Bệnh Sán máng
Sán máng là bệnh do giun ký sinh trong cơ thể gây ra. Giun gây bệnh sán máng sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây tổn thương đến rất nhiều cơ quan, thậm chí gây nhiều biến chứng nguy hiểm, dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Hiện nay, căn bệnh này có thể chữa khỏi bằng cách sử dụng thuốc diệt giun. Tuy nhiên, tốt nhất người bệnh nên chủ động tránh xa các nguồn nước ngọt ô nhiễm để phòng ngừa tái nhiễm.
Tổng quan
Sán máng (Schistosomiasis) là bệnh nhiễm ký sinh trùng gây ra bởi một loại giun dẹp có tên Schistosoma, hay còn được gọi là sán máu. Chúng thường sống ký sinh trên vật chủ và phát triển nhờ lấy nguồn dinh dưỡng từ đó.
Con người có thể mắc bệnh sán máng khi da tiếp xúc với nguồn nước ngọt bị ô nhiễm, do có các loại ốc đang sinh sống có chứa ký sinh trùng. Hoặc nguồn nước chứa trứng sán máng do người đã nhiễm bệnh tiểu tiện hoặc đại tiện vào nước.
Đây là căn bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến, chủ yếu xảy ra ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, điển hình như châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Ước tính có khoảng hơn 240 triệu người mắc bệnh và khoảng 700 triệu người có nguy cơ mắc bệnh trên toàn thế giới.
Phân loại
Bệnh sán máng được chia làm 3 loại chính dựa vào từng loại sán khác nhau. Mỗi loại có sự phân bố địa lý và gây ra các triệu chứng khác nhau. Bao gồm:
- Schistosoma mansoni: Đây là loại sán máng được tìm thấy phổ biến ở các quốc gia châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông. Nó chủ yếu gây ra bệnh sán máng ở đường ruột và gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống ruột, tiêu hóa và gan. Đặc trưng với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, lẫn máu trong phân.
- Schistosoma haematobium: Loại này cũng được phát hiện chủ yếu ở Trung Đông và châu Phi. Chúng thường gây ra bệnh sán máng niệu sinh dục, ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục và đường tiết niệu. Đặc trưng các triệu chứng gồm tiểu buốt, rát, tiểu ra máu, xuất hiện các vết loét ở cơ quan sinh dục.
- Schistosoma japonicum: Phổ biến ở các quốc gia châu Á, nhất là Trung Quốc, Philippines và Indonesia. Chúng gây ra bệnh sán máng ở đường ruột và ảnh hưởng đến ruột, gan, gây các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, đại tiện khó, có máu trong phân.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Loại giun dẹp có tên Schistosoma là nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm trùng sán máng. Trong nhóm chi này, có những loài có khả năng lây nhiễm sang người và khởi phát thành bệnh như Schistosoma mansoni, Schistosoma haematobium và Schistosoma japonicum.
Những loại ký sinh trùng này thường sống ký sinh vào các loài ốc nước ngọt, nhằm mục đích sinh sản ấu trùng vào trong nước. Con người chỉ nhiễm bệnh sán máng khi tiếp xúc hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, ấu trùng trong nước có thể xâm nhập qua da hoặc đi thẳng vào cơ thể vào ruột, lan tỏa trong máu và đi đến nhiều cơ quan khác nhau như ruột, gan, bàng quang...
