Bệnh rối loạn phân ly

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Rối loạn phân ly gây ra các vấn đề bao gồm sự rối loạn về mặt cảm xúc, nhìn nhận thế giới không thật, cảm giác như thế giới bị bóp méo, mất trí nhớ tạm thời,... Đây là một hội chứng tâm lý nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng đời sống mà còn gây ra nhiều tác hại lên sức khỏe người bệnh.

Tổng quan

Rối loạn phân ly (Hysteria) hay hội chứng rối loạn thần kinh chức năng là tên gọi một trạng thái rối loạn tâm thần nguy hiểm. Bệnh có liên quan đến trạng thái mất kết nối tạm thời suy nghĩ, ký ức với môi trường xung quanh. Bệnh nhân không có khả năng làm chủ được cảm xúc, hành động và các đặc tính vốn có trước đó.

Rối loạn phân ly
Rối loạn phân ly có thể xảy ra với bất kỳ ai

Bệnh lý này có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, trong đó bệnh nhân từ 14-25 tuổi được ghi nhận số lượng lớn. Theo số liệu thống kê cho thấy xu hướng mắc chứng rối loạn phân ly thường nằm trong nhóm tuổi dậy thì đến thành niên. Những trường hợp mắc bệnh ngoài độ tuổi 45 khá ít.

Có rất nhiều yếu tố khiến người trẻ mắc chứng rối loạn phân ly ngày càng nhiều. Trong đó kể đến các sang chấn tâm lý nặng nề ngay từ nhỏ. Cảm xúc bị ức chế trong thời gian dài dẫn đến các rối loạn bên trong não bộ, tác động tiêu cực lên hệ thống dây thần kinh.

Nhiều trường hợp ghi nhận tình trạng rối loạn phân ly ở bé gái xảy ra có tính tập thể, thường là một nhóm hoặc vài bé trong trường học, đám đông. Người mắc bệnh bắt đầu có các triệu chứng rối loạn, lan truyền trạng thái tâm lý bất ổn đến người xung quanh.

Những vấn đề như sang chấn tâm lý do gia đình, học tập, công việc hoặc các mối quan hệ,... mà người bệnh không thể tự giải quyết dẫn đến những ám ảnh, ức chế kéo dài. Người bệnh khi đó gặp nhiều khó khăn trong việc điều khiển cảm xúc, các triệu chứng khởi phát không chỉ gây hại sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Phân loại

Rối loạn phân ly được phân thành các dạng như sau:

  • Rối loạn nhận dạng phân ly: Đây là một trong những dạng rối loạn thường gặp. Người bệnh có các biểu hiện đan xen hai nhân cách khác biệt, về khả năng lưu giữ ký ức giữa hai trạng thái không được đảm bảo. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị rối loạn nhân cách, không phân biệt đâu là đặc tính chính của bản thân. Nhân cách chủ không có khả năng nhận diện các nhân cách xen kẽ, tuy nhiên, những nhân cách thay thế lại có khả năng nhận thức về các nhân cách thay thế còn lại.
  • Quên phân ly: Đây là phân loại nhỏ thuộc nhóm bệnh rối loạn phân ly. Bệnh nhân bị mất trí nhớ tạm thời, chỉ có thể nhớ đến những đoạn ký ức ngắn, không liền mạch. Thông thường chứng quên phân ly xuất hiện sau chấn thương vùng đầu, do căng thẳng tột độ. Người bệnh có thể quên ký ức đột ngột hoặc một cách chậm rãi mất dần đi một vài mảng ký ức. Tình trạng mất trí nhớ tạm thời xảy ra trong vài phút hoặc vài năm.
  • Rối loạn giải thể nhân cách: Người bệnh có các biểu hiện tách rời bản thân với thế giới xung quanh, cảm nhận thế giới không có thực. Tuy nhiên trong giai đoạn giải thể nhân cách, bệnh nhân vẫn hoàn toàn có thể nhận thức hiện tượng mang tính cảm giác, không phải sự thật hiện hữu.

Ngoài cách phân chia kể trên, những trường hợp rối loạn phân ly cũ trước đó không được phân biệt, nay cũng được phân thành rối loạn cụ thể khác và rối loạn không xác định. Thông thường cách phân chia này sẽ áp dụng cho những trường hợp không nằm trong các dạng rối loạn kể trên, đối với bệnh nhân không có đủ cơ sở dữ liệu và tiêu chuẩn đánh giá.v

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Rối loạn phân ly thường xảy ra ở trẻ em, những đứa trẻ gặp các sang chấn thời ấu thơ, kéo dài trong giai đoạn trưởng thành. Những em bé có độ tuổi quá nhỏ không tự chủ động diễn tả được các khó khăn, vấn đề đang gặp phải, cộng với sự chủ quan, thiếu sót của bố mẹ và người thân khiến tình trạng rối loạn diễn biến nặng nề hơn.

