Bệnh Ung Thư Môi

Ung thư môi là một trong những dạng phổ biến của ung thư miệng. Đặc trưng bởi những tổn thương xảy ra ở môi và các vùng da xung quanh môi. Tổn thương này thường trải qua nhiều giai đoạn cụ thể dựa vào đặc điểm khối u và khả năng di căn. Ung thư môi ít gây tử vong vì đa số trường hợp đều được phát hiện và điều trị sớm. 

Tổng quan

Ung thư môi (Lip Cancer) có thể xảy ra ở cả hai bờ môi, nhưng phổ biến nhất là ở môi dưới. Tổn thương ung thư môi là sự đột biến bất thường của các tế bào vượt ngoài tầm kiểm soát, tích tụ dần thành khối u lành hoặc ác tính trên môi.

Ung thư môi là dạng ung thư miệng phổ biến nhất, môi dưới dễ phát triển ung thư hơn môi trên

Theo thống kê, bệnh ung thư môi là dạng phổ biến nhất trong tất cả các bệnh ung thư miệng. Chiếm khoảng 0.6% tổng số các ca mắc ung thư tại Hoa Kỳ. Ước tính có khoảng 40.000 trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư môi mỗi năm.

Ung thư môi có thể ảnh hưởng đến bất kỳ đối tượng nào. Nhưng theo các tài liệu ghi nhận, đa số các trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư môi là nam giới trên 50 tuổi, người có làn da sáng. Ngoài ra, thói quen nghiện hút thuốc lá, rượu bia và thường xuyên để môi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Phân loại

Tương tự như nhiều dạng ung thư khác, ung thư môi được chia làm nhiều dạng khác nhau, dựa vào vị trí tế bào khởi phát bất thường. Bao gồm 3 loại chính sau:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy:  Đây là loại ung thư môi phổ biến nhất. Nó là một loại ung thư da không phải ác tính, bắt nguồn phát triển từ các tế bào vảy dọc theo da môi.
  • Ung thư biểu mô tế bào đáy: Loại ung thư này ít phổ biến hơn tế bào vảy. Phát triển từ tầng sâu nhất của da, đây là nơi các tế bào đáy hình thành.
  • Khối u ác tính: Đây là dạng ung thư môi nguy hiểm nhất, rất may là ít phổ biến hơn so với 2 loại trên. Nó là những khối u ác tính phát triển trong các tế bào sản xuất hắc tố của môi hoặc bên trong khoang miệng rồi lây lan đến môi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây ung thư môi vẫn chưa được xác định rõ. Cho đến nay, các công trình nghiên cứu về nguyên nhân gây ung thư vẫn còn nhiều điều chưa thể lý giải. Nhưng nhìn chung, sự khởi phát của các tế bào ung thư bắt đầu từ chính những tế bào khỏe mạnh bình thường. Chúng đột biến ngẫu nhiên hoặc di truyền trong chính DNA.

Những thay đổi này khiến các tế bào của môi không thể hoạt động bình thường. Chỉ phát triển nhân lên mà không chết đi, lâu ngày dẫn đến tích tụ tạo thành khối u. Những khối u này có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ, xâm lấn và phá hủy cấu trúc, chức năng môi. Đặc biệt, u ác tính có khả năng di căn đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể rất nguy hiểm.

Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là tác nhân phổ biến gây ung thư môi

Tuy chưa thể xác định nguyên nhân, nhưng có rất nhiều yếu tố nguy cơ được liệt kê có liên quan đến sự khởi phát của căn bệnh này. Bao gồm:

  • Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời;
  • Nghiện hút thuốc lá dưới mọi hình thức như thuốc lá điếu, xì gà, tẩu, nhai...;
  • Uống nhiều rượu;
  • Chế độ ăn uống kém dinh dưỡng;
  • Vệ sinh răng miệng kém;
  • Người trên 40 tuổi và giới tính nam;
  • Người có làn da trắng sáng;
  • Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch (chẳng hạn như nhiễm virus gây u nhú ở người HPV);
  • Yếu tố di truyền, tiền sử gia đình có người mắc ung thư môi hoặc các dạng ung thư da khác;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng của ung thư môi có thể xuất hiện ở cả 1 hoặc 2 bờ môi. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, chúng thường ảnh hưởng đến môi dưới nhiều hơn môi trên.

