Bệnh bại não

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh bại não hay còn gọi là hội chứng bại não được cho là hệ quả của các dị tật diễn ra trước khi sinh hoặc sau khi sinh đối với hệ thần kinh trung ương. Người bệnh có các triệu chứng bất thường về tư duy, hành động. Tổn thương hệ thần kinh để lại các di chứng suốt đời không thể phục hồi. Người bệnh cần được chăm sóc, hỗ trợ sinh hoạt để kéo dài tiên lượng sống tốt nhất.

Tổng quan

Bại não (Cerabral Palsy) là chứng bệnh hình thành trong giai đoạn trước, trong hoặc sau sinh. Các tổn thương hệ thần kinh trung ương xuất hiện khiến trẻ em mắc bệnh rối loạn hành vi, tinh thần, tàn tật vận động và nhiều di chứng vĩnh viễn không thể khắc phục.

Bệnh bại não
Bại não là tổn thương hệ thần kinh trung ương xảy ra từ khi bé còn trong bụng mẹ hoặc trong và sau khi sinh

Các em bé mắc chứng bại não khó khăn trong sinh hoạt đời sống, không như những em bé bình thường khác. Não bộ bị tổn thương ở nhiều khu vực ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của bệnh nhi. Đồng thời, việc bé sinh ra dị tật não bộ là gánh nặng cho người thân và xã hội.

Không chỉ gặp khó khăn về mặt phát triển thể chất, trẻ bại não còn có trí tuệ kém, rối loạn khả năng học tập, thường xuyên bị động kinh, thị giác, thính giác kém,... và nhiều vấn đề khác. Hiện nay, theo thống kê trong tổng 1000 trẻ sơ sinh chào đời có khoảng 2 em bé mắc phải bệnh lý này. Trong đó, tỷ lệ xảy ra ở bé trai cao hơn so với bé gái.

Phân loại

Dựa vào mức độ bại não, tính chất và vị trí não bộ tổn thương người ta phân bệnh bại não thành các nhóm chính bao gồm:

  • Bại não thể liệt cứng: Trẻ bị co cứng cơ, tăng trương lực cơ dẫn đến việc vận động, cầm nắm, bò hoặc đi lại vô cùng khó khăn. Dựa trên vị trí bị liệt cứng, các chuyên gia tiếp tục phân chia bại não thể này thành các loại gồm liệt cứng 2 chân, nửa người và liệt tứ chi. Mỗi trường hợp liệt cứng đều gây nhiều hệ lụy đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
  • Bại não thể loạn động/múa vờn: So với tình trạng liệt cứng, thể loạn động hay còn gọi là bại não thể múa vờn chiếm 6% tổng số bệnh nhân bại não. Trương lực cơ lúc tăng lúc giảm bất thường khiến bé có các động tác không kiểm soát, nhịp điệu chậm, rộng như đang thực hiện hoạt động múa tuy nhiên hoạt động này lại không nằm trong ý thức của bé. Bên cạnh đó, phần cơ mặt, cơ lưỡi cũng chịu ảnh hưởng của trẻ khiến bé nuốt khó, nói khó, bỏ bú.
  • Bại não thể thất điều: Chiếm 6% số bệnh nhân. Trẻ gặp khó khăn trong việc cân bằng, phối hợp thực hiện các động tác vận động cơ thể. Do đó, những em bé mắc bại não thể thất điều thường có tướng đi lảo đảo, thắt lưng đong đưa. Các động tác như vỗ tay theo nhịp, viết chữ đều là các thử thách đối với những em bé mắc thể này.
  • Bại não thể phối hợp: Đối với trường hợp này bé đồng thời mắc một lúc 2 thể bại não trong số các thể bại não đã được nhắc đến. Trong đó phổ biến nhất là thể liệt cứng và thể loạn động. Đây là thể bại não nặng có thể làm bé bị tàn tật vĩnh viễn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh bại não có thể xảy ra trong quá trình phát triển bào thai, trong hoặc sau khi sinh với các nguyên nhân tác động kể đến như:

Trường hợp trước sinh:

Các yếu tố dưới đây có khả năng tác động ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi:

