Bệnh Quai Bị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Tai Mũi HọngGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Quai bị là căn bệnh truyền nhiễm do virus Mumps thuộc họ Paramyxovirus gây ra. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng như sưng viêm tuyến nước bọt, gây đau nhức hai bên hàm kèm theo sốt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi... Bệnh không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi sau vài ngày khi được chăm sóc tích cực, với điều kiện không có biến chứng. Nhưng những trường hợp chủ quan không điều trị có thể gây biến chứng vô sinh ở cả nam và nữ giới. 

Tổng quan

Quai bị (Mumps) là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính được gây ra bởi virus quai bị Paramyxovirus. Bệnh trong giai đoạn bùng phát gây ra các triệu chứng đặc trưng như sốt, đau đầu, mệt mỏi kèm theo sưng tuyến nước bọt không có mủ ở 2 bên mang tai gây khó nuốt, khó nhai...

Bệnh có khả năng lây lan qua đường hô hấp do bắn giọt nước bọt chứa virus giữa người bệnh và người khỏe mạnh. Con đường lây lan này thường diễn ra trước 1 tuần trước khi sưng tuyến mang tai và kéo dài thêm khoảng 2 tuần sau đó. Tuy nhiên, sau mắc bệnh cơ thể sẽ có khả năng miễn dịch vĩnh viễn với loại virus này.

Quai bị là bệnh lý nhiễm trùng do virus quai bị gây ra và có khả năng lây nhiễm

Bệnh quai bị xảy ra phổ biến ở trẻ em từ 2 - 12 tuổi, tỷ lệ trẻ nam mắc bệnh cao hơn trẻ nữ. Tuy được đánh giá lành tính và ít khi để lại di chứng nếu điều trị đúng cách. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp mắc quai bị gây các biến chứng đáng lo ngại như viêm buồng trứng ở trẻ nữ và viêm tinh hoàn ở trẻ nam, gây vô sinh khi trưởng thành, nhưng tỷ lệ này khá thấp.

Bệnh có tỷ lệ mắc cao trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Chủ yếu xảy ra ở những nơi có nhiệt độ lạnh, điều kiện sinh hoạt kém nhưng có dân cư đông đúc như các tỉnh thành Tây Nguyên, phía Bắc. Tỷ lệ mắc thường tăng vọt trong những tháng thu - đông. Tuy nhiên, con số này đang giảm dần nhờ vắc xin quai bị.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Mumps virus thuộc họ Paramyxoviridae là tác nhân chính gây bệnh quai bị. Theo các tài liệu nghiên cứu, loại virus này có khả năng tồn tại khá lâu (30 - 60 ngày) trong môi trường bên ngoài với điều kiện nhiệt độ từ 15 - 200 độ C. Tuy nhiên, chúng rất dễ bị tiêu diệt khi nhiệt độ cao hơn 560 độ C.

Virus Mumps họ Paramyxoviriae là nguyên nhân chính gây ra bệnh quai bị

Con đường lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nước bọt được bắn ra từ mũi, miệng hoặc cổ họng của người bệnh. Chẳng hạn như:

  • Nói chuyện, ho, hắt hơi;
  • Ôm hôn, chơi những môn thể thao tiếp xúc gần như khiêu vũ cũng rất dễ lây lan virus quai bị;
  • Sử dụng chung đồ dùng cá nhân như chén, đũa, muỗng, đồ chơi, khẩu trang, bàn chải đánh răng...

Yếu tố nguy cơ 

Những người thuộc nhóm các yếu tố sau làm tăng nguy cơ khởi phát quai bị gồm:

  • Trẻ có hệ miễn dịch kém bẩm sinh hoặc mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch;
  • Trẻ chưa tiêm vắc xin phòng quai bị;
  • Đi du lịch đến những quốc gia, khu vực có tỷ lệ nhiễm virus quai bị cao;
  • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Đặc trưng triệu chứng của bệnh quai bị là sưng một hoặc nhiều tuyến nước bọt, trong đó có tuyến mang tai. Xảy ra ở khoảng 70% trường hợp mắc quai bị gây đau nhức 1 hoặc cả 2 bên mặt, khó nhai, khó nuốt, khó nói chuyện và biến dạng khuôn mặt.

