo.

Viêm âm đạo do trùng roi âm đạo (Trichomonas vaginalis):

  • Huyết trắng có mủ kèm theo mùi hôi, khí hư có thể có màu vàng, xanh, sủi bọt
  • Dịch âm đạo tiết nhiều
  • Có thể kèm theo hiện tượng ngứa âm hộ
  • Ra máu bất thường

Viêm âm đạo do nấm:

  • Âm hộ, môi lớn, môi bé có hiện tượng đỏ và phù nề
  • Âm đạo đau, kích thích, ngứa
  • Đau khi giao hợp
  • Tăng tiết dịch âm đạo, đặc điểm là huyết trắng có màu trắng đục như váng sữa

Tuy nhiên, có khoảng 20% nữ giới bị viêm âm đạo do nấm hoàn toàn không có triệu chứng.

Khi nào cần khám bác sĩ?

Nếu nhận thấy âm đạo tăng tiết dịch, khí hư có mùi hôi, ngứa ngáy đi kèm với các triệu chứng bất thường như âm hộ xung huyết, đau khi giao hợp… nên tìm gặp bác sĩ Sản phụ khoa để được chẩn đoán. Viêm âm đạo là bệnh phụ khoa thường gặp, ít gây nguy hiểm nhưng dễ tái đi tái lại nếu không có biện pháp điều trị và chăm sóc đúng cách.

biểu hiện bệnh viêm âm đạo
Khi xuất hiện các biểu hiện của bệnh viêm âm đạo, cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán viêm âm đạo bao gồm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Ban đầu, bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng bạn gặp phải, sau đó khai thác yếu tố nguy cơ (từng có tiền sử bị viêm âm đạo hay chưa, đời sống tình dục, có dùng kháng sinh hay corticoid không…) và khám âm đạo. Khâu hỏi bệnh giúp bác sĩ khoanh vùng các khả năng có thể xảy ra.

Sau đó, các kỹ thuật cận lâm sàng như soi tươi với KOH 10%, nhuộm gram, phân tích dịch tiết âm đạo,... sẽ được thực hiện. Trong đó, soi tươi là kỹ thuật có giá trị cao nhất trong chẩn đoán bệnh viêm âm đạo.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm âm đạo là bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ. Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều không đáng lo ngại, vì nguyên nhân chủ yếu là do nấm và các loại vi khuẩn kỵ khí thường trú. Nếu được điều trị sớm và đúng cách, viêm âm đạo có thể được kiểm soát nhanh chóng, ít tái phát.

Viêm âm đạo do trùng roi âm đạo và các loại vi khuẩn lây nhiễm qua đường tình dục cần được điều trị nghiêm ngặt. Trong thời gian điều trị, phải kiêng quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm cho bạn tình. Trường hợp nghi ngờ bị lây nhiễm từ đối tác, nên điều trị kết hợp để phòng ngừa tái phát.

biểu hiện bệnh viêm âm đạo
Bệnh viêm âm đạo không được điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng, đặc biệt là trong thời gian mang thai

Các triệu chứng của bệnh viêm âm đạo gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống, ảnh hưởng đến giấc ngủ, hiệu suất làm việc và các hoạt động hằng ngày. Đặc biệt, viêm âm đạo khi mang thai là tình trạng đáng lo ngại. Nếu không điều trị sẽ làm gia tăng các biến chứng thai kỳ như thai nhi phát triển chậm, nhẹ cân, viêm da, viêm phổi, nặng có thể gây sinh non, bé bị viêm nặng và tử vong.

Ngoài ra, viêm âm đạo không được điều trị sẽ tiến triển gây viêm cổ tử cung. Tác nhân gây nhiễm trùng có thể xâm nhập vào bên trong lòng tử cung gây viêm tắc vòi trứng, viêm buồng trứng…. đe dọa đến khả năng sinh sản. Trong trường hợp nghiêm trọng, viêm âm đạo có thể gây vô sinh - hiếm muộn.

Mặc dù là bệnh thường gặp nhưng viêm âm đạo là vấn đề đáng lo ngại, cần phải thăm khám và điều trị tích cực. Vì tác nhân gây bệnh đôi khi là vi khuẩn và các loại nấm thường trú nên phải thực hiện song song với các biện pháp phòng ngừa.

