Bệnh Lao Thanh Quản
Bệnh lao thanh quản là một dạng viêm thanh quản đặc hiệu do nhiễm vi trùng lao (Mycobacterium tuberculosis). Biểu hiện của bệnh khá mờ nhạt, dễ bị nhầm lẫn với các dạng viêm đường hô hấp thông thường. Bệnh lý này thường thứ phát sau lao phổi và được điều trị bằng thuốc chống lao theo phác đồ của Bộ y tế.
Tổng quan
Bệnh lao thanh quản (Laryngeal Tuberculosis) là tình trạng thanh quản bị viêm nhiễm, tổn thương do vi khuẩn lao - Mycobacterium tuberculosis gây ra. Đặc điểm của vi trùng lao là ái khí hoàn toàn nên thường tấn công vào các cơ quan xốp, rỗng, nhiều oxy như phổi và xương. Do đó, đa phần lao thanh quản đều là lao thứ phát.
Tỷ lệ bị lao thanh quản không cao, xếp thứ 4 - 5 trong các loại lao ngoài phổi. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm lại cao hơn so với những dạng lao thứ phát khác vì vi khuẩn tồn tại trong nước bọt và dịch tiết hô hấp.
Tương tự như các dạng lao khác, bệnh lao thanh quản cần được điều trị sớm để tránh biến chứng và di chứng. Nhiều trường hợp chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị phải đối mặt với di chứng về giọng nói, hô hấp và khả năng nuốt. Thậm chí, vi trùng lao có thể lây lan sang các cơ quan khác dẫn đến suy kiệt và tử vong.
Phân loại bệnh
Lao thanh quản thực chất là viêm thanh quản đặc hiệu do vi trùng lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Như đã biết, vi trùng lao có đặc điểm ái khí hoàn toàn, kháng khuẩn, kháng toan nên thường tấn công vào phổi đầu tiên. Sau khi gây tổn thương ở phổi, vi khuẩn tiếp tục đi vào bạch huyết, đường máu và hệ hô hấp để tiếp cận cơ quan khác trong cơ thể. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp lao không tấn công vào phổi đầu tiên mà gây tổn thương ở thanh quản.
Bệnh lao thanh quản được chia thành 2 loại:
Lao thanh quản nguyên phát:
Là tình trạng viêm thanh quản do vi trùng lao không kèm theo tổn thương ở phổi. Ở dạng này, Mycobacterium tuberculosis gây viêm nhiễm, tổn thương ở thanh quản đầu tiên. Sau đó, mới phát triển và lây lan sang những cơ quan khác. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm gặp.
Lao thanh quản thứ phát:
Đa phần các dạng lao ngoài phổi đều là lao thứ phát. Mycobacterium tuberculosis sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công vào phổi đầu tiên. Từ ổ khu trú ban đầu, vi khuẩn tiếp cận với những cơ quan khác qua đường máu, bạch huyết và hô hấp. Những cơ quan có nguy cơ bị lao thứ phát là cột sống, xương, màng tim, màng bụng, màng não, hạch và thanh quản.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Lao thanh quản gặp chủ yếu ở người từ 20 - 40 tuổi với nguyên nhân trực tiếp là nhiễm vi trùng lao Mycobacterium tuberculosis. Mycobacterium tuberculosis là một trong những loại vi khuẩn có khả năng lây nhiễm cao. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong không khí từ 3 - 8 tháng, đặc biệt là trong môi trường tối và ẩm ướt. Khi có ánh sáng mặt trời, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt sau 1.5 giờ.
Có thể thấy, Mycobacterium tuberculosis là vi khuẩn có khả năng tồn tại tốt bên ngoài môi trường. Loại vi trùng này thường xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp. Một số yếu tố sau có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lao nói chung và lao thanh quản nói riêng:
- Tiếp xúc với nguồn lây (giao tiếp, ăn uống chung với người bị bệnh lao). Mycobacterium tuberculosis ít khi truyền nhiễm thông qua vật trung gian hay ổ chứa mầm bệnh ngoài môi trường. Vi trùng có trong nước bọt hoặc trong các hạt bụi nhỏ nên dễ dàng đi vào thanh quản, phổi…
- Không tiêm vaccine ngừa lao (BCG)
- Hệ miễn dịch suy giảm do nhiễm HIV, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài, ung thư hoặc do mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh gan, thận nặng…
- Nguy cơ bị bệnh lao cao hơn ở những đối tượng thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá
- Môi trường sống ô nhiễm, nghèo đói, có nhiều khói bụi và không đảm bảo vệ sinh cũng gia tăng nguy cơ nhiễm lao
Vi trùng lao lây qua đường hô hấp nên các dạng lao như lao phổi, lao thanh quản… sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn những dạng còn lại.
Triệu chứng và chẩn đoán
Mycobacterium tuberculosis có tốc độ phát triển, sinh sản chậm nên thời gian ủ bệnh thường lâu hơn các chủng vi khuẩn khác. Thời gian ủ bệnh có sự khác biệt ở từng người, có thể từ vài ngày cho đến vài tuần.
Bệnh lao thanh quản có triệu chứng khá rõ rệt nhưng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh hô hấp thường gặp. Các triệu chứng của lao thực quản bao gồm:
- Khàn tiếng: Khàn tiếng là một trong những triệu chứng xuất hiện sớm. Mức độ khàn tăng dần, lúc đầu chỉ khàn nhẹ nhưng sau đó khàn đặc và thậm chí là gây mất giọng.
- Vướng và đau khi nuốt: Bên cạnh khàn tiếng, một số người bị lao thanh quản còn có biểu hiện vướng, đau khi nuốt. Thông thường triệu chứng này sẽ khởi phát sau một thời gian nhiễm bệnh. Khi nuốt bọt, ăn uống, trò chuyện và ho đều sẽ gây ra cảm giác đau buốt, vướng.
- Ho: Bệnh lao thanh quản thường gây ho khan, ho dai dẳng, ho từng cơn khiến người bệnh phải đằng hắng nhiều.
- Khó thở: Khó thở là triệu chứng xuất hiện ở giai đoạn muộn khi thanh quản bị tổn thương nặng, phù nề hoặc hình thành u lớn cản trở khí lưu thông. Tình trạng này sẽ càng nghiêm trọng nếu có cả bệnh tích ở phổi và thanh quản.
- Triệu chứng toàn thân: Cơ thể gầy sút, sốt về chiều. Tuy nhiên cũng có những trường hợp không có triệu chứng toàn thân hoặc biểu hiện vô cùng mờ nhạt.
Ngoài triệu chứng cơ năng, bệnh lao thanh quản còn gây ra tổn thương thực thể rất điển hình. Trong khi đó, biểu hiện ho, khàn tiếng, nuốt đau… dễ bị nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp thông thường.
Ngay khi phát hiện những dấu hiệu trên, cần thăm khám để được chẩn đoán. Lao là dạng nhiễm trùng đặc hiệu có thể tiến triển nặng, đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, không nên chủ quan trước những dấu hiệu khác thường mà cơ thể gặp phải.
Các bước chẩn đoán bệnh lao thanh quản bao gồm:
- Hỏi bệnh: Trong bước hỏi bệnh, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, thời điểm khởi phát, mức độ và các vấn đề sức khỏe đi kèm. Sàng lọc các yếu tố nguy cơ như gia đình có người bị lao hay không, gần đây có tiếp xúc với người bị lao phổi, lao thanh quản hay không, đã tiêm vaccine ngừa lao chưa…
- Khám thực quản: Bác sĩ sẽ soi thanh quản gián tiếp hoặc nội soi bằng ống mềm để đánh giá tổn thương thực thể. Thông qua bệnh tích ở thanh quản, có thể xác định giai đoạn bệnh là giai đoạn đầu, giai đoạn II hay III. Ở giai đoạn cuối, vi trùng lao xâm lấn vào sâu gây hoại tử sụn thanh quản để lại di chứng nghiêm trọng về chức năng nuốt và giao tiếp.
- Sinh thiết: Sinh thiết để chẩn đoán mô bệnh học, loại trừ các nguyên nhân khác có thể xảy ra. Ngoài ra, mô thanh quản sẽ được nuôi cấy để xác định chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- X-Quang phổi: Lao thanh quản thường là lao thứ phát sau lao phổi. X-Quang phổi được thực hiện nhằm củng cố chẩn đoán viêm thanh quản đặc hiệu do vi trùng lao Mycobacterium tuberculosis.
- Soi đờm trực tiếp tìm AFB: Mẫu đờm được lấy vào 3 buổi sáng liên tục và nhuộm theo phương pháp Ziehl-Neelsen. Kết quả xét nghiệm dương tính toàn bộ hoặc có 1 mẫu dương tính cộng với có tổn thương lao tiến triển trên X-Quang phổi sẽ được xác định là do nhiễm vi trùng lao.
- Phản ứng Mantoux: Kỹ thuật này được thực hiện nhằm phát hiện, phân lập vi khuẩn lao.
- PCR: PCR là xét nghiệm có độ nhạy và giá trị cao trong chẩn đoán bệnh lao thanh quản. Xét nghiệm này có thể xác định nồng độ vi khuẩn lao trên 1ml bệnh phẩm. Đặc biệt, PCR rất hữu ích trong chẩn đoán nhanh vi khuẩn lao kháng thuốc.
- Các xét nghiệm khác: Ngoài những xét nghiệm trên, bệnh nhân có thể phải thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như xét nghiệm HIV, viêm gan B, C, xét nghiệm công thức máu, đo tốc độ lắng máu. Một số xét nghiệm chuyên sâu khác có thể được thực hiện để phát hiện bệnh toàn thân phối hợp.
Biến chứng và tiên lượng
Hiện nay, đã có thuốc chống lao nên điều trị lao đa phần đều có đáp ứng tốt. Những trường hợp bị lao thanh quản đơn thuần có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu đi kèm lao phổi và lao kháng thuốc, quá trình điều trị sẽ mất nhiều thời gian hơn và mức độ đáp ứng đôi khi không được như mong đợi.
Ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, đa phần đều có đáp ứng tốt. Trong khi đó, bệnh nhân nhiễm HIV hoặc sức khỏe kém do tiểu đường, cao huyết áp… sẽ có tiên lượng xấu hơn. Nếu có một đợt tấn công như nhiễm Covid-19, viêm phổi… trong giai đoạn lao, một số trường hợp có thể tử vong.
Lao thanh quản cần được phát hiện sớm để điều trị dứt điểm, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Ngoài ra nếu để lâu dài, vi trùng lao có thể xâm lấn sâu gây hoại tử sụn dẫn đến di chứng về hô hấp, nuốt và giao tiếp.
Điều trị
Bệnh lao nói chung và lao thanh quản nói riêng cần được điều trị càng sớm càng tốt. Các phương pháp điều trị bao gồm:
Thuốc chống lao
Phương pháp chính vẫn là sử dụng thuốc chống lao theo đúng phác đồ, đủ thời gian. Nên cố định thời điểm uống thuốc và uống xa bữa ăn để thuốc được dung nạp tốt và phát huy hiệu quả tối đa.
Vi trùng lao có tốc độ phát triển và sinh sản chậm nên điều trị cần được thực hiện trong 2 giai đoạn là tấn công (2 - 3 tháng) và điều trị củng cố tránh tái phát (4 - 6 tháng).
Hiện nay, điều trị lao được thực hiện theo chương trình DOTS (Chương trình chống lao quốc gia). Phác đồ điều trị lao cụ thể:
- Công thức 6 tháng: 2SHRZ/4RH hoặc 2EHRZ/4RH
- Công thứ 8 tháng: 2SHRZ/6HE hoặc 2EHRZ/6HE
- Công thức điều trị lại (do bỏ điều trị, điều trị thất bại, tái phát sau điều trị): 2SHRZE/ 1HRZE/ 5H3R3E3
Điều trị lao cho những đối tượng đặc biệt:
- Trẻ em: 2RHZ/ 4RH
- Phụ nữ mang thai, cho con bú: 2RHE/7RH hoặc 2RHZ/ 4RH
- Lao kháng thuốc: 2REZ/10RE hoặc 2HZE/10HE
Các biện pháp hỗ trợ
Trong thời gian điều trị bằng thuốc chống lao, cần thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ như:
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia, hạn chế nói quá nhiều và kiêng các món ăn chứa nhiều gia vị gây kích thích lên thanh quản.
- Nên nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống điều độ để nâng cao thể trạng.
- Trường hợp hẹp đường thở do sẹo và u sùi, cần tiến hành mở khí quản để tránh khó thở.
Phòng ngừa
Bệnh lao nói chung và lao thanh quản có nguy cơ lây nhiễm cao. Hiện nay, công tác phòng chống lao đang được đẩy mạnh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế những thiệt hại về sức khỏe và kinh tế - xã hội.
Để phòng ngừa lao nói chung và lao thanh quản nói riêng, cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tiêm vacxin chống lao (BCG) cho trẻ sơ sinh.
- Phát hiện sớm bệnh nhân nhiễm lao để kịp thời điều trị và cách ly. Người bệnh cần phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần với người khác để hạn chế lây nhiễm vi trùng lao cho cộng đồng.
- Nâng cao kiến thức về lao và tuyên truyền các biện pháp phòng chống lao hiệu quả.
- Ở các địa phương cần xây dựng mạng lưới y tế để hỗ trợ bệnh nhân lao kịp thời.
- Bệnh nhân lao nên được ở trong không gian thông gió, có nhiều ánh sáng để giảm nồng độ vi khuẩn.
- Người nhiễm HIV cần được điều trị dự phòng trong vòng 6 tháng để tránh nhiễm lao (áp dụng cho những người ở trong trại giam hoặc các khu vực tập thể có nguy cơ nhiễm bệnh cao).
- Đẩy mạnh công tác kiểm dịch biên giới, phát hiện sớm nguồn lây nhiễm để tránh lây lan vi trùng cho cộng đồng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi thường xuyên ho, khàn tiếng, khó thở là do đâu?
2. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh lao nói chung và lao thanh quản nói riêng?
3. Tôi có thể nhiễm vi trùng lao từ đâu? Cách thức lây nhiễm?
4. Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?
5. Tôi cần lưu ý gì khi dùng thuốc để đạt kết quả tốt nhất?
6. Tôi có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi dùng thuốc?
7. Tôi cần điều trị bệnh lao thanh quản trong vòng bao lâu?
8. Tôi cần tái khám lại sau bao lâu?
9. Điều trị lao hết bao nhiêu? Có được BHYT hỗ trợ?
Bệnh lao thanh quản là một dạng lao ngoài phổ khá ít gặp. Vi khuẩn tồn tại trong dịch tiết hô hấp và nước bọt nên bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao. Nếu nghi ngờ nhiễm vi trùng lao, cần thăm khám và điều trị sớm để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.