Rộp máu
Vết phồng rộp máu là những túi da chứa máu bên trong và phồng hiện rõ trên da. Thường xuất hiện do ma sát hoặc bị tác động lực quá mạnh, có màu đỏ, tím hoặc đen. Đa số các trường hợp nổi rộp máu thường không nghiêm trọng, có thể tự lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên, vẫn nên tích cực chăm sóc vết thương, bảo vệ vùng da này hoặc thăm khám khi cần thiết.
Tổng quan
Rộp máu (Blood Blister) là những vết phồng rộp chứa máu bên trong thay vì chất dịch lỏng trong suốt như bình thường. Đây là tổn thương khá phổ biến, xảy ra do làn da bị áp lực hoặc chèn ép, khiến các mạch máu giãn rộng ra, máu ứ đọng lại và lấp đầy các túi trên da. Chúng có thể xuất hiện với nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, tím hoặc đen.
Các vết phồng rộp máu thường xuất hiện ở ngón tay, ngón chân do da bạn bị véo, chịu một lực tác động lớn, liên tục. Đa số những trường hợp này không quá nghiêm trọng và có xu hướng tự thuyên giảm mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu những nốt rộp máu xuất hiện bên trong hoặc xung quanh miệng như má, môi có thể là dấu hiệu tiềm ẩn cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bản chất của những vết phồng rộp máu này là sự tổn thương nhẹ của các mạch máu, chúng bị giãn ra do tác động lực, ma sát. Các vết này là kết quả của phản ứng miễn dịch cơ thể đối với các tế bào bị viêm nhiễm, tổn thương hoặc chết.
Bất kỳ ai cũng có thể gặp phải các vết phồng rộp máu, nhưng phổ biến nhất là ở người lao động chân tay, năng động... Cụ thể với một số lý do sau:
- Bị véo da mạnh;
- Mang giày quá chật khiến gót chân và các vùng xương ngón chân bị ma sát quá mức;
- Đi bộ nhiều hoặc nâng tạ quá sức khiến da ma sát với một lực lớn trong thời gian dài;
- Bàn chân luôn trong trạng thái ẩm ướt, mềm sẽ dễ bị ma sát và phồng rộp;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc làm loãng máu làm tăng nguy cơ bị nổi vết rộp máu;
Ngoài ra, một số trường hợp bị nổi rộp máu bên trong miệng có thể xảy ra do liên quan đến các điều kiện y tế sau:
- Ung thư miệng;
- Huyết áp cao;
- Suy thận;
- Tiểu đường;
- Viêm khớp dạng thấp;
- Rối loạn máu;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Đặc điểm của các vết phồng rộp máu là túi nổi trên da, bên trong có chứa máu khiến túi da này có màu đỏ, tím hoặc đen. Bệnh nhân thường gặp một số triệu chứng điển hình như:
- Đau nhức tại chỗ hoặc xung quanh vị trí vết rộp máu;
- Da đỏ ửng, ngứa ngáy;
- Vết rộp máu có nhiều kích thước khác nhau từ nhỏ đến lớn;
Chẩn đoán
Để chẩn đoán tổn thương trên da là các vết phồng rộp máu, trước tiên bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng lâm sàng, hình thái và mức độ tổn thương ngoài da. Khai thác tiền sử bệnh cá nhân, tính chất nghề nghiệp hoặc có từng thực hiện các tác động ngoại lực nào dẫn đến tổn thương ngoài da hay không.
Ngoài ra, dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ khi nghi ngờ các vết phồng rộp máu là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng khác. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu hoặc sinh thiết mô (lấy từ miệng, mắt, vùng sinh dục hoặc một vị trí bất thường) để kiểm tra xét nghiệm, chẩn đoán loại trừ với các bệnh lý khác.