  • Nhiễm trùng: Một số trường hợp cơ thể người mẹ bị nhiễm trùng ảnh hưởng đến thai nhi. Trong đó trường hợp phổ biến là nhiễm Rubella, chính vì thế các bà bầu được khuyến cáo nên tiêm phòng trước khi mang thai để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con. Ngoài ra còn nhiều loại virus khác có khả năng tấn công cơ thể người mẹ, ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ của thai nhi, dẫn đến tình trạng bại não từ trong bụng mẹ. Các dạng nhiễm trùng khác có thể xảy ra gồm nhiễm trùng bộ phận sinh dục, tiết niệu, nhiễm trùng nước ối khiến bà bầu sinh non tăng nguy cơ bại não.
  • Thiếu oxy: Nhau thai bị bong khỏi thành tử cung trước thời gian sinh hay gọi là nhau bong non khiến cho thai nhi không được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết gây tổn thương não bộ. Ngoài ra tình trạng thiếu oxy não bào thai còn xảy ra do suy nhau thai, chảy máu cuối thai kỳ do bánh rau bám vào phần bên dưới tử cung.
  • Các nguyên nhân khác: Bên cạnh các vấn đề kể trên, hiện tượng bại não xảy ra trước sinh còn xuất hiện do ảnh hưởng bởi bệnh lý của người mẹ, liên quan yếu tố di truyền, tác dụng phụ của thuốc, hóa chất độc hại,...

Trường hợp trong lúc sinh:

  • Trẻ bị bại não có khả năng do ảnh hưởng bởi hiện tượng sinh non, chào đời sớm hơn ngày sinh từ 1-2 tháng. Thai nhi giai đoạn này chưa phát triển hoàn thiện về não bộ và thể chất, các cơ quan trong cơ thể nhất là hệ thần kinh trung ương trong quá trình hình thành phát thiện. Chính vì thế, những em bé chào đời quá sớm sẽ thiệt thòi hơn những em bé khác, có khả năng bị phù não, xuất huyết, tổn thương chức năng nội tạng,...
  • Trẻ gặp vấn đề về hệ thần kinh trung ương do bị ngạt trong quá trình sinh nở, em bé không khóc, cơ thể bị tím tái, trắng bệch. Bé cần được cấp cứu để bảo toàn tính mạng.
  • Một số trường hợp khác trong khi sinh trẻ bị sang chấn do người mẹ khó sinh phải sử dụng các biện pháp can thiệp như giác hút, Forceps.

Trường hợp sau sinh:

Các nguyên nhân bại não ở trẻ em sau sinh có thể xảy ra do:

  • Xuất huyết não: Đây là một trong những yếu tố dẫn đến hiện tượng tổn thương thần kinh não bộ khiến bé có các triệu chứng bất thường sau sinh. Mạch máu bị tắc nghẽn dẫn đến hiện tượng xuất huyết gây bại não cho trẻ sơ sinh.
  • Vàng da: Tình trạng xảy ra ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến biến chứng bại não. Do đó nếu phát hiện sau sinh trẻ có màu da bất thường bố mẹ nên thông báo với bác sĩ để được hỗ trợ.
  • Hạ đường huyết: Sau khi chào đời trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng lượng đường trong máu thấp. Lúc này bé có thể bị suy hô hấp, rơi vào tình trạng hôn mê, tổn thương não bộ.
  • Ảnh hưởng từ bệnh lý khác: Một số vấn đề sau sinh là nguyên nhân gây bại não ở trẻ có thể kể thêm như viêm màng não mủ, viêm não, chấn thương,...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các dấu hiệu của bệnh bại não xuất hiện khá sớm, bé có những biểu hiện bất thường ngay khi chào đời và trong thời gian phát triển, đặc biệt là độ tuổi mẫu giáo. Bé có khả năng vận động kém, phản xạ và hành vi bất thường, cơ thể cũng có các biểu hiện kém phát triển hơn so với em bé khác.

Triệu chứng
Trẻ chậm phát triển, có các biểu hiện bại não dần rõ ràng theo từng giai đoạn phát triển

Mỗi cơ thể có các biểu hiện bại não khác nhau. Một số trường hợp không bị bại não thể liệt hai chân có thể đi lại bình thường, trong khi đó một số trường hợp phải nhờ sợ trợ giúp từ người chăm sóc. Không những thế, có một số bé bị bại não nhưng có thể phát triển trí tuệ tương đối nhưng lại có bé bị thiểu năng nặng.