Ngoài ra, khi một người đã nhiễm bệnh đi tiểu hoặc đại tiện xuống nước cũng có thể làm lây nhiễm bệnh sang cho người khác khi họ sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt. Chúng tiếp tục ký sinh vào ốc và sinh sản, tiếp tục chu kỳ lây nhiễm bệnh cho những người khác.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Sau khi nhiễm ký sinh trùng sán máng, cơ thể sẽ nhanh chóng phát hiện ra và gây ra các triệu chứng rõ rệt nhằm phản ứng lại với sự tồn tại cũng như cố gắng tiêu diệt chúng. Thông thường, trong giai đoạn đầu các triệu chứng thường nhẹ hoặc không gây bất cứ dấu hiệu nào. Tuy nhiên, càng về những giai đoạn sau, mức độ nhiễm trùng càng nặng các triệu chứng càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Một số triệu chứng điển hình của bệnh sán máng bao gồm:
- Triệu chứng sán máng ở da:
- Ngứa ngáy da;
- Phát ban dạng mụn nước nhỏ, màu đỏ hoặc mụn nước kèm theo cảm giác nóng rát khó chịu;
- Triệu chứng sán máng ở ruột, gan:
- Đau bụng kèm theo buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy;
- Tiểu tiện hoặc đại tiện ra máu;
- Mệt mỏi, suy nhược và thiếu máu, đây là phản ứng của cơ thể với sự xuất hiện của trứng, ký sinh trùng trú ngụ trong ruột, gan làm giảm số lượng tế bào hồng cầu;
- Sau 1 - 2 tháng nhiễm bệnh, có thể gay ra các triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh, ho, đau cơ...;
Chẩn đoán
Vì các triệu chứng sán máng thường không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên rất khó chẩn đoán nếu chỉ đánh giá qua các triệu chứng lâm sàng. Khi nghi ngờ mắc bệnh máng, bệnh nhân thường được chỉ định thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng sau:
- Xét nghiệm nước tiểu hoặc phân: Mẫu nước tiểu hoặc phân khi được quan sát và phân tích dưới kính hiển vi, giúp phát hiện sự tồn tại của ký sinh trùng sán máng (nếu có). Trường hợp nhiễm trùng trong giai đoạn đầu, bệnh nhân cần phải thực hiện xét nghiệm nhiều lần mới có thể phát hiện chúng.
- Xét nghiệm huyết thanh học: Kỹ thuật này được thực hiện nhằm mục đích kiểm tra các kháng thể do cơ thể tạo ra để chống lại sự phát triển của ký sinh trùng sán máng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phương pháp này có thể cho kết quả âm tính hoặc dương tính giả, gây khó khăn trong việc chẩn đoán.
- Xét nghiệm hình ảnh: Một số xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính CT scan cũng có thể được chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán bệnh sán máng. Các xét nghiệm này giúp phát hiện sự tồn tại của ký sinh trùng trong cơ thể. Đồng thời, đánh giá mức độ tổn thương của các cơ quan khi đã nhiễm ký sinh trùng trong thời gian dài, chẩn đoán sán máng mãn tính.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh nhiễm ký sinh trùng sán máng gây ra những ảnh hưởng khó lường cho sức khỏe của người bệnh nếu không điều trị sớm. Tình trạng nhiễm trùng càng tiến triển lâu, trong nhiều năm (sán máng mãn tính) có thể gây ra các biến chứng như:
- Gan to;
- Suy thận;
- Sán máng phổi gây tổn thương và khởi phát phản ứng viêm ở phổi thể cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính;
- Hình thành sẹo ở gan (bệnh xơ gan) và phát triển ung thư bàng quang;
- Tăng nguy cơ sảy thai ở phụ nữ mang thai;
- Một số trường hợp hiếm ấu trùng sán máng xuất hiện trong não hoặc tủy sống khiến bạn bị co giật, liệt hoặc viêm tủy sống;
Ngoài ra, biến chứng của bệnh sán máng cũng có thể xuất phát từ các biện pháp điều trị, điển hình là khi dùng thuốc diệt ký sinh trùng, chẳng hạn như đau đầu, sốt, ngứa da, khó chịu, đau dạ dày, buồn nôn, chóng mặt... Trong trường hợp này, hãy thông báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử lý và điều trị, ngăn chặn các rủi ro khác ngoài ý muốn có thể xảy ra.
Bệnh sán máng là một bệnh nhiễm ký sinh trùng thường gặp. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất cao, loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng mà không gây để lại bất kỳ di chứng nào. Ngược lại, nếu chủ quan để bệnh tái phát nhiều lần, nhất là đối với trẻ em có thể gây thiếu máu mạn tính, khiến trẻ chậm phát triển. Trường hợp không điều trị, bệnh sán máng có thể dẫn đến tử vong.
Điều trị
Hiện nay, phương pháp chính điều trị bệnh sán máng là dùng thuốc. Một số loại thuốc điều trị ký sinh trùng được dùng phổ biến nhất là praziquantel và oxamniquine. Đây là những loại thuốc tẩy giun hoạt động bằng cách tiêu diệt giun trưởng thành tồn tại trong cơ thể. Liều dùng khuyến cáo 3 lần/ ngày để đạt hiệu quả cao trong việc loại bỏ nhiễm trùng.
