Bệnh Liệt Cơ Mở Thanh Quản
Bệnh liệt cơ mở thanh quản ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát âm, nuốt và hô hấp. Trường hợp nghiêm trọng có thể gây suy hô hấp dẫn đến tử vong. Nếu chú ý đến những biểu hiện bất thường, bệnh sẽ được phát hiện sớm và điều trị dứt điểm bằng cách tiêm dây thanh và phẫu thuật.
Tổng quan
Bệnh liệt cơ mở thanh quản là tình trạng cơ nhẫn phễu sau bị liệt do tổn thương thần kinh hồi quy nhánh chi phối. Dây thần kinh này chịu trách nhiệm mở cơ thanh quản nên khi bị tổn thương, dâythanh sẽ bị tê liệt một hoặc hai bên.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh liệt cơ mở thanh quản, có thể nguyên nhân cấp tính hoặc nguyên nhân mãn tính tiến triển từ từ. Dù nguyên nhân do đâu bệnh lý này cũng cần được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến giọng nói, khả năng nuốt, hô hấp…
Bệnh liệt cơ thanh quản có thể gây tử vong do suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan khi gặp phải các biểu hiện bất thường - đặc biệt là ở những người có các bệnh lý như lao, giang mai…
Phân loại bệnh
Bệnh liệt cơ mở thanh quản được chia thành 2 loại là liệt cơ mở thanh quản một bên và liệt cơ mở thanh quản hai bên:
Liệt cơ mở thanh quản 1 bên: Là tình trạng một trong hai cơ mở thanh quản bị liệt. Triệu chứng khởi phát đột ngột với dấu hiệu điển hình là giọng nói thều thào, trầm và giọng yếu. Ngoài ra, do dây thanh môn chỉ mở rộng khoảng 5mm nên bệnh nhân có hiện tượng khó thở.
Liệt cơ mở dây thanh 2 bên: Là tình trạng cả hai dây thanh đều bị liệt. Không giống với tình trạng liệt dây thanh 1 bên, tình trạng liệt cả 2 bên thường có triệu chứng khởi phát từ từ và hay bắt đầu bằng biểu hiện khó thở nhẹ. Lúc này, khe thanh môn chỉ mở ra tối đa 2 - 3mm nên chức năng hô hấp bị ảnh hưởng đáng kể.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có rất nhiều nguyên nhân gây liệt cơ mở thanh quản. Trong đó được chia thành 2 nhóm nguyên nhân chính là nguyên nhân trung ương và nguyên nhân ngoại biên:
Các nguyên nhân trung ương gây liệt cơ mở thanh quản bao gồm:
- Nhiễm virus bại liệt: Virus bại liệt Polio có thể gây viêm não thứ phát, dẫn đến tổn thương thần kinh hồi quy nhánh chi phối khiến cho cơ mở thanh quản bị liệt, không thể cử động như bình thường.
- Nhiễm độc: Nhiễm độc tố có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, từ đó gián tiếp làm tổn thương dây thần kinh chi phối cơ mở thanh quản.
- Thiếu oxy lên não: Thiếu oxy lên não là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh liệt cơ mở thanh quản. Tổn thương này có thể bắt nguồn từ chấn thương sọ não, hôn mê nhiễm độc, phẫu thuật gây thiếu oxy vùng hành não…
- Tổn thương thoái hóa: Tổn thương ở hệ thần kinh trung ương có thể do bệnh Charcot và xơ cứng một bên gây teo cơ. Khi thần kinh trung ương bị thoái hóa, dây thần kinh chi phối cơ mở thanh quản sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
- Các nguyên nhân khác: Bệnh liệt cơ mở thanh quản do nguyên nhân trung ương còn bắt nguồn từ những vấn đề như khối u di căn sọ não, rỗng hành tủy, hội chứng Arnold Chiari, liệt hành cầu, teo hành cầu tiểu não, giang mai…
Nguyên nhân ngoại biên gây liệt cơ mở thanh quản:
- Khối u vùng cổ: Một số u vùng cổ như ung thư vùng trung thất phổi, di căn ung thư phổi, ung thư khí quản cổ, ung thư tuyến giáp, khối u vùng miệng thực quản, u vùng sau sụn nhẵn, ung thư vú xâm lấn trung thất… Các khối u này có thể vô tình chèn ép gây tổn thương dây thần kinh chi phối hoạt động của cơ mở thanh quản.
- Do ảnh hưởng của phẫu thuật: Liệt cơ mở thanh quản có thể biến chứng sau khi phẫu thuật vùng cổ, thường gặp nhất là phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, phẫu thuật khí quản và thực quản.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh liệt cơ mở thanh quản có biểu hiện khá rõ rệt nhưng đôi khi bị bỏ qua, dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp thông thường. Triệu chứng có sự khác biệt tùy vào liệt một hoặc hai bên cơ mở thanh quản.
