Bệnh Hẹp Niệu Đạo

Bệnh hẹp niệu đạo thường gặp ở nam giới với nhiều nguyên nhân như chấn thương, viêm nhiễm đường tiết niệu, di chứng của các thủ thuật y tế… Bệnh lý này khiến cho nam giới gặp phiền toái khi sinh hoạt do tiểu khó, tiểu yếu, phải rặn khi tiểu tiện.

Tổng quan

Bệnh hẹp niệu đạo (Urethral stricture) là tình trạng niệu đạo xuất hiện sẹo xơ ở bên trong dẫn đến giảm khẩu kính, gây cản trở nước tiểu đi từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Bệnh thường gặp ở nam giới, rất ít khi xảy ra ở phụ nữ, nguyên nhân có thể là do bẩm sinh hoặc viêm nhiễm, di chứng sau chấn thương.

bệnh hẹp niệu đạo
Bệnh hẹp niệu đạo xảy ra khi niệu đạo bị thu hẹp gây cản trở quá trình bài xuất nước tiểu

Niệu đạo là một trong những cơ quan của hệ tiết niệu với vai trò dẫn nước tiểu từ bàng quang đến lỗ sáo của dương vật. Ở trạng thái bình thường, dòng nước tiểu đi qua niệu đạo không bị cản trở và có thể bài xuất ra bên ngoài một cách dễ dàng.

Bệnh hẹp niệu đạo ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Nếu không được điều trị, khẩu kính của niệu đạo có thể bị thu hẹp dần dẫn đến bí tiểu hoàn toàn. Ngoài ra, hẹp niệu đạo là điều kiện thuận lợi để gia tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu, sỏi tiết niệu…

Phân loại bệnh

Bệnh hẹp niệu đạo được chia thành 3 loại dựa vào vị trí bị hẹp:

  • Hẹp niệu đạo tuyến tiền liệt
  • Hẹp niệu đạo màng
  • Hẹp niệu đạo xốp

Không có phân loại hẹp niệu đạo cho nữ vì bệnh lý này rất hiếm khi gặp ở nữ giới.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Di chứng sau chấn thương, viêm nhiễm và tai biến của các phương pháp điều trị là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh hẹp niệu đạo. Ngoài ra, bẩm sinh cũng là nguyên nhân có thể xảy ra.

nguyên nhân của bệnh hẹp niệu đạo
Viêm nhiễm, sỏi đường tiết niệu là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh hẹp niệu đạo

Các nguyên nhân gây bệnh hẹp niệu đạo thường gặp:

  • Di chứng của chấn thương: Bệnh hẹp niệu đạo có thể là di chứng do đứt niệu đạo, vỡ xương chậu gây đứt niệu đạo tuyến tiền liệt và niệu đạo màng. Vì niệu đạo có kích thước rất nhỏ nên khi phục hồi sẽ để lại sẹo xơ, từ đó khiến cho khẩu kính giảm và dòng nước tiểu đi qua bị cản trở.
  • Do nhiễm trùng: Khi bị viêm nhiễm, niêm mạc niệu đạo có hiện tượng dày và xơ hóa theo thời gian. Bệnh hẹp niệu đạo thường gặp ở người nhiễm lậu cầu, lao thứ phát, nhiễm khuẩn bao quy đầu… Viêm niệu đạo cũng có thể do vệ sinh kém khiến vi khuẩn đi ngược dòng vào gây niêm mạc.
  • Tai biến của các phương pháp điều trị: Bệnh hẹp niệu đạo cũng có thể là tai biến sau khi cắt bao quy đầu, xạ trị, mổ lấy sỏi niệu đạo, đặt sonde niệu đạo và phẫu thuật nội soi u phì đại tuyến tiền liệt. Các phương pháp này có thể vô tình gây tổn thương niệu đạo, sau đó để lại sẹo xơ làm cản trở đường đi của dòng nước tiểu.
  • Bẩm sinh: Một số ít trường hợp bị hẹp niệu đạo do bẩm sinh. Nếu do nguyên nhân này, tình trạng có thể được phát hiện sớm ngay từ khi còn nhỏ.

Ngoài những nguyên nhân trực tiếp, nguy cơ mắc bệnh hẹp niệu đạo ở nam giới tăng lên khi có những yếu tố như:

  • Quan hệ tình dục không an toàn, nhiều bạn tình
  • Phát hiện muộn và điều trị lao không đúng cách
  • Vệ sinh kém khiến cho vi khuẩn đi ngược dòng vào bên trong đường tiểu
  • Bị phì đại tuyến tiền liệt, sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang, hẹp bao quy đầu

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh hẹp niệu đạo gây ra triệu chứng có mức độ nhẹ đến nặng tùy theo mức độ hẹp. Trong đó, tiểu khó, lượng nước tiểu giảm, tiểu khó, tia nước tiểu yếu… là những dấu hiệu thường thấy nhất.

nguyên nhân của bệnh hẹp niệu đạo
Triệu chứng đặc trưng của bệnh hẹp niệu đạo là tiểu khó, tia nước tiểu yếu, đôi khi có máu trong nước tiểu

Các triệu chứng của bệnh hẹp niệu đạo bao gồm:

  • Tiểu khó, tiểu nhỏ giọt, thường phải rặn khi tiểu
  • Tia nước tiểu yếu dẫn đến lượng nước tiểu giảm và mỗi lần đi tiểu mất rất nhiều thời gian
  • Có cảm giác tiểu không hết
  • Đôi khi có máu trong nước tiểu
  • Tăng tiết dịch niệu đạo
  • Đau vùng bụng dưới
  • Trường hợp niệu đạo hẹp nghiêm trọng hoặc kèm sỏi niệu đạo, bội nhiễm có thể gây bí tiểu hoàn toàn
  • Hẹp niệu đạo không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tiểu tiện mà còn gia tăng các rối loạn chức năng tình dục như rối loạn cương dương, giảm ham muốn, khó xuất tinh…
  • Bệnh hẹp niệu đạo không gây ra triệu chứng toàn thân. Tuy nhiên, do tiểu khó, tiểu yếu, sức khỏe sinh lý giảm nên nhiều bệnh nhân có biểu hiện lo âu, trầm cảm.

Các triệu chứng của bệnh hẹp niệu đạo sẽ trở nên rõ rệt theo thời gian nếu không được điều trị. Khi nhận thấy có các vấn đề khi tiểu tiện, nên đến bệnh viện để được kiểm tra. Tránh tâm lý chủ quan khiến cho bệnh hẹp niệu đạo tiến triển xấu gây bí tiểu và nhiều biến chứng khác.

Chẩn đoán bệnh hẹp niệu đạo chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tìm hiểu về tiền sử chấn thương niệu đạo, có phẫu thuật bao quy đầu, mở thông bàng quang… hay không.

Khi quan sát đầu dương vật, có thể thấy lỗ sáo thu nhỏ, hẹp, có hiện tượng xơ cứng và dương vật biến dạng. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt sonde vào niệu đạo để thăm dò, đánh giá mức độ và vị trí bị hẹp. Kế tiếp, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng để xác định nguyên nhân gây bệnh:

triệu chứng của bệnh hẹp niệu đạo
Nên thăm khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán hẹp niệu đạo và can thiệp điều trị kịp thời

  • Khám vùng chậu: Khám vùng chậu ở bệnh nhân hẹp niệu đạo sẽ cho thấy các kết quả như khung chậu biến dạng, tầng sinh môn có lỗ rò, áp xe, bụng còn dẫn lưu bàng quang…
  • Thăm trực tràng bằng tay: Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng tay để thăm dò trực tràng của bệnh nhân. Thăm khám trực tràng để loại trừ rối loạn tiểu tiện với phì đại tuyến tiền liệt.
  • Chụp X-Quang niệu đạo xuôi dòng, ngược dòng: Phương pháp này có thể giúp bác sĩ xác định vị trí và mức độ hẹp niệu đạo.
  • Nội soi niệu đạo: Tương tự như chụp X-Quang, nội soi có thể xác định được vị trí đoạn niệu đạo bị hẹp nhưng không thể đánh giá được mức độ và chiều dài của đoạn hẹp.
  • Siêu âm ổ bụng: Siêu âm ổ bụng được thực hiện để đánh giá tình trạng tuyến tiền liệt và bàng quang.
  • Đo niệu dòng đồ: Phương pháp này được thực hiện để phân tích tính chất của dòng tiểu (tốc độ của dòng tiểu, thời gian đi tiểu và lượng nước tiểu được bài xuất ra ngoài). Ở nam giới bị hẹp niệu đạo, tốc độ dòng tiểu thường thấp hơn 10ml/s.
  • Cấy nước tiểu: Nếu nghi ngờ hẹp niệu đạo do lậu, lao và nhiễm trùng do các chủng vi khuẩn khác, bác sĩ sẽ lấy nước tiểu nuôi cấy vi khuẩn. Kết quả từ xét nghiệm này cho phép bác sĩ làm kháng sinh đồ phù hợp, mang lại hiệu quả trong điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Các phương pháp chẩn đoán không chỉ giúp chẩn đoán xác định bệnh hẹp niệu đạo mà còn đánh giá được mức độ, chiều dài đoạn hẹp và nguyên nhân gây bệnh. Kết quả từ các kỹ thuật này có vai trò rất lớn trong quá trình chẩn đoán.

Biến chứng và tiên lượng

Hiện tại, hẹp niệu đạo vẫn đang là thách thức lớn đối với y học. Tuy nhiên, với những tiến bộ vượt trội trong thời gian gần đây, bệnh nhân hoàn toàn có thể hy vọng kiểm soát được bệnh lý này.

Hẹp niệu đạo không được điều trị sẽ gây bí tiểu hoàn toàn. Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm cần đặt ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài kịp thời. Khi niệu đạo bị thu hẹp, nước tiểu không được bài xuất ra ngoài mà sẽ ứ đọng bên trong bàng quang. Tình trạng này là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây viêm đường tiết niệu.

Bệnh hẹp niệu đạo gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống do tình trạng tiểu ít, khó tiểu, tia nước tiểu yếu, thường xuyên phải rặn khi tiểu… Các triệu chứng này không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn gây ra tâm lý căng thẳng, lo âu.

Nam giới bị hẹp niệu đạo dễ gặp phải các rối loạn chức năng tình dục như xuất tinh sớm, rối loạn cương dương, đau khi xuất tinh… Về lâu dài, ham muốn tình dục và khả năng sinh sản sẽ giảm đi đáng kể.

Có thể thấy, bệnh hẹp niệu đạo gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nam giới. Vì vậy, ngay khi phát hiện biểu hiện tiểu khó, tiểu ít, tia tiểu nhỏ, yếu… nên thăm khám sớm để kịp thời phát hiện và điều trị.

Điều trị

Chỉ định điều trị cho bệnh hẹp niệu đạo phụ thuộc vào mức độ và nguyên nhân cụ thể. Nếu có viêm nhiễm, bác sĩ sẽ xử lý tình trạng này trước sau đó mới tiến hành điều trị đoạn niệu đạo bị hẹp.

Mục tiêu của điều trị hẹp niệu đạo là phục hồi lưu thông giúp cho quá trình bài xuất nước tiểu diễn ra thuận lợi. Các phương pháp được cân nhắc cho quá trình điều trị bao gồm:

Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Hẹp niệu đạo có thể gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Tùy theo kết quả nuôi cấy nước tiểu, bác sĩ sẽ làm kháng sinh đồ phù hợp, đảm bảo độ nhạy của vi khuẩn với kháng sinh.

Beta-lactam là nhóm kháng sinh được dùng phổ biến trong điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, thường dùng nhất Penicillin G, Ampicillin, Cloxacillin. Một số trường hợp sẽ được chỉ định dùng kháng sinh cephalosporin thế hệ III.

Phẫu thuật xẻ niệu đạo bằng dao lạnh, laser

Xẻ niệu đạo bằng dao lạnh và laser là hai phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay. Các phương pháp này được chỉ định trong trường hợp đoạn hẹp ngắn. Bác sĩ sẽ dùng laser và dao lạnh để xẻ niệu đạo, từ đó giải phóng đoạn niệu đạo bị hẹp, đảm bảo dòng nước tiểu có thể đi từ bàng quang ra ngoài một cách thuận lợi.

cách điều trị bệnh hẹp niệu đạo
Phẫu thuật xẻ niệu đạo bằng laser và dao lạnh có hiệu quả với trường hợp niệu đạo bị hẹp một đoạn ngắn

Nong niệu đạo, đặt sonde niệu đạo

Trong trường hợp bí tiểu, bắt buộc phải cấp cứu để tránh biến chứng vỡ bàng quang. Nong niệu đạo, đặt sonde niệu đạo sẽ được thực hiện để loại bỏ nước tiểu ra bên ngoài. Trường hợp không thể thực hiện 2 kỹ thuật này, bắt buộc phải mở thông bàng quang.

Phòng ngừa

Hẹp niệu đạo là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khó tiểu, tiểu yếu ở nam giới. Do niệu đạo có kích thước rất nhỏ nên can thiệp ngoại khoa ở cơ quan này còn nhiều hạn chế. Vì vậy, nam giới nên chủ động phòng ngừa bệnh thông qua các biện pháp sau:

cách điều trị bệnh hẹp niệu đạo
Quan hệ an toàn là cách phòng ngừa viêm nhiễm đường tiết niệu và hẹp niệu đạo hiệu quả

  • Chủ động thăm khám chuyên khoa tiết niệu nếu có tiền sử chấn thương, viêm niệu đạo, từng mổ nội soi bàng quang, tuyến tiền liệt… để phát hiện sớm bệnh hẹp niệu đạo.
  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng biện pháp an toàn để phòng ngừa lậu và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
  • Vệ sinh vùng kín đúng cách nhằm hạn chế vi khuẩn đi ngược dòng gây viêm niệu đạo và gia tăng nguy cơ hẹp niệu đạo.
  • Phát hiện và điều trị sớm bệnh lao.
  • Đi tiểu khi có nhu cầu, ăn nhiều rau xanh, trái cây và uống đủ 2 lít nước/ ngày để phòng ngừa sỏi tiết niệu.
  • Thận trọng khi sinh hoạt, làm việc để tránh tổn thương xương chậu nói chung và niệu đạo nói riêng.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh hẹp niệu đạo?

2. Vì sao tôi bị hẹp niệu đạo?

3. Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?

4. Phương pháp điều trị nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?

5. Hẹp niệu đạo có nhất định phải phẫu thuật?

6. Chi phí phẫu thuật hẹp niệu đạo khoảng bao nhiêu? Có được BHYT hỗ trợ?

7. Phẫu thuật hẹp niệu đạo có cần lưu viện?

8. Hẹp niệu đạo có tái không? Làm sao để phòng ngừa?

Bệnh hẹp niệu đạo gây ra nhiều phiền toái cho nam giới trong cả sinh hoạt và đời sống tình dục. Ngay khi nhận thấy tình trạng tiểu khó, tia nước tiểu yếu… nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tránh để niệu đạo chít hẹp gây bí tiểu hoàn toàn .