Mặc dù rối loạn thần kinh gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động não bộ, tuy nhiên chưa có bằng chứng chính xác về việc tổn thương não dẫn đến bệnh lý này. Những yếu tố được đánh giá có liên quan đến rối loạn phân ly được chuyên gia đề cập đến bao gồm:

Nguyên nhân gây rối loạn phân ly
Sang chấn tâm lý, áp lực công việc, học tập,... có thể là tác nhân dẫn đến hiện tượng cuồng loạn hay còn gọi là rối loạn phân ly

  • Sang chấn tâm lý về nỗi lo sợ, tức giận, buồn bã,... nặng nề, kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Một số trường hợp mắc rối loạn phân ly không tìm thấy sang chấn, nhất là khi vấn đề tâm lý lâu ngày tái phát.
  • Người có môi trường sống không đảm bảo, hoàn cảnh khó khăn, giáo dục không phù hợp khiến nhân cách yếu, tư duy với nhiều suy nghĩ tiêu cực, thiếu sự chủ động và tự chủ. Bên cạnh đó, những yếu tố ngoại cảnh có thể tác động lên tâm lý khác như sự nuông chiều quá mức của gia đình, người không được bảo vệ bởi người thân, thường xuyên bị bạo hành,...
  • Một vài trường hợp gặp vấn đề tâm lý do các ảnh hưởng về thần kinh khi bị tai nạn, nhiễm độc, thiếu dinh dưỡng, cơ thể bị suy kiệt thể chất và nhiều vấn đề khác.

Hầu hết các trường hợp bị rối loạn phân ly tiến triển như một cách chống lại hiện tượng chấn thương về tâm thần. Trẻ em mắc bệnh sẽ có những biểu hiện tách rời với thế giới xung quanh, thường xuyên bị căng thẳng, không điều khiển được cảm xúc.

Người bệnh cần được thăm khám tâm lý và nhận sự hỗ trợ của chuyên gia để khắc phục các sang chấn, ổn định tâm thần. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, các bé cần được điều trị sớm để ngăn chặn các tổn thương nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển, sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Mỗi mức độ rối loạn phân ly gây ra các triệu chứng nặng, nhẹ tương ứng. Các dấu hiệu bất thường bao gồm:

  • Gặp khó khăn trong việc làm chủ cảm xúc, đặc biệt có thể bộc phát các cảm xúc mãnh liệt ngay cả đối với các vấn đề nhỏ.
  • Tâm trạng có thể thay đổi một cách đột ngột, buồn vui vô cớ.
  • Một số bệnh nhân có các dấu hiệu của trầm cảm, lo lắng quá mức.
  • Cảm giác thế giới không có thật hoặc đôi khi nhìn nhận sự việc, sự vật bị bóp méo.
  • Gặp phải vấn đề suy giảm trí nhớ trong khi không gặp bất kỳ chấn thương thực thể hoặc can thiệp điều trị nào trước đó.
  • Khả năng tập trung kém, mất trí nhớ tạm thời, không còn ký ức đối với người, sự kiện, thông tin về bản thân và người thân, bạn bè.
  • Cảm thấy bản thân phải cư xử theo cách khác biệt, nhầm lẫn danh tính.

Chẩn đoán

Không dễ dàng trong việc chẩn đoán bệnh rối loạn phân ly. Đây là một trạng thái rối loạn tâm thần với đa dạng triệu chứng, dễ bị nhầm lẫn. Bệnh nhân cần thực hiện nhiều thủ thuật nhằm chẩn đoán triệu chứng, xác định bệnh lý.

Chẩn đoán rối loạn phân ly
Bệnh nhân cần được đưa đến gặp chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý để thăm khám và điều trị sớm

Người thân cần đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám thể chất và tinh thần. Đầu tiên, các bác sĩ sẽ bước đầu xác định nguyên nhân thể chất dẫn đến các bất ổn về mặt tinh thần, nhận thức.

Phân biệt bệnh rối loạn phân ly với các chứng rối loạn tâm thần liên quan như rối loạn hoảng sợ, rối loạn căng thẳng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,... Một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự rối loạn phân ly, bác sĩ cũng sẽ thu thập các thông tin về vấn đề này để góp phần củng cố chẩn đoán.

Tuy nhiên trong trường hợp người bệnh mắc chứng trầm cảm, bệnh tâm thần nặng có thể ảnh hưởng đến quá trình chẩn đoán. Bệnh nhân sẽ được thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra phản xạ, theo dõi biểu hiện của cơ thể,... để có biện pháp điều trị phù hợp nhất.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh nhân mắc chứng rối loạn phân ly không được hỗ trợ chăm sóc và điều trị lâu dần có thể đối mặt với các biến chứng bao gồm:

  • Nguy cơ tự cắt xén, nỗ lực tự sát.
  • Rối loạn chức năng tình dục, một số trường hợp mắc bệnh có biểu hiện nghiện tình dục hoặc né tránh các vấn đề liên quan.
  • Tăng nguy cơ nghiên rượu, sử dụng chất kích thích.
  • Mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống.
  • Tăng biểu hiện đau đầu, đau đầu nghiêm trọng khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong đời sống và suy kiệt sức khỏe.