Triệu chứng của liệt dây thanh một bên:
- Khởi phát triệu chứng vô cùng đột ngột, biểu hiện là giọng nói trầm hẳn, thì thào và yếu. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có giọng nói cường độ cao như bình thường.
- Hơi thở ngắn, có cảm giác thoát nhiều hơi khi nói.
- Khó nuốt, nhất là với chất lỏng
Các triệu chứng của liệt dây thanh 2 bên:
- Biểu hiện khởi phát từ từ với dấu hiệu đầu tiên là khó thở mức độ nhẹ. Mức độ tăng lên khi gắng sức hoặc lao động nặng.
- Một số trường hợp xuất hiện cơn khó thở kịch phát, thường là khi đang ho dữ dội, cười hoặc tập thể dục thể thao.
- Giọng nói gần như vẫn bình thường nhưng có dấu hiệu lấy nhiều hơi hơn để phát âm.
Các triệu chứng của bệnh liệt cơ mở thanh quản có thể nhận biết một cách dễ dàng. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị.
Tỷ lệ bị liệt cơ mở thanh quản không cao như viêm thanh quản và các bệnh lý hô hấp khác. Vì vậy, quá trình chẩn đoán có thể mất khá nhiều thời gian. Ban đầu, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng lâm sàng, thời gian khởi phát, mức độ và đặc điểm (khó thở khi nào, có tăng lên hay giảm xuống hay không…).
Sau khi hỏi bệnh, những kỹ thuật sau sẽ được thực hiện để chẩn đoán bệnh liệt cơ mở thanh quản:
- Soi thanh quản gián tiếp: Soi thanh quản là kỹ thuật đầu tiên được chỉ định trong chẩn đoán bệnh liệt cơ mở thanh quản. Đối với liệt cơ mở thanh quản một bên, có thể nhận thấy những dấu hiệu bất thường như một hoặc cả hai bên dây thanh cố định, không thể di động, thanh môn mở rộng khoảng 2 - 5mm.
- Soi thanh quản trực tiếp: Bên cạnh soi thanh quản gián tiếp, soi thanh quản trực tiếp cũng được thực hiện để chẩn đoán bệnh liệt cơ mở thanh quản. Kỹ thuật này giúp bác sĩ đánh giá sự vận động của dây thanh khi phát âm và hít thở.
- Siêu âm vùng cổ: Siêu âm vùng cổ được thực hiện để phát hiện u vùng cổ gây chèn ép làm liệt cơ mở dây thanh.
- Chẩn đoán hình ảnh: MRI, CT có thể được chỉ định để phát hiện khối u chèn ép gây liệt cơ mở thanh quản.
- Các xét nghiệm khác: Xét nghiệm chức năng tuyến giáp, chức năng hô hấp, xét nghiệm công thức máu và sinh hóa máu… Các xét nghiệm này dù không có giá trị chẩn đoán nhưng giúp bác sĩ đánh giá trước khi điều trị.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh liệt cơ mở thanh quản không được điều trị có thể gây suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Những trường hợp được phát hiện, can thiệp sớm có thể ngăn ngừa biến chứng và khôi phục sự thông thoáng của đường thở.
Liệt dây thanh một bên thường có tiên lượng tốt hơn so với liệt dây thanh 2 bên. Nếu tích cực điều trị, chức năng của thanh quản gần như được phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, tiên lượng của liệt dây thanh 2 bên dè dặt hơn.
Điều trị
Để lấy lại sự thông thoáng cho đường thở, bác sĩ có thể cân nhắc điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa cho bệnh nhân liệt cơ mở thanh quản. Các phương pháp có thể được chỉ định bao gồm:
Phẫu thuật
Phẫu thuật thường được chỉ định cho trường hợp liệt dây thanh 2 bên, tuy nhiên một số trường hợp liệt dây thanh 1 bên cũng được cân nhắc phẫu thuật. Mục tiêu của can thiệp ngoại khoa là mở khí quản, đảm bảo sự thông thoáng của đường thở.
Phẫu thuật qua đường nội thanh quản:
- Cắt dây thanh bằng laser: Phương pháp này sử dụng tia laser để cắt bỏ dây thanh, thường cắt dây chằng và cơ dây thành cho tới gần đáy của buồng thanh quản. Vì sử dụng laser nên phương pháp này có thể hạn chế tình trạng chảy máu, rút ngắn thời gian phục hồi sau phẫu thuật.
- Cố định dây thanh: Thay vì cắt dây thanh, một số trường hợp sẽ được chỉ định cố định dây thanh. Phương pháp này sử dụng kim đưa dây vào bên trong để kéo dây thanh ra bên ngoài với mục đích phục hồi sự thông thoáng của khí quản.
- Cắt sụn phễu: Một số trường hợp sẽ được chỉ định cắt sụn phễu nhằm mở khí quản, cải thiện tình trạng khó thở. Sụn phễu có thể được cắt bằng laser, nội soi hoặc cắt qua đường mở sụn giáp.
- Cắt bán phần sau dây thanh: Phương pháp này được thực hiện thông qua soi treo vi phẫu nhằm loại bỏ vùng bán phần sau của dây thanh. Bác sĩ sẽ cắt từ nửa sau của dây thanh cho đến mấu cơ và phần cơ của dây thanh.
Phẫu thuật qua đường ngoại thanh quản:
- Phẫu thuật King: Phẫu thuật King hay còn được gọi là cố định sụn phễu. Trong kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ giải phóng dây chằng và cơ bám vào sụn phễu với mục đích cố định sụn phễu vào bờ bên của sụn giáp.
- Cố định dây thanh và cắt bỏ sụn phễu: Tùy theo tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn cắt bỏ sụn phễu theo đường sụn giáp hoặc theo đường sau sụn phễu. Kỹ thuật được lựa chọn cần phải phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh, tay nghề của phẫu thuật viên và cơ sở vật chất của bệnh viện.
Ngoài ra, phẫu thuật cũng được cân nhắc trong trường hợp có u vùng cổ gây chèn ép làm liệt dây thanh.
Tiêm dây thanh
Phẫu thuật thường được chỉ định cho những trường hợp liệt dây thanh 2 bên. Những trường hợp liệt dây thanh 1 bên chủ yếu được điều trị bằng kỹ thuật tiêm:
- Tiêm hỗn dịch Gelfoam: Tiêm hỗn dịch Gelfoam là phương pháp tạm thời được thực hiện với mục đích phục hồi dây thần kinh. Thời gian điều trị khoảng 4 - 12 tuần.
- Tiêm Teflon: Tiêm Teflon là phương pháp điều trị vĩnh viễn thay cho phương pháp tiêm hỗn dịch Gelfoam. Tuy nhiên, hạn chế của kỹ thuật này có thể tạo u hạt và thường không hấp thu tốt. Một số trường hợp có thể được tiêm mỡ tự thân để khắc phục những hạn chế trên. Tuy nhiên, tiêm mỡ tự thân chỉ có thể áp dụng cho trường hợp dây thanh liệt ở cạnh đường giữa hoặc đường giữa mới hiệu quả.
Điều trị nội khoa
Ngoài các phương pháp chính trên, bệnh nhân bị liệt cơ mở thanh quản cũng sẽ được điều trị nội khoa. Các lựa chọn bao gồm:
- Phương pháp luyện giọng: Phương pháp này được thực hiện với mục đích phục hồi chức năng của dây thanh. Phương pháp luyện giọng sẽ được thực hiện bởi chuyên viên huấn luyện. Thời gian luyện giọng kéo dài từ 6 - 8 tuần và mỗi ngày cần thực hiện 30 - 40 phút. Phương pháp luyện giọng sẽ được chỉ định cho bệnh nhân liệt dây thanh 1 bên.
- Dùng thuốc: Dùng thuốc là phương pháp hỗ trợ bên cạnh phẫu thuật. Thuốc thường được dùng để điều trị suy giáp, nhiễm trùng… trước khi phẫu thuật. Bên cạnh đó, sau khi phẫu thuật liệt cơ mở thanh quản, bệnh nhân cũng cần dùng corticoid, kháng sinh và khí dung corticoid để ngăn ngừa nhiễm trùng, đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
Phòng ngừa
Bệnh liệt cơ mở thanh quản có thể phòng ngừa thông qua một số biện pháp sau:
- Thận trọng khi phẫu thuật vùng cổ, đặc biệt là phẫu thuật tuyến giáp, thanh khí quản để tránh tổn thương dây thần kinh chi phối thanh quản.
- Thăm khám định kỳ 6 - 12 tháng/ lần để phát hiện sớm các bệnh lý như giang mai, lao, u vùng cổ…
- Nâng cao sức khỏe bằng cách giữ gìn vệ sinh tai mũi họng, ăn uống điều độ, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi thường xuyên bị khó thở, thở ngắn, giọng nói yếu… là do đâu?
2. Những xét nghiệm tôi cần thực hiện để chẩn đoán bệnh liệt cơ mở thanh quản?
3. Vì sao tôi bị liệt cơ mở thanh quản? Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?
4. Nếu điều trị theo hướng dẫn, chức năng của thanh quản có thể phục hồi hoàn toàn không?
5. Tôi nên dùng thuốc hay phẫu thuật liệt cơ mở thanh quản?
6. Phẫu thuật liệt cơ mở thanh quản có nguy hiểm không?
7. Điều trị liệt cơ mở thanh quản mất bao lâu?
8. Tôi có cần lưu ý gì khi ăn uống, sinh hoạt trong quá trình điều trị liệt cơ mở thanh quản?
9. Khi điều trị liệt cơ mở thanh quản, tôi có cần tái khám? Khi nào cần thiết?
Bệnh liệt cơ mở thanh quản là tình trạng khá ít gặp, trong đó phổ biến nhất là liệt dây thanh một bên. Để tránh suy hô hấp và tử vong, cần thăm khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường như giọng nói yếu, thều thào, khó thở, hơi thở ngắn…