Nhận biết sớm các triệu chứng bại não và đưa bé đến bệnh viện thăm khám là việc bố mẹ nên tiến hành càng sớm càng tốt. Theo từng độ tuổi các dấu hiệu bất thường ở bệnh nhi bại não có thể kể đến như:

  • Trẻ từ 3-6 tháng: Đầu ngã ngửa, tay chân co cứng, mềm nhũn, căng lưng và cổ khi bế, chân cứng, bắt chéo chân như hình dạng cây kéo.
  • Trẻ hơn 6 tháng: Không lăn như các em bé bình thường, không chắp tay, gặp khó khăn trong hành động đưa tay lên miệng, vươn 1 tay.
  • Trẻ hơn 10 tháng: Khó khăn khi bò, bò chậm chậm, không bò trên 4 chi, trong khi vùng đầu gối, mông vẫn hoạt động bình thường.

Các chuyên gia đã tổng hợp danh sách rất nhiều triệu chứng ở bé mắc bệnh bại não, kể đến như:

  • Trương lực cơ có thể cứng quá hoặc mềm quá, co cứng cơ bắp, phản xạ không kiểm soát.
  • Cơ bắp thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, thiếu cân bằng.
  • Vận động, rung bất thường, trẻ di chuyển chậm chạm, khó khăn.
  • Dáng người khom, đi bắt chéo hai đầu gói, dáng đi không cân xứng.
  • Thường xuyên chảy nước dãi, khó nuốt, khó bú, khó nói.
  • Trẻ lớn hơn gặp khó khăn trong học tập, hay bị động kinh.
  • Các bất thường thị giác, rối loạn tâm thần, thiểu năng trí tuệ,...

Bệnh bại bão gây ra nhiều ảnh hưởng trên toàn bộ hệ thống cơ thể, một số trường hợp một chi hoặc một nửa thân người bị giới hạn. Trẻ bị rối loạn não vĩnh viễn, tuy nhiên các triệu chứng thường không tiến triển theo thời gian như một số căn bệnh về não bộ, xương khớp,... khác.

Chẩn đoán:

Nhận biết các dấu hiệu bất thường ở bé và kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra, theo dõi điều trị. Trẻ được chẩn đoán bại não khi chào đời cho đến giai đoạn vài tháng tuổi. Bác sĩ sẽ dựa vào các biểu hiện ở trẻ để xem xét, đánh giá sơ bộ tình hình bại não ở trẻ nhỏ.

Các biện pháp chẩn đoán chuyên sâu khác được tiến hành như:

  • Chụp Scan não: Thu thập hình ảnh não bộ, xác định vị trí tổn thương, khu vực dây thần kinh bất thường. Các thủ thuật như chụp cộng hưởng từ, siêu âm sọ, điện não đồ.
  • Xét nghiệm tại phòng thí nghiệm: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, sàng lọc di truyền.
  • Các phương pháp khác: Chẩn đoán bệnh bại não thông qua các xét nghiệm kiểm tra tầm nhìn, thính giác, trí tuệ, khả năng tư duy, vận động,...

Biến chứng và tiên lượng

Người bị bại não gặp phải nhiều di chứng, tàn tật kéo dài không thể phục hồi về thị giác, thính giác, trí não, khả năng vận động,... Các biến chứng bại não ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Có thể kể đến như:

  • Co rút cơ: Hệ thống xương khớp bị ảnh hưởng, cơ bắp ngắn và căng khiến trẻ gặp khó khăn trong vận động. Ngoài ra, co rút cơ còn ảnh hưởng đến xương khớp, dễ dẫn đến biến dạng, dị tật các khớp, xương dễ gãy,...
  • Lão hóa sớm: Trẻ bị bại não thường có nguy cơ lão hóa sớm hơn so với độ tuổi trung bình của người bình thường.
  • Thiếu dưỡng chất: Trẻ bại não khó ăn khó nuốt dẫn đến việc thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng, cơ thể suy dinh dưỡng phát sinh nhiều vấn đề khác.
  • Suy giảm tinh thần: Các vấn đề về thể chất càng nghiêm trọng khiến tinh thần của trẻ cũng tiêu cực dễ gây trầm cảm ở trẻ em. Ngoài ra, các khiếm khuyết trên cơ thể cũng là nguyên nhân khiến trẻ tự cô lập bản thân với cộng đồng.
  • Bệnh tim, phổi: Trẻ mắc các bệnh lý về tim, phổi do tổn thương hệ thần kinh trung ương.
  • Các vấn đề khác: Còn nhiều biến chứng nặng nề khác có thể xảy ra khi bại não ngày càng tiến triển. Đặc biệt dấu hiệu bất thường khi trẻ lớn dần ngày càng rõ nét hơn. Dị dạng cơ thể và khiếm khuyết não bộ là rào cản khiến trẻ không thể phát triển và hòa nhập như những em bé khỏe mạnh khác.

Chính vì mức độ nguy hại kể trên, bố mẹ nên chủ động phòng ngừa bại não cho trẻ sơ sinh từ khi có ý định mang thai và sinh con. Đồng thời, khi bé chào đời cần theo dõi hiện tượng bất thường ở trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để nhận sự hỗ y tế, bảo đảm bé có điều kiện phát triển tốt nhất có thể.

Điều trị

Bệnh bại não gây các tổn thương ở vùng trung tâm khó có thể khắc phục hoàn toàn. Do đó, mục tiêu của việc điều trị hướng tới kiểm soát triệu chứng, phòng ngừa các rủi ro nghiêm trọng hơn xảy ra ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Các phương pháp được áp dụng kể đến như:

Điều trị
Các phương pháp điều trị được chỉ định theo từng trường hợp bệnh nhân bại não

Sử dụng thuốc:

Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, bố mẹ tránh trường hợp tự ý cho trẻ sử dụng thuốc bừa bãi. Các nhóm thuốc được chỉ định có tác dụng cải thiện tình trạng co cứng cơ, giúp người bệnh thư giãn, kiểm soát cơn đau nhức khó chịu,... Kể đến như:

  • Baclofen: Chỉ định trong điều trị co cứng, triệu chứng bại não và nhiều trường hợp khác. Sử dụng thuốc theo đường tiêm, tùy từng đối tượng bệnh nhân liều dùng được cân chỉnh phù hợp, đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất. Tuy nhiên khi sử dụng Baclofen người bệnh có thể gặp phải một vài tác dụng phụ như chóng mặt, choáng váng, mất ngủ,...
  • Dantrolene: Thuốc được dùng trong trường hợp điều trị bại não, các vấn đề liên quan ảnh hưởng gây co cứng cơ, rối loạn thần kinh,... Tác dụng chính làm giãn cơ bắp, thư giãn, tránh biến chứng. Liều dùng được bác sĩ chỉ định dựa theo tình hình sức khỏe của bệnh nhân.
  • Tizanidine: Tương tự như các thuốc kể trên, Tizanidine cũng được sử dụng trong điều trị bại não nhằm khắc phục tình trạng co cứng cơ. Bác sĩ sẽ chỉ định cách sử dụng cho từng bệnh nhân.

Sử dụng thuốc theo hướng dẫn, bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ khi sử dụng thuốc, trường hợp nặng cần liên hệ với bác sĩ để được điều chỉnh kịp thời. Thuốc chỉ có tính chất hỗ trợ, không phải là phương án chữa dứt điểm bại não, phụ huynh lưu ý không lạm dụng tùy tiện.

Can thiệp ngoại khoa:

Đối với trường hợp bại não dẫn đến co rút cơ nặng nề, bệnh nhân cần can thiệp ngoại khoa để tránh biến chứng đe dọa tính mạng. Chỉ định cho đối tượng co cứng chi dưới nặng nề. Bác sĩ sẽ cân nhắc, chọn lọc để loại bỏ một số nhánh thần kinh giảm co cứng cho người bệnh.

Tiến hành điều trị ngoại khoa thường được áp dụng cho các bé từ 2-6 tuổi có các biểu hiện bại não nặng. Phương án can thiệp sâu cũng tiềm ẩn rủi ro nhất định, bên cạnh đó chi phí thực hiện cũng khá đắt đỏ. Bác sĩ sẽ tư vấn cho thân nhân các ưu và nhược điểm trước khi đưa ra quyết định điều trị.

Cách điều trị khác:

  • Điều trị bằng tế bào gốc: Phương pháp được tiến hành với mục đích sử dụng tế bào lành thay thế cho tế bào tổn thương, tăng khả năng phát triển tế bào não khỏe mạnh cho người bệnh. Đây là một trong các giải pháp điều trị được áp dụng cho nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh bại não. Tuy nhiên chi phí điều trị bằng tế bào gốc khá cao nên nhiều bệnh nhân vẫn chưa đủ khả năng tiếp cận.
  • Vật lý trí liệu: Áp dụng các thủ thuật tập luyện, phục hồi chức năng cho bệnh nhân bại não. Chương trình tập luyện ở mỗi bệnh nhân sẽ được bác sĩ thiết kế phù hợp với mức độ bại não. Người nhà hỗ trợ bệnh nhi thực hiện các bài tập trị liệu giúp bé giảm triệu chứng khó chịu, tránh biến chứng hại sức khỏe.
  • Liệu pháp giáo dục: Hỗ trợ trẻ em mắc bệnh bại não phát triển trí não, tăng khả năng giao tiếp thông qua các biện pháp giáo dục hỗ trợ. Chỉ định áp dụng cho các trường hợp bại não hoặc gặp vấn đề về thần kinh, trí tuệ.

Bất kỳ giải pháp nào cũng sẽ có các ưu và nhược điểm riêng, bác sĩ sẽ thiết kế phác đồ điều trị tương ứng với kết quả chẩn đoán, tình hình sức khỏe của người bệnh. Ngoài tuân thủ theo hướng dẫn điều trị, bệnh nhân cần nhận được sự chăm sóc đúng cách từ người thân, sự động viên, khích lệ của người nhà để người bệnh giảm bớt lo âu, tự ti với cuộc sống.

Phòng ngừa

Bệnh bại não khó có thể phòng ngừa như một số bệnh lý khác. Các tổn thương não bộ của thai nhi, trẻ sơ sinh có thể xảy ra trong hoặc sau khi sinh. Bà bầu có thể chủ động ngăn chặn một số rủi ro cho bé từ giai đoạn mang thai và chào đời. Một số lưu ý giúp mẹ bầu bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi kể đến như:

Phòng ngừa
Chủ động phòng ngừa bệnh bại não cho bé ngay khi có ý định mang thai, trong thời gian mang thai và sau sinh

  • Chủ động thăm khám bầu theo lịch hẹn của bác sĩ, thực hiện các tầm soát trước sinh nhằm xác định thai nhi có bị dị tật hoặc gặp vấn đề bất thường không.
  • Chủ động tiêm phòng bệnh trước khi mang thai để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh. Phụ nữ có ý định sinh con có thể đến các trung tâm tiêm phòng để được tư vấn gói tiêm tiền sản. Ngoài ra, chị em cũng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản trước khi mang thai để loại trừ các rủi ro không mong muốn.
  • Trong thời gian mang thai, chị em phụ nữ cần bổ sung cho cơ thể đầy đủ dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm phù hợp. Khi cần thiết, bà bầu có thể được tư vấn sử dụng các viên uống bổ sung để giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh nhất.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, dành thời gian để cơ thể thư giãn, áp dụng các biện pháp thai giáo giúp bé có điều kiện phát triển trí não tốt ngay từ trong bụng mẹ.
  • Khi bé chào đời hãy lựa chọn địa chỉ bệnh viện uy tín để sinh nở, bảo vệ vùng đầu của trẻ sơ sinh,...

Những câu hỏi quan trọng khi khám

1. Nhận biết bệnh bại não thông qua các dấu hiệu nào?

2. Nguyên nhân vì sao con tôi mắc bệnh bại não?

3. Tình trạng sức khỏe của con tôi có nguy hiểm không?

4. Những xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán bại não?

5. Con tôi sẽ gặp phải các vấn đề gì nếu bệnh bại não không được kiểm soát?

6. Các biện pháp điều trị bệnh bại não cho con tôi là gì?

7. Khi nào đưa trẻ đến tái khám?

8. Tôi cần làm gì để con có điều kiện phát triển, tránh biến chứng bại não gây ra?

Bệnh bại não xảy ra khiến người bệnh đối mặt với các vấn đề nặng nề. Trường hợp bệnh nhân bại não gặp biến chứng có thể đe dọa đến an toàn tính mạng. Do đó, trong thời gian mang thai và sinh nở, mẹ bầu nên chăm sóc cơ thể và chú ý đến các biểu hiện bất thường. Khám thai định kỳ, tầm soát dị tật thai nhi sớm để kịp thời phòng tránh rủi ro, bảo vệ an toàn cho bé phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.