Biến chứng và tiên lượng
Bản chất của các vết phồng rộp máu thường không nguy hiểm, nó là phản ứng tự nhiên của hệ thống miễn dịch đối với sự tổn thương của các tế bào bị viêm hoặc hoại tử. Đa số trường hợp xuất hiện rộp máu đều không quá nghiêm trọng và có xu hướng tự khỏi trong vòng 1 tuần mà không cần can thiệp điều trị y tế.
Trong quá trình này, chỉ cần bạn chú ý giữ cho vết rộp tránh khỏi các tác động ngoại lực khác và giữ vệ sinh sạch sẽ để thúc đẩy tiến trình tự phục hồi. Riêng với những trường hợp vết rộp máu là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng, sau khi có kết quả chẩn đoán bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp điều trị y tế phù hợp.
Điều trị
Các vết phồng rộp máu thường tự lành lại bằng cách phát triển một lớp da mới bên dưới lớp nổi của vết phồng này. Lúc này, máu bên trong vết rộp máu cũng sẽ khô lại và dần bong ra. Bạn thường phải mất khoảng 1 tuần vết phồng này mới khỏi hẳn.
Trường hợp muốn loại bỏ vết rộp máu nhanh hơn, hãy thử áp dụng các bước sau:
- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn và nước, thấm khô bằng khăn sạch;
- Bôi kem hoặc thuốc mỡ chống khuẩn trực tiếp lên vết phồng rộp máu;
- Quấn hoặc đắp băng gạc y tế lên để giữ thuốc và đảm bảo vết rộp máu không bị tác động bởi các tác nhân bên ngoài;
- Thay bằng ít nhất 1 lần/ ngày và giữ vệ sinh sạch sẽ, khô ráo;
Những trường hợp xuất hiện vết phồng rộp máu gây đau nhức, khó chịu, hãy thử chườm túi đá trực tiếp lên vùng da này để giảm đau. Hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, acetaminophen hoặc ibuprofen.
Điều cấm kỵ người bệnh không được làm với các vết phồng rộp máu đó chính là cố gắng dùng tay hoặc các vật sắc nhọn để làm vỡ vết phồng hoặc lột bỏ lớp da của túi phồng. Điều này giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm và tránh để lại vết sẹo xấu vĩnh viễn trên da.
Phòng ngừa
Các vết phồng rộp máu vừa gây đau nhức khó chịu vừa ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của làn da. Do đó, hãy chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ tích cực để phòng ngừa tình trạng này.
- Mang giày vừa vặn, không quá chật cũng không quá rộng và phải mang vớ khô thoáng, sạch sẽ bên trong để giảm nguy cơ phồng rộp máu.
- Luôn đeo găng tay khi làm việc, nhất là các công việc phải sử dụng thiết bị, công cụ đòi hỏi thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại, gây ra ma sát trên da.
- Sử dụng gel bôi trơn trên bàn chân để giảm ma sát cho làn da khi phải đi bộ hoặc vận động nhiều.
- Sử dụng bột khô cho bàn tay để hút bớt độ ẩm, giảm nguy cơ hình thành vết phồng rộp máu trên da.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Làn da của tôi xuất hiện các vết phồng rộp màu đỏ, tím hoặc đen là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Các vết phồng rộp máu này tại sao lại xuất hiện?
3. Tình trạng bệnh này có nguy hiểm không? Có gây ra biến chứng nào không?
4. Tôi cần phải thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán vết phồng rộp máu?
5. Tôi nên điều trị rộp máu bằng phương pháp nào tốt nhất?
6. Các vết phồng rộp máu có tự khỏi khi không điều trị không?
7. Mất bao lâu các vết rộp máu mới khỏi hoàn toàn?
8. Tôi cần làm gì để phòng ngừa tái phát các vết rộp máu này?
Rộp máu là tình trạng xảy ra rất phổ biến và thường tự khỏi sau khoảng 1 tuần nên bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên chủ động thăm khám nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường kèm theo như vết phồng rộp máu lâu ngày không khỏi, xuất hiện trong miệng... Việc điều trị kịp thời sẽ giúp loại bỏ chúng một cách hiệu quả mà không để lại bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào.