Nhân tuyến giáp

Nhân tuyến giáp có thể là dạng lành tính, tuy nhiên cũng có khả năng là nhân giáp ác tính. Bệnh nhân cần thăm khám và theo dõi để kịp thời xử lý khi cần thiết, phòng tránh các rủi ro biến chứng. Đến bệnh viện ngay khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường để được hỗ trợ càng sớm càng tốt.

Tổng quan

Nhân tuyến giáp là tình trạng các tế bào bên trong tuyến giáp phát triển một cách bất thường. Khối u hình thành từ sự tích tụ các tế bào này tạo thành nhân tuyến giáp. Đa số các trường hợp mang nhân tuyến giáp lành tính. Mặc dù vậy vẫn có tỷ lệ nhỏ nhân có chứa tế bào ác tính gây hại sức khỏe.

Nhân tuyến giáp
Nhiều trường hợp phát hiện nhân tuyến giáp khi siêu âm, chụp CT vùng cổ

Tuyến giáp nằm ở vị trí trước cổ, đây là tuyến nội tiết có chức năng sản xuất hormone cho cơ thể. Tuyến giáp có thể có một hoặc nhiều nhân cùng lúc. Để ngăn ngừa những rủi ro không mong muốn đối với sức khỏe, người bệnh cần thăm khám, theo dõi tình trạng nhân tuyến giáp để có hướng khắc phục, xử lý sớm.

Phân loại

Các loại nhân tuyến giáp thường gặp bao gồm:

  • Nhân giáp keo: Mô tuyến giáp có sự tăng trưởng quá mức dẫn đến hình thành nhân giáp, tuy nhiên chúng đều lành tính. Kích thước có thể thay đổi theo thời gian, không ảnh hưởng đến tuyến giáp, không xâm lấn ra ngoài bao tuyến giáp.
  • U nang tuyến giáp: Nang tuyến giáp chứa dịch bên trong, một số có lẫn tổ chức đặc tuyến giáp.
  • Nốt viêm: Thông thường do viêm mãn tính gây ra, chúng có thể gây đau ở vùng tuyến giáp hoặc không.
  • Bướu giáp đa nhân: Sự phát triển của tuyến giáp tạo nhiều nốt lành tính.
  • Cường giáp: Sản sinh hormone tuyến giáp vượt mức cơ thể cần gây ra tình trạng cường giáp. Bệnh lý này có thể gây ảnh hưởng đến chức năng tim mạch, làm thay đổi chỉ số huyết áp, gây loãng xương,...
  • Ung thư tuyến giáp: Đây là tình trạng tế bào ác tính tồn tại tại tuyến giáp, có khoảng 5% bướu giáp nhân.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nhân tuyến giáp hình thành thường ở dạng lành tính, tuy nhiên cũng có khả năng là nhân giáp ác tính. Người có nhân tuyến giáp lành tính thường không gặp phải bất kỳ vấn đề ảnh hưởng chức năng tuyến giáp.

Mặc dù vậy vẫn có trường hợp nhân giáp phát triển kích thước, hoạt động liên tục dẫn đến việc dư thừa một số hormone. Điều này là nguyên nhân gây ra tình trạng cường giáp khiến người bệnh bị sụt cân, yếu cơ,... và nhiều vấn đề khác.

Nguyên nhân gây phát triển nhân tuyến giáp được các chuyên gia đề cập đến như:

  • Yếu tố di truyền: Đây là yếu tố nguy cơ cao gây nhân tuyến giáp. Thông qua thăm khám, nhiều trường hợp người bệnh mắc nhân tuyến giáp có người thân cùng huyết mắc phải các bệnh liên quan đến cơ quan này.
  • Cơ thể thiếu iot: Bổ sung iot qua chế độ ăn uống không đảm bảo, trong thời gian dài có thể khiến bạn gặp phải các vấn đề về tuyến giáp. Nhân tuyến giáp hình thành có liên quan đến yếu tố này.
  • Độ tuổi và giới tính: Hai yếu tố này cũng có khả năng làm tăng nguy cơ hình thành nhân tuyến giáp. Theo đó, số lượng bệnh nhân mắc bệnh là nữ giới cao hơn nam giới, ngoài ra người bệnh thường ở độ tuổi từ trung niên trở lên.

Việc xác định nguyên nhân gây nhân tuyến giáp hỗ trợ việc kiểm soát bệnh một cách hiệu quả nhất. Khi đến thăm khám, bệnh nhân cần khai báo với bác sĩ các thông tin cần thiết để giúp quá trình chẩn đoán, đưa ra giải pháp can thiệp phù hợp.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Người bệnh khó phát hiện nhân tuyến giáp bởi không có dấu hiệu nhận biết đặc trưng đối với chứng bệnh này. Những trường hợp phát hiện có nhân tuyến giáp thường là tình cờ phát hiện, thông qua thăm khám sức khỏe định kỳ, chụp CT scan, siêu âm vùng cổ.

Một vài người bệnh tự phát hiện bất thường ở vùng tuyến giáp qua soi gương, nhận thấy cổ có biểu hiện lớn hơn về kích thước,... Ngoài ra, bệnh còn được phát hiện thông qua kết quả xét nghiệm hormone, sự bất thường về các chỉ số trong cơ thể.

Người có nhân tuyến giáp sẽ có khả năng sản sinh lượng hormone lớn, gây tình trạng cường giáp. Tuy nhiên có thể bạn chưa biết, nhân tuyến giáp và kể cả trường hợp ung thư tuyến giáp trên thực tế không ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp.

Triệu chứng nhân tuyến giáp
Người có nhân tuyến giáp thường không nhận thấy biểu hiện bất thường nào

Vài trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân bị nhân tuyến giáp có biểu hiện đau cổ, vùng hàm, đau tai, dù vậy xét nghiệm vẫn cho thấy TSH bình thường. Khi nhân tuyến giáp phát triển kích thước lớn hơn có khả năng gây chèn ép khu vực thực quản, khí quản. Lúc này người bệnh sẽ thấy khó khăn khi thở, nuốt thức ăn, giọng khàn, cổ có cảm giác vướng.

Nếu bệnh nhân không được khám và khắc phục tình trạng chèn ép trở nên lan rộng, ảnh hưởng đến dây thần kinh chi phối thanh âm. Đa số các trường hợp ảnh hưởng dây thần kinh đều có liên quan đến khối u tuyến giáp.

Chẩn đoán

Người bệnh được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra các chỉ số máu, thành phần, nồng độ hormone tuyến giáp thông qua những xét nghiệm về FT3,4, TSH.
  • Siêu âm: Đây là biện pháp chẩn đoán nhân tuyến giáp được thực hiện phổ biến. Thông qua hình ảnh siêu âm bác sĩ có thể nhận biết sự xuất hiện của nhân giáp, kích thước, hình dạng và vị trí của chúng.
  • Chọc hút bằng kim nhỏ: Hút mô tuyến giáp xét nghiệm dưới kính hiển vi, xác định bản chất mô giáp.

Biến chứng và tiên lượng

Nhân tuyến giáp thường là nhân lành tính, không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Tuy nhiên, một số trường hợp kích thước nhân giáp quá lớn, chèn ép các cơ quan lân cận, dây thần kinh,... gây ra một số vấn đề cho sức khỏe người bệnh.

Ngoài ra, lượng hormone tuyến giáp sản sinh quá mức trong thời gian có nhân giáp tăng khả năng gây cường giáp. Bệnh nhân có thể bị sụt cân không rõ nguyên nhân, đánh trống ngực, run tay,... và nhiều biểu hiện khác làm ảnh hưởng chất lượng đời sống, sức khỏe người bệnh.

Thận trọng với sự xuất hiện của nhân giáp. Người bệnh nên theo dõi, thăm khám y tế để nhận sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh tình trạng nhân giáp to, phát sinh các biến chứng đe dọa sự an toàn tính mạng.

Điều trị

Phát hiện sớm nhân tuyến giáp, theo dõi và điều trị khi cần thiết đảm bảo an toàn sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, do nhân tuyến giáp hình thành không có triệu chứng đặc trưng nên nhiều người chủ quan không thăm khám sớm.