Các khối u sưng cứng, vết loét khó lành trên môi, gây đau, thay đổi màu sắc môi là những dấu hiệu điển hình của ung thư môi

Một số triệu chứng ung thư môi thường gặp như:

  • Xuất hiện khối u sưng cứng ở môi, khiến môi dày lên bất thường;
  • Cảm giác đau, tê khó chịu tại chỗ hoặc xung quanh miệng;
  • Hình thành vết loét trên miệng;
  • Các mảng trắng, đỏ trên môi hoặc vùng da xung quanh môi;
  • Môi chảy máu bất thường;
  • Sưng cứng hàm;
  • Kèm theo các triệu chứng toàn thân như sụt cân đột ngột, mệt mỏi, chán ăn...;

Các chuyên gia cho biết, các triệu chứng ung thư môi kể trên chỉ là những triệu chứng cơ bản. Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể, bệnh nhân mắc dạng ung thư, giai đoạn và màu da khác nhau mà các triệu chứng sẽ biểu hiện rõ rệt hơn. Điều quan trọng là bệnh nhân cần phải thông báo ngay cho chuyên gia y tế ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường ở môi và xung quanh vùng miệng.

Chẩn đoán

Theo Hệ thống TNM của Ủy ban Hỗn hợp Ung thư Hoa Kỳ (AJCC), bệnh ung thư miệng nói chung và ung thư môi nói riêng được phân chia thành từng giai đoạn cụ thể, ký hiệu từ giai đoạn 0 - giai đoạn 4. Việc phân chia này phụ thuộc vào các yếu tố như tính chất, mức độ của khối u nguyên phát (T), mức độ liên quan đến các hạch bạch huyết (N) và mức độ di căn, lan rộng (M).

Cụ thể đặc điểm nhận biết của từng giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 0: Các tế bào ung thư chỉ vừa hình thành, còn nằm giới hạn ở lớp tế bào trên cùng của môi.
  • Giai đoạn 1: Khối u ung thư tiến triển hơn, kích thước < 2cm và chưa có khả năng xâm lấn xuống các mô bên dưới.
  • Giai đoạn 2: Tế bào ung thư bắt đầu phát triển nhanh, khiến khối u tăng kích thước, dao động từ 2 - 4cm. Tuy nhiên chúng vẫn chưa thể lấn sâu vào các mô bên dưới.
  • Giai đoạn 3: Khối u có đường kính lớn hơn 4cm hoặc đã bắt đầu lan sang các hạch bạch huyết lân cận.
  • Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn tiến triển nặng nhất của ung thư môi. Được chia làm 3 giai đoạn nhỏ gồm:
    • Giai đoạn 4A: Khối u ung thư phát triển và lan sang các xương xung quanh và các dây thần kinh phế nang trong xương hàm, sàn miệng hoặc vùng da xung quanh miệng;
    • Giai đoạn 4B và 4C được phân loại là giai đoạn ung thư tiến triển nghiêm trọng nhất với các triệu chứng, biến chứng nặng;

Chẩn đoán ung thư môi chủ yếu nhằm mục đích xác nhận lại bệnh và đưa ra kết luận về giai đoạn tiến triển, tiên lượng cũng như tư vấn phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Sinh thiết mô mềm là biện pháp tiêu chuẩn để chẩn đoán xác nhận ung thư môi

Quá trình chẩn đoán ung thư môi thường trải qua các bước sau:

  • Khám thực thể: Bác sĩ thường bắt đầu bằng một cuộc kiểm tra đánh giá chung về những thay đổi về sức khỏe và thể chất, các bất thường ở môi và xung quanh miệng. Kết hợp soi kỹ vào miệng, mặt và cổ để kiểm tra các dấu hiệu ung thư. Đồng thời, đặt các câu hỏi liên quan về tiền sử ung thư của bản thân, gia đình, thói quen sinh hoạt, ăn uống...
  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC): Trong hầu hết các trường hợp, khi chưa thể xác định được căn nguyên bệnh lý là gì. Bác sĩ thường yêu cầu lấy mẫu máu để làm xét nghiệm công thức máu toàn bộ trước tiên. Kết quả xét nghiệm này có thể cho thấy sự tăng hoặc giảm bất thường các chỉ số quan trọng liên quan đến tế bào máu. Đem lại giá trị cao để chẩn đoán nhiều tình trạng sức khỏe, bao gồm cả ung thư môi.
  • Sinh thiết: Nếu nghi ngờ mắc bệnh ung thư môi, bắt buộc phải lấy mẫu mô mềm tại môi để làm sinh thiết. Mục đích nhằm xác nhận hoặc loại trừ chẩn đoán.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Các kỹ thuật hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron PET cũng được chỉ định thực hiện khi đã có kết quả xác nhận mắc ung thư môi. Kết quả hình ảnh của các xét nghiệm này giúp đánh giá mức độ ung thư đến đâu, có lan ra ngoài môi hay chưa.
  • Nội soi: Khi phát hiện tế bào ung thư lan ra ngoài môi, có thể thực hiện kỹ thuật cuối là nội soi. Được thực hiện bằng cách đưa một ống nhỏ, mềm và linh hoạt có gắn camera đi xuống cổ họng để quan sát, tìm kiếm các dấu hiệu ung thư.