Điều trị

Viêm âm đạo xảy ra do rất nhiều nguyên nhân nên hình thái bệnh, cách chẩn đoán và điều trị cũng có sự khác nhau. Phương pháp điều trị được chỉ định sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào tác nhân gây bệnh.

Điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn

Với viêm âm đạo do vi khuẩn, kháng sinh sẽ được chỉ định. Tuy nhiên, cần phải soi tươi dịch tiết âm đạo với KOH 10% để tìm tác nhân chính xác. Sau khi tìm ra loại vi khuẩn, bệnh nhân sẽ được điều trị theo kháng sinh đồ.

biểu hiện bệnh viêm âm đạo
Điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn có thể dùng thuốc bôi, thuốc uống, thuốc đặt

Viêm âm đạo do vi khuẩn kỵ khí (các chủng vi khuẩn thường trú bên trong âm đạo):

Các loại kháng sinh được sử dụng phổ biến bao gồm:

  • Metronidazol 400mg/ 2 lần/ ngày, mỗi liều cách nhau 12 giờ, dùng liên tục trong vòng 7 ngày
  • Hoặc sử dụng Gel Clindamycin 2% thoa ngoài âm đạo trước khi ngủ, dùng 7 ngày
  • Hoặc dùng Gel Metronidazole 0.75% bôi ngoài âm đạo trước khi ngủ, sử dụng đều đặn 5 ngày

Trường hợp điều trị cho phụ nữ mang thai sẽ dùng các loại kháng sinh sau:

  • Clindamycin 300mg/ 2 lần/ ngày, mỗi liều cách nhau 12 giờ, uống trong 7 ngày
  • Hoặc sử dụng Gel Clindamycin 2% bôi ngoài âm đạo trước khi ngủ, dùng đều đặn 7 ngày

Viêm âm đạo do các vi khuẩn lây nhiễm qua đường tình dục (lậu cầu, Chlamydia, Mycoplasma Genitalium):

  • Kháng sinh dùng để điều trị viêm âm đạo do Chlamydia: Doxycyclin 100mg mỗi 12 giờ x 10 ngày hoặc Azithromycin 1g liều duy nhất.
  • Kháng sinh dùng trong điều trị bệnh viêm âm đạo do lậu cầu: Ceftriaxon 500mg tĩnh mạch liều duy nhất kết hợp với 1 trong 2 loại kháng sinh. Thứ nhất là Doxycyclin 100mg mỗi 12 giờ x 10 ngày, thứ hai là Azithromycin 1g liều duy nhất.
  • Kháng sinh dùng trong điều trị viêm âm đạo do Mycoplasma Genitalium: Azithromycin 250mg/lần/ ngày x 5 ngày.  Hoặc dùng Doxycyclin 100mg mỗi 12 giờ x 7 ngày. Trường hợp không có đáp ứng sẽ dùng Moxifloxacin 400mg mỗi 24 giờ x 10 ngày.

Điều trị viêm âm đạo do trùng roi Trichomonas vaginalis

Trùng roi Trichomonas vaginalis lây nhiễm qua đường tình dục. Nếu cần thiết, nếu điều trị cho cả đối tác (ngay cả trong trường hợp đối tác không có triệu chứng).

Các loại thuốc dùng trong điều trị viêm âm đạo do trùng roi:

  • Metronidazole 500mg x 2 lần/ngày (uống) x 7 ngày hoặc Metronidazole 2g uống một liều duy nhất.
  • Nếu không có đáp ứng, dùng Metronidazole 2g/ lần/ ngày x 3 - 5 ngày.
  • Metronidazole Gel không được khuyến cáo dùng trong trường hợp này vì không mang lại hiệu quả.

