Bệnh Suy Buồng Trứng
Bệnh suy buồng trứng được xác định khi buồng trứng giảm chức năng xảy ra trong giai đoạn dưới 40 tuổi. Bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn gia tăng nguy cơ trầm cảm, loãng xương, bệnh mạch vành. Hiện tại, không có phương pháp điều trị hoàn toàn, chỉ có thể kiểm soát thông qua sử dụng thuốc và liệu pháp hormon thay thế.
Tổng quan
Bệnh suy buồng trứng là tình trạng buồng trứng suy giảm chức năng, đặc trưng bởi giảm hormone estrogen và progesterone mặc dù vẫn có sự gia tăng của các hormone sinh dục khác như hormone kích thích nang noãn (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH).
Hormone estrogen và progesterone suy giảm đồng nghĩa với việc quá trình giải phóng noãn bị ức chế, trứng rụng không thường xuyên. Bên cạnh đó, cơ thể cũng có những thay đổi đáng kể do thiếu hụt hormone sinh dục.
Thực tế, sau năm 40 tuổi buồng trứng sẽ bị suy giảm chức năng do lão hóa. Đây là giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh ở nữ giới. Tùy theo cơ địa và lối sống của từng người, quá trình này có thể xảy ra vào năm 40 tuổi hoặc muộn hơn.
Tuy nhiên, suy giảm chức năng buồng trứng xảy ra trước năm 40 tuổi được xem là bệnh lý, hay còn gọi là bệnh suy buồng trứng. Thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh là 1/10.000 ở độ tuổi trước 20, 1/1000 ở giai đoạn trước 30 và 1/100 trước tuổi 40. Hiện nay, tỷ lệ suy buồng trứng tăng đáng kể và có xu hướng khởi phát ngày càng sớm.
Buồng trứng là cơ quan quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của nữ giới. Suy buồng trứng là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh - hiếm muộn. Hơn nữa, giảm estrogen gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và tâm lý. Nếu không được can thiệp, các vấn đề này sẽ khiến cho tuổi thọ giảm và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây bệnh suy buồng trứng vẫn chưa được biết rõ. Vì thế, điều trị còn rất nhiều hạn chế và khó khăn. Phát hiện sớm sẽ giúp tăng hiệu quả của các phương pháp, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng lên sức khỏe và chất lượng cuộc sống của.
Phân loại bệnh
Bệnh suy buồng trứng được chia thành 2 loại là suy buồng trứng nguyên phát và suy buồng trứng thứ phát.
Suy buồng trứng nguyên phát
Suy buồng trứng nguyên phát hay còn gọi là suy buồng trứng sớm, suy buồng trứng tự phát với tỷ lệ chiếm khoảng 90%. Tình trạng này xảy ra khi buồng trứng tự suy giảm chức năng mà không có nguyên nhân nào cụ thể. Sau khi đã sàng lọc và khám tổng quát, các bác sĩ không xác định được nguyên nhân nào khiến buồng trứng giảm sản xuất hormone estrogen và progesterone.
Suy buồng trứng thứ phát
Suy buồng trứng thứ phát ít gặp hơn với tỷ lệ khoảng 10%. Ở loại này, buồng trứng giảm chức năng do những nguyên nhân cụ thể như can thiệp hóa trị, xạ trị ung thư, phẫu thuật cắt buồng trứng hoặc bóc nang buồng trứng. Những can thiệp này khiến cho tổ chức buồng trứng bị tổn thương gây giảm sản xuất hormone estrogen và progesterone.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Suy buồng trứng là bệnh lý vô cùng phức tạp với nguyên nhân chưa rõ ràng. Các chuyên gia tin rằng, bệnh lý này là kết quả của nhiều nguyên nhân và yếu tố kết hợp. Dù vậy, hiện nay có khoảng 90% không thể xác định nguyên nhân.
Bệnh suy buồng trứng có thể liên quan đến những nguyên nhân sau:
Khuyết tật nhiễm sắc thể
Thống kê cho thấy, bệnh suy buồng trứng thường gặp ở nữ giới mắc các hội chứng do khuyết tật nhiễm sắc thể như hội chứng Turner thể khảm, hội chứng Fragile X (hay còn gọi là hội chứng gãy nhiễm sắc thể X), hội chứng Kallmann...
Bất thường ở nhiễm sắc thể khiến cho chức năng buồng trứng bị ảnh hưởng gây gián đoạn quá trình rụng trứng, ngừng sản xuất hoặc sản xuất hormone sinh dục (estrogen, testosterone, progesterone) ngắt quãng.
Mắc các bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn là các vấn đề sức khỏe có cùng cơ chế là hệ miễn dịch bị rối loạn, tự tạo ra kháng thể và tấn công vào các mô lành. Khi mắc các bệnh lý này, nguy cơ bị suy buồng trứng tăng lên đáng kể. Bởi kháng thể có thể tấn công vào mô buồng trứng làm hư hại nang trứng. Kết quả là buồng trứng suy giảm chức năng và gặp khó khăn trong quá trình thụ thai.