Trường hợp kết quả điều trị đợt đầu không hiệu quả, chưa hoàn toàn loại bỏ nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng một đợt thuốc khác dùng trong 3 - 6 tuần tiếp theo. Ngoài ra, tùy theo mức độ nhiễm trùng hoặc có những biến chứng nào, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.
Bên cạnh dùng thuốc, bệnh nhân cũng có thể kết hợp thực hiện các biện pháp chăm sóc hỗ trợ cần thiết nhằm kiểm soát triệu chứng. Chẳng hạn như:
- Thuốc giảm đau;
- Thuốc chống viêm;
- Thuốc kháng sinh;
Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, dù là thuốc tẩy giun hay các loại thuốc hỗ trợ đều cần phải có sự chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc hoặc tăng giảm liều bất thường để tránh gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ cải thiện triệu chứng, giảm bớt cảm giác khó chịu, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp khắc phục khác tại nhà như uống nhiều nước giúp hỗ trợ loại bỏ ấu trùng sán máng và ăn nhiều thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ giảm viêm.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
Bên cạnh điều trị y tế, điều quan trọng cần làm chính là thực hiện các biện pháp phòng ngừa tích cực để ngăn không cho ký sinh trùng tái nhiễm trở lại. Hiện nay, chưa có một loại vắc xin chính thức nào được cấp phép dùng để phòng ngừa bệnh sán máng. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn đang được các nhà khoa học phát triển và cho kết quả đầy hứa hẹn, mang lại sự bảo vệ cơ thể dài lâu, chống lại bệnh sán máng.
Hiện tại, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh sán máng là thực hiện các biện pháp giảm thiểu nguy cơ nhiễm ấu trùng và ký sinh trùng. Chẳng hạn như:
- Tránh tiếp xúc hoặc bơi lội trong nước ngọt ô nhiễm, được cảnh báo có chứa sán máng và nhiều loại ký sinh trùng khác.
- Không được sử dụng nguồn nước ngọt bị ô nhiễm để uống hoặc chế biến thức ăn.
- Nếu muốn dùng nguồn nước này để tắm, phải đun sôi lên rồi để nguội, chứa nước trong bể ít nhất từ 1 - 2 ngày mới được sử dụng.
- Nếu làn da bị ướt bởi nguồn nước bẩn này, hãy dùng khăn sạch lau khô thật mạnh để giảm thiểu nguy cơ ký sinh trùng xâm nhập vào da.
- Không nên đi du lịch đến những quốc gia được cảnh báo đang bùng phát nhiễm bệnh sán máng. Hoặc nếu đã đi du lịch về nên thăm khám sức khỏe, làm các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng sớm và điều trị kịp thời (nếu có).
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh sán máng?
2. Bệnh sán máng có nguy hiểm không?
3. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?
4. Nếu không điều trị sán máng, bệnh có tự khỏi được không?
5. Những biến chứng nào có thể xảy ra khi tôi mắc bệnh sán máng?
6. Phương pháp điều trị bệnh sán máng tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?
7. Tôi cần làm gì và tránh làm gì để hỗ trợ cải thiện triệu chứng sán máng tại nhà?
8. Dùng thuốc tẩy giun nào tốt nhất để trị sán máng?
9. Sử dụng thuốc có gây tác dụng phụ nào không? Tôi cần làm gì để xử lý tác dụng phụ?
10. Điều trị sán máng mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?
Tuy bệnh sán máng do nhiễm ký sinh trùng Schistosoma có thể được điều trị khỏi bằng cách dùng thuốc diệt giun. Nhưng đây không phải cách có thể chữa khỏi bệnh tận gốc, bạn vẫn có thể tái phát bệnh bất kỳ lúc nào nếu tiếp xúc với nguồn nước chứa ký sinh trùng. Do đó, hãy điều trị bệnh càng sớm càng tốt và tích cực thực hiện các biện pháp phòng tránh ngay từ bây giờ để giảm nguy cơ tái nhiễm bệnh trong tương lai, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân, gia đình.