Điều trị nhân tuyến giáp
Chỉ định điều trị nhân tuyến giáp dựa trên kết quả kiểm tra, chẩn đoán của từng bệnh nhân

Do đó, tốt hơn hết bạn nên chủ động khám sức khỏe định kỳ, theo dõi nhân tuyến giáp để bảo vệ an toàn cho bản thân. Những biện pháp can thiệp điều trị nhân giáp được bác sĩ chỉ định khi cần thiết, một số phương pháp như:

  • Phương pháp laser: Áp dụng biện pháp điều trị nhân giáp bằng tia laser giúp tránh các tổn thương, giảm thiểu rủi ro nhiễm trùng và hình thành sẹo. Thời gian để người bệnh phục hồi sau điều trị nhanh chóng. Chỉ định cho bệnh nhân có các dấu hiệu bất thường ở vùng cổ như khàn giọng, khó thở, rát cổ,...
  • Phương pháp phẫu thuật: So với sử dụng tia laser, phẫu thuật xâm lấn sẽ được chỉ định khi khối u tuyến giáp lớn, chèn ép các vùng lân cận. Bác sĩ sẽ tạo vết cắt ở vùng cổ, đưa các thiết bị vào trong tiến hành loại bỏ nhân giáp. Sau điều trị người bệnh sẽ có vết sẹo khó che tại cổ, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Ngoài ra, do can thiệp xâm lấn nên khả năng nhiễm trùng hậu phẫu cao nếu người bệnh không biết cách vệ sinh, chăm sóc vết mổ đúng. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ trao đổi cụ thể về những vấn đề này khi thăm khám và trước khi phẫu thuật.
  • Điều trị bằng sóng cao tần: Phương pháp sử dụng sóng cao tần kích thích đến nhân tuyến giáp làm giảm kích thước của chúng. So với phẫu thuật, sử dụng sóng cao tần không gây sẹo, không đau cho bệnh nhân. Áp dụng cho những khối u có kích thước lớn trên 20mm, bệnh nhân có mong muốn không sẹo sau điều trị.
  • Các biện pháp khác: Ngoài các biện pháp trên, người bệnh nhân tuyến giáp có thể được bác sĩ chỉ định áp dụng kỹ thuật iod phóng xạ hoặc sử dụng thuốc thyroxin để giảm kích thước của nhân giáp. Tùy tình hình sức khỏe của mỗi người, bác sĩ sẽ hướng dẫn giải pháp can thiệp sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn.

Phòng ngừa

Nhân tuyến giáp thường là nhân lành tính, tuy nhiên bạn không nên chủ quan. Cần phòng ngừa bệnh về tuyến giáp nói chung, nhân giáp nói riêng để giảm thiểu các rủi ro cho sức khỏe. Một số lưu ý:

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung lượng iot cơ thể cần mỗi ngày, không nên ăn quá nhiều cũng không nên ăn quá ít. Lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, ăn cân bằng dinh dưỡng, tránh ăn nhiều đồ dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn, thức uống chứa cồn,...
  • Duy trì cân nặng cân đối, tránh trường hợp tăng cân quá mức hoặc giảm cân đột ngột. Theo dõi các chỉ số sức khỏe để phát hiện các bất thường từ sớm, khám và điều trị bảo vệ an toàn sức khỏe.
  • Tập thói quen vận động, thể dục, không nên ngồi, nằm quá lâu. Vận động cơ thể giúp tăng cường tuần hoàn, tốt cho hệ tiêu hóa, hệ tim mạch, xương khớp.
  • Sử dụng thuốc điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh trường hợp lạm dụng, sử dụng thuốc bừa bãi có thể gặp tác dụng phụ nguy hại.
  • Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra khi cơ thể có biểu hiện bất thường, thăm khám và điều trị sớm giúp bạn giảm thiểu các rủi ro bệnh lý biến chứng, bệnh lý nặng gây hại sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm: Ung thư tuyến giáp thể nhú là gì? Nguy hiểm không?

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nhân tuyến giáp là gì?

2. Nhân tuyến giáp có nguy hiểm không?

3. Nguyên nhân nào gây ra nhân tuyến giáp?

4. Triệu chứng phát hiện nhân tuyến giáp là gì?

5. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nhân tuyến giáp nào?

6. Dùng thuốc có chữa được nhân tuyến giáp không?

7. Khi nào tôi cần phẫu thuật điều trị nhân tuyến giáp?

8. Nhân tuyến giáp có tái phát không?

9. Nếu không điều trị nhân tuyến giáp tôi có gặp vấn đề gì không?

10. Khi nào tôi cần tái khám?

Nhân tuyến giáp là một trong những bệnh lý nhiều người gặp phải, đa số các trường hợp đều là nhân lành tính. Tuy nhiên người bệnh nên đến cơ sở y tế kiểm tra định kỳ, theo dõi tình trạng nhân tuyến giáp để có can thiệp kịp thời, phòng ngừa rủi ro.