Khiếm khuyết enzyme
Suy buồng trứng nguyên phát còn có thể liên quan đến khiếm khuyết các enzyme như Galactosemia (rối loạn chuyển hóa carbohydrate), thiếu 17,20-Lyase và thiếu 17-Alpha-hydroxylase. Dù cơ chế bệnh sinh chưa rõ nhưng các chuyên gia đã nhận thấy vai trò của khiếm khuyết enzyme trong quá trình phát triển bệnh suy buồng trứng.
Hóa, xạ trị
Hóa trị, xạ trị là những phương pháp điều trị ung thư phổ biến. Tác dụng của các phương pháp này là phá hỏng và ngăn sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, một số mô lành ở buồng trứng cũng có thể “vô tình” bị tổn thương dẫn đến suy giảm chức năng.
Ngoài hóa xạ trị, các chuyên gia cho rằng, tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc lá… cũng có thể là nguyên nhân khiến chức năng buồng trứng suy giảm.
Di truyền, bẩm sinh
Suy buồng trứng có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu như bà ngoại và mẹ mắc phải căn bệnh này, khả năng mắc bệnh ở con cái cũng tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, số lượng trứng thấp do bẩm sinh cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ suy buồng trứng.
Do ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe khác
Bệnh suy buồng trứng cũng có thể liên quan đến những vấn đề sức khỏe như:
- Suy thượng thận thứ phát
- Bệnh Addison
- Đái tháo đường
- Phải cắt bỏ buồng trứng
- Mắc bệnh quai bị, nhiễm virus herpes
Yếu tố nguy cơ
Nguy cơ phát triển bệnh suy buồng trứng gia tăng khi có các yếu tố thuận lợi như:
- Tuổi tác cao (trên 35 tuổi)
- Hút thuốc lá lâu năm
- Nạo phá thai nhiều lần
- Giải phẫu buồng trứng bất thường
- Giảm cân đột ngột
- Lối sống không lành mạnh, thường xuyên dung nạp rượu bia, ăn uống không điều độ
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh suy buồng trứng dễ bị nhầm lẫn với mãn kinh sớm. Mãn kinh sớm cũng xảy ra khi nồng độ hormone estrogen, progesterone giảm mạnh. Tuy nhiên khi bị mãn kinh sớm, nữ giới sẽ hoàn toàn không có kinh nguyệt trước năm 40 tuổi.
Trong khi đó, suy buồng trứng có thể làm gián đoạn quá trình rụng trứng nhưng vẫn có hiện tượng giải phóng trứng gián đoạn. Kết quả là gây rối loạn kinh nguyệt, vòng kinh thưa, không đều.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh suy buồng trứng:
- Vô kinh (mất kinh nguyệt trong một thời gian dài), kinh nguyệt không đều
- Vô sinh - hiếm muộn nguyên phát (không tìm ra được nguyên nhân)
- Suy buồng trứng gây sụt giảm estrogen nên có thể gây ra một số triệu chứng như giảm ham muốn tình dục, teo âm đạo, loãng xương và trầm cảm
- Bốc hỏa
- Tâm trạng thất thường, khó chịu
- Mất tập trung
- Đổ mồ hôi về đêm
Các triệu chứng của bệnh suy buồng trứng dễ bị nhầm lẫn với tiền mãn kinh. Các dấu hiệu này đều xuất phát từ hiện tượng suy giảm hormone estrogen. Bệnh suy buồng trứng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, nữ giới có các biểu hiện trên nên thăm khám sớm để được chẩn đoán kịp thời.
Khi đến khám, cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ về các triệu chứng gặp phải, thời điểm khởi phát, mức độ. Bác sĩ cũng sẽ đặt câu hỏi về việc đã từng mang thai, sinh con hay chưa, chu kỳ kinh nguyệt có đều không, có đang sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết.
Sau khi hỏi bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để đo nồng độ hormone FSH, prolactin, estrogen… Nếu bị suy buồng trứng, hormone FSH thường không thay đổi, trong khi đó nồng độ estrogen trong máu giảm đi đáng kể.
- Xét nghiệm Karyotype: Được thực hiện để xác định số lượng, hình dạng nhiễm sắc thể nhằm xác định các rối loạn di truyền. Xét nghiệm này giúp phát hiện nguyên nhân gây suy buồng trứng, vô sinh - hiếm muộn và sảy thai liên tục.
- Siêu âm vùng chậu: Siêu âm vùng chậu thường được chỉ định sau xét nghiệm máu để quan sát, đánh giá buồng trứng và tử cung. Kỹ thuật này có thể phân biệt suy buồng trứng với các vấn đề như lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, mang thai… Nếu bị suy buồng trứng, bác sĩ sẽ quan sát thấy buồng trứng nhỏ hơn so với bình thường.