Điều trị viêm âm đạo do nấm

Có rất nhiều loại nấm men gây viêm âm đạo, trong đó chiếm 85 - 90% là do nấm Candida Albicans. Với tác nhân là nấm men, thuốc bôi và thuốc đặt thường được ưu tiên. Tuy nhiên, song song với dùng thuốc, cần thực hiện phòng ngừa tốt vì có khoảng 45% nữ giới bị tái phát viêm âm đạo do nấm nhiều hơn 2 lần/ năm.

biểu hiện bệnh viêm âm đạo
Thuốc đặt chống nấm thường được dùng trong điều trị viêm âm đạo do nấm

Các loại thuốc được dùng trong điều trị viêm âm đạo do nấm:

  • Gel Butoconazole 2% thoa âm đạo, dùng 5g/ ngày x 3 ngày
  • Clotrimazole cream 15% thoa âm đạo, dùng 5g/ ngày x 3 ngày. Hoặc Clotrimazole 100mg đặt âm đạo/ lần/ ngày x 7 ngày hoặc Clotrimazole 100mg đặt âm đạo/ 2 lần/ ngày x 3 ngày. Có thể dùng Clotrimazole 500mg đặt âm đạo một liều duy nhất.
  • Ticonazole cream 6.5% thoa âm đạo, dùng 5g liều duy nhất
  • Miconazole cream 2% thoa âm đạo, 5g/ ngày x 3 ngày. Trường hợp dùng viên đặt, nên dùng Miconazole 200mg/ ngày x 3 ngày. Hoặc dùng Miconazole 100mg đặt âm đạo trong vòng 7 ngày.
  • Nystatin đặt âm đạo 100.000IU/ 1 viên/ ngày x 14 ngày.

Có khá nhiều kháng sinh chống nấm được sử dụng trong điều trị viêm âm đạo. Trong đó, Nystatin và Clotrimazole là hai loại được sử dụng phổ biến nhất.

Trường hợp bị viêm âm đạo, âm hộ do nấm mãn tính, bác sĩ sẽ cấy nấm để làm kháng sinh đồ. Điều trị bao gồm:

  • Ketoconazole 400mg/ngày hoặc Fluconazole 200mg/ngày
  • Sau đó, cần điều trị duy trì Ketoconazole 100mg/tuần x 6 tháng hoặc Fluconazole 150mg/tuần x 6 tháng để tránh tái phát

Viêm âm đạo có thể tiến triển thành viêm cổ tử cung, đặc biệt là những trường hợp do lậu cầu và Chlamydia trachomatis. Nếu có biểu hiện viêm cổ tử cung, bác sĩ sẽ soi tươi để làm kháng sinh đồ phù hợp.

Viêm âm đạo không nhiễm trùng

Trong một số trường hợp, viêm âm đạo xảy ra không do các tác nhân nhiễm trùng. Nguyên nhân chủ yếu là giảm estrogen sau mãn kinh gây ra tình trạng teo âm đạo. Hoặc dị ứng, kích ứng với băng vệ sinh, bột giặt, sản phẩm vệ sinh vùng kín…

Với viêm âm đạo không nhiễm trùng, cần loại trừ các yếu tố thuận lợi. Sau đó, có thể bổ sung TPCN giúp cân bằng hệ vi sinh trong âm đạo để giảm triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Kem bôi âm đạo, viên nén chứa estrogen có thể được cân nhắc để cải thiện viêm teo âm đạo liên quan đến mãn kinh.

Lưu ý khi điều trị bệnh viêm âm đạo

Viêm âm đạo là bệnh phụ khoa vô cùng phổ biến ở nữ giới. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh có thể tái đi tái lại gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Bên cạnh sử dụng thuốc, khi điều trị viêm âm đạo cần phải lưu ý thêm những vấn đề sau:

  • Vệ sinh vùng kín đúng cách, không thụt rửa sâu và chỉ dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ tối đa 1 lần/ ngày. Nếu phải làm sạch vùng kín thường xuyên, có thể dùng nước ấm hoặc nước sạch thông thường.
  • Kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị.
  • Nên điều trị cho đối tác (dù không có triệu chứng), đặc biệt là trường hợp viêm âm đạo do trùng roi Trichomonas vaginalis, lậu cầu, Chlamydia...
  • Uống nhiều nước, bổ sung rau xanh, các loại trái cây giàu vitamin C và sữa chua để tăng cường miễn dịch. Đồng thời giúp cân bằng hệ vi sinh trong âm đạo, hạn chế sự phát triển quá mức của nấm men và vi khuẩn kỵ khí.
  • Mặc quần lót chất liệu cotton, trang phục rộng rãi, thoáng, thấm hút mồ hôi tốt.
  • Đổi các sản phẩm nghi ngờ gây dị ứng, kích ứng như bao cao su, chất diệt tinh trùng, sữa tắm, bột giặt, dung dịch vệ sinh phụ nữ…
  • Hạn chế căng thẳng, stress cũng hỗ trợ đáng kể trong điều trị viêm âm đạo. Bởi tinh thần stress có thể làm thay đổi pH âm đạo và kích thích nấm Candida albicans phát triển quá mức.