Bệnh nhân quai bị thường bị đau 2 bên hàm do sưng viêm tuyến nước bọt gây khó nhai nuốt và nói chuyện

Kèm theo một số biểu hiện khác như:

  • Sốt cao từ 38 - 39 độ C;
  • Đau cơ, đau đầu, mệt mỏi;
  • Ăn kém, buồn nôn, nôn ói;
  • Trẻ nam có thể đau tinh hoàn và sưng bìu;

Một số trường hợp mức độ bệnh nặng có thể gây cứng cổ, lú lẫn, co giật và rơi vào hon6 mê. Tuy nhiên, tình trạng này khá hiếm gặp.

Chẩn đoán 

Các chuyên gia đánh giá triệu chứng bệnh quai bị khá đặc hiệu nên việc chẩn đoán bệnh thông qua triệu chứng lâm sàng không quá khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp cần thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng chuyên sâu nhằm loại trừ với các bệnh lý khác hoặc phục vụ công tác nghiên cứu.

Chẩn đoán quai bị chủ yếu thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và kết hợp xét nghiệm máu, dịch não tủy

Chẩn đoán cận lâm sàng

  • Xét nghiệm công thức máu nhằm đo lường và đánh giá chỉ số bạch cầu giảm nhẹ, tăng lympho;
  • Đo tốc độ lắng máu cho kết quả bình thường, nếu tăng có thể nghi ngờ biến chứng tổn thương tinh hoàn;
  • Chẩn đoán amylase máu hoặc lipase máu có thể tăng nhẹ hoặc vừa;
  • Xét nghiệm dịch não tủy chẩn đoán quai bị trong trường hợp trẻ bị viêm màng não siêu vi;
  • Một số xét nghiệm khác như:
    • Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR);
    • ELISA giúp phát hiện các kháng thể quai bị;
    • CI hoặc NT;
    • IFA giúp phát hiện kháng thể và kháng nguyên đặc hiệu quai bị;

Chẩn đoán phân biệt:

Các triệu chứng quai bị rất dễ bị nhầm lẫn với viêm tuyến nước bọt mang tai, do đó cần phân biệt tình trạng nhiễm virus quai bị với các trường hợp nhiễm trùng khác như:

  • Nhiễm virus Influenza hoặc Parainfluenza...;
  • Nhiễm vi khuẩn;
  • Chứng viêm hạch góc hàm dưới;
  • Tình trạng tắc ống dẫn tuyến sỏi;

Đối với biến chứng viêm tinh hoàn do quai bị gây ra cần phân biệt với các bệnh lý khác như:

  • Lao mào tinh hoàn hoặc lao tinh hoàn;
  • Viêm mào tinh do lậu;
  • Viêm tuyến tiền liệt;

Biến chứng và tiên lượng

Nếu bệnh quai bị ở trẻ không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm tinh hoàn (Orchitis): Trẻ nam có thể bị viêm 1 hoặc 2 bên tinh hoàn gây đau nhức. Có khoảng 35% trẻ gặp phải biến chứng này sau tuổi dậy thì. Tinh hoàn sưng to gấp 2 - 3 lần kèm theo các biểu hiện nóng sốt toàn thân. Tình trạng này cần được can thiệp điều trị y tế sớm để giảm nguy cơ gây vô sinh hiếm muộn.
  • Viêm buồng trứng: Có khoảng 7% trường hợp trẻ nữ bị viêm buồng trứng do biến chứng quai bị. Tình trạng này đặc trưng bởi các cơn đau bụng dướis bất thường kèo theo ra huyết trắng, sốt cao. Trẻ cần được thăm khám và điều trị sớm để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Viêm tinh hoàn và viêm buồng trứng là 2 biến chứng phổ biến của bệnh quai bị, dễ gây vô sinh nếu không được điều trị kịp thời