- Xét nghiệm kháng thể: Xét nghiệm kháng thể được thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ bệnh suy buồng trứng có liên quan đến các rối loạn tự miễn.
- Các xét nghiệm khác: Ngoài những xét nghiệm kể trên, để chẩn đoán suy buồng trứng còn cần thực hiện những xét nghiệm như xét nghiệm chức năng tuyến giáp, đo creatinin, điện giải đồ, đo đường huyết, đo tốc độ lắng máu, đo mật độ xương…
Bệnh suy buồng trứng chỉ được chẩn đoán ở phụ nữ dưới 40 tuổi đáp ứng được những tiêu chí như bất thường về kinh nguyệt, thiếu hụt estrogen và vô sinh - hiếm muộn không rõ nguyên nhân. Các xét nghiệm trên không chỉ giúp chẩn đoán xác định mà còn có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh suy buồng trứng khác với mãn kinh sớm. Mãn kinh sớm là tình trạng cạn kiệt hoàn toàn các nang noãn dẫn đến mất kinh nguyệt và vô sinh vĩnh viễn. Trong khi đó, nữ giới bị suy buồng trứng vẫn có thể có kinh nguyệt và mang thai. Tuy nhiên, do quá trình giải phóng noãn diễn ra không đều nên tỷ lệ thụ thai tự nhiên giảm thấp và chu kì kinh nguyệt thường không đều.
Bệnh suy buồng trứng không thể điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, có thể cải thiện triệu chứng bằng liệu pháp hormone dài hạn. Liệu pháp này có thể giải quyết cơ bản các vấn đề liên quan đến giảm hormone estrogen. Nữ giới bị suy buồng trứng vẫn có thể mang thai tự nhiên nhưng tỷ lệ tương đối thấp. Đa phần đều phải can thiệp các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Bệnh suy buồng trứng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của nữ giới. Hormone estrogen sụt giảm sẽ gia tăng các vấn đề như suy giảm, các bệnh lý tim mạch, loãng xương, khô hạn, lo lắng và trầm cảm. Nếu không can thiệp điều trị, tuổi thọ sẽ giảm đi đáng kể do ảnh hưởng của các bệnh lý này.
Chất lượng cuộc sống vì thế cũng giảm đi rõ rệt. Estrogen giảm khiến cho ham muốn tình dục thấp, đời sống tình dục nguội lạnh. Ngoài ra, sụt giảm hormone sinh dục nữ còn gia tăng sự nhạy cảm về mặt tâm lý, dẫn đến buồn bã, lo âu kéo dài. Vì vậy nếu không điều trị, cả sức khỏe thể chất và tinh thần của nữ giới đều bị sụt giảm theo thời gian.
Điều trị
Chỉ định điều trị bệnh suy buồng trứng phụ thuộc vào triệu chứng, biến chứng, độ tuổi và mong muốn của người bệnh. Nhìn chung, điều trị sẽ được thực hiện với mục đích bổ sung hormone, cải thiện triệu chứng và hạn chế những ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe.
Các phương pháp điều trị bệnh suy buồng trứng bao gồm:
Thuốc tránh thai đường uống
Thuốc tránh thai phối hợp (chứa cả hormone estrogen và progestin) hoặc thuốc tránh thai chỉ chứa progestin có thể được sử dụng cho nữ giới bị bệnh suy buồng trứng. Ngoài mục đích tránh thai, thuốc còn giúp tăng nồng độ hormone sinh dục. Qua đó giảm đáng kể các triệu chứng do estrogen suy giảm như khô hạn, giảm ham muốn tình dục, bốc hỏa, lo âu, thay đổi tâm trạng…
Thuốc tránh thai hằng ngày khá an toàn nên sẽ là lựa chọn ưu tiên khi điều trị bệnh suy buồng trứng. Thuốc có thể được dùng liên tục hoặc dùng theo chu kỳ tùy theo tình trạng cụ thể.
Liệu pháp thay thế hormone (HRT)
Liệu pháp thay thế hormone được thực hiện nhằm cung cấp estrogen và progesterone khi buồng trứng suy giảm chức năng. Tuy nhiên, liệu pháp này có thể gia tăng nguy cơ ung thư nên có chỉ định khá hạn chế. Để đảm bảo an toàn, liệu pháp thay thế hormone được chỉ định cho nữ giới từ 50 tuổi trở lên và phải sàng lọc các khối u ác tính trước.
Liệu pháp thay thế hormone có thể phòng ngừa loãng xương, bệnh mạch vành, trầm cảm, viêm teo âm đạo… do sụt giảm estrogen. Mục đích của liệu pháp này là hạn chế các vấn đề sức khỏe có liên quan đến bệnh suy buồng trứng.