Biến chứng và tiên lượng

Ung thư môi  là dạng ung thư khoang miệng phổ biến nhất. Tương tự như nhiều dạng ung thư miệng khác, các biến chứng của bệnh xảy ra chủ yếu liên quan đến việc không điều trị sớm, điều trị không đúng cách và mức độ di căn, lan rộng của khối u.

Ngoài ra, trong một vài trường hợp, biến chứng ung thư môi có thể xuất phát từ tác dụng phụ của việc điều trị. Chẳng hạn như:

  • Mệt mỏi
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Buồn nôn, nôn ói
  • Rụng tóc
  • Thiếu máu
  • Da khô ráp
  • Chán ăn
  • Sụt cân
  • Đau họng
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng

So với tất cả những dạng ung thư miệng khác, ung thư môi có tỷ lệ tử vong thấp hơn. Nguyên nhân là do môi nằm ở vị trí dễ nhìn thấy hàng ngày, nên khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sẽ dễ dàng phát hiện và điều trị ngay. Nếu được điều trị tích cực, bệnh nhân ung thư môi giai đoạn đầu có thể hồi phục nhanh chóng trong vòng 3 tuần. Hoặc vài tháng nếu phải tiếp nhận xạ trị, hóa trị.

Tiên lượng và tỷ lệ sống sót phụ thuộc vào điều trị đầy đủ và kịp thời, điều trị càng sớm tiên lượng càng cao

Tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân ung thư môi sau 5 năm là khoảng 84 - 92% đối với những giai đoạn đầu. Tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 39 - 66% đối với những trường hợp bệnh di căn rộng sang các cơ quan xa trong cơ thể. Các chuyên gia cũng thông tin rằng, sau điều trị, những bệnh nhân có tỷ lệ tái phát sớm thường có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

Ngoài các biến chứng về sức khỏe thể chất, tuổi thọ, bệnh nhân mắc ung thư môi cũng chịu những tác động tiêu cực về tâm lý. Việc này thường xuất phát từ việc chưa chấp nhận việc bản thân bị ung thư, cộng với các biến chứng của bệnh, tác dụng phụ khi điều trị. Tất cả những yếu tố này kéo dài và gây tàn phá sức khỏe tinh thần của bệnh nhân, suy giảm trầm trọng chất lượng cuộc sống.

Điều trị

Không có bất kỳ loại thuốc hay phương pháp đặc hiệu nào điều trị khỏi bệnh ung thư nói chung và ung thư môi nói riêng. Dựa vào kết quả chẩn đoán, loại tế bào ung thư, giai đoạn, kích thước và vị trí khối u, một phác đồ điều trị phù hợp sẽ được bác sĩ xây dựng dành riêng cho từng bệnh nhân.

Dưới đây là phác đồ điều trị ung thư môi cơ bản dành cho hầu hết các bệnh nhân, bao gồm các phương pháp sau:

Phẫu thuật 

Phẫu thuật cắt bỏ luôn là phương pháp điều trị ưu tiên đối với bệnh nhân mắc ung thư. Mục tiêu lớn nhất của phương pháp này là loại bỏ tế bào ung thư và sửa chữa, tái tạo môi, phục hồi diện mạo, lấy lại tính thẩm mỹ, diện mạo cho bệnh nhân.

Đa số các trường hợp đều phải áp dụng kỹ thuật cắt bỏ cục bộ. Nhưng nếu có sự xâm lấn hoặc lan rộng đến các hạch, việc phẫu thuật vừa kết hợp cắt bỏ cục bộ, cắt bỏ hoặc bóc tách hạch bạch huyết khỏi cổ.

Phẫu thuật nhằm loại bỏ tổn thương ung thư và phục hồi cấu trúc, diện mạo đôi môi

Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cần phải làm một loại các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe thể chất, các chỉ số sinh tồn của cơ thể. Đặc biệt, kiểm tra mô học của các khối u cần phải cắt bỏ nhằm đảm bảo không làm ảnh hưởng đến các mô lân cận.

Bác sĩ có thể chỉ định mở khí quản tạm thời trong quá trình cắt bỏ khối u, mục đích nhằm duy trì hô hấp cho bệnh nhân do tác dụng phụ sưng đường hô hấp trên.

Xạ trị & Hóa trị

Đây là 2 phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị các bệnh ung thư nói chung, trong đó có ung thư môi. Chúng có thể được chỉ định áp dụng sau phẫu thuật nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại. Hoặc áp dụng trước phẫu thuật nhằm thu nhỏ kích thước khối u, hỗ trợ việc cắt bỏ dễ dàng hơn.