  • Viêm tụy: Bệnh nhân quai bị cũng có thể gặp biến chứng viêm tụy với mức độ khá nghiêm trọng. Theo thống kê, có khoảng 3 - 7% trường hợp gặp biến chứng này. Các biểu hiện điển hình như đau bụng dai dẳng kèm theo buồn nôn, đau đầu, tụt huyết áp đột ngột.
  • Viêm não & viêm màng não: Đây là biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị nhưng tỷ lệ gặp rất ít. Do nhiễm virus quai bị thời gian dài rất không điều trị sẽ lan sang hệ thần kinh trung ương. Thường xảy ra sau khoảng 7 - 10 ngày, với các dấu hiệu ban đầu là cứng cổ, đau đầu dữ dội. Biến chứng này cực kỳ nguy hiểm, nhưng hiếm xảy ra ở trẻ em, chủ yếu ở người lớn.
  • Điếc vĩnh viễn: Biến chứng điếc tai do quai bị rất hiếm khi xảy ra, nhưng nếu đã mắc phải gần như không còn tỷ lệ hồi phục. Nguyên nhân là do virus quai bị tấn công và gây tổn thương ốc tai.
  • Sảy thai/ Dị tật thai nhi: Phụ nữ mang thai mắc bệnh quai bị làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thai chết lưu (khoảng từ tuần 12 - 16 của thai kỳ) hoặc con sinh ra bị dị tật bẩm sinh.
  • Một số biến chứng khác: Quai bị còn gây ra rất nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không điều trị kịp thời như:
    • Viêm đường hô hấp;
    • Viêm cơ tim;
    • Viêm tuyến giáp;
    • ...

Theo các đánh giá chung, quai bị là bệnh lý lành tính, hầu hết các trường hợp đều có thể tự khỏi sau khoảng 10 ngày được chăm sóc tích cực. Riêng những trường hợp có biến chứng cần thăm khám để chẩn đoán và can thiệp điều trị sớm. Những người đã chữa khỏi quai bị, cơ thể sẽ hình thành kháng thể bền vững chống lại bệnh vĩnh viễn.

Khuyến cáo phụ huynh không tự ý áp dụng các biện pháp dân gian như đắp vôi, bã lá cây hoặc dán cao lên vùng sưng vì sẽ càng khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn. Vì ở giai đoạn nặng, bệnh quai bị không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn tăng nguy cơ tử vong.

Điều trị

Không có biện pháp điều trị quai bị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào cải thiện triệu chứng, đẩy nhanh thời gian khỏi bệnh và ngăn chặn biến chứng, thông qua hạn chế vận động và chăm sóc sức khỏe, thể trạng.

Trẻ bị quai bị cần được chăm sóc tích cực tại nhà thông qua nghỉ ngơi, ăn uống và dùng thuốc phù hợp

Cụ thể một số biện pháp hỗ trợ điều trị quai bị hiệu quả như:

  • Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế tối đa các vận động mạnh để giảm sự lây lan cua virus;
  • Cách ly bệnh nhân ít nhất 2 tuần kể từ thời điểm phát hiện bệnh.
  • Uống thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau với liều phù hợp nhằm hỗ trợ cải thiện giảm nhẹ các triệu chứng bệnh. Loại thường dùng là Paracetamol 15mg/kg/lần, dùng 4 lần/ngày;
  • Bệnh nhân quai bị thể nặng có thể dùng liều globulin phù hợp để cải thiện triệu chứng
  • Cho trẻ uống nhiều nước và các chất dịch lỏng lành mạnh khác nhằm bù nước, chất điện giải cần thiết;
  • Cân nhắc sử dụng thuốc kháng sinh Corticoid trong trường hợp nghi ngờ bội nhiễm (do bác sĩ chỉ định) gây viêm tinh hoàn. Liều dùng khuyến cáo 25 - 30mg/ngày, dùng trong 5 - 7 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất;
  • Chườm đá hỗ trợ giảm đau ở hàm hoặc tinh hoàn  từ 2 - 3 lần/ ngày;
  • Đánh răng làm sạch răng nướu, súc miệng miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý NaCl 0.9% để tránh tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển;
  • Ăn thức ăn mềm, dễ nhai nuốt, thanh đạm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, canh hầm sao cho vẫn đảm bảo bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ;
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến chiên xào nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng, khô cứng hoặc giàu chất acid càng làm tăng nặng cơn đau;
  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất thiết yếu giúp nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể chống lại virus;
  • Giữ vệ sinh làn da trẻ sạch sẽ, tắm gội thường xuyên và bôi dung dịch sát khuẩn;
  • Nếu có dấu hiệu viêm tinh hoàn gây đau nhức, hãy chọn mặc những chiếc quần lót hơi bó chặt giúp cố định tinh hoàn một chỗ;
  • Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, tận dụng ánh nắng mặt trời để tiêu diệt virus gây quai bị;

Phòng ngừa

Bệnh quai bị được đánh giá là bệnh nhiễm trùng cấp khá lành tính, nhưng với điều kiện phải phát hiện bệnh sớm và điều trị phù hợp để ngăn ngừa biến chứng. Do đó, thay vì phải điều trị phức tạp, ngày nay bệnh quai bị hoàn toàn có thể phòng ngừa được thông qua các biện pháp sau:

Tiêm phòng vắc xin quai bị cho cả trẻ em và người lớn để giảm nguy cơ mắc bệnh

  • Tiêm phòng vắc xin ngừa quai bị cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Hiện nay, y học ghi nhận có loại vắc xin MMR là sự kết hợp 3 trong 1 giúp giảm nguy cơ mắc 3 bệnh lý sởi - quai bị - rubella.
  • Hạn chế để trẻ tiếp xúc hoặc sinh hoạt chung đụng với người đang mắc bệnh quai bị.
  • Đeo khẩu trang, che chắn mũi họng kỹ lưỡng trước khi ra ngoài để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng một chế độ dinh dưỡng phù hợp, tạo điều kiện cho trẻ vận động tích cực và sinh hoạt điều độ, đúng giờ giấc chống lại virus gây bệnh.
  • Thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ ít nhất 1 năm/ lần để tầm soát bệnh tật và loại trừ các nguy cơ gây bệnh.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Con tôi bị sưng hai bên hàm kèm theo đau đầu, sốt, buồn nôn... là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân tại sao con tôi bị bệnh quai bị?

3. Trẻ bị quai bị có gây vô sinh khi trưởng thành không? Tỷ lệ mắc là bao nhiêu?

4. Tiên lượng tình trạng bệnh quai bị của con tôi có nghiêm trọng hay không?

5. Bệnh quai bị có tự khỏi không? Điều gì sẽ xảy ra nếu con tôi không điều trị quai bị sớm?

6. Phương pháp điều trị bệnh quai bị hiệu quả nhất dành cho trường hợp bệnh của con tôi?

7. Bệnh quai bị có lây nhiễm không? Có cần cách ly trẻ để hạn chế lây truyền bệnh không?

8. Quá trình điều trị quai bị mất bao lâu? Chi phí bao nhiêu?

9. Trẻ đã bị quai bị có thể tái phát lại không?

10. Chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp cho trẻ giúp hỗ trợ quá trình điều trị quai bị hiệu quả?

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc quai bị cao nhất. Trong độ tuổi này, nếu bố mẹ không kịp thời phát hiện bệnh sớm và chủ động đưa trẻ đến bệnh viện điều trị, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe thể chất, tinh thần và cả khả năng sinh sản về sau. Do chưa có thuốc đặc trị nên khuyến khích bệnh nhân hãy tuân thủ các chỉ định điều trị và chăm sóc dự phòng bệnh tích cực.