Các biện pháp hỗ trợ sinh sản
Suy buồng trứng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh - hiếm muộn. Vì nang noãn không được giải phóng thường xuyên nên tỷ lệ thụ thai tự nhiên khá thấp. Trong trường hợp muốn có con, các bác sĩ sẽ chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm.
Thông thường, nữ giới bị suy buồng trứng sẽ cần xin trứng nếu muốn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Những người muốn sử dụng trứng của bản thân có thể bảo quản tế bào noãn, đông lạnh nang trứng, mô buồng trứng… sau đó cho noãn trưởng thành ở bên ngoài cơ thể và thụ tinh trong ống nghiệm. Sau khi sàng lọc, phôi sẽ được đưa vào cơ thể để làm tổ và tiếp tục phát triển.
Khoảng 5 - 10% nữ giới bị suy buồng trứng nguyên phát có thể mang thai tự nhiên. Tuy nhiên, tỷ lệ này là khá thấp và nếu chần chừ can thiệp các biện pháp hỗ trợ sinh sản, tỷ lệ thành công sẽ giảm đi đáng kể.
Các phương pháp khác
Hiện nay, điều trị bệnh suy buồng trứng vẫn bao gồm 2 phương pháp chính dùng thuốc tránh thai hằng ngày và liệu pháp hormon thay thế.. Bên cạnh đó, có thể phòng ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến giảm estrogen bằng những phương pháp sau:
- Bổ sung vitamin D và canxi: Giảm estrogen là yếu tố thuận lợi gây ra tình trạng giảm mật độ xương và loãng xương. Vì vậy, nữ giới bị suy buồng trứng nên bổ sung canxi và vitamin D thông qua viên uống theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời nên xây dựng chế độ ăn hợp lý, năng vận động để duy trì mật độ xương.
- Kiểm soát cân nặng: Hormone estrogen giảm sẽ gia tăng nguy cơ bị loãng xương và mắc bệnh tim. Do đó, nữ giới bị suy buồng trứng cần kiểm soát cân nặng thông qua chế độ dinh dưỡng cân bằng. Bên cạnh đó, cần tập thể dục mỗi ngày để cải thiện hệ thống xương khớp và chức năng tuần hoàn.
- Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng: Trường hợp suy buồng trứng do rối loạn di truyền có nhiễm sắc thể Y sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng ở cả 2 bên. Do rối loạn di truyền này làm gia tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Phẫu thuật sớm giúp ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển và di căn sang những cơ quan khác.
Phòng ngừa
Nguyên nhân gây bệnh suy buồng trứng chưa được biết rõ. Với suy buồng trứng thứ phát, một số nguyên nhân gần như không thể phòng ngừa, chẳng hạn như xạ trị, hóa trị hoặc phẫu thuật cắt buồng trứng. Dù vậy, các bác sĩ vẫn khuyến khích nữ giới nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau để giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Khám phụ khoa định kỳ 1 lần/ năm hoặc chủ động tìm gặp bác sĩ khi phát hiện kinh nguyệt không đều, giảm ham muốn tình dục, bốc hỏa, khô hạn, tâm trạng thay đổi thất thường…
- Không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia. Hạn chế đồ uống chứa caffeine như trà, cà phê.
- Không tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
- Duy trì cân nặng ổn định, tránh tăng hoặc giảm cân đột ngột.
- Nếu có các rối loạn di truyền, nên điều trị tích cực và theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề bất thường. Nếu cần thiết, nên đông lạnh trứng để có thể thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản về sau.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Kinh nguyệt không đều, khó mang thai… là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?
3. Bệnh suy buồng trứng có nguy hiểm không? Tình trạng sức khỏe của tôi có đáng lo ngại?
4. Phương pháp nào phù hợp với tình trạn sức khỏe của tôi?
5. Nếu muốn mang thai, tôi có nhất thiết phải thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm?
6.Tôi cần dùng thuốc trong bao lâu? Có thể thay thế bằng các biện pháp khác hay không?
7. Nếu bị suy buồng trứng và không muốn có con, tôi có cần phải thực hiện các biện pháp ngừa thai hay không?
8. Suy buồng trứng có phải là mãn kinh sớm?
9. Bị suy buồng trứng có cần phải tái khám? Khi nào cần thiết?
Bệnh suy buồng trứng là tình trạng buồng trứng giảm sản xuất hormone estrogen và progesterone nhưng nồng độ hormone FSH và LH hoàn toàn bình thường. Bệnh lý này là nguyên nhân hàng đâu gây vô sinh, gia tăng nguy cơ loãng xương, trầm cảm, bệnh mạch vành… Vì vậy, nữ giới không nên chủ quan trước những biểu hiện tưởng chừng như bình thường.