Phòng ngừa

Viêm âm đạo rất dễ tái phát, đặc biệt là trường hợp do nhiễm nấm và các loại vi khuẩn thường trú. Do đó, sau điều trị, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sau:

điều trị bệnh viêm âm đạo
Vệ sinh vùng kín đúng cách là biện pháp đơn giản giúp phòng ngừa viêm âm đạo hiệu quả

  • Vệ sinh vùng kín đúng cách, không thụt rửa, không lạm dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ.
  • Chọn các sản phẩm vệ sinh vùng kín lành tính, độ pH cân bằng từ 5 - 6.
  • Thay băng vệ sinh sau 3 - 4 giờ/ lần.
  • Chú ý vệ sinh vùng kín trong thời gian hành kinh, trước và sau khi quan hệ.
  • Mặc quần lót có chất liệu cotton thấm hút và thay quần lót ít nhất 1 lần/ ngày. Nên giặt, phơi quần lót dưới ánh nắng để tránh ẩm ướt.
  • Thay quần lót định kỳ 3 - 6 tháng/ lần tùy theo tần suất mặc.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể phòng ngừa viêm âm đạo. Nên hạn chế đường, muối, chất béo, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống chứa cồn và caffeine. Ưu tiên rau xanh, trái cây, các loại ngũ cốc và thực phẩm giàu probiotics.
  • Kiểm soát tốt các vấn đề sức khỏe có thể gia tăng nguy cơ viêm âm đạo như rối loạn tuyến giáp, tiểu đường…
  • Phụ nữ mang thai cần chú ý vệ sinh vùng kín, ăn uống hợp lý để phòng ngừa viêm âm đạo do nấm. Ngoài ra, nên khám phụ khoa định kỳ 3 tháng/ lần trong thai kỳ.
  • Bổ sung probiotics cho âm đạo bằng cách uống kombucha, ăn sữa chua hoặc sử dụng TPCN.
  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm trùng roi, lậu cầu, Chlamydia…
  • Khám phụ khoa định kỳ 1 lần/ năm để phát hiện sớm các bệnh phụ khoa nói chung và viêm âm đạo nói riêng.
  • Khi đi vệ sinh, cần lau từ trước ra sau. Không làm ngược lại vì có thể “vô tình” đưa vi khuẩn từ hậu môn, niệu đạo vào bên trong âm đạo, âm hộ.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Có thể tự điều trị viêm âm đạo bằng thuốc không kê toa hay không?

2. Cần thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán bệnh viêm âm đạo?

3. Vì sao tôi bị viêm âm đạo?

4. Nên sử dụng loại thuốc nào để điều trị bệnh viêm âm đạo?

5. Điều trị viêm âm đạo mất bao lâu? Chi phí khoảng bao nhiêu?

6. Trường hợp nào nên điều trị cho cả đối tác?

7. Các biện pháp chăm sóc nên thực hiện khi điều trị viêm âm đạo?

8. Viêm âm đạo tái đi tái lại làm sao để phòng ngừa?

9. Nếu gặp tác dụng phụ khi điều trị, phải làm sao?

Viêm âm đạo là bệnh phụ khoa thường gặp và nữ giới sẽ mắc phải bệnh lý này ít nhất 1 lần trong đời. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng với yếu tố thuận lợi là vệ sinh vùng kín kém, hệ miễn dịch suy giảm và quan hệ tình dục không an toàn. Để tránh bệnh tiến triển nặng, nên điều trị tích cực kết hợp với chăm sóc và chủ động phòng ngừa.