Bệnh nhân mắc chứng rối loạn phân ly rất khó để tự vượt qua được các cảm xúc bất thường khi bệnh bùng phát. Cách tốt nhất để phòng ngừa biến chứng và hỗ trợ người bệnh sớm thoát khỏi cảm xúc tiêu cực là sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý, sự động viên giúp đỡ của người xung quanh, đặc biệt là người thân, bạn bè.

Điều trị

Để điều trị chứng rối loạn phân ly, bệnh nhân sẽ được thực hành các phương pháp tâm lý trị liệu. Người bệnh cần được trò chuyện, xoa dịu sang chấn, tư vấn tâm lý xã hội hoặc các vấn đề liên quan để ổn định sức khỏe tâm thần.

Các chuyên gia tâm lý trong trường hợp này đóng vai trò quan trọng trọng việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra rối loạn phân ly, cũng như tìm cách hỗ trợ người bệnh một cách tốt nhất. Những kỹ thuật chính được thực hiện bao gồm:

  • Thôi miên
  • Hỗ trợ bệnh nhân cải thiện trí nhớ
  • Tìm hiểu và làm việc với các chấn thương, sang chấn tinh thần

Thời gian điều trị tâm lý có thể phải kéo dài kèm theo những đau đớn khi người bệnh đối diện với sự thật. Tuy nhiên, đa số các trường hợp rối loạn phân ly tham gia các khóa học tâm lý trị liệu đều ghi nhận những kết quả khả quan.

Bên cạnh liệu pháp tâm lý, bệnh nhân có thể đồng thời được áp dụng các phương pháp khác như:

  • Liệu pháp nghệ thuật sáng tạo: Cách thức giúp hỗ trợ bệnh nhân cải thiện vấn đề điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc từ tiêu cực đến tích cực hơn. Thông qua hành động sáng tạo nghệ thuật, bệnh nhân có thể gia tăng sự tự nhận thức, đối mặt với các trải nghiệm đau thương, thay đổi tư duy hiệu quả. Phương pháp bao gồm các hoạt động về nghệ thuật như vẽ, khiêu vũ, âm nhạc, thơ văn.
  • Liệu pháp nhận thức: Biện pháp giúp bệnh nhân xác định được những hành vi tiêu cực, kém lành mạnh, những niềm tin lệch lạc về thế giới xung quanh. Sau đó hóa giải chúng, thay thế bằng các suy nghĩ, tư duy lành mạnh hơn.
  • Sử dụng thuốc: Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc nhằm cải thiện triệu chứng tâm lý. Tuy nhiên hiện nay chưa có loại thuốc nào được nghiên cứu có tính chính xác trong việc đặc trị rối loạn phân ly. Đơn thuốc có thể bao gồm thuốc chống trầm cảm, rối loạn lo âu, một vài thuốc an thần giúp bệnh nhân kiểm soát triệu chứng.

Phòng ngừa

Các rối loạn tâm thần học có thể xảy ra ở trẻ em cho đến quá trình trưởng thành. Ảnh hưởng đến từ các yếu tố xung quanh bao gồm tình cảm, gia đình, học tập, công việc,...

Phòng ngừa rối loạn phân ly
Bảo vệ sức khỏe tinh thân và thể chất của trẻ em giảm nguy cơ gặp các sang chấn từ sớm

Một số lưu ý giúp ngăn chặn phần nào nguy cơ gây rối loạn phân ly dành cho bạn đọc:

  • Đối với trẻ em, từ khi còn nhỏ nên được dạy bảo cách yêu thương mọi người xung quanh, chia sẻ trong gia đình, các mối quan hệ bạn bè, khả năng đối diện với khó khăn, thử thách.
  • Đứa trẻ cần được giáo dưỡng từ gia đình đến trường học nhằm giúp bé có điều kiện phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
  • Tập luyện thể dục, tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng giúp cho trẻ em và ngay cả người trưởng thành có tư duy, lối sống lành mạnh hơn. Một số hoạt động bao gồm ca hát, nhảy múa, dã ngoại, vận động thể dục, chơi thể thao, làm việc, lao động tập thể,...
  • Đảm bảo các nhu cầu thể chất như ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ. Tránh trường hợp học tập, làm việc quá sức ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.
  • Trong một tập thể cần có sự sắp xếp và bố trí công việc đều, phù hợp giữa nam giới và nữ giới.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Rối loạn phân ly là bệnh gì?

2. Nguyên nhân gây rối loạn phân ly là gì?

3. Triệu chứng nhận biết rối loạn phân ly?

4. Biến chứng rối loạn phân ly?

5. Rối loạn phân ly có tự khỏi không?

6. Cần làm gì khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ rối loạn phân ly?

7. Sử dụng thuốc có chữa được rối loạn phân ly không?

8. Điều trị rối loạn phân ly bao nhiêu tiền?

9. Rối loạn phân ly có tái phát không? Chữa dứt điểm được không?

10. Có cần trở lại bệnh viện tái khám định kỳ không?

Rối loạn phân lý là một bệnh lý tâm thần học nguy hiểm, có thể gây biến chứng nặng nề nếu không điều trị đúng cách. Chính vì thế, bệnh nhân nên chủ động đến gặp bác sĩ, điều trị tâm lý sớm để bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn các rủi ro ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và thể chất.