Kết hợp hóa và xạ trị theo liệu trình phù hợp để tiêu diệt ung thư

  • Xạ trị: Phương pháp này được sử dụng thiết bị phát ra chùm tia X mạnh tác động trực tiếp đến vị trí phát triển khối u và tiêu diệt chúng.
  • Hóa trị: Sử dụng các loại thuốc mạnh được điều chế dưới dạng viên hoặc tiêm tĩnh mạch. Sau khi ngấm vào máu, chúng sẽ tìm phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Đôi khi, trong vài trường hợp hóa trị có thể kết hợp với xạ trị để tăng hiệu quả loại bỏ. Đồng thời, ngăn chặn sự lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể.

Các biện pháp điều trị khác 

Một số biện pháp điều trị hỗ trợ khác có thể được chỉ định áp dụng hoặc không nhằm góp phần cải thiện các triệu chứng và tiến triển ung thư môi. Bao gồm:

Liệu pháp nhắm mục tiêu

Nhóm thuốc này có tác dụng phát hiện và nhắm trúng các mục tiêu chính, thường là các gen và protein của tế bào ung thư, tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp này thường được kết hợp với hóa trị để tăng hiệu quả.

Liệu pháp miễn dịch

Nhóm thuốc này có tác dụng tăng cường vượt trội hệ thống miễn dịch của cơ thể, tạo điều kiện để nó hoạt động chống lại các tế bào ung thư môi. Phương pháp này hiếm khi áp dụng đơn lẻ, thường phải kết hợp với các biện pháp điều trị ung thư khác để đạt kết quả tốt nhất. Hoặc chỉ khi những phương pháp điều trị chính không có kết quả, liệu pháp miễn dịch mới được áp dụng.

Chăm sóc giảm nhẹ

Đối với những khối u ung thư môi ác tính hoặc có xu hướng tiến triển nặng, tiên lượng xấu do bệnh nhân phát triển kèm theo một số bệnh lý. Bệnh nhân rất khó có thể điều trị khỏi bệnh.Lúc này, biện pháp chăm sóc giảm nhẹ được xem là có lợi nhất nhằm kiểm soát triệu chứng, cải thiện sức khỏe tinh thần cũng như kéo dài sự sống cho bệnh nhân càng lâu càng tốt. Các biện pháp thường dùng là xạ trị giảm nhẹ kết hợp dùng thuốc điều trị dự phòng.

Phòng ngừa

Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, nhất là đối với bệnh ung thư nói chung và ung thư môi nói riêng. Tuy không có cách phòng ngừa đặc hiệu, nhưng chỉ với những cách đơn giản dưới đây, có thể bảo vệ đôi môi của bạn và giảm nguy cơ phát triển ung thư.

Dưỡng ẩm da môi kỹ lưỡng duy trì độ ẩm cần thiết giảm nguy cơ phát triển các tổn thương nói chung

  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, chải răng và súc miệng đều đặn hàng ngày.
  • Cai thuốc lá càng sớm càng tốt và sử dụng rượu bia có giới hạn.
  • Áp dụng các biện pháp chống nắng cho môi hiệu quả bằng cách bôi kem chống nắng hàng ngày, ưu tiên những loại có chỉ số SPF cao.
  • Thường xuyên bôi son dưỡng ẩm dành riêng cho môi giúp duy trì độ ẩm, giảm nguy cơ khô ráp, nứt nẻ môi.
  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su và chủ động tiêm ngừa vắc xin phòng HPV sớm.
  • Thăm khám nha khoa định kỳ để kiểm tra sức khỏe răng miệng và sớm phát hiện các dấu hiệu sớm của ung thư môi, miệng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh ung thư môi?

2. Bệnh ung thư môi có nguy hiểm không? Tôi đang ở giai đoạn nào?

3. Cần thực hiện những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh ung thư môi?

4. Bị ung thư môi gây ra những biến chứng gì đến sức khỏe của tôi?

6. Ung thư môi có gây tử vong không?

6. Tiên lượng về tình trạng bệnh ung thư môi của tôi có khả quan không?

7. Phác đồ điều trị ung thư môi dành cho tôi gồm những phương pháp gì?

8. Những lợi ích và rủi ro có thể xảy ra đối với từng phương pháp điều trị?

9. Quá trình điều trị ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống của tôi?

10. Tiên lượng tuổi thọ của tôi sau điều trị ung thư môi là bao nhiêu?

Ung thư môi xảy ra do liên quan đến nhiều yếu tố nên bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh. Để giảm thiểu những ảnh hưởng khó lường của bệnh đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cả tính mạng, bệnh nhân cần phải thăm khám sớm ngay khi có dấu hiệu bất thường. Từ những chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng các phương pháp phù hợp nhất.

Tham khảo thêm: