Viêm màng ối

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Phụ sảnTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Viêm màng ối là xảy ra vào giai đoạn cuối thai kỳ hoặc tại thời điểm thai phụ chuyển dạ. Tình trạng viêm nhiễm có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của mẹ và bé. Thai phụ cần được cấp cứu xử lý viêm màng ối để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con.

Tổng quan

Thai nhi được bao bọc trong túi ối suốt quá trình phát triển bên trong cơ thể người mẹ. Túi ối chứa dịch ối, ngăn cách hoàn toàn với môi trường bên ngoài túi ối nhờ màng ối. Màng ối chỉ được phá bỏ khi thai nhi chuẩn bị chào đời. Chính vì thế khi thấy dịch ối chảy ra, bà bầu cần đến bệnh viện để kiểm tra và chuẩn bị cho quá trình sinh nở, chào đón em bé ra đời.

Viêm màng ối
Viêm màng ối có thể xảy ra trong những tháng cuối thai kỳ hoặc thậm chí là khi bà bầu chuyển dạ sinh con

Tuy nhiên một số trường hợp bà bầu bị viêm màng ối. Viêm màng ối (Chorioamnionitis) là một dạng biến chứng thai kỳ nhiều phụ nữ gặp phải. Hiện tượng viêm nhiễm có thể xảy ra trong những tháng cuối thai kỳ hoặc ngay cả thời điểm chuyển dạ, sinh con.

Nhiều trường hợp viêm màng ối xuất hiện ở những ca sinh non, ngoài ra cũng có một số trường hợp em bé chào đời đủ tháng cũng gặp phải tình trạng này. Viêm màng ối là một hiện tượng nhiễm trùng nguy hiểm, nếu người mẹ không được cấp cứu xử lý kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng, đặc biệt còn ảnh hưởng nặng đến thai nhi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây viêm màng ối có thể đến từ sự tấn công, lan rộng của vi khuẩn trong môi trường âm đạo, đi vào buồng tử cung và màng ối. Nhóm vi khuẩn thường gặp như vi khuẩn E.coli, vi khuẩn liên cầu nhóm B, vi khuẩn kỵ ký,...

Chúng gây viêm nhiễm phụ khoa ở bà bầu, do cơ địa phụ nữ mang thai có nhiều thay đổi, hệ miễn dịch yếu. Nếu phát hiện chậm, không điều trị đúng cách các vi khuẩn gây hại có thể lan rộng, xâm nhập sâu hơn gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai. Trong đó hiện tượng viêm màng ối có khả năng xuất hiện gây ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi.

Khi nước ối, nhau thai và ngay cả em bé bị nhiễm trùng nhiều hệ lụy nghiêm trọng có thể xảy ra. Do đó, bà bầu cần thận trọng với vấn đề này. Chủ động thăm khám khi phát hiện khu vực nhạy cảm có những biểu hiện bất thường. Bà bầu chủ quan, không cải thiện vấn đề sức khỏe sớm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thai kỳ, thai nhi cũng gặp nhiều rủi ro nguy hiểm.

Những đối tượng nguy cơ cao bị viêm màng ối là những phụ nữ mang thai sớm, lần đầu mang thai, trong thời gian mang thai phải lao động nhiều, bị vỡ nước ối sớm, sinh non, bị nhiễm trùng đường sinh dục dưới điều trị chưa khỏi,... Cần chăm sóc đặc biệt đối với những trường hợp này, chủ động thăm khám thai định kỳ để sớm phát hiện bất thường và can thiệp điều trị.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Nhận biết tình trạng viêm màng ối thông qua những biểu hiện như:

  • Thai phụ bị sốt cao, đặc biệt thời gian lúc chuyển dạ thân nhiệt cơ thể có thể lên đến hơn 38 độ C.
  • Tăng nhịp tim thai hơn 160 nhịp/phút.
  • Số lượng bạch cầu trong máu tăng.
  • Xuất hiện dịch mủ ở lỗ cổ tử cung bất thường.
  • Tăng nhịp tim ở thai phụ, ấn bào tử cung có cảm giác đau.

Các triệu chứng lâm sàng kể trên không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cho thấy bà bầu bị viêm màng ối. Đặc biệt là khi chỉ dựa trên biểu hiện sốt ở thai phụ mà chẩn đoán. Một số trường hợp trẻ chào đời có biểu hiện nghi ngờ nhiễm trùng máu cũng là yếu tố có liên quan đến viêm màng ối. Hãy thông báo ngay với bác sĩ nếu trẻ sơ sinh có các biểu hiện sau:

Triệu chứng
Cần thăm khám thai sớm khi nhận thấy cơ thể bà bầu, trẻ sơ sinh có dấu hiệu lạ

  • Bất thường vận động ở trương lực cơ, khóc yếu, bé bị hôn mê li bì, bú kém.
  • Bất thường ở hô hấp, trẻ bị tím tái, xuất huyết phổi, ngưng thở.
  • Em bé có nhịp tim nhanh, thân nhiệt thấp, da dẻ lạnh, ẩm và tím tái.
  • Tiêu hóa kém, nôn mửa và tiêu chảy liên tục.
  • Hệ thần kinh trung ương bị rối loạn hoạt động.
  • Những biểu hiện huyết học, biểu hiện về gan bất thường.

Chẩn đoán

Bên cạnh phân tích dấu hiệu lâm sàng kể trên, bác sĩ còn dựa vào kết quả xét nghiệm để chẩn đoán viêm màng ối ở thai phụ. Những bước kiểm tra có thể được tiến hành bao gồm:

  • Kiểm tra nước ối.
  • Xét nghiệm máu.
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Xét nghiệm sàng lọc.
  • Kiểm tra chỉ số về bạch cầu, nồng độ protein, và các chỉ số khác.
  • Tiến hành đánh giá nước ối, dịch tiết niệu bằng phương pháp cấy vi khuẩn, nhuộm gram, đo nồng độ glucose,...
  • Các chẩn đoán cần thiết ở trẻ sơ sinh.

Phương án chọc ói được chỉ định cho thai phụ đang trong thời gian chuyển dạ sinh non. Một lượng nhỏ dịch ối được lấy ra và đưa vào phòng thí nghiệm để kiểm tra. Trường hợp trong nước ối nồng độ glucose thấp, tế bào bạch cầu và vi khuẩn cao được đánh giá có liên quan đến hiện tượng viêm màng ối.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm màng ối xuất hiện có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi nếu không phát hiện và xử lý kịp thời. Những vấn đề có thể xảy ra kể đến như:

  • Nguy cơ viêm màng ối ảnh hưởng đến thai nhi, đặc biệt giai đoạn sớm. Thai nhi có thể bị chết lưu, sảy thai.
  • Tăng nguy cơ sinh non, trẻ chào đời thiếu tháng do ảnh hưởng từ hiện tượng nhiễm trùng màng ối. Thai nhi chào đời sớm có đề kháng yếu hơn, không khỏe mạnh như những em bé được sinh đủ ngày đủ tháng. Trẻ dễ bị mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa,... do các cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh, đây là biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Đặc biệt thai nhi chào đời thiếu tháng có nguy cơ nhiễm trùng cao, em bé có thể gặp phải các biến chứng nặng nề đe dọa an toàn tính mạng.
  • Nhiễm trùng máu người mẹ, nhiễm trùng tử cung kéo theo nhiều hệ lụy khác. Người bệnh có thể phải cắt toàn bộ tử cụng để bảo đảm an toàn tính mạng.

Xem thêm: Bị viêm phụ khoa khi mang thai nên làm gì?

Điều trị

Để điều trị viêm màng ối, bác sĩ trước hết sẽ khám và nhận định tình hình sức khỏe của thai phụ. Phương pháp can thiệp điều trị cần đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Thông thường đối với trường hợp viêm nhiễm do vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh.

Điều trị
Bà bầu nên thăm khám sớm, nghe tư vấn của bác sĩ để kịp thời xử lý khắc phục viêm màng ối

Liệu pháp kháng sinh cũng được áp dụng cho viêm màng ối. Thuốc có tác dụng loại bỏ tác nhân gây hại, đồng thời ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng bà bầu, thai nhi. Thuốc được dùng sau khi sinh cho đến khi đảm bảo tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát dứt điểm.

Ngoài ra, đối với những em bé sinh ra bị ảnh hưởng viêm màng ối cũng cần dùng thuốc kháng sinh đường tiêm để dự phòng rủi ro nhiễm trùng. Kháng sinh được chỉ định cho bé đường tiêm tĩnh mạch, đường uống hoặc tiêm đối với phụ nữ mang thai.

Loại thuốc phù hợp được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân. Bà bầu có thể được trở về nhà điều trị và theo dõi hoặc ở lại bệnh viện để được điều trị, kiểm tra định kỳ. Tùy mức độ nặng, nhẹ của viêm màng ối, bác sĩ sẽ tư vấn giải pháp can thiệp phù hợp.

Bên cạnh tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, bà bầu nên chủ động chăm sóc sức khỏe, bảo vệ cơ thể thật tốt để tránh trường hợp viêm nhiễm biến chứng gây hại sức khỏe hai mẹ con. Theo dõi diễn biến điều trị, kịp thời thông báo với bác sĩ khi cần thiết.

Phòng ngừa

Chủ động chăm sóc sức khỏe thai kỳ, kiểm tra bất thường và điều trị sớm phòng rủi ro cho thai phụ, thai nhi. Trong đó có trường hợp viêm màng ối nguy hiểm. Mặc dù không phổ biến tuy nhiên bà bầu vẫn nên thận trọng đối với tình trạng này. Trường hợp chủ quan có thể kéo theo nhiều nguy cơ cho cả hai mẹ con.

Những trường hợp bà bầu bị vỡ ối sớm nhưng chưa sinh nỡ sẽ phải dùng kháng sinh để tránh sự tấn công của tác nhân gây hại lên vị trí vỡ ối. Bên cạnh đó, chuyên gia khuyên bà bầu nên hạn chế thăm khám âm đạo sau khi đã có dấu hiệu vỡ ối.

Phòng ngừa
Khám thai định kỳ, bảo vệ sức khỏe bà bầu, thai nhi phòng nguy cơ viêm màng ối

Giai đoạn cuối thai kỳ một vài xét nghiệm khác sẽ được bác sĩ chỉ định cho bà bầu như xét nghiệm dịch âm đạo, sàng lọc chủng khuẩn gây hại,... Để giúp thai kỳ khỏe mạnh nhất, bà bầu nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, ăn uống khoa học, tập luyện vận động cơ thể để giảm những rủi ro không mong muốn.

Có thể bạn quan tâm: Ối vỡ sớm: Nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị sốt, có dịch âm đạo ở tháng cuối thai kỳ bất thường là bị gì?

2. Nguyên nhân vì sao tôi bị viêm màng ối?

3. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào?

4. Nếu không điều trị viêm màng ối sẽ gây ra biến chứng gì?

5. Tôi cần dùng thuốc kháng sinh trong bao lâu? Có nguy cơ gì không?

6. Tôi cần làm gì để phòng ngừa tái phát viêm màng ối?

7. Con tôi khi chào đời có bị ảnh hưởng bởi viêm màng ối không?

Viêm màng ối là một trong những vấn đề hiếm gặp, tuy nhiên cũng không ít phụ nữ mắc phải. Thông thường hiện tượng viêm xuất hiện đều có liên quan tình trạng viêm nhiễm phụ khoa trước đó. Bà bầu cần chủ động khám và điều trị nhanh chóng khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường. Trường hợp viêm màng ối kéo dài không có biện pháp khắc phục, điều trị phù hợp có khả năng gây ra nhiều hệ lụy cho cả bà bầu và thai nhi.